Đoàn Thanh niên Tổng cục THADS với công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Đoàn thanh gia xây dựng, bảo vệ Đảng

15/11/2022
Trước hết, cần khẳng định Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng là nhiệm vụ then chốt, là tiền đề cho sự tồn tại và ý nghĩa của tổ chức Đoàn. Từ lịch sử ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào năm 1931, Trung ương Đảng nhận thấy vai trò của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng nên đã đề ra quyết định “Cần kíp tổ chức ra Cộng sản thanh niên Đoàn” và chỉ thị cho các tổ chức Đảng ở các địa phương quan tâm đến việc xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) xác định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam”. Theo Điều 1 Điều lệ Đoàn, Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là thanh niên Việt Nam tiên tiến, phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực; tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, gắn bó mật thiết với thanh niên; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Đoàn. Do đó, nội dung xây dựng tổ chức Đoàn, và Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất với nhau.

1. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn
Công tác này có nhiều nhiệm vụ, gồm công tác đoàn viên, công tác cán bộ đoàn, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đoàn, và công tác kiểm tra, giám sát. Qua thực tiễn hoạt động, Đoàn cơ sở Tổng cục trong thời gian qua đã chú trọng thực hiện các nội dung nhằm xây dựng tổ chức Đoàn, cụ thể như sau:
 
Về công tác đoàn viên: Trong thời gian qua, Đoàn cơ sở Tổng cục đã thực hiện kịp thời việc tiếp nhận đoàn viên đến và chuyển sinh hoạt cho đoàn viên chuyển đi (chuyển giữa các phòng, ban trong nội bộ cơ quan hay chuyển công tác sang đơn vị mới). Định kỳ hàng năm, tổ chức rà soát đội ngũ đoàn viên, thanh niên để cập nhật thông tin về tình hình, chất lượng đội ngũ, trong đó lưu ý một số nội dung như: trình độ chuyên môn, nguyện vọng phát triển đảng, độ tuổi sinh hoạt đoàn, hồ sơ đoàn viên, tâm tư nguyện vọng của các đoàn viên. Qua đó, nắm bắt cụ thể để quan tâm kịp thời tới từng đoàn viên.
 
Về công tác cán bộ Đoàn: có ba nội dung cần chú trọng trong công tác này liên quan đến năng lực công tác, đảm bảo nguồn nhân sự cán bộ đoàn, và thực hiện kịp thời công tác kiện toàn cán bộ.
 
Trước hết, cần nâng cao nghiệp vụ công tác đoàn của cán bộ đoàn thông qua công tác tập huấn, tự tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đoàn, và nâng cao khả năng tự học. Trong thời gian qua, việc tập huấn thường được Đoàn Bộ quan tâm tổ chức hàng năm; các cán bộ đoàn tham gia có cơ hội để được tiếp thu kiến thức, kỹ năng từ các giảng viên, cán bộ đoàn chuyên trách, được giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với cán bộ đoàn của các đơn vị thuộc Bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của cơ sở đoàn lớn, số lượng cán bộ đoàn đông đảo, các Đoàn cơ sở cũng có thể tự tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn các chi đoàn trực thuộc. Nội dung tập huấn nội bộ có thể kế thừa từ các đợt tập huấn của Đoàn Bộ, ngoài ra cần tập trung vào cách thức tổ chức, xử lý công việc, phân công, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa Ban chấp hành Đoàn cơ sở với Ban chấp hành, Bí thư các chi đoàn trực thuộc. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu của cán bộ Đoàn. Quá trình triển khai công việc, các đồng chí cán bộ đoàn cần nắm rõ quy định của Điều lệ Đoàn, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn. Có nhiều nội dung đã được quy định, hướng dẫn cụ thể, do đó, khi triển khai bất kỳ công việc gì, nếu chưa rõ, chưa nắm được cần thực hiện như thế nào, thì hai tài liệu này là cẩm nang đầu tiên cần phải tìm hiểu, nghiên cứu. Nếu vẫn còn điểm chưa rõ, điểm mới, đặc thù của cơ sở đoàn mình thì cần xin ý kiến, hướng dẫn, chỉ đạo của Đoàn cấp trên và cấp ủy cơ quan. Qua những lần tự nghiên cứu như vậy, cán bộ Đoàn mới có thể nắm rõ, nắm chắc, nắm vững và tự tin dần khi thực hiện, triển khai công việc. 
 
Tiếp đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn cán bộ đoàn. Thực chất, việc rèn luyện cán bộ đoàn như vừa nêu ở trên chính là điều kiện căn bản để làm tốt công tác quy hoạch. Việc rèn luyện, đào tạo sớm cán bộ đoàn trẻ, đủ năng lực tham gia các vị trí quan trọng cần sớm được quan tâm để đảm bảo phù hợp với quy định về giới hạn độ tuổi tham gia Ban chấp hành. Cần mạnh dạn, giao một số công việc, nhiệm vụ cho các đồng chí đoàn viên trẻ chủ trì để vừa phát huy sức trẻ, sự nhiệt tình của các đồng chí, vừa hướng dẫn, bồi dưỡng kinh nghiệm, cách làm để các đồng chí học hỏi. Bên cạnh đó, ngoài việc rà soát, bổ sung quy hoạch theo giai đoạn (thường là 2,5 năm và 5 năm) mà Đoàn Bộ triển khai, các cơ sở Đoàn cũng cần tự rà soát hàng năm hoặc khi có biến động nhân sự chủ chốt để kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo phù hợp với tình hình của tổ chức đoàn.
 
Điểm cuối cần lưu ý trong công tác này là việc kiện toàn cán bộ Đoàn khi có sự biến động. Đối với Đoàn cơ sở có nhiệm kỳ dài (5 năm), việc biến động nhân sự là điều dễ gặp; ngoài ra, cũng có trường hợp Ban chấp hành các Chi đoàn có sự thay đổi, cho dù nhiệm kỳ chỉ là 2 hoặc 3 năm. Việc kiện toàn cần do Ban chấp hành Chi đoàn, Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng cục chủ động tham mưu, đề xuất căn cứ nguồn nhân sự được quy hoạch, có báo cáo xin ý kiến cấp ủy và đoàn cấp trên trực tiếp. Đặc biệt, cần lưu ý trường hợp Chi đoàn chỉ có Bí thư mà đồng chí Bí thư chuyển công tác, thì Đoàn cấp trên và Chi ủy phải kịp thời quan tâm, chỉ đạo việc kiện toàn nhân sự cho tổ chức đoàn.
 
Về công tác kiểm tra, giám sát: với tính chất là tổ chức đoàn lớn, Ban chấp hành Đoàn cơ sở có thể thành lập các ban chuyên môn, trong đó có Ban Tổ chức - Kiểm tra để tham mưu, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Có thể định kỳ kiểm tra, giám sát đối với các chi đoàn trực thuộc, UV Ban chấp hành Đoàn cơ sở, hoặc UV Ban chấp hành các Chi đoàn. Tuy nhiên, cần tránh hình thức trong công tác này. Cần coi việc kiểm tra, giám sát vừa là thực hiện việc tuân thủ quy định của tổ chức Đoàn, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà cấp bộ đoàn tự đặt ra hoặc được đoàn cấp trên giao, vừa là “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn cho các cơ sở đoàn thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nghiệp vụ công tác đoàn. Ngoài ra, Ban Tổ chức - Kiểm tra cũng cần thực hiện vai trò tham mưu Ban chấp hành thực hiện đúng, đủ các quy định, quy trình theo Điều lệ, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn. Đây sẽ là những nội dung được đoàn cấp trên chú trọng trong quá trình kiểm tra, giám sát.
 
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm công tác, chúng tôi cho rằng việc thành lập ban tổ chức - kiểm tra chỉ nên áp dụng đối với các cơ sở đoàn không có ủy ban kiểm tra; đối với cơ sở đoàn đã có ủy ban kiểm tra, chỉ cần thành lập ban tổ chức. Theo đó, ban tổ chức sẽ tham mưu, giúp Ban chấp hành, Ban thường vụ triển khai thực hiện các quy định về xây dựng tổ chức Đoàn, còn ủy ban kiểm tra sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Việc có 02 đầu mối cùng liên quan đến nội dung kiểm tra ít nhiều sẽ gây chồng chéo trong công tác, nếu phân công, phối hợp không tốt có thể còn dẫn đến sót việc, thiếu việc.
 
Về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn:
 
Việc duy trì sinh hoạt đoàn thường kỳ đúng quy định, nội dung sinh hoạt phong phú, hướng tới nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, đồng thời gắn với công tác chuyên môn, nghiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị là điểm lưu ý đầu tiên để thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn.
 
Trong trường hợp chi đoàn có quá ít đoàn viên như hiện nay, cùng với tình hình “già hóa dân số” và hạn chế tuyển dụng mới biên chế, nguồn đoàn viên thanh niên của một số đơn vị trong cơ quan giảm dần, số lượng đoàn viên trên 30 tuổi cũng chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Một số chi đoàn hiện nay chỉ còn số lượng đoàn viên tối thiểu là 03. Tuy số lượng tối thiểu này vẫn đảm bảo duy trì tổ chức đoàn theo Điều 17.4 Điều lệ Đoàn nhưng với đặc thù cơ quan hành chính nhà nước, thì số lượng này cũng gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động.
 
Trong khi đó, theo mục 5.1.c Hướng dẫn số 16 ngày 17/8/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về thực hiện Điều lệ Đoàn, chỉ thực hiện việc sáp nhập hoặc hợp nhất đơn vị hành chính, cơ quan, doanh nghiệp, trường học thì mới thực hiện sáp nhập hoặc hợp nhất tổ chức đoàn. Còn theo mục 11.3 Hướng dẫn số 16 thì việc hình thành liên chi đoàn được áp dụng cho các chi đoàn có nhu cầu liên kết phối hợp, nhưng lại yêu cầu thành lập Ban chấp hành liên chi đoàn - nghĩa là thêm một cấp tổ chức đoàn. Như vậy, với quy định hiện hành, Đoàn cơ sở không có căn cứ để “ghép” tổ chức đoàn của các chi đoàn có số ít đoàn viên vào với nhau, hoặc nếu “ghép” theo hình thức liên chi thì chưa phù hợp với mục tiêu cắt giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính.
 
Với tình hình trên, Đoàn cơ sở Tổng cục đưa ra giải pháp theo hướng là kiện toàn Ban chấp hành đoàn cơ sở để điều phối, hỗ trợ các chi đoàn một cách hiệu quả trong việc triển khai các kế hoạch, hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm bớt các giấy tờ, thủ tục trong sinh hoạt đoàn; đồng thời phát huy vai trò của các chi đoàn trong lĩnh vực chuyên môn của mình trong các hoạt động chung của Đoàn cơ sở. Tuy nhiên, Đoàn cơ sở Tổng cục cũng mong muốn Ban chấp hành Đoàn Bộ, Đoàn Khối đề xuất TW Đoàn xem xét có hướng xử lý phù hợp đối với hoạt động đoàn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương như tăng độ tuổi trưởng thành đoàn tương ứng với mức tăng của tuổi nghỉ hưu để đoàn viên thanh niên có nhiều cơ hội, thời gian hoạt động đoàn hơn.
 
Trước yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Đoàn cơ sở Tổng cục đã kiện toàn bộ máy Ban chấp hành với 4 Ban chuyên môn. Thứ nhất, Đoàn cơ sở Tổng cục đã hợp nhất Ban Phong trào và Ban Tuyên huấn thành Ban Phong trào – Tuyên huấn để tập trung công tác lãnh đạo, nắm bắt chính trị tư tưởng của đoàn viên thanh niên, giảm bớt đầu mối phối hợp hành chính và phát huy vai trò phối hợp giữa những đầu mối có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với nhau. Đồng thời, để thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục THADS về việc tăng cường vai trò của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Tổng cục THADS, Đoàn cơ sở Tổng cục đã thành lập Ban Chuyên môn và NCKH để hỗ trợ, tạo điều kiện, cổ vũ đoàn viên thuộc Đoàn cơ sở Tổng cục luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng, phát huy vai trò và sức trẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị, là đầu mối phụ trách phát động các phong trào, kế hoạch, các hoạt động nghiên cứu khoa học của Đoàn cơ sở Tổng cục THADS, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
 
2. Công tác Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng
 
Tương lai của thanh niên gắn liền với vận mệnh và tương lai của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng. "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết", đây chính là trách nhiệm, là tình cảm của Ðảng, của thế hệ đi trước đối với thanh niên, đồng thời cũng chính là bảo đảm cho sự trường tồn, vững  mạnh của Ðảng, của dân tộc, của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “ Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Với đặc tính trẻ trung, sôi nổi, năng động, sáng tạo, sục sôi nhiệt huyết, thanh niên  Việt Nam đã và đang chứng tỏ vai trò rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”.
 
