Vai trò của thanh niên trong thực hiện cải cách hành chính

04/04/2017
Hiểu một cách khái quát, cải cách hành chính (CCHC) là hoạt động mang ý thức và mục đích của con người có tính hướng đích nhằm cải biến nền hành chính nhà nước theo hướng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Để giải quyết những vấn đề căn bản của nền hành chính quốc gia theo từng giai đoạn, Chính phủ ban hành các Chương trình tổng thể, các Kế hoạch CCHC nhà nước. 


Theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 225/QĐ-TTg), hiện nay, trọng tâm CCHC được xác định là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Theo đó, 07 nhiệm vụ cơ bản trong hoạt động CCHC giai đoạn hiện nay gồm: (1) cải cách thể chế; (2) cải cách thủ tục hành chính; (3) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) cải cách tài chính công; (6) hiện đại hóa hành chính; (7) chỉ đạo, điều hành CCHC.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nói trên, nhất là trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ xây dựng bộ máy “kiến tạo, liêm chính, hành động, quyết liệt, phục vụ nhân dân”,  mỗi cơ quan, đơn vị từ Trung ương, đến địa phương đều cần quan tâm, tập trung nguồn lực cho công tác CCHC. Trong công cuộc đó, thanh niên - lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trẻ - giữ vai trò nòng cốt. Sở dĩ như vậy, bởi lẽ:
(1) Nằm trong khoảng từ 23 đến 34 tuổi , nhóm công chức trẻ được sinh ra trong giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX (từ năm 1983 đến 1994). Thanh niên là lực lượng chiếm số lượng lớn, được đào tạo bài bản, trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
(2) Thanh niên có những phẩm chất đặc trưng, cần thiết và phù hợp với các hoạt động mang tính cải cách, đó là: tình nguyện, xung kích - sáng tạo, nhanh nhạy.  Biểu hiện của những phẩm chất đó là sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong đổi mới phong cách làm việc, trong quan hệ ứng xử, giao tiếp với nhân dân; khả năng tiếp cận, vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương thức quản lý thực tiễn vào công việc chuyên môn.
Tại Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), đoàn viên thanh niên chiếm khoảng 50% tổng số công chức, viên chức. Với lực lượng tương đối hùng hậu, năm 2016, thanh niên Tổng cục THADS đã có những đóng góp quan trọng cho công tác CCHC, cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu và trực tiếp tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế bảo đảm triển khai thi hành Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật tố tụng hành chính năm 2015 (liên quan đến công tác thi hành án hành chính), tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động THADS, THAHC, đồng thời là công cụ để tăng cường công tác quản lý, đưa công tác THADS, THAHC ngày càng đi vào nề nếp và đáp ứng yêu cầu ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, ý thức được trách nhiệm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện hình ảnh, uy tín của hệ thống cơ quan THADS, thanh niên Tổng cục THADS chủ động đánh giá, tổng hợp những bất cập làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời tìm kiếm cách thức triển khai các thủ tục THADS đã được Luật, Nghị định quy định, nhằm giảm thiểu TTHC, bảo đảm thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân. Với nhận thức nêu trên, năm 2016, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục THADS, thanh niên Tổng cục THADS đã tích cực tham mưu việc thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến đơn yêu cầu thi hành án (Quyết định số 718/QĐ-TCTHADS và Quyết định số 719/QĐ-TCHADS ngày 30/6/2016 ban hành quy trình và thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án) và thí điểm cơ chế một cửa đối với 05 TTHC, gồm: (1) ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu; (2) xác nhận kết quả thi hành án; (3) yêu cầu thay đổi Chấp hành viên; (4) yêu cầu ra Quyết định hoãn thi hành án; (5) đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án (Quyết định số 721/QĐ-TCTHADS và Quyết định số 722/QĐ-TCHADS ngày 01/7/2016 ban hành quy trình và thực hiện thí điểm cơ chế một cửa). Việc triển khai thí điểm này là cơ sở để Tổng cục THADS tổ chức nghiên cứu, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thống nhất cơ chế hỗ trợ trực tuyến đơn yêu cầu thi hành án và cơ chế một cửa tại các cơ quan THADS trên phạm vi toàn quốc.
Thứ ba, tham mưu lãnh đạoTổng cục THADS trong công tác tập trung hoàn thiện, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, phương thức vận hành trong toàn hệ thống cũng như trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống THADS, bảo đảm đưa tổ chức và hoạt động của hệ thống THADS ngày càng đi vào nề nếp, đồng bộ, bài bản, hiệu lực, hiệu quả. Năm 2016, thanh niên Tổng cục THADS tham gia tích cực và đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành một loạt các Quy chế, Quy trình áp dụng trong nội bộ hệ thống THADS, nội bộ Tổng cục THADS như: Quy chế làm việc của Tổng cục THADS; Quy định về chế độ báo cáo trong Hệ thống; Quy chế công tác văn thư, lưu trữ; Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ; Quy trình kiểm tra công tác THADS, Quy trình thi tuyển, xét tuyển công chức; Quy trình tiếp nhận công chức về công tác tại Hệ thống; Quy trình ban hành Kế hoạch công tác hàng năm; Quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cục THADS; Quy chế làm việc mẫu tại các Cục, Chi cục THADS.
