Cục Thi hành án dân sự Nghệ An khẳng định vai trò, vị thế trong hệ thống chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

14/07/2021
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2021), Báo Nghệ An đã có bài phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Nam - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Nghệ An.

P.V: Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, đồng chí có thể khái quát về lịch sử hình thành của ngành THADS nói chung, của Cục THADS tỉnh Nghệ An nói riêng? 
Đồng chí Phạm Quốc Nam: Cách mạng tháng Tám thành công, Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời năm 1946. Để thiết lập bộ máy mới của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh, trong đó Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể chế thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, sau này được Thủ tướng Chính phủ quyết định là ngày truyền thống THADS.
Cùng với sự ra đời và phát triển của ngành THADS cả nước, THADS Nghệ An đã trải qua những dấu mốc quan trọng. Nhất là năm 1993, cơ quan THADS được tách ra từ ngành Tòa án với tên gọi Phòng THADS cấp tỉnh và Đội THADS cấp huyện. Từ năm 2004 được chuyển thành THADS tỉnh và THADS cấp huyện. Nhưng dấu mốc quan trọng nhất đó là sau khi có Luật THADS năm 2008, Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS cấp huyện trực thuộc được thành lập, ngành THADS chính thức có sự quản lý tập trung thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. 
Với biết bao thăng trầm và biến động, ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ lãnh đạo và công chức ngành THADS Nghệ An luôn đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, tổ chức, bộ máy không ngừng được củng cố, kiện toàn ngày càng vững mạnh, với 5 phòng chuyên môn, 21 Chi cục trực thuộc, với gần 300 cán bộ công chức, người lao động. Theo đó, các chức danh pháp lý như Chấp hành viên, Thẩm tra viên ngày càng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu công việc được giao. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các cơ quan THADS được thành lập, đi vào hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, góp phần xây dựng ngành THADS trở thành hạt nhân chính trị vững mạnh ở địa phương. 
P.V: Đồng chí có thể cho biết về nhiệm vụ, cũng như những kết quả mà Cục THADS tỉnh đạt được trong thời gian qua?
Đồng chí Phạm Quốc Nam: Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục THADS tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, phát động các phong trào thi đua và lãnh đạo cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Có thể khái quát một số kết quả nổi bật:
Đầu tiên là công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với công tác THADS, hành chính trên địa bàn tỉnh bằng nhiều cơ chế, chính sách như: BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16- CT/TU; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/NQ- HĐND riêng cho công tác THADS; UBND tỉnh và UBND cấp huyện ban hành nhiều kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch phát động phong trào thi đua về THADS, hành chính; Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh và cấp huyện thường xuyên được kiện toàn, hàng năm có kế hoạch hoạt động hiệu quả… 
Công tác phối hợp trong THADS ngày càng được tăng cường, mở rộng trên mọi phương diện với các cấp, các ngành thông qua hệ thống quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các ngành Nội chính, Ngân hàng, BHXH, TNMT, Trại giam… và đặc biệt là quy chế phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tỉnh, nhờ vậy việc phối hợp trong THADS ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế phát sinh vướng mắc làm ảnh hưởng kết quả thi hành án.
Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ Cục đến các Chi cục bảo đảm sự thống nhất, khoa học, đổi mới và hiệu quả. Chất lượng hoạt động nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức thi hành án dân sự, hành chính ngày càng được nâng lên, Theo đó, kết quả thi hành án dân sự, hành chính luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Bình quân mỗi năm thi hành xong trên 14 nghìn vụ việc, với trên 95% được giải quyết xong thông qua công tác “Dân vận khéo” do công chức cơ quan THADS phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương thực hiện. Những kết quả trên đã dần tạo được niềm tin của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi tham gia giải quyết việc thi hành án. 
Ghi nhận những kết quả đã đạt được, trong những năm gần đây ngành THADS tỉnh Nghệ An đã nhận được nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành (năm 2016 được tặng cờ Thi đua Chính phủ, năm 2017 được tặng cờ Thi đua ngành Tư pháp; năm 2019 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; năm 2020 được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp và đề nghị tặng Cờ thi đua Chính phủ). Những thành tích đạt được nói trên đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển; đồng thời góp thành tích chào mừng 75 năm ngày truyền thống ngành THADS (19/7/1946 - 19/7/2021).
P.V: Trên cơ sở kết quả đạt được, đồng chí có thể cho biết những định hướng trong thời gian tới? 
 Đồng chí Phạm Quốc Nam: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong điều kiện số lượng việc, tiền phải thi hành án ngày càng tăng cao hàng năm, tính chất rất phức tạp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép theo chỉ đạo của Chính phủ, đó là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, thời gian tới ngành THADS tỉnh Nghệ An xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: 
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng các cấp và văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác thi hành án dân sự, hành chính đến toàn thể CBCC, NLĐ trong hệ thống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật. 
Hai là, bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác THADS, HC bằng các cơ chế, chính sách cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác, nhất là phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo THADS hai cấp trong chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài. 
Ba là, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cấp, ngành thông qua việc rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp để phát huy một cách tối đa trách nhiệm của các cấp, ngành, nhằm mang lại hiệu quả trong công tác THADS, HC.
Bốn là, củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đủ các vị trí lãnh đạo quản lý, chức danh pháp lý và tăng cường đào tạo bồi dưỡng trang bị, trau dồi kỹ năng tổ chức thi hành án, đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để đáp ứng nhu cầu được giao. Đặc biệt là đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM theo Chỉ thị 05, thực hiện các quy định về nêu gương, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trong toàn ngành.
Năm là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành theo hướng bám sát cơ sở, đơn vị, địa bàn, chấp hành viên, vụ việc cụ thể để chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án bằng các biện pháp, giải pháp phù hợp, nhất là tiếp tục áp dụng mô hình “Dân vận khéo trong THADS” để giải quyết việc thi hành án. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thi hành các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế tham nhũng theo Chỉ thị 04 CT/TW của Ban Bí thư, thu hồi các khoản nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng để lưu thông nguồn vốn, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tập thể, cá nhân trong các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót về trình tự thủ tục, xử lý nghiêm các sai phạm để phòng chống tiêu cực tham nhũng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. 
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thi hành án dân sự, nhất là thực hiện tốt cơ chế một cửa, đơn giản hóa và giảm thiểu các thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự tại địa phương, với phương châm lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả công tác.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí! 
                                                                                   Nguồn Baonghean.vn