Sign In

Trao đổi về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

08/12/2015

      Điều 61 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 quy định về điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước như sau:
       1. Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
 
       a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng;

       b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

       2. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

       a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

       b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

       3. Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có một trong các điều kiện sau đây:

       a) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;

       b) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng.

       4. Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại....

       Thực tế áp dụng cho thấy trong trường hợp người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước, mặc dù thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61, thời gian kể từ ngày ra quyết định thi hành án đã quá 5 năm nhưng chưa đủ 10 năm, và số tiền còn phải thi hành từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng thì không có căn cứ để xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án.

       Ví dụ: Theo Bản án số 15/2010/HSST ngày 07 tháng 8 năm 2010 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh L thì Nguyễn Văn A phải thi hành các khoản: tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng, tiền phạt là 20.000.000 đồng; Trần Văn B phải thi hành các khoản: tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng, tiền phạt là 10.000.000 đồng. Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh L đã chủ động ra quyết định thi hành án số 198/QĐ-CCTHA ngày 10 tháng 9 năm 2010 để tổ chức thi hành các khoản tiền án phí và tiền phạt nói trên với Nguyễn Văn A và Trần Văn B. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Nguyễn Văn A đã thi hành được khoản tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và một phần khoản tiền phạt là 1.000.000 đồng. Còn Trần Văn B đã thi hành được khoản tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng và một phần khoản tiền phạt là 3.000.000 đồng. Qua xác minh thì hiện cả Nguyễn Văn A và Trần Văn B không có bất cứ tài sản hay nguồn thu nhập gì để đảm bảo cho việc thi hành án đối với khoản tiền phạt còn lại, Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh L đã ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với Nguyễn Văn A và Trần Văn B.

       Như vậy, về điều kiện để đề nghị xét giảm nghĩa vụ thi hành án cho A và B thì cả hai đều thuộc diện chưa có điều kiện thi hành và đã hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên Chi cục Thi hành án dân sự chỉ lập hồ sơ để đề nghị xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án cho A theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự nói trên, vì số tiền A còn phải thi hành án là 19.000.000 đồng (trong khoảng từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng); còn B thì chưa thể đề nghị xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án được (mặc dù B đã chấp hành được nhiều hơn A), vì số tiền B còn phải thi hành án là 7.000.000 đồng (không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự). Do vậy trong trường hợp này Trần Văn B phải chờ đến khi hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh L mới áp dụng điểm b khoản 2 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự để đề nghị xét miễn phần nghĩa vụ còn lại cho B.

       Từ thực tiễn nêu trên, thiết nghĩ cần phải bổ sung thêm trường hợp này trong Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên đây là ý kiến của cá nhân, người viết rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp./.

 
                Kiều Cao Hạnh - Chi cục THADS huyện Bắc Hà

Các tin đã đưa ngày: