Về nguồn: Viếng thăm Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú

17/04/2017
Nhớ câu “Uống nước nhớ nguồn”,  một lần, nhân dịp về quê hương cách mạng Hà Tĩnh- cùng viếng thăm Di tích Ngã ba Đồng Lộc, mộ cụ Phan Đình Phùng, chúng tôi đã viếng thăm Khu di tích cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người Cộng sản lỗi lạc và là một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Dọc theo Quốc lộ 8A rộng rãi, hình ảnh làng quê thanh bình với hai bên đường là những thửa ruộng lúa xanh non mơn mởn, chừng 18 km là chúng tôi đã đặt chân đến xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ-quê hương của cố Tổng Bí thư Trần Phú. Khu mộ đồng chí Trần Phú toạ lạc trên núi Quần Hội, rộng khoảng 40 m2 bằng đá hoa cương nhìn xuống bến Tam Soa (3 giải lụa mềm) là hợp lưu của 3 con sông: Ngàn Tươi, Ngàn Phố và dòng sông Lam một biểu tượng của vùng địa linh sinh ra nhiều nhân kiệt. Mặc dù đã được đọc nhiều bài viết giới thiệu về địa thế vô cùng đẹp của khu di tích lịch sử được khánh thành năm 2004 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí trên các báo, nhưng đến đây nhìn hình sông, thế núi mới thực sự cảm nhận được lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng như toàn dân tộc Việt Nam đối với công lao của Người Cộng sản vĩ đại.
Chúng tôi đã kính cẩn thắp hương trước mộ đồng chí Trần Phú, cụ Trần Văn Phổ-thân phụ đồng chí Trần Phú, bà Hoàng Thị Cát-thân mẫu, người chiến sĩ lão thành cách mạnh Trần Công Danh-người em út và đã cùng nhau ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư. 
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904; lên 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.Mùa thu 1918, đồng chí Trần Phú bước chân vào trường Quốc Học Huế để học tập trong những năm tháng đầy gian khổ. Trong thời gian học tập tại đây, đồng chí đã tìm đến các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh là những bậc lão thành cách mạng yêu nước. Đặc biệt đồng chí được thầy giáo là cụ Võ Liêm Sơn trực tiếp khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tháng 9/1922, sau khi thi đỗ Thành Chung, đồng chí Trần Phú về dạy học ở trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Trong thời gian này, đồng chí có dịp gần gũi với người dân lao động, trí thức yêu nước, được tiếp xúc với những tờ báo yêu nước như: “Người cùng khổ” của Bác Hồ, từ đó, đồng chí Trần Phú đã nhận ra được con đường cách mạng chân chính và tham gia hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước. Cũng trong thời gian này, đồng chí thường về thăm quê, vừa ẩn danh hoạt động cách mạng. Năm 1926, nhà giáo Trần Phú đã cùng một số bạn bè đồng chí hướng lập nên Hội Phục Việt, sau lại đổi thành Hội Hưng Nam rồi Tân Việt cách mệnh Đảng. Tháng 7/ 1926, đồng chí là một trong những thành viên của Hội Hưng Nam sang Quảng Châu tìm gặp Bác Hồ. Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện chính trị và gia nhập Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội do Bác Hồ sáng lập. Đồng thời, đã được Bác Hồ trực tiếp huấn luyện về đường lối cách mạng. Tháng 12/1926, Bác đã cử đồng chí Trần Phú sang Nga học tại trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva. Bác Hồ đã gửi thư tới chi bộ Đảng của trường giới thiệu đồng chí Trần Phú làm Bí thư chi bộ nhóm học sinh sinh viên Việt Nam. Năm 1928, đồng chí tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí từ Matxcơva qua Bỉ, Đức, Pháp rồi bí mật về tới Sài Gòn vào ngày 8/2/1930 mang theo kiến thức của một nhà lý luận cách mạng. Tháng 7/1930, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, đồng thời, được phân công viết Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tại nhà số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội, đồng chí Trần Phú đã thảo ra bản Luận cương chính trị và tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã trình bày bản Luận cương chính trị, được Hội nghị thảo luận nhất trí thông qua. Ở tuổi 26, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư đầu tiên của Đảng, sau đó vào Sài Gòn tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên, thì đồng chí bị bắt và bị địch tra tấn dã man nên đã từ trần vào ngày 06/9/1931 ở tuổi 27 tại nhà thương Chợ Quán. Đây là một tổn thất thật nặng nề của cách mạng Việt Nam thủa sơ khai. Hiện câu nói nổi tiếng: "Hãy giữ vững ý chí chiến đấu" của đồng chí để dặn dò bạn bè, đồng chí trước lúc trút hơi thở cuối cùng đã được khắc nổi bật trên bức đá hoa cương ngay sau phần mộ đồng chí... Đồng chí Trần Phú hy sinh để lại tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, chí khí kiên cường, tinh thần học tập sáng tạo, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
Đọc sách báo nhiều nhưng khi được trực tiếp nói chuyện với người dân nơi đây mới thực sự cảm thấy sâu sắc lòng tự hào của những người con sinh ra trên quê hương của đồng chí Trần Phú-xã Tùng Ảnh Anh hùng, mới thấy rõ ràng trong khó khăn gian khổ, bao thế hệ đã vươn lên, lúc vận nước lâm nguy, trong khói lửa bom đạn, bao người con trở thành anh hùng giúp dân cứu nước, bao gia đình là nơi dừng chân nghỉ ngơi của bộ đội hành quân vô Nam, bao gia đình đã được nhận Huân, Huy chương chống Mỹ cứu nước Hạng nhất, nhì…. Cảm nhận của chúng tôi là con người Tùng Ảnh nói riêng và những người dân Hà Tĩnh, miền Trung nói chung sống thuỷ chung, mặn nồng tình làng nghĩa xóm với “trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”, họ có cốt cách riêng “giàu sang không quyến rũ, uy vũ không khuất phục”, biết “răng là nhục, là vinh”, luôn yêu-ghét rạch ròi, không ghen tuông đố kỵ, ghét thói nịnh hót xun xoe. Họ đang tiếp bước những lớp người đi trước, giữ gìn truyền thống quê hương.
Trước anh linh đồng chí Trần Phú, chúng tôi đã bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí, người chiến sỹ cộng sản kiên cường mẫu mực, suốt đời chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chúng tôi xin nguyện hứa, sẽ cố gắng hết sức mình hoàn thành mọi công việc mà Đảng và Nhà nước đã giao cho để xứng đáng với những gì mà ông cha ta cũng như bao lớp người và các chiến sĩ đã ngã xuống hy sinh cho Tổ Quốc./.
Trần Thị Lan Hương,
Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 1