Sign In

Thực trạng thi hành án tín dụng, ngân hàng từ thực tiễn tại Chi cục THADS thành phố Rạch Giá

05/07/2021

Trước tình hình kinh tế trong nước và tại địa bàn thành phố Rạch Giá tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 hiện nay thì tốc độ phục hồi kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, ngư trường đánh bắt cạn kiệt, trước đây từng là thế mạnh của tỉnh, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại thành phố Rạch Giá tăng lên. Trong bối cảnh đó, hoạt động của cơ quan THADS cũng có vai trò quan trọng đối với việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo số liệu thống kê của đơn vị, trong những năm qua các vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng (TDNH) tăng nhanh về việc và về tiền (chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, phải thi hành 124 việc, tương ứng số tiền 323 tỷ 042 triệu đồng, chiếm gần 53% tổng giá trị phải thi hành). Việc phải tổ chức thi hành án để thu hồi số tiền có giá trị rất lớn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng tạo ra áp lực lớn cho tập thể Lãnh đạo đơn vị nói chung và các Chấp hành viên nói riêng, đặt trong bối cảnh chỉ tiêu biên chế tiếp tục bị cắt giảm theo lộ trình, tình hình dịch bệnh Covid 19, thời tiết bất thường….
1. Thực trạng thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa bàn
Trong những năm qua, hệ thống các quy định pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan ngày càng được quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Nhờ đó, kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục, Cục THADS tỉnh giao. 09 tháng đầu năm 2021, Chi cục đã thi hành xong 10 việc, thu được số tiền là 22 tỷ 011 triệu 531 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 12,5% về việc, 9,78% về tiền trên số có điều kiện thi hành), tăng hơn 300% về giá trị thi hành xong so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi cũng xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng như: Số lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng cao, có giá trị lớn; một số quy định pháp luật còn chồng chéo; việc bán đấu giá tài sản không thành khá nhiều dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài; ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức chưa cao; công tác phối hợp trong thi hành án chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, số vụ việc xử lý tài sản bảo đảm nhưng không thu đủ số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng còn nhiều, tài sản nằm ở nhiều nơi (đặc thù tại địa bàn TP. Rạch Giá hiện nay tài sản bảo đảm là tàu đánh cá, đương sự cố tình để tàu ngoài biển không cho tàu cập bến để cơ quan THADS kê biên, xử lý theo quy định); chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ pháp luật về thi hành án, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về doanh nghiệp…
Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan THADS cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến công tác xét xử của Tòa án
Đa số các trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử, chỉ căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án. Ví dụ: Khi tổ chức tín dụng nhận tài sản thế chấp là động sản (Ô tô, tàu đánh cá…) chỉ giữ giấy tờ, không giữ tài sản, không thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản, dẫn đến bên có tài sản đã cất giấu, tẩu tán tài sản. Khi xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn thi hành án cơ quan THADS gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản do không truy tìm được tài sản hoặc chậm có kết quả xác minh tài sản. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, Chi cục THADS thành phố Rạch Giá đang phải thi hành án TDNH có tài sản bảo đảm là các tàu đánh cá, khó khăn nhất hiện nay của đơn vị là đương sự cố tình để tàu ngoài biển, che giấu không đem về cảng trong nội thủy để cơ quan THADS kê biên, xử lý theo quy định.
Thứ hai, việc hoãn thi hành án trong trường hợp Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan để tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành tuyên kê biên, xử lý để đảm bảo thu hồi khoản nợ cho tổ chức tín dụng
Việc xử lý tài sản bảo đảm được các cơ quan THADS thực hiện theo đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, để kéo dài và trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, nhiều đương sự khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản thế chấp và yêu cầu cơ quan THADS hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS, làm cho việc thi hành án bị kéo dài.
Ví dụ: Bản án số 53/2019/DSST ngày 18/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá buộc bà Lâm Ngọc Diễm và ông Nguyễn Thanh Vũ phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long số tiền nợ gốc và lãi là 7.613.889.658 đồng, nếu ông Vũ, bà Diễm không trả được nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Chi cục THADS thành phố Rạch Giá phát mãi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất diện tích 456,76m2 tại lô L5-08+09 Phan Thị Ràng, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang do UBND thành phố Rạch Giá cấp ngày 01/4/2016 do bà Lâm Ngọc Diễm đứng tên sở hữu.
