Sign In

Thi hành án và những chuyện bi hài

12/12/2012

Cứ mỗi lần đoàn cưỡng chế tìm đến địa điểm ghe neo đậu thì vợ chồng ông C. lại… nổ máy vọt ghe đi nơi khác. Thế là đoàn cưỡng chế đành lục tục kéo nhau ra về.

Thực tiễn thi hành án dân sự đã xảy ra không ít chuyện bi hài: Cơ quan thi hành án không dám cưỡng chế bởi đương sự bị bệnh tim quá nặng; đương sự sống trên ghe, nay đây mai đó nên đoàn cưỡng chế tìm hoài không gặp…

Tháng 2-2012, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Bến Tre) đã ra quyết định thi hành án, buộc bà NTL (ngụ xã Phước Thạnh) phải bồi thường thiệt hại hoa màu và  lãi suất chậm trả cho bà HTTT, tổng cộng hơn 32 triệu đồng.

Những chuyện dở khóc dở cười

Vào cuộc, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã tổ chức xác minh điều kiện thi hành án và xác định bà L. đang đứng tên sử dụng 5.000 m2 đất trồng cây lâu năm. Do bà L. không chịu tự nguyện thi hành nên cơ quan thi hành án đã lên kế hoạch cưỡng chế.

Tuy nhiên đến nay, vụ việc này vẫn nhì nhằng giậm chân tại chỗ bởi bà L. đang bị bệnh tim rất nặng. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành e ngại rằng nếu tiến hành cưỡng chế thì sợ bà L… lên cơn đau tim mà chết nên không dám mạnh tay.

1

Một vụ khác cũng do đơn vị này giải quyết là vụ vợ chồng ông NBC phải liên đới bồi thường cho ông LCĐ gần 157 triệu đồng. Tháng 5-2011, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã ra quyết định thi hành án, sau đó xác minh điều kiện thi hành án. Theo kết quả xác minh, vợ chồng ông C. có tài sản là một chiếc ghe tải trọng 40 tấn trị giá khoảng 120 triệu đồng.

Hết thời gian tự nguyện thi hành án, vợ chồng ông C. vẫn không thực hiện việc bồi thường nên Chi cục Thi hành án quyết định cưỡng chế tài sản của họ. Khổ một nỗi chiếc ghe của vợ chồng ông C. không có điểm neo đậu cố định mà thường xuyên đi vận chuyển hàng thuê. Để cưỡng chế tài sản, cơ quan thi hành án phải lên kế hoạch phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành khác. Tuy nhiên, cứ mỗi lần đoàn cưỡng chế tìm đến địa điểm ghe neo đậu thì vợ chồng ông C. lại… nổ  máy vọt ghe đi nơi khác. Thế là đoàn cưỡng chế đành lục tục kéo nhau ra về.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã tính đến phương án ủy thác cho cơ quan thi hành án của địa phương khác. Thế nhưng chiếc ghe của vợ chồng ông C. vốn là phương tiện làm ăn, cũng là chốn trú thân nay đây mai đó nên phương án này cũng phá sản. Cho đến nay, vụ thi hành án trở nên bế tắc và Chi cục Thi hành án chưa biết phải giải quyết thế nào.

Trước đây, một cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Bắc Kạn cũng từng phải dở khóc dở cười vì một con trâu đi lạc. Chủ trâu kiện đòi trâu, lẽ ra tòa phải tuyên bị đơn trả lại trâu (tức trao quyền sở hữu) thì lại tuyên chủ trâu được quyền… sử dụng trâu.

Con trâu trên thực tế vẫn do người phải thi hành án nuôi dưỡng, trông giữ, quản lý. Vì vậy mỗi khi mùa vụ đến, người được thi hành án cần trâu cày bừa hay kéo hàng lại phải khổ sở đến… “mượn trâu”. Tất nhiên, người giữ trâu luôn tìm cách gây khó dễ không muốn cho trâu về, thế là người được thi hành án lại tìm đến kêu chấp hành viên đi… mượn giùm. Vụ việc này lừng khừng mất một thời gian dài, mãi về sau tòa ra văn bản giải thích rõ thì con trâu mới được trả về cho khổ chủ.

Có thiện chí cũng không xong

Căn nhà của ông PVX ở quận 4 (TP.HCM) bị nghiêng đè qua nhà ông NVH gây nứt, lún… nên ông H. khởi kiện. Tháng 6-2005, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã buộc ông X. phải bồi thường cho gia đình ông H. hơn 6 triệu đồng, đồng thời buộc ông X. phải tự khắc phục lại căn nhà của mình cho thẳng đứng lại, không để nghiêng gây ảnh hưởng đến nhà của ông H.

Sau bảy năm cơ quan thi hành án thuyết phục và động viên, mãi đến tháng 7-2012, gia đình ông X. mới có đơn tự nguyện xin sửa nhà theo bản án tòa tuyên. Sau đó, ông X. đã ký hợp đồng thuê “thần đèn” Cẩm Lũy (người rất nổi tiếng về di dời nhà) đến khắc phục sự cố nhà nghiêng.

Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, phía “thần đèn” thông báo chỉ có thể khắc phục được khoảng 70% độ nghiêng do bị vướng một căn nhà bên cạnh. Nếu tiếp tục thi công để đạt 100% yêu cầu thì có thể gây sụp đổ cho căn nhà đó.

Không biết làm sao hơn, Chi cục Thi hành án dân sự quận 4 đành phải làm văn bản báo cáo Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, đồng thời kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án theo thủ tục tái thẩm do phát sinh sự kiện mới.

Bị “vạ lây” vì nhiệm vụ?

Theo một bản án của TAND TP.HCM, ông NPL (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và một người khác phải trả cho bà NTKL gần 1,9 tỉ đồng. Bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân (TP.HCM) đã ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều thi hành bản án.

Ngày 23-10, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án quận Ninh Kiều đã chặn, ra quyết định tạm giữ chiếc ô tô bảy chỗ của ông L.  đang lưu thông trên đường, sau đó đưa xe về trụ sở. Ngay hôm sau, người thuê xe của ông L. đã tố cáo đến các cơ quan chức năng ở Cần Thơ về chuyện bị mất tài sản trên xe. Theo bà này, lúc đó bà đang ngồi trên xe, thấy lộn xộn nên xuống xe, để túi xách trên xe, trong đó có… 2,7 tỉ đồng tiền mặt, một dây chuyền và một lắc vàng (tổng cộng sáu cây vàng) (?).

 

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: