Quang cảnh cuộc họp giao ban
Việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ, phê duyệt Kế hoạch công tác năm, phân bổ dự toán NSNN cho các đơn vị đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu hoạt động. Lãnh đạo Cục tiếp tục đổi mới công tác quản lý theo hướng sâu sát, phát huy vai trò, trách nhiệm của Trưởng phòng chuyên môn, Chi cục trưởng. Để đảm bảo kết quả thi hành án dân sự của toàn tỉnh thực chất, bền vững, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, định kỳ hàng tháng, Lãnh đạo Cục đã tổ chức giao ban với các phòng chuyên môn, các Chi cục trưởng nhằm đánh giá tình hình triển khai công việc, tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Chỉ đạo đội ngũ Chấp hành viên tập trung tổ chức giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, kéo dài, những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tổ chức các đợt thi hành án cao điểm. Bên cạnh đó, Cục thường xuyên kiểm tra đôn đốc, việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với các Chi cục, nội dung kiểm tra tập trung chú trọng vào công tác thụ lý, phân loại án, ủy thác, hoãn thi hành án, thống kê, báo cáo kết quả thi hành án, việc thực hiện chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết KNTC, công tác quản lý tài chính, kế toán. Kết thúc các đợt kiểm tra, Cục đã ban hành Thông báo kết luận theo mẫu do Tổng cục hướng dẫn, trong đó nêu rõ kết quả và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, và những kiến nghị, đề xuất của đoàn kiểm tra để đơn vị khắc phục và rút kinh nghiệm.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Sơ kết công tác Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015, Cục đã quán triệt nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đến toàn thể cán bộ, công chức đảm bảo áp dụng thống nhất quy định của Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành trong giải quyết việc thi hành án. Cục đã chủ động phối hợp với cơ quan thường trực của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đến các cơ quan hữu quan, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh và các tầng lớp nhân dân, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung.
Trong khi tổng số việc, số tiền phải giải quyết năm 2015 đều tăng so với năm 2014 (tăng 52 việc, 1.861.502.000 đồng), Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục đã bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác trọng tâm của Ngành, của địa phương, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, chú trọng hoàn thiện các Quy chế nội bộ, tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp uỷ, Chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chủ động tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan trong giải quyết việc thi hành án. Cục đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 154-KH/TU ngày 26/8/2015 v/v tổng kết thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 13/10/2009 về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dự kiến Tỉnh ủy sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết trong quý I/2016. Nhằm tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai và Bảo hiệm xã hội tỉnh Lào Cai, trong Quý IV/2015 Cục đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai ký kết 02 Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự. Việc ký kết Quy chế phối hợp liên ngành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng và bảo hiểm trên phạm vi toàn tỉnh. Các đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công 07 vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng. Kết quả thi hành án dân sự năm 2015 toàn tỉnh đạt tỷ lệ thi hành xong 95% về việc, 92% về tiền, giảm 8% số việc chuyển kỳ sau sơ với cùng kỳ năm 2014 (vượt: 1% về việc, 7 % về tiền, 3% số việc chuyển kỳ sau so với chỉ tiêu được giao).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như lượng án tồn đọng, án chưa có điều kiện thi hành vẫn còn nhiều, tỷ lệ phân loại án về tiền nhìn chung thấp. Công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa hiệu quả, chưa thực sự phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị.
Phát huy kết quả đạt được và sớm có giải pháp khắc phục đối với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, trong khi đợi quyết định giao chỉ tiêu của Tổng cục, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các công việc theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, rà soát, phân loại án chính xác, tập trung tổ chức thi hành dứt điểm ngay từ đầu năm 2016 đối với các vụ việc có điều kiện thi hành. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án. Phát huy tốt hơn công tác phối hợp liên ngành; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động thi hành án dân sự.
Phương Ngọc - Cục THADS tỉnh Lào Cai