1. Chủ trương của Đảng về kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã được lịch sử và toàn dân tộc Việt Nam thừa nhận, được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam1.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng, đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta, vừa là quan điểm chỉ đạo quá trình thực hiện việc cải cách bộ máy nhà nước2. Mục tiêu về một nhà nước pháp quyền như vậy đã được đặt ra để nghiên cứu, xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ XX. Khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 29/11/1991) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng năm 1994 cũng như trong các văn kiện khác của Đảng3.Tiếp theo là tại các Đại hội lần thứ X, XI và mới nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có bước phát triển về chất trong nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Mặc dù vậy, sau nhiều năm phấn đấu chúng ta vẫn chưa đạt được kết quả như mục tiêu đề ra. Có công trình nghiên cứu đã chỉ ra một trong số các nguyên nhân, đó là: “Cách thiết kế bộ máy quản lý chồng chéo chức năng và nhiệm vụ, không minh bạch về giới hạn, cùng với đó là một thể chế hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, quan liêu, có sức cản rất lớn”4.
Từ mục tiêu và thực trạng như đã nêu, trên cơ sở đánh giá tổng kết Đại hội XII, nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”5; và “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”6 .
Trước khi đưa những nội dung về cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước vào trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiều chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước đã được đặt ra như: (1) Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”7; (2) “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”, “Kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ”, “Xem xét để hợp nhất các tổng cục, cục, vụ; cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan Trung ương”8; (3) “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”; “Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài”9.
Đối với công tác THADS, triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”,10 tổ chức bộ máy Hệ thống THADS đã được hình thành, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các chủ trương của Đảng, yêu cầu của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành”.11 Đến nay, Hệ thống THADS đã có 75 năm hình thành và phát triển.12 Được sự quan tâm của các thế hệ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp, đến nay Hệ thống THADS không ngừng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm đáp ứng yêu cầu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của ngành THADS, đó là về thể chế, lần đầu tiên vào năm 2008, một văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, điều chỉnh tổng thể từ tổ chức bộ máy; đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đến quy trình, thủ tục THADS đó là Luật THADS 2008. Đây là cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn Hệ thống THADS theo ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương. Tổ chức bộ máy hệ thống THADS được thành lập theo Quyết định số 2999/QĐ-BTP ngày 06/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp công bố việc thành lập Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, theo đó, hệ thống THADS gồm Tổng cục THADS, Cục THADS và Chi cục THADS đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định kể từ ngày 10/11/2009 (ngày Quyết định số 2999/QĐ-BTP có hiệu lực pháp luật).
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trước yêu cầu công tác THADS ngày càng nâng cao và đặc biệt là các chủ trương mới của Đảng về việc không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thể chế hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ, Hệ thống THADS cũng cần phải tiếp tục được rà soát, đánh giá, kiện toàn để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
2. Thực trạng tổ chức bộ máy Hệ thống THADS
2.1. Cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS, Cục THADS và Chi cục THADS
Bộ máy tổ chức hệ thống THADSđược tổ chức theo mô hình dọc 3 cấp từ Trung ương đến địa phương do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và thực hiện đồng bộ với các cơ quan tố tụng (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Điều tra). Trong những năm qua, kể từ khi tách ra khỏi hệ thống Tòa án, Hệ thống THADS đã từng bước sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Các đơn vị chuyên môn cũng như các cơ quan THADS địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều được tăng cường cả về tổ chức và năng lực của đội ngũ công chức thực thi công vụ, nhiệm vụ. Hệ thống THADS đã có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Hệ thống pháp luật về THADS đã được xây dựng tương đối hoàn thiện và đầy đủ.
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp được quy định tại Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Tổng cục THADS gồm có Tổng Cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng cục trưởng; các đơn vị có Vụ trưởng và không quá 03 Phó Vụ trưởng. Tổ chức bộ máy gồm 08 đơn vị trực thuộc (07 đơn vị hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp).
Cục THADS gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng (riêng Cục THADS thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 04 Phó Cục trưởng). Tổ chức bộ máy có từ 04-06 Phòng chuyên môn và tương đương trực thuộc gồm Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA; Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo; (Phòng Tài chính - Kế toán, Phòng Nghiệp vụ 2). Cục THADS có Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thư ký THA và các chức danh giúp việc khác.
Cơ cấu tổ chức của Chi cục THADS gồm có Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng (riêng Chi cục THADS là đô thị loại 1, 2, quận thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 03 Phó Chi cục trưởng). Chi cục THADS không có tổ chức bên trong, mọi hoạt động do Chi cục trưởng chỉ đạo, điều hành. Cả nước hiện có 702 Chi cục THADS cấp huyện (giảm 08 Chi cục THADS do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Chi cục THADS có Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp, Thẩm tra viên, Thư ký THA và các chức danh giúp việc khác.
Cục THADS được thành lập ở cấp tỉnh, Chi cục THADS được thành lập ở cấp huyện (mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện đều có Cục THADS và Chi cục THADS tương ứng) như hiện nay có chung một số ưu điểm sau: Giữ ổn định mô hình tổ chức hệ thống THADS; Giữ được mối quan hệ phối hợp với UBND cùng cấp, tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; Gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho dân trong việc thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến công tác THADS; Thuận lợi trong việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành hữu quan trong công tác THADS; Thuận lợi trong việc giữ ổn định về tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên của cơ quan THADS13. Riêng Cục THADS cấp tỉnh có thêm các ưu điểm như: Thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành các Chi cục THADS trực thuộc; Các Phòng chuyên môn trực thuộc Cục hoạt động tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Cục chỉ đạo, xử lý các nhiệm vụ theo thẩm quyền.
2.2. Đánh giá sự phù hợp về cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS, Cục THADS và Chi cục THADS so với điều kiện, tiêu chí thành lập tổ chức được quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP14
2.2.1. Đối với Tổng cục THADS
Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì có 03 tiêu chí thành lập Tổng cục thuộc Bộ. Qua rà soát thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục THADS cho thấy Tổng cục THADS đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tiếp tục duy trì hoạt động với tư cách là Tổng cục, cụ thể như sau:
(1) Tiêu chí thứ nhất: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội
- Đối tượng quản lý nhà nước về THADS và THAHC được thực hiện theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. THADS có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Cụ thể, THADS là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, là khâu quyết định của quy trình tố tụng, quyết định công lý có được thực thi hay không. Đây là hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, thi hành án nói chung và THADS nói riêng đã trở thành một nguyên tắc hiến định như đã nêu trên.
- Việc THADS góp phần khơi thông nguồn vốn của nền kinh tế, kết thúc tranh chấp dân sự, góp phần thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp, qua đó nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này vô cùng khó khăn và thường vấp phải sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Một phần vì bản chất của công việc: đã không thỏa thuận được mới kiện ra Tòa án, phải thi hành án; một phần do tâm lý của người Á Đông: không thích “kiện tụng”, và khi đã kiện nhau thì “một đời kiện, chín đời thù”, do đó, việc THADS lại càng khó khăn, phức tạp.
(2) Tiêu chí thứ hai: Chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương
- Cơ quan THADS, hành chính phải được tổ chức độc lập nhằm bảo đảm tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan THADS và Chấp hành viên, không ảnh hưởng đến tính khách quan trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập kinh tế quốc tế, đề cao tính độc lập trong hoạt động tư pháp và thi hành án, hạn chế, phòng ngừa sự can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức trong công tác thi hành án. Phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về việc xây dựng tổ chức cơ quan thi hành án theo hướng gọn đầu mối (Nghị quyết Trung ương 8 khóa II, đến Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020…).
Do tính đặc thù của công tác THAHC, đối tượng phải THAHC là chính quyền các cấp nên việc giao Ủy ban nhân dân các cấp quản lý, chỉ đạo công tác THADS, THAHC sẽ không bảo đảm tính khách quan trong thi hành bản án, Quyết định của Tòa án (người phải thi hành án đồng thời là người phải tổ chức thi hành án).
- Từ năm 1993, khi được chuyển giao cho Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS cơ bản được tổ chức theo hệ thống dọc tương tự như ngành Toà án, Kiểm sát, Thuế, Hải quan, Kho bạc, Thống kê…Việc quy định thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa quản lý ngành và lãnh thổ thực hiện như các ngành nói trên và đã vận hành trơn tru, phát huy hiệu quả trong công tác THADS, THAHC.
