Sign In

Trao đổi về: Hủy kết quả thi hành án

20/11/2012

Kết quả thi hành án là quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, sau khi được Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phân công tổ chức thi hành. Để có được kết quả thi hành án đạt hiệu quả, đúng pháp luật qui định, Chấp hành viên phải đầu tư rất nhiều công sức và trí tuệ, phải chịu áp lực từ nhiều phía, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, uy tín, … của bản thân và gia đình. Việc hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên, cứ tưởng không thể xẩy ra. Ấy vậy, vẫn xẩy ra. Có lẽ, đây là trường hợp hy hữu xẩy ra trong ngành Thi hành án dân sự. Vậy, vì sao phải hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên? Căn cứ vào đâu để hủy và hậu quả pháp lý xẩy ra sẽ được giải quyết thế nào?

Một vụ cưỡng chế thi hành án dân sự (ảnh minh hoạ, không liên quan đến bài viết)

Tóm tắt nội dung vụ việc
Sau khi nhận được Quyết định hủy kết quả thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, bà H (người được thi hành án) làm đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Cục Thi hành án dân sự  tỉnh K và các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Yêu cầu giải quyết giữ nguyên kết quả thi hành án và hủy bỏ Quyết định này.
Số là, Bản án số 02/2011/DSST ngày 19/7/2011 của Tòa án nhân dân huyện H, xử: Buộc bà Nh phải trả cho bà H số tiền là 872.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án theo qui định. Ngày 03/10/2011 bà H có đơn yêu cầu thi hành án như Bản án đã tuyên.
Tại Đơn yêu cầu thi hành án, bà H thông tin về tài sản của bà Nh gồm: 03 lô đất (trong đó 02 lô đã xây dựng nhà ở). Những tài sản này bà Nh đã ký hợp đồng nhưng chưa chuyển nhượng. Bà H đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự xác minh, mọi chi phí phát sinh bà H xin chịu trách nhiệm. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, gồm: Bản án nêu trên và ơn đề nghị xác nhận quyền sử dụng đất của bà Nh, được Ủy ban nhân dân thị trấn P xác nhận: “Toàn bộ tài sản quyền sử dụng đất nêu trong đơn, bà Nh đã làm thủ tục sang tên cho bà N và bà B”.
Ngày 03/10/2011 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 09/QĐ-CCTHA và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Quá trình tổ chức thi hành án
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính Phủ, qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự (gọi tắt là: Nghị định 58/2009/NĐ-CP). Chấp hành viên tiến hành xác minh lại tài sản của người phải thi hành án. Kết quả xác minh cho thấy: Bà Nh có 08 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngoài ra không còn tài sản nào khác. Bà Nh đã chuyển nhượng 08 quyền sử dụng đất cho một số người. Trong đó, có hai quyền sử dụng đất, gồm:
1. QSDĐ số AĐ 945804 mang tên bà Nh, Ủy ban nhân dân huyện H cấp ngày 05/5/2006; Thủa số 42a(9), tờ bản đồ số 02(15), diện tích 130,5m2, tọa lạc tại thôn 6, thị trấn P, huyện H;  
2. QSDĐ số Y 786885 Ủy ban nhân dân huyện H cấp ngày 14/01/2004 cho bà R và ông T, thủa số 25, tờ bản đồ số 30, diện tích 175m2, tọa lạc tại tổ dân phố 5, thị trấn P, huyện H. Bà Nh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất này của bà R và ông T theo hợp đồng chuyển nhượng số 134/CT-HĐ ngày 06/9/2007.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 89 luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã có Công văn số 235/THA ngày 12/10/2011 đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp, cung cấp thông tin về tài sản giao dịch đã đăng ký. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã cung cấp thông tin tại Công văn số 01/CV-VPĐK ngày 14/10/2011, về: Hai quyền sử dụng đất này, bà Nh đã sang nhượng cho bà N, được Ủy ban nhân dân thị trấn P chứng thực ngày 27/6/2011 và ngày 08/9/2011. Ngày 08/9/2011 Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã tiếp nhận hai hồ sơ này. Nhưng trong quá trình kiểm tra và làm thủ tục thì nhận được đơn kiến nghị của bà Nh yêu cầu dừng lại không chuyển nhượng hai hồ sơ này. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không thể tiếp tục chuyển nhượng hai quyền sử dụng đất của bà Nh và trả lại hồ sơ cho bà N theo qui định của pháp luật. Hiện tại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đăng ký thế chấp, giao dịch bảo đảm tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Tại Biên bản giải quyết thi hành án ngày 11/10/2011, bà Nh cũng thừa nhận mình đã có đơn yêu cầu các cơ quan chức năng dừng lại không thực hiện hợp đồng chuyển hai quyền sử dụng đất nói trên cho bà N.
