Một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp trong công tác theo dõi, đôn đốc việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2023

15/02/2023
Trong những năm gần đây, công tác chấp hành pháp luật tố tụng và thi hành án hành chính (THAHC) được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước rất quan tâm. Trong năm 2022, Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao đối với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác THAHC; Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thực hiện giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC) trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước.
 


Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về công tác THAHC tại Văn bản số 8665/VPCP-V.I ngày 26/11/2021 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch giám sát số 389/KH-UBTP15 ngày 22/02/2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,  với chức năng là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về THAHC, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao kết quả THAHC như: (1) ban hành Kế hoạch công tác THAHC năm 2022 (Kèm theo Quyết định số 110/QĐ-BTP ngày 26/01/2022) làm cơ sở triển khai thực hiện trên toàn quốc; (2) Tổ chức làm việc trực tiếp, trực tuyến với UBND các tỉnh, thành phố còn nhiều bản án hành chính còn tồn đọng chưa thi hành xong để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức THAHC; (3) phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và công tác THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại một số tỉnh; (4) tham gia 03 đoàn công tác phục vụ giám sát của UBTP trực tiếp tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; (5) phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia xây dựng báo cáo của Bộ Tư pháp và tham mưu xây dựng báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Tư pháp; (05) ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi có kết luận giám sát…
 
Các Bộ, ngành ở Trung ương, trong năm 2022, đã thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời quan tâm đến công tác tham mưu, ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trong thực hiện công vụ đảm bảo chặt chẽ, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hạn chế đến mức thấp nhất các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện.
 
Ở địa phương, UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản chỉ đạo việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC đối với các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý; quan tâm chỉ đạo sát sao và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật TTHC và THAHC.
 
Thông qua sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tích cực triển khai của Bộ Tư pháp, các bộ, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố đã tạo sự chuyển biến chung về việc chấp hành pháp luật TTHC và kết quả THAHC trên phạm vi cả nước. Nhiều bản án, quyết định hành chính tồn đọng nhiều năm đã được thi hành xong, nhiều địa phương kết quả THAHC đạt tỷ lệ cao, có chuyển biến tích cực, như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án; số lượng bản án hành chính chưa thi hành xong còn nhiều; nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm; có bản án quá trình tổ chức thi hành phát sinh khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương chưa chủ động, phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù còn nhiều bản án hành chính tồn đọng và cơ quan THADS đã có nhiều văn bản kiến nghị, tuy nhiên chưa có trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án, quyết định hành chính...
 
Năm 2023, thực hiện kiến nghị của UBTP của Quốc hội sau giám sát, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp xác định phương hướng, nhiệm vụ thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC năm 2023, cụ thể như sau:
 
Một là, Bộ Tư pháp với chức năng là cơ quan tham mưu Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về THAHC tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ kết luận giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội XV về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC của UBND và Chủ tịch UBND; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương kiểm tra công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC tại các địa phương có số lượng khiếu kiện hành chính và bản án, quyết định hành chính lớn.
 
Hai là, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp tổng hợp.
 
Trên cơ sở tổng hợp kết quả tổng kết tình hình thi hành Luật Tố tụng hành chính của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, kết quả tổng kết thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành.
 
Ba là, Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp hồ sơ, chứng cứ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành, nhất là những bản án hành chính đã kéo dài nhiều năm.
 
Bốn là, Bộ Tư pháp chỉ đạo Hệ thống THADS theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Tòa án.
 
Năm là, Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống kê và báo cáo đầy đủ, nghiêm túc tình hình và kết quả chấp hành pháp luật TTHC và THAHC theo đúng quy định của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg.
 
Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể là:
 
Một là, tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương thi hành nghiêm các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước;
 
Hai là, tăng cường phối hợp với TANDTC, Viện KSNDTC trong quản lý nhà nước về THAHC; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương, đặc biệt là các bộ, ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc từ Trung ương đến địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành; phối hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc mà địa phương xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ba là, tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, chấn chỉnh, xem xét, xử lý theo quy định, bảo đảm UBND, Chủ tịch UBND chấp hành nghiêm pháp luật TTHC và THAHC.
 
Bốn là, chỉ đạo Hệ thống THADS tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC trong phạm vi cả nước; xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác THAHC; xem xét, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người phải thi hành án không thi hành, thi hành nhưng không đầy đủ hoặc chậm thi hành bản án hành chính; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về THAHC.
Mai Loan, Vụ Nghiệp vụ 3