- Việc tổ chức theo ngành dọc còn bảo đảm sự quản lý, chỉ đạo thống nhất, thông suốt, nhanh chóng về chuyên môn nghiệp vụ và về công tác cán bộ. Bộ Tư pháp sẽ chủ động tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái theo nhu cầu công việc phát sinh trong thực tế.
(3) Tiêu chí thứ ba: Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực
Hiện nay, Tổng cục THADS thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS và THAHC theo quy định của pháp luật, được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực. Theo quy định tại khoản 2 Điều 167 Luật THADS thì Tổng cục THADS là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS theo quy định của Chính phủ. Tổng cục THADS được tổ chức theo hệ thống dọc, việc thành lập Cục THADS trực thuộc Tổng cục THADS, Chi cục THADS thuộc Cục trực thuộc Tổng cục đặt ở địa phương được quy định tại Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, số lượng cấp phó của người đứng đầu không quá 04. Qua rà soát, hiện nay, Tổng cục THADS đã bố trí đủ số lượng cấp phó theo quy định (có 04 Phó Tổng cục trưởng).
2.2.2. Đối với các đơn vị thuộc Tổng cục THADS
Theo quy định tại khoản khoản 6 và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì có 03 tiêu chí 15 thành lập Vụ thuộc Tổng cục. Qua thực tiễn tổ chức hoạt động cho thấy, các đơn vị hành chính thuộc Tổng cục (06 Vụ và Văn phòng) đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập. Riêng đối với Trung tâm TKQLDL&ƯDCNTT, đang hoàn thiện thủ tục giải thể trình cấp có thẩm quyền theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Trong các đơn vị thuộc Tổng cục hiện không bố trí đơn vị bên trong, đáp ứng theo đúng quy định.
Theo quy định tại khoản 12 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì Vụ có từ 15 đến 20 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 biên chế công chức được bố trí không quá 03 cấp phó. Qua rà soát, hiện nay, cơ bản các đơn vị thuộc Tổng cục đã được bố trí đủ cấp trưởng và cấp phó theo quy định.
2.2.3. Đối với Cục THADS
Theo quy định tại khoản 6 và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì việc thành lập cục thuộc tổng cục phải đáp ứng 03 tiêu chí 16. Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì: Đối với tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc thì số lượng cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục thuộc tổng cục (nếu có) đặt ở địa phương được quy định tại quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục. Hệ thống THADS được tổ chức theo ngành dọc, do đó số lượng Cục THADS thuộc Tổng cục THADS được đặt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg, bảo đảm phù hợp với các cơ quan tố tụng, như hệ thống tổ chức của TAND, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra.
Theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì số lượng cấp phó của người đứng đầu cục bảo đảm bình quân mỗi cục có 03 cấp phó. Để đảm bảo kiện toàn cấp phó của người đứng đầu cục thuộc tổng cục thuộc bộ theo quy định, hiện nay, Tổng cục THADS đang tiếp tục rà soát, xây dựng tiêu chí để báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định số lượng cấp phó tại các Cục THADS, bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cấp phó của các Cục THADS theo hướng Cục THADS thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bố trí không quá 04 cấp phó; Một số Cục THADS được bố trí không quá 03 cấp phó và một số Cục THADS được bố trí không quá 02 cấp phó.
2.2.4. Đối với phòng thuộc Cục THADS
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì phòng thuộc cục phải đáp ứng 02 tiêu chí17. Phòng thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ có từ 07 đến 09 biên chế công chức được bố trí 01 cấp phó; có từ 10 đến 15 biên chế công chức được bố trí không quá 02 cấp phó; có từ 16 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 cấp phó.
Hiện nay, việc rà soát và xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy Hệ thống THADS, trong đó có nội dung sắp xếp Phòng chuyên môn thuộc Cục vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền thực hiện, đảm bảo tiêu chí theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP đang tiếp tục thực hiện bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
2.2.5. Đối với Chi cục THADS
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì chi cục thuộc cục thuộc bộ khi thành lập phải đáp ứng 03 tiêu chí18. Qua rà soát, các Chi cục THADS đều cơ bản đáp ứng tiêu chí thành lập. Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì: Đối với tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc thì số lượng cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục thuộc tổng cục (nếu có) đặt ở địa phương được quy định tại quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục.
Hệ thống THADS được tổ chức theo ngành dọc, do đó số lượng Chi cục THADS thuộc Cục THADS thuộc Tổng cục THADS được đặt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg, bảo đảm phù hợp với các cơ quan tố tụng, như hệ thống tổ chức của TAND, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra.
Hiện nay, Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong Hệ thống THADS vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, trong đó có nội dung sắp xếp lại một số Chi cục THADS có quy mô nhỏ theo hướng sáp nhập lại, bảo đảm phù hợp với phương án, mô hình sắp xếp TAND cấp huyện của TAND tối cao và thực hiện sau khi Bộ Chính trị, UBTVQH có Nghị quyết sắp xếp các TAND cấp huyện. Theo phương án sắp xếp này, số Chi cục THADS dự kiến sẽ giảm trong cả nước.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP thì số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục (trong chi cục không có phòng) thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ được bố trí không quá 02 cấp phó. Trong thời gian xây dựng, thực hiện đề án, để số lượng cấp phó không vượt quá gây khó khăn khi sắp xếp, Tổng cục THADS đã chỉ đạo các Cục THADS rà soát và thực hiện số lượng cấp phó theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP (Công văn số 653/TCTHADS-TCCB ngày 03/3/2021).
3. Đề xuất kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy của Hệ thống THADS
Trong bối cảnh hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kết luận số 34-NQ/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP nhằm từng bước thể chế hóa các yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do đó, việc sắp xếp các cơ quan trong Hệ thống THADS nhằm tạo thiết chế vững chắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân là quan trọng và hết sức cần thiết. Một số đề xuất kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hệ thống THADS trong thời gian tới, bao gồm:
3.1. Đối với Tổng cục THADS và các đơn vị thuộc Tổng cục
Tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức của Tổng cục THADS như hiện nay, Tổng cục THADS là cơ quan quản lý THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Ngoài việc giải thể 01 đơn vị sự nghiệp công lập19, giữ nguyên 07 tổ chức hành chính trực thuộc Tổng cục theo Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.20
3.2. Đối Cục THADS và các đơn vị thuộc Cục
Tiếp tục giữ nguyên như mô hình hiện nay (Cục THADS được thành lập theo đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với định hướng sắp xếp của Tòa án nhân dân tối cao).21 Đối với các đơn vị thuộc Cục, sắp xếp lại một số phòng chuyên môn thuộc Cục THADS theo hướng sáp nhập lại, bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP. Sau khi sắp xếp, chúng tôi cho rằng hầu hết các Cục THADS có thể giảm còn 03 đơn vị trực thuộc gồm Văn phòng; Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THA và Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Riêng Cục THADS thành phố Hà Nội có thêm Phòng Tài chính - Kế toán và Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh có thêm Phòng Tài chính - Kế toán và Phòng Nghiệp vụ 2.
3.3. Đối với các Chi cục THADS cấp huyện
Sắp xếp các Chi cục THADS cấp huyện theo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện. Sắp xếp các Chi cục THADS cấp huyện phù hợp với phương án, mô hình sắp xếp TAND cấp huyện của TAND tối cao22 và thực hiện sau khi Bộ Chính trị, UBTVQH có Nghị quyết sắp xếp các TAND cấp huyện.
Có thể khẳng định rằng hệ thống tổ chức THADS được kiện toàn và phát triển như hiện nay là cả một quá trình nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó phải kể đến nhiều nỗ lực nghiên cứu và đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước trong suốt thời gian qua. Mỗi thời kỳ thay đổi cơ bản mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ THA đều gắn liền với các Văn kiện, Nghị quyết quan trọng của Đảng và đặc biệt là sự ra đời của mỗi bản Hiến pháp23. Những Văn kiện, Nghị quyết quan trọng của Đảng trước đây tác động trực tiếp đến quá trình kiện toàn, phát triển của Hệ thống tổ chức THADS có thể kể đến đó là Chương trình trọng tâm công tác tư pháp từ nay đến hết năm 2008 ngày 19/9/2007 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII); Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và gần đây là Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 24
Việc kiện toàn, sắp xếp lại Hệ thống THADS để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn theo các chủ trương của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống THADS có tính chất đặc thù, nên đồng thời với yêu cầu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy cũng cần phải tính đến yêu cầu bảo đảm mọi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới../.
Tâp thể tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Vũ, TS. Nguyễn Văn Nghĩa và ThS. Trần Thị Lành, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS.
1 PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017, trang 71-72 và khoản 1 Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
2 PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, tlđd, trang 70.
3 GS. TS. Phan Trung Lý và Nguyễn Trung Thành, “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (415), tháng 8/2020.
4 GS. TS. Nguyễn Văn Thâm, Xây dựng và vận hành bộ máy quản lý nhà nước: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2019, trang 67.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tập 1, Mục III. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, tr. 38.
6 Đảng Cộng sản Việt Nam, tlđd, Mục II.5. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tr. 118.
7 Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.
8 Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
9 Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
10 Điều 106 Hiến pháp năm 2013.
11 Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, sửa đổi, bổ sung bởi Kết luật số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
12 Quyết định số 397/QĐ-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự” đã lấy ngày 19 tháng 7 hàng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”.
13 ThS. Trần Thị Phương Hoa, Kiện toàn tổ chức của Hệ thống Thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2020, trang 13.
14 Số liệu phần này được trích từ Báo cáo số 136/BC-TCTHADS ngày 12/5/2021 của Tổng cục THADS, Báo cáo rà soát và đề xuất kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự.
15 Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ; có phạm vi, đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.
16Việc thành lập cục thuộc bộ phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau: có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 30 biên chế công chức trở lên.
17 Phòng thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục hoặc được giao tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cục; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 07 biên chế công chức trở lên.
18 Chi cục thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ; được phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng để quyết định về các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Cục trưởng; khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.
19 Giải thể Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
20 ThS. Trần Thị Phương Hoa, tlđd, trang 15.
21 ThS. Trần Thị Phương Hoa, tlđd, trang 16.
22 Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII” , Đề án này đã được Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến, đã báo cáo Ban chỉ đạo CCTPTW, nội dung chính như sau:
- Thí điểm sáp nhập các TAND cấp huyện (sáp nhập 02 Tòa án cấp huyện).
- Tiêu chí sáp nhập: TAND cấp huyện có quy mô nhỏ, số lượng án phải giải quyết dưới 200 vụ/năm; Biên chế từ 08 người trở xuống; Địa bàn liền kề, giao thông thuận lợi; Lựa chọn các TAND cấp huyện đại diện cho các vùng, miền và có sự thống nhất của cấp ủy địa phương; Sáp nhập các TAND cấp huyện mà huyện đó thuộc diện sắp sếp theo Nghị quyết của UBTVQH.
- Chủ trương thí điểm: Sáp nhập 37 TAND cấp huyện. Miền Bắc: 14 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Cao Bằng (03 huyện trùng với NQ 37), Bắc Kạn, Hòa Bình (01 huyện trùng với NQ 37), Nam Định, Quảng Ninh (01 huyện trùng với NQ 37) và thành phố Hải Phòng; Miền Trung và Tây Nguyên: 18 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị (01 huyện trùng với NQ 37), Quảng Ngãi (03 huyện trùng với NQ 37), Quảng Nam, Bình Định và Kon Tum; Miền Nam: 05 TAND cấp huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tiền Giang. Sau 03 năm thực hiện, tổ chức sơ kết và đề xuất sẽ cho sáp nhập các TAND cấp huyện có án phải giải quyết dưới 200 vụ/năm; Biên chế từ 08 người trở xuống (tổng số có 165 TAND cấp huyện thuộc diện sáp nhập).
23 Nguyễn Văn Nghĩa, Lược sử hình thành và yêu cầu hoàn thiện Hệ thống tổ chức THADS theo tinh thần cải cách tư pháp,http://thads.moj.gov.vn/noidung/kyniem70nam/lists/tintucsukien/view_detail.aspx?itemid=140, trc. 22.3.18.
24 ThS. CHV. Hoàng Thị Thanh Hoa, GV. Hồ Quân Chính và ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Bình luận Luật THADS, Nxb. Tư pháp 2019, trang 70-72.