Công tác đoàn và phong trào thanh niên gắn với nghiệp vụ chuyên môn

04/04/2017


I. Một số kết quả hoạt động của Đoàn viên Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ về chuyên môn nghiệp vụ
Vụ Nghiệp vụ 1 và Vụ Nghiệp vụ 2, với vai trò là 02 đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu chính cho Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ liên quan đến nghiệp vụ thi hành án dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, phá sản và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại, phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh…Các Đoàn viên Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ đã được Lãnh đạo Vụ, Lãnh đạo Tổng cục tin tưởng, giao là một trong những thành phần chủ chốt để tham gia vào các nhiệm vụ chuyên môn quan trọng của đơn vị như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (Luật THADS sửa đổi, bổ sung; Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành; các văn bản quy phạm nội bộ của Bộ Tư pháp, của Tổng cục…).
Đoàn viên Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ cũng được giao phụ trách công tác tham mưu Lãnh đạo trong hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với nhiều địa bàn, trong đó có việc tham mưu nhiều văn bản hướng dẫn chung trong phạm vi cả nước, trên cơ sở đó, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án dân sự.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, với tinh thần xung kích, sáng tạo, với sự nhiệt tình, trách nhiệm của thế hệ trẻ, các Đoàn viên Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ đã cố gắng học hỏi, tìm hiểu và sưu tầm các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác hướng dẫn nghiệp vụ về thi hành án, học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước đã thường xuyên nhận được những lời khen ngợi, động viên của Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Tổng cục.
II. Một số giải pháp nâng cao kỹ năng, kiến thức, chất lượng công tác đoàn gắn với việc thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ
Với kinh nghiệm của mình, tôi xin trao đổi và đề xuất một số giải pháp đối với các Đoàn viên Đoàn cơ sở Tổng cục nói chung và Đoàn viên Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ nói riêng như sau:
1. Thường xuyên viết bài, đăng tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Trang thông tin thi hành án dân sự và các báo, tạp chí có uy tín về những khó khăn vướng mắc mà địa phương hay đề cập, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tháo gỡ. Cụ thể: mỗi chi đoàn nghiên cứu, đề xuất về những lĩnh vực, vấn đề nghiệp vụ; rồi tùy từng sở trường của mỗi đoàn viên về vấn đề nào thì giao viết về nội dung đó, với những nội dung khó các đoàn viên trong chi đoàn tập trung cùng nhau lên ý tưởng rồi giao cụ thể từng phần cho các đồng chí.
Như đã nói trên, với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu chính về nghiệp vụ thi hành án dân sự, về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2017-2019, Chi đoàn Vụ Nghiệp vụ cũng đã phát động phong trào thi đua viết tin, bài về pháp luật thi hành án  dân sự, phấn đấu mỗi quý ít nhất 05 bài viết. Trong đó, cố gắng tập trung vào những bài viết nghiên cứu về nghiệp vụ thi hành án dân sự để trau dồi kỹ năng, đề xuất những giải pháp để tham mưu Lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. 
2. Tích cực tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm về nghiệp vụ về thi hành án dân sự và các lĩnh vực pháp luật có liên quan để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng…
3. Chi đoàn tổ chức các buổi sinh hoạt theo chuyên đề, phối hợp với các Chi đoàn có liên quan tổ chức tọa đàm về các vấn đề nghiệp vụ, chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm. Qua hoạt động này, các đoàn viên có thể vừa tham gia để học hỏi kinh nghiệm, vừa có thể phát huy khả năng tổ chức các hoạt động tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.
4. Bản thân mỗi đoàn viên cần chủ động, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng, pháp luật nói chung. Vì lĩnh vực THADS là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều ngành luật khác như dân sự, tố tụng dân sự, bán đấu giá, đất đai, nhà ở…nên chúng ta cần nghiên cứu sâu các quy định pháp luật liên quan.
Quá trình nghiên cứu pháp luật, cần tích cực học hỏi các kinh nghiệm của các anh chị đi trước trong những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ khó, phức tạp, cần kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
5. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu, các đoàn viên có thể phát hiện ra những bất cập về mặt lý luận, pháp luật hoặc tìm ra các phương án giải quyết phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn (trường hợp do cách áp dụng pháp luật chưa thống nhất thì tham mưu để có văn bản hướng dẫn thống nhất; trường hợp do các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ hoặc không phù hợp thì tham mưu, góp ý trong quá trình sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật). Những hoạt động này càng có ý nghĩa thiết thực hơn khi đoàn viên được phân công tham gia Tổ soạn thảo, Tổ biên tập hoặc được phân công góp ý dự thảo các VBQPPL.
III. Giải pháp về phương thức tổ chức hoạt động đoàn
Để nâng cao khả năng tương tác của các đoàn viên, chúng ta có thể kết nối đoàn viên giữa các đơn vị bằng cách lập ra một fanpage trên Fb có mục thảo luận hay một email chung cùng thảo luận vấn đề nổi cộm của báo chí phản ánh vướng mắc khó khăn hay việc mà của một đoàn viên nào đó cần các đoàn viên khác giúp đỡ. Phương thức này cũng sẽ khiến đoàn viên chúng ta gần gũi thân thiện hơn, phát động phong trào dễ hơn và trong quá trình công tác các đoàn viên có thể tạo điều kiện cho nhau hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu việc tổ chức câu lạc bộ để hoạt động ngoại khóa cho các đoàn viên.
Tuy nhiên, dù là công việc gì, cách thức nào đó để tổ chức hoạt động một cách hiệu quả thì đều cần phảicó những phương pháp tích cực đối với từng cá nhân; không áp đặt ý chí của cá nhân vào hoạt động chung của Đoàn thanh niên. Để hưởng ứng được các hoạt động có đông đảo thanh niên đoàn viên tham gia, Ban Chấp hành Đoàn cần phải biết lắng nghe ý kiến của từng đoàn viên, trên cơ sở đó sau đó tổng hợp đúc kết lại để góp phần nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên.
Chi đoàn Nghiệp vụ