Sign In

Ngại cưỡng chế vì tài sản lớn hơn phần phải thi hành án

31/12/2012

Vừa qua, Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Châu Thành (Bến Tre) ra quyết định buộc bà Nguyễn Thị L. phải nộp 700.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm cho một vụ tranh chấp liên quan đến bà.

Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự (ảnh minh hoạ, không liên quan đến bài viết)

Sau khi xác minh, cơ quan THA phát hiện bà L. có căn nhà tạm trên mảnh đất hơn 100 m2. Tuy nhiên, cho đến nay việc THA vẫn chưa được thực hiện vì cơ quan THA huyện đang cân nhắc nên hay không nên kê biên bán đấu giá tài sản trên. Nếu kê biên phải kê biên diện tích đất bao nhiêu để tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành.

Tương tự, chị Nguyễn Thị H. và chồng ra tòa ly hôn và thỏa thuận chồng chị H. được sở hữu căn nhà. Ngược lại, chị H. được hưởng tiền chênh lệch tài sản là 450 triệu đồng. Người chồng đã giao cho chị 200 triệu đồng, số còn lại thì đến nay vẫn chưa giao. Tháng 10-2012, chị H. làm đơn yêu cầu cơ quan THA nhưng người chồng vẫn cố tình không trả số tiền trên. Chị H. yêu cầu cơ quan THA kê biên tài sản là căn hộ nói trên. Chấp hành viên trả lời là không thể kê biên được vì số tiền THA quá nhỏ so với giá trị căn hộ, nếu kê biên người chồng sẽ bị thiệt hại... Trước ý kiến này, dĩ nhiên là chị H. không đồng ý vì bản thân chị cũng bị thiệt hại nếu chậm THA. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa thể ngã ngũ theo hướng mà chị H. yêu cầu.

Về những bất cập trên, một chấp hành viên Cục THA dân sự TP.HCM cho biết theo quy định, chấp hành viên có thể kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải THA sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để THA (trừ trường hợp người phải THA đồng ý kê biên nhà ở để THA) cho dù tài sản đó lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải THA. Thế nhưng gặp những trường hợp như thế này đa phần chấp hành viên rất ngại kê biên để THA. Cụ thể, số tiền chênh lệch còn lại phải trả cho đương sự hay những người sở hữu chung. Hoặc tài sản đó chung với người khác thì có cần phải có sự đồng ý của đồng sở hữu hay không. Nếu không được sự đồng ý của người sở hữu chung thì có phải đưa ra tòa để phân chia hay không. Nếu kê biên gây thiệt hại cho đương sự thì giải quyết hậu quả ra sao… Đây là những vấn đề đụng chạm đến quyền lợi sát sườn các đương sự nên chấp hành viên rất đau đầu khi phải đưa ra quyết định. Bởi làm được cho bên này thì có khi lại gây thiệt cho phía bên kia. Do vậy, cần có những hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn nhằm bảo đảm được quyền lợi cho các bên thì chấp hành viên mới mạnh dạn làm tốt công việc của mình.

Nguồn tin: phapluattp.vn

Các tin đã đưa ngày: