Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây viết tắt là Luật) đã sửa đổi 55/183 điều so với Luật thi hành án dân sự hiện hành, trong đó sửa đổi 47 điều, bãi bỏ 6 điều (Điều 32, 33, 34, 51, 138, 139) và bãi bỏ một phần của 02 điều (điểm b khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179), bổ sung 03 điều (Điều 7a, 7b và Điều 44a). Đáng chú ý là nội dung sửa đổi về Cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự; về trình tự, thủ tục thi hành án; vai trò của UBND, Tòa án, Viện Kiểm sát trong công tác thi hành án dân sự,...
* Về cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên: Luật bổ sung trách nhiệm của cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu; bổ sung trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu và trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật.
Về Chấp hành viên, Luật đã làm rõ tại khoản 5 Điều 18 về việc bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội cũng phải thông qua việc thi tuyển theo quy trình chung. Bổ sung trường hợp người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác nay được điều động trở lại và có đủ điều kiện quy định chung cũng được thực hiện theo quy định này. Nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, Luật đã làm rõ trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, theo đó, ngoài những người có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp; có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp thì người có đủ tiêu chuẩn chung đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp. Luật cũng khẳng định rõ những người trên được bổ nhiệm không qua thi tuyển.
* Về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự: Để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013, từ 01 điều của Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định chung về quyền nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự, Luật đã thiết kế 03 điều (Điều 7, 7a và 7b) để quy định về quyền, nghĩa vụ của từng chủ thể.
Một quyền rất mới mà Luật bổ sung cho đương sự, đó là quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt, Luật đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án; chuyển hóa thành quyền của người được thi hành án trong việc cho phép họ được tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ thì người được thi hành án còn được miễn, giảm phí thi hành án.
* Về trình tự thủ tục thi hành án
- Ra quyết định thi hành án: ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu được chuyển lên trước quy định về chủ động ra quyết định thi hành án nhằm đáp ứng hơn yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013. Bổ sung một số loại việc chủ động thi hành án để bảo đảm lợi ích Nhà nước như: lệ phí tòa án, các khoản thu khác cho ngân sách nhà nước, …
- Xác minh điều kiện thi hành án: Chuyển trách nhiệm xác minh của người phải thi hành án thành trách nhiệm của Nhà nước (Chấp hành viên). Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Luật bổ sung quy định mới: “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”. Cho phép cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.
- Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án: Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp luật hiện hành, căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 44a. Luật sửa đổi, bổ sung quy định thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết.
- Về cưỡng chế thi hành án: Luật quy định rõ hơn về Kế hoạch cưỡng chế, chi phí cưỡng chế theo đó người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án, chi phí này được chuyển về ngân sách nhà nước trả.
- Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án: Luật quy định rõ hơn Chấp hành viên phải tự xác định phần tài sản chung của người phải thi hành án để xử lý. Trong trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản đó biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.
Ngoài ra, còn một số nội dung được sửa đổi như thời hạn tự nguyện thi hành án được rút xuống còn 10 ngày, bỏ cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án, sửa đổi thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm, bổ sung thời hạn giải quyết khiếu nại đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp,…
* Về vai trò của Tòa án: Một trong những điểm mới về nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án được bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, đó là nhiệm vụ “Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án”…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ra đời, tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013. Toàn thể cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự cần tập trung nghiên cứu để áp dụng thống nhất trong thực tiễn./.
Lục Xuân Diu - Cục THADS tỉnh