Thời gian vừa qua, các quy định của pháp luật đã có tác động tích cực trong việc xử lý nợ xấu thông qua hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, chính sách vẫn tồn tại những “điểm mù” và vẫn cần phải hoàn thiện để của hoạt động xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và việc thu hồi nợ xấu thông qua hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, đòi hỏi sự vào cuộc, phối kết hợp kịp thời, đồng bộ, nhất quán của cả hệ thống chính trị.
Hiện nay, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đang có những điểm mâu thuẫn với quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, cần nghiên cứu, xem xét trong quá trình luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cụ thể là:
Thứ nhất, Điều 191 Dự thảo Luật các TCTD với Điều 90 Luật THADS
Điều 90 Luật THADS quy định xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố thế chấp, thế chấp (người nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án):
“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.
2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”
Điều 191 Dự thảo Luật Các TCTD quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.”
Như vậy, Điều 191 của Dự thảo Luật Các TCTD đang mâu thuẫn với Điều 90 của Luật THADS về quyền xử lý tài sản bảo đảm của người phải thi hành án đang bảo đảm tại các tổ chức tín dụng.
Quan điểm của tác giả trong trường hợp này: Cơ bản thống nhất với nội dung, sự cần thiết phải sửa đổi quy định theo Điều 191 của Dự thảo Luật Các TCTD. Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn đối với nhưng trường hợp trước đây cơ quan THADS đã kê biên xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THADS thì tiếp tục xử lý theo quy định hay áp dụng Điều 191 Dự thảo Luật Các TCTD thu hồi quyết định kê biên, trả lại tài sản cho bên nhận cầm cố, thế chấp. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để quy định phù hợp trách chồng chéo.
Thứ hai, Điều 192 Dự thảo Luật Các TCTD với khoản 3 Điều 47; khoản 2 Điều 90 Luật THADS.
Khoản 3 Điều 47 Luật THADS quy định:“3. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này.”
Khoản 2 Điều 90 Luật THADS quy định: “2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”
Tuy nhiên, Điều 192 Dự thảo Luật Các TCTD đang quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, đưa ra 2 phương án lựa chọn:
Phương án 1:
Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Phương án 2:
Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ án phí, thuế (trừ các khoản án phí trực tiếp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm đó, thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.
Như vậy, Luật THADS quy định thứ tự thanh toán tiền khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (bên nhận cầm cố, thế chấp có thể là người được thi hành án, có thể là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) thì thứ tự thanh toán là: Án phí của bản án, quyết định đó - chi phí cưỡng chế của bản án, quyết định đó - khoản tiền hỗ trợ thuê nhà (1 năm) quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS - thanh toán cho bên nhận cầm cố thế chấp, cụ thể là:
* Thứ tự thanh toán tiền khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Luật THADS: Án phí của vụ việc đó – chi phí xử lý tài sản bảo đảm - tiền hỗ trợ thuê nhà ở (trong trường hợp bán tài sản là nhà ở duy nhất) – tiếp theo mới thanh toán cho nghĩa vụ có bảo đảm của các TCTD – và cuối cùng thanh toán cho các nghĩa vụ khác.
* Thứ tự thanh toán tiền khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng:
Phương án 1: Chi phí xử lý tài sản bảo đảm - nghĩa vụ có bảo đảm (TCTD) – khoản thuế liên quan đến chuyển quyền - án phí của vụ việc đó - và cuối cùng thanh toán cho các nghĩa vụ khác.
Phương án 2: Khoản thuế liên quan đến chuyển quyền - án phí của vụ việc đó - Chi phí xử lý tài sản bảo đảm - nghĩa vụ có bảo đảm (TCTD) - và cuối cùng thanh toán cho các nghĩa vụ khác.
Tại Điều 192 của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dung, tác giả nhận thấy cần lựa chọn Phương án 2 tuy nhiên cần sửa đổi như sau: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thanh toán theo thứ tự như sau: Khoản án phí, chi phí xử lý tài sản của vụ việc này, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, nghĩa vụ được bảm đảm trước khi thanh toán cho các nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm””, vì các lý do sau:
- Đối với việc ưu tiên thu án phí khi xử lý tài sản bảo đảm của người phải thi hành án (của chính vụ việc đó): Về bản chất án phí trong tố tụng dân sự là khoản tiền mà đương sự phải nộp cho Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm bù đắp một phần chi phí tố tụng mà Nhà nước phải bỏ ra để giải quyết vụ án theo yêu cầu của đương sự và được thể hiện trong bản án, quyết định của Tòa án. Tuy chỉ là khoản bù đắp một phần cho hoạt động tố tụng dân sự nhưng số tiền đương sự phải bỏ ra để đóng án phí vẫn có thể rất lớn, đặc biệt trong những vụ án có giá ngạch; đồng thời nó cũng giúp giảm bớt áp lực công việc cho Tòa án khỏi phải giải quyết những vụ kiện vô căn cứ không cần thiết. Từ đây, án phí trong tố tụng dân sự góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước nói chung và hoạt động xét xử nói riêng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật với người dân khi để xảy ra các tranh chấp phải giải quyết bằng còn đường Tòa án. Do đó, cần thiết phải được ưu tiên thu án phí để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Trong hoạt động THADS, tổng số việc phải thi hành án cho các TCTD rất lớn (năm 2022 là 37.058 việc, tương đương với 37.058 việc thu án phí trong các bản án, quyết định này), giải quyết xong việc án phí có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác THADS. Thực tiễn đối với các vụ việc này, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án nên cơ quan THADS không thu được khoản án phí theo bản án tuyên dẫn đến việc tồn đọng án phải thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chỉ tiêu của hệ thống THADS.
Từ các phân tích trên, tác giả đề xuất số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu phải được ưu tiên thu án phí để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước và đảm bảo hiệu quả trong hoạt động tố tụng nói chung và công tác THADS nói riêng.
- Đối với khoản thuế thu nhập cá nhân: Hầu hết các trường hợp, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho TCTD nên không còn để thanh toán nghĩa vụ thuế, khi không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, việc này đã tạo tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tâm lý e ngại mua tài sản thi hành án. Hệ lụy của việc này là khi cơ quan THADS xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD sẽ không thu hút được khách hàng tham gia đấu giá, việc thu hồi nợ xấu tiến độ chậm, hiệu quả không cao.
- Đối với khoản tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất của cho người phải thi hành án: Theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS thì sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ mà người phải thi hành án không còn tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì cơ quan THADS trích lại một khoản tiền để người đó thuê nhà (giá thuê trung bình tại địa phương) trong thời hạn 01 năm. Đây là chính sách nhân đạo nhằm đảm bảo nơi cư trú tối thiểu cho người phải thi hành án, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Có thể thấy rằng: Hiệu quả của công tác thi hành án tín dụng ngân hàng phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh hay chậm. Tuy nhiên, nếu không được trích tiền thuê nhà thì sẽ vướng ở thủ tục giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; không trừ thuế thu nhập cá nhân thì sẽ vướng ở khâu hoàn thiện thủ tục cho người mua trúng đấu giá, dẫn đến mục đích cuối cùng là thu hồi nợ xấu cho các TCTD sẽ không hiệu quả và kéo dài.
Theo Đậu Thị Hiền – Vụ Nghiệp vụ 1