Cách đây 73 năm, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, theo Sắc lệnh, Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên quy định riêng thẩm quyền và thể thức thi hành bản án, đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Hoạt động thi hành án dân sự đã trở thành một bộ phận cấu thành của lĩnh vực tư pháp của nước Việt Nam mới.
Sau Hiến pháp 1959, năm 1960, Luật Tổ chức Toà án nhân dân được ban hành, quy định: “Tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án, quyết định hình sự”. Ngày 14/11/1974, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định thành lập Phòng chỉ đạo thi hành án hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án của Chấp hành viên tại Tòa án nhân dân các cấp; xây dựng các văn bản chỉ đạo chung về thi hành án.
Ngày 18/12/1980, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ hoà bình, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng khi đất nước ta chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Theo Hiến pháp, Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ghi nhận nguyên tắc “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành”. Cụ thể quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân tối cao quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý Toà án địa phương, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Ngày 18/7/1982, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên ngành số 472/TTLN quy định tổ chức và hoạt động về thi hành án dân sự, theo đó tại các Toà án nhân dân cấp tỉnh có Phòng Thi hành án nằm trong cơ cấu bộ máy và biên chế của Toà án để giúp Chánh án chỉ đạo công tác thi hành án; tại các Toà án cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác thi hành án dưới sự chỉ đạo của Chánh án.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày 28/8/1989, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự, đánh dấu bước thay đổi trong tổ chức và hoạt động về thi hành án dân sự, xác định thi hành án dân sự là một giai đoạn tiếp theo trong hoạt động xét xử, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới và cải cách bộ máy nhà nước được tổ chức thực hiện. Hiến pháp năm 1992 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua đã đặt ra nguyên tắc, nền tảng cho quá trình cải cách tư pháp, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Hiến pháp 1992 tiếp tục ghi nhận nguyên tắc thi hành và tôn trọng các bản án, quyết định của tòa án; tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa IX, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 266-TTg ngày 02/6/1993 về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác thi hành án dân sự, đánh dấu bước ngoặt lịch sử về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Mô hình tổ chức về thi hành án dân sự được thay đổi căn bản theo Nghị định số 30/CP ngày 02/6/1993 của Chính phủ. Theo Nghị định này, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự gồm có Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp; các Phòng Thi hành án cấp quân khu và tương đương, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự.
Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", đề ra các chủ trương lớn, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách tư pháp. Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 với nhiều đổi mới quan trọng về thi hành án dân sự, trong đó có cả đổi mới về tổ chức, cán bộ các cơ quan Thi hành án dân sự và trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Theo Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ, Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự có Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện, đây là bước tiến mới về tổ chức thi hành án dân sự.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư pháp, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Thể chế hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị, để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008; tiếp theo đó, ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện, với một vị thế mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao và phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp. Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự gồm: Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, mô hình tổ chức này là bước phát triển và hoàn thiện Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự ngày nay. Do vậy, công tác thi hành án dân sự trong cả nước đã có nhiều chuyển biến mới. Hoạt động về quản lý tổ chức, bộ máy và quản lý đội ngũ công chức đã có chiều sâu, số lượng, chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn của công chức có sự chuyển biến mạnh mẽ, các chế độ chính sách đối với công chức, người lao động được quan tâm thực hiện; công tác thi hành án dân sự luôn đạt được kết quả cao, giảm thiểu số lượng án còn tồn đọng trong nhiều năm trước.
Thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Hiến pháp năm 2013, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015; Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 17/7/2015, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Để ghi nhận bề dày truyền thống, sự lớn mạnh, trưởng thành của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, ngày 05/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg công nhận ngày 19 tháng 7 hàng năm là
Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự. Quyết định công nhận Ngày truyền thống Thi hành án dân sự của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các cơ quan thi hành án dân sự và mỗi công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác thi hành án dân sự nói riêng và ngành Tư pháp nước nhà nói chung, đó chính là nguồn động viên vô giá đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự. Đáp lại sự quan tâm đó, đội ngũ người làm công tác thi hành án dân sự sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi để cùng nhau xây dựng Hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay.
Theo Văn phòng Cục