Xét thấy, hai quyền sử dụng đất nói trên là tài sản của bà Nh, ngày 21/10/2011 Chấp hành viên ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHA, cưỡng chế kê biên tài sản của bà Nh là QSDĐ số Y 786885 UBND huyện H cấp ngày 14/01/2004, thủa số 25, tờ bản đồ số 30, diện tích 175m2, tọa lạc tại tổ dân phố 5, thị trấn P, huyện H và tài sản gắn liền với đất là nhà ở.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án
Sau khi có quyết định cưỡng chế, bà N phản đối gay gắt, cho rằng nhà, đất là của bà đã mua của bà Nh, được Ủy ban nhân dân thị trấn chứng thực, cơ quan thi hành án cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Xét thấy, tài sản bị cưỡng chế của bà Nh có tranh chấp với bà N. Chấp hành viên đã nhiều lần mời bà N đến làm việc, giải thích, hướng dẫn cho bà N biết để bảo vệ quyền lợi của mình theo qui định của pháp luật. Tại công văn số 258/CV-CCTHA ngày 04/11/2011. Theo qui định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên yêu cầu bà Nh và bà N thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chấp hành viên yêu cầu, mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để thi hành án theo qui định của luật Thi hành án dân sự.
Theo đơn kiến nghị của bà N, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh K, có Công văn số 403/CV-CSĐT(PC45) ngày 10/11/2011 gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện H và các cơ quan chức năng ở tỉnh K và huyện H, đề nghị phối hợp xử lý tranh chấp dân sự trong vụ án hình sự. Theo Công văn này, ngày 01/11/2011 Cơ quan CSĐT(PC45)-Công an tỉnh K đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Nh, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố cáo của bà N và bà B. Quá trình điều tra xác định: Trong năm 2008, bà Nh đã nhiều lần có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà N và bà B số tiền 1.722.000.000 đồng. Để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của bị can và quyền lợi hợp pháp của bị hại, cũng như đảm bảo cho quá trình điều tra, xử lý thi hành án trong vụ án hình sự. Cơ quan điều tra đã cho các bên đương sự tự nguyện, thỏa thuận khắc phục hậu quả. Bà Nh đồng ý để bà N và bà B trả nợ ngân hàng và lấy 08 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bà Nh mà trước đó bà Nh đã thế chấp ngân hàng để bán thu hồi nợ, khắc phục hậu quả. Ngày 14/4/2011 bà N và bà B đã trả nợ ngân hàng cho bà Nh số tiền 2.341.500.000 đồng. Ngày 27/6/2011 và ngày 08/9/2011 bà Nh và bà N đến Ủy ban nhân dân thị trấn P làm thủ tục chuyển nhượng 02 quyền sử dụng đất nói trên. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn P ký chứng thực và đã có hiệu lực pháp lý. Nhưng đến ngày 21/10/2011 Chi cục Thi hành án dân sự huyện H Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất số Y 786885 Ủy ban nhân dân huyện H cấp ngày 14/01/2004, thủa số 25, tờ bản đồ số 30, diện tích 175m2, tọa lạc tại tổ dân phố 5, thị trấn P, huyện H và tài sản gắn liền với đất của bà Nh để trả nợ cho bà H. Xét thấy Quyết định cưỡng chế quyền sử dụng đất nêu trên là của bà N, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại trong vụ án hình sự. Để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự trong vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum đề nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý theo qui định của pháp luật để trả lại tài sản cho người bị hại.
Để thống nhất hướng giải quyết việc thi hành án của bà Nh và bà H, ngày 14/11/2911 tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện H, họp liên ngành, gồm Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. Tại cuộc họp các ngành chức năng đã thống nhất: Chi cục Thi hành án dân sự huyện H tiếp tục xử lý hồ sơ theo qui định. Hướng dẫn cho các bên đương sự thỏa thuận giải quyết với nhau hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi theo qui định. Nếu các bên không khởi kiện, xử lý tài sản theo qui định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo thi hành Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 21/11/2011 Chi cục Thi hành án dân sự huyện H nhận được Công văn số 106/CV-VKS ngày 18/11/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K, đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện H hủy bỏ quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất của bà Nh, để giải tỏa cho bà N làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Ngày 22/11/2011 tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện H, diễn ra cuộc họp liên ngành để một lần nữa thống nhất giải quyết việc thi hành án. Cuộc họp lần này, ngoài ba ngành (Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Chi cục Thi hành án dân sự huyện) còn có thêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn và bà N tham dự. Tại cuộc họp, Sau khi nghe Chấp hành viên báo cáo quá trình tổ chức thi hành án, bà N không đồng ý thỏa thuận với bà N và bà H, không khởi kiện ra Tòa án theo hướng dẫn của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. Giữ nguyên quan điểm: Chi cục Thi hành án dân sự cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà N và yêu cầu giải tỏa kê biên để bà N tiếp tục làm thủ tục chuyển nhượng.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện có ý kiến: Với vai trò là cơ quan kiểm sát thi hành án, Viện Kiểm sát nhân dân thấy: Sau khi án có hiệu lực và bà H có đơn yêu cầu, chi cục Thi hành án dân sự đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bà Nh và xác định bà Nh có điều kiện thi hành án là 01 lô đất ở 126 Trần Phú. Căn cứ vào Điều 692 Bộ luật Dân sự, Điều 48 luật Đất đai và Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì lô đất trên vẫn thuộc quyền sỡ hữu của bà Nh. Do đó cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định kê biên là đúng qui định của pháp luật.
Hơn nữa cần phải xem xét giấy cam kết ngày 20/6/2011 giữa bà Nh và bà N. Vì trong giấy cam kết đứng tên bà Nh, nhưng không có chữ ký của bà Nh. Do đó, căn cứ vào giấy cam kết này để làm thủ tục chuyển nhượng là không hợp pháp.
Tuy nhiên, quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân là thống nhất với thi hành án hướng cho các bên thỏa thuận. Kể từ thời điểm nhận được Công văn số 106/CV-VKS ngày 18/11/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K, thì Viện Kiểm sát nhân dân huyện H sẽ không tham gia vào quá trình thi hành án nữa.
Cuối cùng, cuộc họp đi đến kết luận: Chi cục Thi hành án dân sự tiếp tục giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục pháp luật qui định.
Ngày 31/11/2011 bà N khiếu nại Quyết định cưỡng chế số 01/QĐ-CCTHA ngày 21/10/2011 của Chấp hành viên, cho rằng không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho bà N. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 286/QĐ-CCTHA ngày 28/11/2011 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. Không chấp nhận đơn khiếu nại của bà N, giữ nguyên quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên.
Không nhất trí với Quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng, ngày 05/12/2011 bà N khiếu nại lên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 35/QĐ-CTHA ngày 17/01/2012, Cục trưởng cục Thi hành án dân sự quyết định: Không chấp nhận toàn bộ đơn khiếu nại của bà N. Giữ nguyên Quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng.
