Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hơn 20 năm gắn bó với nghề

30/05/2016
Theo tuyến đường đèo núi hiểm trở, cách trung tâm thành phố Yên Bái về phía Tây 180km, là huyện vùng cao Mù Cang Chải. Nơi đây đồi núi trập trùng, điều kiện địa hình đi lại khó khăn, 90% đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân hạn chế, trong khi các vụ việc phải thi hành án có tính chất phức tạp, đặc biệt là án ma túy ngày càng gia tăng… Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn, sau 22 năm gắn bó với “Nghiệp” Thi hành án dân sự, chị Đỗ Thị Thủy - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mù Cang Chải luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm mọi nhiệm vụ được giao.

Khởi đầu khó khăn
Năm 1994, chị Đỗ Thị Thủy bắt đầu “bén duyên” với ngành Thi hành án dân sự (THADS) với vai trò một cán sự Đội THADS huyện Mù Cang Chải, sau đó trở thành Chấp hành viên của Cơ quan THADS huyện Mù Cang Chải. Năm 2008 chị được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng cơ quan THADS huyện Mù Cang Chải, đến nay.
Chia sẻ về những khó khăn ngày đầu nhận công tác tại huyện Mù Cang Chải, chị Thủy cho biết: “Năm 2008, khi mới đảm nhận vai trò lãnh đạo Chi cục, công việc của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, án tồn đọng rất nhiều, án không có điều kiện thi hành chiếm số lượng lớn, trong khi đó biên chế của đơn vị ít, cán bộ đa số còn trẻ nên chưa có kinh nghiệm. Điều kiện về cơ sở vật chất của Chi cục lúc đó còn nhiều thiếu thốn. Xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, với vai trò của người cầm lái, tôi đã chủ động trước mọi tình huống công việc, không ngừng tìm tòi học hỏi cộng với kinh nghiệm nhiều năm công tác nên đã vượt lên các trở ngại”. 
Đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn
Đơn vị chỉ có 5 biên chế, 3 hợp đồng theo Nghị định số 68/CP của Chính phủ  gồm một Chi cục trưởng, một Phó Chi cục trưởng, vừa là lãnh đạo vừa là Chấp hành viên trực tiếp tổ chức và thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án.
Để vượt qua những khó khăn, thử thách trong thực tiễn thi hành án dân sự, chị Thủy cho biết, điều quan tâm đầu tiên  là phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi cán bộ, công chức và người lao động thấm nhuần lời dạy của Bác, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, không dao động trước những khó khăn, thách thức của Ngành, của đất nước, phải có đạo đức nghề nghiệp. 
Đề cao vận động, thuyết phục trong thi hành án
Hàng năm, lượng án ma túy phải thi hành ở Yên Bái nói chung, ở Mù Cang Chải nói riêng đều rất lớn. Án ma túy nhiều đồng nghĩa với việc thi hành hết sức khó khăn, khả năng tồn đọng lớn do các đối tượng phải thụ hình trong trại cải tạo không có tài sản. 
Thực tế nhiều vụ việc, kể cả đối tượng đã ra tù không trở về địa phương hoặc về nhưng không có nghề nghiệp, thu nhập, sống phụ thuộc vào gia đình nên không thể thi hành án (THA). Điều này tạo cho các chấp hành viên, cán bộ THA áp lực rất lớn khi chỉ tiêu THA hàng năm vẫn được giao đến tận cấp cơ sở. Với địa bàn rộng với 14 xã, thị trấn, nếu chỉ mình cơ quan Thi hành án dân sự sẽ không thể “Vươn” tới từng thôn bản, trong khi mọi thông tin về tài sản cũng như di biến động của người phải THA “Nằm” trong tay chính quyền cơ sở. Do đó, Chi cục THADS Mù Cang Chải luôn chủ động phối hợp, cung cấp thông tin với cấp ủy, chính quyền cơ sở, kể cả các già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, các tổ chức đoàn thể nơi có đối tượng phải THA cư trú. 
Nói đến công tác vận động THA, đây là việc làm vô cùng khó khăn, phức tạp, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của bà con rất hạn chế như ở Mù Cang Chải…Việc vận động THA cũng đòi hỏi chấp hành viên, thư ký phải nắm vững diễn tiến vụ việc cũng như phải có kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục để người phải THA tự nguyện thi hành. Phải luôn giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, thi hành phần nghĩa vụ dân sự sẽ là một điều kiện xét đặc xá tha tù. Sau khi giải thích, đương sự tự nguyện và thoả thuận thi hành, không cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Vì thế, hàng năm đơn vị không phải tổ chức cưỡng chế, đương sự luôn tự nguyện thi hành. 
Để hoàn thành tốt công việc, hàng tuần, tháng, quý, chị Thủy đều chỉ đạo đơn vị tổ chức họp nhằm rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, không ngừng tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đơn vị, luôn  bám sát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho cán bộ, công chức và  thường xuyên kiểm tra, cập nhật tiến độ và kết quả thi hành hàng tháng. Chính vì thế, lượng án thụ lý ở Chi cục đều được phân loại chính xác 100% và tiến độ thi hành đạt cao hàng tháng. 
Để đạt được mục tiêu đó, chị Đỗ Thị Thủy luôn đi đầu và gương mẫu, quán triệt cho anh em đồng nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật, nắm vững nghiệp vụ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đồng thời chú trọng đến công tác  phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành hữu quan trong tác nghiệp THADS... Với định hướng đúng đắn, sáng tạo trong công việc, nhiệt tình, vận dụng phương pháp thuyết phục  để tuyên truyền pháp luật đến tận bản, làng của đồng bào dân tộc, Chi cục THADS huyện Mù Cang Chải đã đạt hiệu quả cao vượt chỉ tiêu được giao. 
Không chỉ dừng lại ở công tác chuyên môn, chị Thủy còn luôn chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức và người lao động; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các vị trí, chức danh làm việc phù hợp với năng lực và yêu cầu công tác.  
Với những thành tích trong công tác THADS, từ năm 2011 – 2015, Chi cục trưởng Đỗ Thị Thủy luôn đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”;  đạt danh hiệu “Điển hình tiên tiến” trong phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”; được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, của Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, chị cũng nhiều lần được nhận Giấy khen của Cục THADS tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương…, nhưng với chị, niềm vui lớn hơn cả là nhận được sự tín nhiệm, tin yêu của nhân dân và đồng nghiệp. 
Cần có cơ chế thu hút nhân tài
Tuy nhiên, trăn trở của Chi cục trưởng Đỗ Thị Thủy là hiện nay cơ chế chính sách chưa thật sự mềm dẻo, chưa đủ để thu hút được nguồn lực con người. Luật THADS sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ phần nào những bất cập về quy định pháp luật trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, với đặc thù của các cơ quan thi hành án dân sự vùng cao, tính chất phức tạp, khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trong tổ chức thi hành án thì cần có chế độ đãi ngộ hơn nữa đối với công chức ngành thi hành án dân sự để bù đắp những thiệt thòi, thu hút và giữ chân nhân tài trong Ngành, đặc biệt là đối với các địa bàn vùng núi còn nhiều khó khăn như Mù Cang Chải.
Điền Thanh Sơn
Chi cục THADS huyện Mù Cang Chải