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vừa tạo ra nhiều cơ hội mới, vừa đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với thanh niên cả về nhận thức chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp. Việc phải đối mặt hằng ngày với những tiêu cực và tệ nạn xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa cùng với sự tranh giành, lôi kéo, tập hợp, lợi dụng thanh niên của các thế lực thù địch diễn biến phức tạp nên việc có đủ bản lĩnh để giữ vững nhân cách, đạo đức, lối sống, truyền thống của dân tộc sẽ là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với thanh niên.
 
Do đó, công tác Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đoàn, khẳng định vai trò của Đoàn là “đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tổ chức Đoàn cần là nơi “ươm mầm” cho các đảng viên trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, cũng là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, thực hiện vai trò giám sát, phản biện trong quá trình Đảng lãnh đạo, chỉ đạo.
 
Về công tác phát triển Đảng, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đoàn cơ sở Tổng cục đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đẩy mạnh việc giới thiệu, bồi dưỡng các Đoàn viên ưu tú đi học lớp nhận thức về Đảng, giới thiệu Đảng ủy Tổng cục xem xét kết nạp Đảng đối với 17 đồng chí, đề nghị xét chuyển Đảng chính thức đối với 16 đồng chí. Đại hội các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tổng cục THADS nhiệm kỳ 2019-2022, có 03 đồng chí đoàn viên được bầu tham gia Chi ủy của 03 Chi bộ. Với kết quả nổi bật này, Đoàn cơ sở Tổng cục rút ra một số lưu ý, giải pháp sau:
 
Thứ nhất, Ban chấp hành các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng cho Đoàn viên, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho đoàn viên lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ phấn đấu trong sáng, rèn luyện phẩm chất người Đoàn viên ưu tú, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.
 
Thứ hai, Ban chấp hành Chi đoàn cần làm tốt công tác tham mưu với Chi bộ và Đoàn cơ sở để có biện pháp động viên giúp đỡ kịp thời đối với các đoàn viên có triển vọng như nêu gương các đoàn viên ưu tú, tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với những Đảng viên là công chức được kết nạp trong cơ quan để khuyến khích học tập và rèn luyện.
 
Thứ ba, Ban chấp hành Đoàn cơ sở cần chủ động, thường xuyên tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng công tác thanh niên; tạo cơ chế, chính sách để thanh niên tham gia các nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan; chăm lo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để thanh niên phát triển toàn diện.
 
Thứ tư, Ban chấp hành Đoàn cơ sở cần nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị ban hành các chính sách cụ thể để phát hiện, khuyến khích, hỗ trợ cán bộ trẻ, cán bộ Đoàn có năng lực trong công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo.
 
Thứ năm, Ban chấp hành Đoàn cơ sở thông qua theo dõi, đánh giá các đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn, cần có định hướng và đề xuất sớm với Chi ủy của các đơn vị quan tâm, định hướng các đoàn viên ưu tú trở thành đối tượng Đảng và phối hợp thực hiện các quy trình theo quy định.
 
Về thực hiện vai trò giám sát, phản biện, nội dung này cần sự chủ động từ phía đoàn thanh niên, đồng thời cũng cần sự chủ động, quan tâm từ phía các cấp ủy đảng, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Tại Tổng cục THADS, Đảng ủy Tổng cục phân công 01 Đảng ủy viên phụ trách công tác thanh niên; Ban chấp hành Đoàn cơ sở Tổng cục thường xuyên báo cáo đồng chí Đảng ủy viên phụ trách về tình hình của tổ chức đoàn, và đồng chí cũng thông tin lại các định hướng, chỉ đạo của Đảng ủy. Ban Thường vụ Đoàn cơ sở Tổng cục được mời trực tiếp tham dự một số buổi làm việc của Đảng ủy Tổng cục để báo cáo tình hình, đề xuất, kiến nghị đối với Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục. Các cuộc họp Đảng ủy định kỳ đều cập nhật thông tin, tình hình hoạt động của Đoàn Thanh niên để Đảng ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.
 
Đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Tổng cục THADS tham gia một số nhiệm vụ về thi đua - khen thưởng, dân chủ, dân vận, có trách nhiệm tham mưu, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục trong việc triển khai các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên. Qua các công tác này, Đoàn thanh niên phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, cũng như đóng góp cho công tác xây dựng Đảng, Nhà nước.
Phạm Minh Đức – Phó Bí thư Đoàn cơ sở Tổng cục THADS