Ngày 15.8 tới đây, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Trước phiên chất vấn, Chính phủ đã có báo cáo số 367/BC-CP về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp 4 thuộc lĩnh vực tư pháp. Báo cáo này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng ký gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại báo cáo, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, so với năm 2021, năm 2022 số việc thi hành án chuyển kỳ sau tuy đã giảm (giảm 27.173 việc) nhưng vẫn còn cao. Số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều.
Theo bộ trưởng, vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công tác ra quyết định thi hành án (thu hồi, hủy bỏ 376 quyết định/547.121 quyết định, chiếm tỉ lệ 0,07%, bằng với năm 2021); xác minh điều kiện thi hành án; phân loại án; xử lý tài sản thi hành án...
Qua sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2023, kết quả thi hành các vụ việc tín dụng ngân hàng đạt thấp so với cùng kỳ (giảm 2,35% về số vụ việc; giảm 2,61 % về tiền), trong khi các việc loại này chiếm đến 41,45% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc.
Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vẫn nhiều, kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền chưa đạt chỉ tiêu, còn có vụ việc để quá thời hạn giải quyết.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do số lượng bản án, quyết định hành chính mới phát sinh trong năm 2021, năm 2022 tăng mạnh do Toà án tăng cường xét xử sau dịch COVID-19, nên còn 539 việc chuyển sang năm 2023.
Một số Chủ tịch UBND các cấp chưa đề cao trách nhiệm, chưa gương mẫu trong việc chấp hành bản án hành chính; chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý.
Ngoài ra, còn trường hợp không giải quyết hoặc không thông báo kết quả giải quyết đối với kiến nghị về thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công tác nghiệp vụ thi hành án còn chậm, đặc biệt là việc sử dụng, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, tích hợp triển khai trực tuyến dịch vụ công quốc gia.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ hiệu quả còn chưa cao.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, đặc biệt là tại các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành.
Thực hiện nghiêm việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Tòa án. Có giải pháp thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2018 đến nay chưa thi hành xong.
Theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án.
Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy dân chủ và sức mạnh tập thể. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các chức danh, vị trí việc làm.
Tăng cường phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; phối hợp chặt chẽ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.