Tiếp đến, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K có Công văn số 09/CV-VKS ngày 15/12/2011. Công văn có đoạn viết: Sau khi nghe Viện Kiểm sát nhân dân huyện H báo cáo, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thấy rằng: Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện H cưỡng chế, kê biên lô đất nêu trên của bà Nh, để đảm bảo Thi hành án dân sự là có căn cứ và đúng pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K đề nghị tạm dừng việc xử lý tài sản lô đất đã kê biên, để chờ kết quả xét xử vụ án hình sự.
Sau đó, bà H (người được thi hành án) có đơn đề nghị hoãn thi hành án để chờ kết quả xét xử của vụ án hình sự. Theo đề nghị của Chấp hành viên, ngày 16/4/2012 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ra quyết định hoãn thi hành án số 05/QĐ-CCTHA, kể từ ngày 16/4/2012 cho đến khi điều kiện hoãn không còn.
Bà Nh bị khởi tố, điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 13/02/2012 và xét xử phúc thẩm vào ngày 26/4/2012. Tại hai bản án của hai cấp Tòa án, bà Nh và bà N thống nhất đã bồi thường xong không yêu cầu Tòa án giải quyết về vấn đề bồi thường, do đó Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm dân sự.
Dẫn đến hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên
Sau khi vụ án hình sự đã được đưa ra xét xử và án đã có hiệu lực pháp luật, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự ra Quyết định tiếp tục thi hành án số 07/QĐ-CCTHA ngày 14/6/2012. Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp, có những quan điểm và ý kiến khác nhau. Vì thế, Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã có Công văn số 128/CV-CCTHA ngày 03/7/2012 xin hướng dẫn nghiệp vụ.
Tại công văn số 357/CTHA-NV ngày 26/7/2012 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh K, V/v hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án. Có đoạn: “Căn cứ thủ tục yêu cầu thi hành án của bà H thì thấy rằng: Bà H đã gửi đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung đầy đủ theo đúng qui định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, thông tin về tài sản do bà H cung cấp chưa được làm rõ, tình trạng tài sản đã được Ủy ban nhân dân thị trấn xác nhận “đã làm thủ tục sang tên…” nên chưa có cơ sở khẳng định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của bà H hay của người khác. Mặt khác, đơn yêu cầu thi hành án của bà H có đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện H tiến hành xác minh nhưng bà H không xuất trình được các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc bà H đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản nhưng không có kết quả. Đây là qui trình, thủ tục yêu cầu thi hành án thực hiện không đúng qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. …”. Ý kiến kết luận, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Cục Thi hành án dân sự":
Quy trình, thủ tục yêu cầu thi hành án vi phạm qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Vì vậy, mọi hành vi tổ chức thi hành án của Chấp hành viên kể từ ngày 03/10/2011 về sau không có giá trị pháp lý.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn ra quyết định hủy toàn bộ kết quả thi hành án kể từ ngày 03/10/2011 về sau này.
Yêu cầu bà H bổ sung các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc bà H đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản nhưng không có kết quả. Tùy thuộc vào kết quả do bà H bổ sung để có hướng xử lý tiếp theo.
Chấp hành sự chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, ngày 15/8/2012 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H ra quyết định hủy kết quả thi hành án số 168/QĐ-CCTHA. Hủy toàn bộ kết quả thi hành án của Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện H đã tổ chức thi hành theo Quyết định thi hành án số 09/QĐ-CCTHA ngày 03/10/2011. Yêu cầu bà H bổ sung các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc bà H đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản mà bà đã cung cấp nhưng không có kết quả để tiếp tục tổ chức thi hành án.
Nhận được quyết định hủy kết quả thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, ngày 24/8/2012 bà H đã làm đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Cục Thi hành án dân sự tỉnh K; các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà H, có hai quan điểm khác nhau về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà H.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Đơn yêu cầu thi hành án của bà H có đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện H tiến hành xác minh, nhưng bà H không xuất trình được các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc bà H đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản nhưng không có kết quả. Nhưng Chấp hành viên vẫn tiến hành xác minh, là “cầm đèn chạy trước ô tô”. Thực hiện không đúng qui trình, thủ tục qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. …”. Vì thế, không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của bà H. Giữ nguyên Quyết định hủy kết quả thi hành án số 168/QĐ-CCTHA ngày 15/8/2012 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H.
Trái ngược với quan điểm thứ nhất, quan điểm thứ hai lập luận: Theo quan điểm thứ nhất: “đơn yêu cầu thi hành án của bà H có đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện H tiến hành xác minh, nhưng bà H không xuất trình được các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc bà H đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản nhưng không có kết quả”. Nhưng Chấp hành viên vẫn tiến hành xác minh, là vi phạm qui trình, thủ tục qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. …”. Để hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên là không thỏa đáng. Hiểu và áp dụng pháp luật như vậy chưa đúng.
Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, qui định về xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.
Hai điều luật này, không có đoạn văn nào qui định: Nếu người được thi hành án không yêu cầu xác minh hoặc có yêu cầu nhưng không xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Mà Chấp hành viên vẫn tiến hành xác minh, thì kết quả thi hành án không được công nhận và bị hủy bỏ.
Ở đây, trong đơn yêu cầu thi hành án, bà H đã thông tin về tài sản, kèm theo đơn yêu cầu thi hành án có Đơn đề nghị xác nhận quyền sử dụng đất của bà Nh, được UBND thị trấn P xác nhận: “Toàn bộ tài sản QSDĐ nêu trong đơn, bà Nh đã làm thủ tục sang tên cho bà N và bà B”. Đây là văn bản xác minh của bà H, xác minh về tài sản của bà Nh, được cấp có thẩm quyền xác nhận. Văn bản này của bà H phù hợp qui định tại Điều 44 Luật Thi hành án án dân sự và Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP. Để làm rõ hơn về quyền sở hữu, sử dụng tài sản của bà Nh, Chấp hành viên tiến hành xác minh lại tài sản của người phải thi hành án theo qui định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định  58/2009/NĐ-CP, không thể cho rằng “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Hơn nữa, chưa có qui định nào hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên, pháp luật chỉ qui định: Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án, tại Điều 37 Luật Thi hành án dân sự. Vì thế, Quyết định hủy kết quả thi hành án là trái pháp luật, phải được hủy bỏ và giữ nguyên kết quả thi hành án của Chấp hành viên.
Chúng tôi thấy, dù quan điểm nào đi chăng nữa, khi giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung, về thi hành án dân sự nói riêng cũng phải căn cứ vào các qui định của pháp luật để giải quyết. Người giải quyết (hoặc tham mưu giải quyết) khiếu nại, tố cáo phải hiểu và áp dụng pháp luật chính xác. Nghiên cứu kỹ đơn khiếu nại, tố cáo để xác định chính xác người ta khiếu nại về việc gì, nội dung gì, … từ đó tiến hành giải quyết đúng trình tự, thủ tục và áp dụng pháp luật chính xác, đúng đắn để giải quyết có căn cứ, đúng pháp luật.
Trở lại vụ việc nêu trên, đơn khiếu nại của bà H khiếu nại Quyết định hủy kết quả thi hành án số 163/QĐ-CCTHA ngày 15/8/2012 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. Bà H cho rằng quyết định hủy kết quả thi hành án không đúng. Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Ở đây, Quyết định hủy kết quả thi hành án số 163/QĐ-CCTHA ngày 15/8/2012 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, bị khiếu nại bởi bà H cho rằng “không đúng”. Như vậy, cần phải làm rõ không đúng điều, khoản của văn bản pháp luật nào? Muốn vậy, phải xem kết quả thi hành án của Chấp hành viên có vi phạm pháp luật hay không? Căn cứ pháp lý để ra Quyết định hủy kết quả thi hành án.