Thứ tư, tham mưu lãnh đạo Tổng cục THADS và nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục kiện toàn một bước về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ THADS trong sạch, vững mạnh, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; góp phần đưa công tác tổ chức, cán bộ hệ thống THADS ngày càng được củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã và đang đặt ra hiện nay và trong thời gian tiếp theo.
 Thứ năm, tham mưu ban hành và triển khai các nhiệm vụ của Đề án Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi THADS giai đoạn 2016-2020.
Thứ sáu, với nhận thức hiện đại hóa nền hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và nhất là trước yêu cầu của quản lý theo ngành dọc của hệ thống THADS, thanh niên đã thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục THADS, tham gia vào nhiệm vụ triển khai tin học hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong toàn hệ thống THADS, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sự tham gia của thanh niên vào công tác CCHC của Tổng cục THADS vẫn còn một số hạn chế khi chưa thực sự gắn kết với các hoạt động chuyên môn của công tác THADS; chưa tạo ra bước đột phá và chưa có nhiều sáng kiến trong CCHC....
Do đó, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, thanh niên Tổng cục THADS cần:
- Quan tâm hơn tới công tác CCHC, bám sát mục đích, yêu cầu và các nội dung nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016-2021 được phê duyệt tại Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Tư pháp, của hệ thống THADS.
- Bên cạnh việc tăng cường rèn luyện, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, thanh niên Tổng cục THADS cần gắn chặt chẽ nhiệm vụ CCHC với công tác chuyên môn, trong đó:
+ Về cải cách thể chế: Tiếp tục hoàn thiện thể chế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014), đồng thời tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung tổng thể các quy định của Luật THADS, bảo đảm tổ chức thi hành hiệu quả các Bản án, Quyết định của Tòa án về dân sự đã có hiệu lực thi hành; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật thi hành án hành chính; xây dựng, áp dụng thống nhất các quy chế, thể chế nội bộ trong toàn hệ thống THADS;
+ Về cải cách thủ tục hành chính: Tăng cường tính công khai, minh bạch về TTHC trong toàn hệ thống THADS, bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của người dân đối với hoạt động THADS; tổ chức rút kinh nghiệm và khắc phục những bất cập, hạn chế trong triển khai thí điểm cơ chế hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án và cơ chế một cửa trong lĩnh vực THADS, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc đối với các cơ chế này; phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính trong triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.
+ Về cải cách tổ chức bộ máy hệ thống THADS: Tiến hành đánh giá đầy đủ, toàn diện về tổ chức bộ máy hiện có của hệ thống THADS theo Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổng cục THADS, các cơ quan THADS đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý ngành dọc, từ Trung ương đến địa phương đối với công THADS và THAHC; thống nhất hướng dẫn phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng và đơn vị thuộc Cục THADS trên phạm vi cả nước; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống THADS, phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý ngành dọc, trong đó, chấn chỉnh việc triển khai các Quy chế, Quy trình nội bộ đã được ban hành trong năm 2016.
+ Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hệ thống THADS: Thực hiện tốt công tác tham mưu trong tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức; tổ chức kỳ thi nâng ngạch từ cán sự lên chuyên viên đối với công chức thuộc hệ thống tổ chức THADS; tăng cường phối hợp giữa Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tổ chức cán bộ; triển khai Đề án vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu chỉ đạo củng cố, kiện toàn công chức có chức danh tư pháp, bảo đảm đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng; xây dựng phương án biệt phái cụ thể đối với từng địa phương và từng công chức; tiếp tục tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn hệ thống THADS.
+ Về cải cách tài chính công: Tổ chức thực hiện các đề án đã được phê duyệt về xây dựng trụ sở, kho vật chứng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở, kho vật chứng. Bảo đảm việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản đúng quy định pháp luật và hiệu quả.
+ Về hiện đại hóa hành chính: Đẩy mạnh và tăng cường tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, chỉ đạo, điều hành của toàn bộ hệ thống THADS.
- Tích cực nghiên cứu các giải pháp, sáng kiến về CCHC, trong đó, khuyến khích các sáng kiến phục vụ trực tiếp cho công tác tổ chức, điều hành tại cơ quan, đơn vị nơi công tác, tạo sự hiệu quả, nhanh chóng trong giải quyết các công việc chuyên môn.
Chi đoàn Nghiệp vụ 3