Trên thực tế, tài sản thế chấp là tài sản của của bà Diễm, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, bà Diễm cung cấp hồ sơ tranh chấp tài sản giữa bà với cha bà được Tòa án nhân dân thành phố thụ lý, dẫn đến Chi cục phải hoãn thi hành án. Trên thực tế, việc Tòa án giải quyết các tranh chấp đó cũng không làm thay đổi kết quả xét xử của các bản án (liên quan đến xử lý tài sản thế chấp) đang có hiệu lực thi hành án. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án, nếu cơ quan THADS không ban hành quyết định hoãn thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS sẽ đối diện với khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp. Khó khăn trên cũng xuất phát từ việc pháp luật THADS chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành án hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này.
Thứ ba, về việc thẩm định tài sản cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản định giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thật tại thời điểm thi hành án), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (đo vẽ, xác định vị trí tài sản, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua,...); kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc. Điển hình, có vụ việc Chấp hành viên phải tổ chức thi hành án có giá trị hơn 14 tỷ đồng, tài sản thế chấp bảo đảm là 04 tàu đánh cá, khi thẩm định cho vay, Ngân hàng định giá mỗi chiếc tàu hơn 5 tỷ đồng, nhưng đến khi cơ quan THADS kê biên, thẩm định, giá trị còn lại chưa được bằng nữa so với giá trị ban đầu và rất khó khăn trong việc bán tài sản do hiện nay ngư trường đánh bắt đã cạn kiệt, không có người mua tài sản.
Thứ tư, về thanh toán khoản thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm
Khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sẽ phát sinh các nghĩa vụ về thuế. Liên quan vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 5477/BTC-TCT ngày 14/5/2019 hướng dẫn về thu thuế theo Nghị quyết 42, theo đó “TCTD thỏa thuận đối với các bên liên quan về cách thức thanh toán các khoản thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong quá trình xử lý TSBĐ theo nội dung Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ”. Trong trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho TCTD, TCTD cũng không đồng ý việc nộp thuế, dẫn đến hiệu quả từ việc bán tài sản thi hành án để thu hồi nợ giảm sút; nếu ngân hàng phải nộp thuế làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm.
2. Giải pháp và đề xuất, kiến nghị
- Đối với Lãnh đạo Chi cục THADS: Tiếp tục bám sát Kế hoạch số số 19/KH-CTHADS ngày 07/01/2021 của Tổ chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang, chỉ đạo Chấp hành viên bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS, Cục THADS tỉnh (Tổ chỉ đạo) để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm các vụ việc.
- Đối với các Chấp hành viên: Để từng hồ sơ thi hành án tín dụng, ngân hàng giải quyết triệt để chặt chẽ, Chấp hành viên cần phải nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật; xây dựng Kế hoạch chi tiết từ xác minh điều kiện thi hành án, kê biên tài sản bảo đảm, đến việc lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,…Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trong việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm đảm bảo hiệu quả. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo giải quyết.
- Đối với Cục THADS tỉnh: Chi cục THADS đề nghị Cục THADS tiếp tục phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam tại Kiên Giang, Lãnh đạo các Ngân hàng lớn để tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thi hành án liên quan đến TDNH tại địa bàn có lượng án TDNH lớn, khó khăn, vướng mắc khi cần thiết để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ cùng đơn vị.
+ Đề nghị Cục THADS tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo hướng dẫn cơ quan THADS giải quyết kịp thời, đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật như: Xây dựng quy chế phối hợp bổ sung mới các cơ quan liên quan đến việc xử lý tài sản là các tàu đánh cá; rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế liên ngành số 823/QCPH/UBND-TAND-THA ngày 31/3/2020 những điểm chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thi hành…
+ Đề nghị Cục THADS kiến nghị Tổng cục THADS tham mưu Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 về quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, cho phép phân loại án chưa điều kiện thi hành án đối với các trường hợp không xác định được tài sản bảm đảm thi hành án (như không xác định được vị trí đất, tàu cá, xe ôtô…) và trao đổi, thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đối với những trường hợp pháp luật quy định chưa rõ, còn nhiều quan điểm áp dụng khác nhau.
- Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng: Phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan THADS trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan THADS và Chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án. Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi suất để có hướng giải quyết xong vụ việc./.
                                                                         Lê Hoàng Thịnh
Chi cục THADS Tp. Rạch Giá

Các tin đã đưa ngày: