Giả mạo hàng loạt
Theo tố cáo của ông Mai Geogre Huu, ở số 211 Phan Đăng Lưu, phường Phú Hòa và ông Mai Văn Hiệp, ở tổ 15, phường Hương Long (TP Huế), ngôi nhà và đất 1.057 m2 số 25 Cao Bá Quát (TP Huế) đang chờ thi hành án hiện bà Hoàng Thị Liễu sử dụng. Nhưng đây là nhà của bà Dương Thị Thưởng (em) là vợ ông Mai Geogre Huu, bị bà Liễu mua bán trái phép và Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tuyên trả lại cho bà Thưởng (em).
Tuy nhiên, bản án dù có hiệu lực từ tháng 9/2009 và ngày 26/3/2010, Cục Thi hành án (CTHA) tỉnh Thừa Thiên - Huế ra Quyết định số 58/QĐ-THA nhưng cho đến nay (tháng 7/2012) vẫn chưa tổ chức bàn giao nhà cho bà Dương Thị Thưởng (em).
Dù chưa được bàn giao nhà nhưng qua môi giới, bà Thưởng (em) đã bán cho ông Mai Văn Hiệp và ngày 2/12/2010 được UBND TP. Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Mai Văn Hiệp (Giấy CNQSDĐ số BA 365864). Ngày 3/12/2010, ngôi nhà này đã được chấp tại Eximbank Huế để vay 4,5 tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo của ông Mai và ông Hiệp, quá trình làm sổ đỏ ngôi nhà này có dấu hiệu giả mạo. Cụ thể, ông Cao Thu- Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp khi đó xác nhận là “đã thi hành án”, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng nhà đất TP.Huế lập hồ sơ thẩm định, đo đạc và cấp sổ đỏ. Bất thường nữa là ngày 1/4/2010, dù ngôi nhà 25 Cao Bá Quát chưa có sổ đỏ nhưng Phòng Công chứng số 2 vẫn công chứng cho Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng giữa bà Thưởng (em) và ông Hiệp (số 781 quyển số 01 TP/CC- SCC/HĐGD ngày 1/4/2010).
Nghiêm trọng hơn, sổ đỏ nhận ngày 3/12/2010 nhưng Eximbank Huế lại lập hồ sơ thẩm định tài sản trước đó 1 ngày (2/12/2010) với giá trị 6.433.000.000 đồng nhưng việc thẩm định này, vợ chồng bà Thưởng (em) và ông Hiệp khẳng định “không hề hay biết”.
Giải ngân chớp nhoáng
Chưa dừng lại đó, Eximbank Huế lập hồ sơ chấp nhận món vay này rất nhanh, chỉ trong 1 buổi chiều. Đồng thời, trong hồ sơ vay vốn, khế ước nhận nợ, ủy nhiệm chi… dù không có ủy quyền nhưng Eximbank Huế vẫn ghi tên người nhận tiền là VVT, trong khi ông này chỉ là môi giới.
Và ngay trong chiều ngày 3/12/2010, Eximbank Huếchuyển khoản 4,5 tỷ đồng cho ông VVT, còn ông Mai Văn Hiệp, người đứng tên thế chấp vay lại không nhận được đồng nào.
Ông Hiệp cho biết: “Tôi không hề có họ hàng hay quen biết với ông T. Cuối giờ chiều ngày 3/12/2012, cán bộ tín dụng Eximbank Huế đưa ra một xấp hồ sơ và hối thúc tôi ký cho nhanh kẻo hết giờ vì vậy chỉ đâu tôi ký đó. Bây giờ xem lại hồ sơ tôi thấy giả mạo hàng loạt”.
Ông Hiệp cho rằng, nếu hồ sơ vay vốn có 3 bên (Mai Văn Hiệp – VVT - Eximbank Huế) phải có văn bản thỏa thuận 3 bên nhưng trong các loại giấy tờ chỉ có chữ ký 2 bên là Mai Văn Hiệp và Eximbank Huế. Ngoài ra, Biên bản thẩm định giá ngày 30/11/2010, Giấy đề nghị vay ngày 28/11/2010; Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp… mà theo ông Hiệp khẳng định không biết có từ lúc nào(?).
Eximbank Huế kêu bị lừa
Giải thích về việc cho vay vốn bất thường này, bà Nguyễn Lê Uyên Phương, cán bộ tín dụng Eximbank Huế - cho biết: “Tôi không biết đất tranh chấp, vì phòng công chứng, UBND phường Phú Hiệp xác định đất không tranh chấp và UBND TP. Huế cấp sổ đỏ nên chúng tôi mới làm hồ sơ vay vốn.”. Còn ông Trần Xuân Lãng - Giám đốc Eximbank Huế - nói: “Thật sự chúng tôi bị lừa. Chúng tôi không nắm rõ hồ sơ của số nhà 25 Cao Bá Quát. Chúng tôi chưa bao giờ bị lừa thế này”.
Sai phạm trong vụ việc này đang được các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế làm rõ. Tuy nhiên, đến nay, Eximbank Huế vẫn không thể lý giải được là tại sao ngôi nhà số 25 Cao Bá Quát chưa được chuyển giao cho bà Dương Thị Thưởng (em) và CTHA đã gửi công văn đến các cơ quan, ban, ngành liên quan tạm dừng mọi giao dịch, nhưng ngân hàng vẫn cho vay? Tại sao Eximbank Huế lại chuyển tiền cho người không đứng tên vay vốn, không có tài sản thế chấp… Phải chăng có tiêu cực trong khoản vay này?
Ông Hiệp khẳng định, nhiều loại giấy tờ như Biên bản thẩm định giá ngày 30/11/2010, Giấy đề nghị vay ngày 28/11/2010, Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản thế chấp… mà ông không biết có từ lúc nào(?)