Về kết quả thi hành án của Chấp hành viên, chúng tôi thấy, quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đã được các cơ quan chức năng khảng định là đúng pháp luật. Cụ thể, ngày 14/11/2911 và ngày 22/11/2011 tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện H, họp liên ngành để thống nhất hướng giải quyết việc thi hành án của bà Nh và bà H. Đã kết luận cơ quan Thi hành án dân sự huyện H tổ chức thi hành án đúng pháp luật.
Công văn số 09/CV-VKS ngày 15/12/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh K cũng đã khảng định: Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện H quyết định cưỡng chế, kê biên lô đất nêu trên của bà Nh, để đảm bảo thi hành án dân sự là có căn cứ và đúng pháp luật.
Tại quyết định giải quyết khiếu nại số 35/QĐ-CTHA ngày 17/01/2012, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đã nhận định: Xét thấy quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự huyện H tuân thủ đúng các qui định của pháp luật.
Lập luận của quan điểm thứ hai như nêu ở trên để khẳng định quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên là đúng pháp luật.
Do vậy, chúng tôi không có phân tích, bình luận gì thêm về kết quả thi hành án của Chấp hành viên.
Về căn cứ pháp lý để hủy kết quả thi hành án. Tại quyết định hủy kết quả thi hành án, Chi cục trưởng căn cứ khoản 1 Điều 23; Điều 37 và Điều 44 Luật Thi hành án dân sự. Điều 6 Nghị định  58/2009/NĐ-CP. Công văn số 357/CTHA-NV ngày 26/7/2012 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh K. Còn căn cứ Bản án và quyết định thi hành án.
Khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự. Ở điều luật này, không có khoản nào qui định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn: Hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên.
Điều 37 Luật Thi hành án dân sự qui định: Thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án. Điều luật này có 04 khoản, không có khoản nào qui định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn: Hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên.
Ở vụ việc này, quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên nếu có vi phạm pháp luật thì áp dụng điều luật này để giải quyết. Thực tế, quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên đã bị bà N khiếu nại. Hai cấp Thi hành án dân sự đã có quyết định giải quyết, đều khẳng định việc làm của Chấp hành viên là đúng pháp luật và không công nhận đơn khiếu nại của bà N.
Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và Điều 6 Nghị định  58/2009/NĐ-CP, qui định về xác minh điều kiện thi hành án. Chúng tôi đồng quan điểm với lập luận của quan điểm thứ hai về hiểu và áp dụng hai điều luật này. Hơn nữa, nghiên cứu các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự, chưa có văn bản nào qui định hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên.
Qua phân tích ở trên, chúng tôi thấy chưa có văn bản pháp luật nào về Thi hành án dân sự qui định hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên. Việc Chi cục trưởng chi cục Thi hành án dân sự huyện H căn cứ vào các điều luật nêu trên để hủy kết quả thi hành án của Chấp hành viên, hiểu và áp dụng pháp luật như vậy là chưa phù hợp. Quyết định hủy kết quả thi hành án số 168/QĐ-CCTHA ngày 24/8/2012 của Chi cục trưởng chi cục Thi hành án dân sự huyện H là trái qui định của pháp luật, cần được hủy bỏ, giữ nguyên kết quả thi hành án của Chấp hành viên và Chi cục Thi hành án dân sự huyện H tiếp tục tổ chức thi hành án theo qui định của pháp luật.
Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành hơn bốn năm. Ngần ấy thời gian, đủ cho thấy Luật Thi hành án dân sự có nhiều điều luật khi áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc, khó khăn. Nhiều điều luật không rõ ràng, cụ thể, dứt khoát dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây nhiều tranh cải, ... Khi áp dụng pháp luật Thi hành án dân sự vào thực tiễn như khi giải quyết vụ việc nêu trên là một
Nhằm hiểu và áp dụng pháp luật thi hành án dân sự được thống nhất, giải quyết vụ việc có hiệu quả, đúng pháp luật. Qua vụ việc này chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận của các đồng nghiệp và độc giả. Để vụ việc được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự theo pháp luật qui định./.

Nguồn tin: moj.gov.vn

Các tin đã đưa ngày: