Những ngày mới vào nghề...
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi trở về quê hương để lập nghiệp. Năm 2003 ngành Thi hành án tuyển dụng công chức, mặc dù trong đầu lúc đó với tôi công tác thi hành án dân sự thật sự rất mơ hồ, trong sách vở mà tôi được học trong 4 năm đại học hầu như không có gì liên quan đến công tác thi hành án dân sự, tôi đã nộp đơn dự thi và trúng tuyển. Đến nhận công tác tại Đội thi hành án dân sự huyện Sa Pa vào 1 chiều chủ nhật, hành trang chỉ gói gọn trong 1 chiếc hòm gỗ, trước mắt tôi là trụ sở của cơ quan một ngôi nhà 3 tầng ẩm mốc, khi đó tất cả cơ quan mới có 4 người cùng làm việc chung trong 1 căn phòng không quá 12m2, điều kiện cơ sở vật chất cực kỳ khó khăn, thiếu thốn. Chiều đến ngồi 1 mình trong căn phòng tập thể, tôi cứ suy nghĩ miên man, khi có 1 đoàn cán bộ của Sở Tư pháp đến Sa Pa công tác, có một chị hỏi thăm tình hình, không hiểu sao tôi lại bật khóc như 1 đứa trẻ, thấy vậy chị bảo “bao nhiêu năm đi học xa nhà mà giờ đi làm xa vẫn khóc nhè hả em? Con gái làm công tác thi hành án thì phải mạnh mẽ lên chứ” lúc đó tôi càng khóc to hơn, giờ nghĩ lại thấy mình quá trẻ con và yếu đuối nhưng từ câu nói ấy của chị đã giúp tôi lấy lại tinh thần. Ngày đầu tiên nhận việc anh Đội trưởng giao cho tôi việc trực cơ quan, nghe và trả lời điện thoại, đồng thời nghiên cứu tài liệu, rồi anh bảo “thời gian này mọi người trong cơ quan đều đi học cả, em nghiên cứu tài liệu và hồ sơ, anh sẽ hướng dẫn thêm...”, những ngày đầu tiên nhận công tác của tôi là như vậy, đã có lúc tôi muốn bỏ nghề... Nhưng từ những thực tế trong công việc của đơn vị, tôi thấy rằng những khó khăn nhất mới thực sự bắt đầu và cũng là giai đoạn thử thách lớn nhất, đó chính là cơ hội để tôi có thể khẳng định mình góp một phần công sức nhỏ bé của bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị khi các anh chị đồng nghiệp phải vừa học vừa làm. Tôi đã hiểu rằng không có khó khăn nào là thực sự vượt qua nếu không có sự quan tâm, vượt khó.
Trưởng thành qua thực tế
Sau 3 năm công tác tại Sa Pa tôi chuyển về công tác tại huyện Bát Xát, đây mới thật sự là những tháng ngày tôi lăn lộn với nghề. Từ một người con gái yếu đuối trải qua nghề nghiệp đã giúp tôi trở lên mạnh mẽ, dứt khoát và quyết đoán. Sau nhiều năm phấn đấu, học hỏi và được sự dìu dắt, giúp đỡ của đồng nghiệp tôi đã được bổ nhiệm làm chấp hành viên, được trực tiếp giải quyết hồ sơ thi hành án. Thực tế công tác thi hành án dân sự không hề đơn giản mà đầy phức tạp và nguy hiểm, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Người Chấp hành viên vừa đặt gánh nặng chỉ tiêu nhiệm vụ công tác được giao, trong khi hành lang pháp lý chưa thực sự phù hợp với thực tế của công tác thi hành án đối với người vùng cao và đôi khi là sự chống đối quyết liệt của đương sự gây sức ép lớn. Đối với những người cán bộ thi hành án là nữ như tôi thì việc thực hiện nhiệm vụ càng khó khăn khi địa bàn miền núi hiểm trở, ngôn ngữ bất đồng, điều kiện kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thi hành án dân sự của người dân địa phương.
Kinh nghiệm giải quyết từ những vụ việc cụ thể
Qua bao nhiêu năm công tác, tổ chức thi hành nhiều bản án, quyết định của Tòa án nhưng tôi chưa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nào, hàng năm luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà cơ quan giao bởi qua kinh nghiệm của bản thân, người làm công tác thi hành án phải có lương tâm và trách nhiệm, khi giải quyết công việc phải luôn có lý, có tình, luôn phải biết đặt mình vào vị trí của người dân để có những suy nghĩ và giải quyết cho phù hợp. Có những vụ việc để lại trong ký ức tôi những bài học về tình người, về niềm tin của mình với người dân, đó là những hành trang quý báu để tôi tiếp tục vận dụng trong công tác...
Năm 2012, tôi được phân công giải quyết một hồ sơ yêu cầu thi hành bồi thường hơn 20 triệu đồng mà người phải thi hành án phạm tội “mua bán phụ nữ qua biên giới” anh ta đi tù, vợ bỏ sang Trung Quốc để lại 04 con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc nuôi dưỡng, khi trực tiếp xuống cơ sở xác minh tôi đã trăn trở rất nhiều??? Sao cuộc sống của họ còn khó khăn đến thế, tôi phải làm gì để giải quyết được vụ việc này? Lần theo chỉ dẫn của trưởng thôn tôi đến được ngôi nhà của bố mẹ người phải thi hành án. Biết đây không thuộc về trách nhiệm của bố mẹ nhưng tôi vẫn giải thích để cụ hiểu, sau hơn tiếng đồng hồ ngồi chia sẻ cũng ông bà, đúng lúc đứng chào ra về thì ông cụ bảo tôi “thôi nhà người ta mất con còn đau hơn nhà tôi nhiều, tôi chẳng có tiền để nộp cho con tôi nhưng có con bò nó vừa đẻ xong, tôi xin được trả thay bằng tiền có được không cô, tôi không biết giá trị của nó là bao nhiêu nhưng tôi xin nộp như vậy, cô bắt con bò mẹ còn để lại cho tôi con bò con nhé.”. Khi chúng tôi dắt con bò đi ông cụ quay vào nhà không dám nhìn lại, bà cụ thì cứ đi theo chúng tôi xuống hết mấy con dốc, nước mắt cứ lăn dài theo từng nếp nhăn trên khuôn mặt...hình ảnh đấy làm cho tôi cứ bị ám ảnh, day dứt mãi.
Rồi một vụ việc nữa cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, tôi tiếp tục được phân công giải quyết một vụ việc mà bố mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người con chưa đến tuổi thành niên vì tội gây thương tích với số tiền 80 triệu đồng, qua xác minh ông bà không có thu nhập ổn định, chỉ có duy nhất căn nhà trị giá khoảng hơn 100 triệu đồng để làm quán bán hàng ăn sáng, ban đầu chúng tôi đến giải quyết ông bà rất bức xúc, nhất quyết không tiếp vì cho rằng người được thi hành án đã sai khi ăn quán không chịu trả tiền, rồi gây gổ với ông bà thì con trai ông bà mới gây thương tích, rồi bây giờ lại bắt bồi thường. Tôi đi lại động viên, thuyết phục rất nhiều lần bằng nhiều biện pháp nhưng nhất quyết ông bà vẫn không chịu tự nguyện thi hành, tôi đã dự định cho một cuộc cưỡng chế nhưng trước khi áp dụng biện pháp này tôi nghĩ cần phải nắm bắt tâm lý của người phải thi hành án, lắng nghe ông bà nói hết những bức xúc tôi mới vận dụng các quy định của pháp luật để giải thích, dùng tình cảm của 1 người con để chia sẻ, và hình như tôi đã đánh trúng vào tâm lý của một người lính trong cụ, cuối cùng cụ ông nói “nghe cô nói cũng thấu tình đạt lý tôi nhất trí, đúng sáng mai tôi đi thế chấp ngôi nhà này lấy tiền bồi thường cho con tôi, chiều mai cháu lên ông sẽ nộp toàn bộ số tiền”. Tôi tin ông, tin những lời hứa của một người lính già. Đúng chiều hôm sau tôi lên nhà, ông nộp đủ số tiền như đã hứa, ra về tôi vẫn nhớ nụ cười của ông tiễn tôi như trút bỏ được 1 gánh nặng còn tôi tươi cười cảm ơn ông đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ...Nhiều hồ sơ đã khép lại, nhưng những dấu ấn của từng vụ việc vẫn còn đó, mỗi khi nhớ lại tôi lại cảm thấy thật ấm lòng và đó cũng chính là động lực, là nguồn động viên để tôi tiếp tục phấn đấu trong công việc.
Lời kết
Nhìn lại thời gian gắn bó với ngành, vượt qua không ít những khó khăn thử thách giờ tôi đã trưởng thành hơn trong cuộc sống, nghề thi hành án đã cho tôi tìm thấy niềm vui. Mười hai năm chưa phải quá dài nhưng cũng đủ để giúp tôi thêm niềm tin vào sự chọn lựa, cũng như cái nghiệp của cuộc đời tôi với công tác thi hành án dân sự.
Thu Thủy - Chi cục THADS huyện Bát Xát