Hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án

23/03/2023


Pháp luật luôn ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các mối quan hệ xã hội. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự quy định “Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ[1]. Liên quan đến quyền của đương sự trong việc thỏa thuận thi hành án, Luật Thi hành án dân sư quy định “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận[2].
Điều này có nghĩa là pháp luật thi hành án dân sự đã công nhận thỏa thuận thi hành án như là một trong những phương thức giải quyết việc thi hành án dân sự. Trên thực tế, phương thức này đã được sử dụng khá phổ biến trong quá trình tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự và trong nhiều trường hợp đã mang lại những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, rà soát các quy định phạm pháp luật có liên quan cho thấy việc công nhận quyền thỏa thuận về việc thi hành án như quy định pháp luật hiện nay còn có những điểm chưa thật sự hợp lý cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án.
1. Chế định thỏa thuận thi hành án
Thỏa thuận thi hành án là thỏa thuận của đương sự về việc thi hành án, thỏa thuận này chỉ phát sinh sau khi bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án.
 - Thỏa thuận thi hành án trước khi có yêu cầu thi hành án hoặc sau khi có yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ban hành quyết định thi hành án
Theo các quy định pháp luật hiện hành, đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án trước khi có yêu cầu thi hành án hoặc sau khi có yêu cầu thi hành án nhưng chưa ra quyết định thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận thi hành án phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận đó. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
- Thỏa thuận thi hành án sau khi cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án
Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia.
Theo quy định pháp luật, đương sự còn có thể thỏa thuận một số nội dung khác về thi hành án như: nghĩa vụ thi hành án cụ thể; giá tài sản hoặc lựa chọn tổ chức thẩm định giá; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; nhận tài sản để bù trừ cho nghĩa vụ phải thực hiện; nhận lại tài sản của người phải thi hành án đã đấu giá thành; miễn toàn bộ hay giảm một phần nghĩa vụ thi hành án; về việc hoãn thi hành án, đình chỉ thi hành án…
Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án.
2. Hạn chế của chế định thỏa thuận thi hành án
Trước hết, Luật Thi hành án dân sự quy định bản án, quyết định[3] do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Đây là nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định, nguyên tắc này bắt nguồn từ một nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự, đó là bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành[4].
Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi hoạt động thi hành án dân sự là một phần không thể tách rời của hoạt động tố tụng dân sự, là trình tự, thủ tục pháp lý thuộc lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự và được quy định tại một phần và chương riêng của Bộ luật Tố tụng dân sự (Phần thứ chín, Chương XXXIX). Không những thế, nguyên tắc này còn là nguyên tắc mang tính hiến định, được ghi nhận tại Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, vì vậy, các đạo luật có liên quan phải thống nhất và phù hợp với nguyên tắc hiến định này.
Cùng với nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định, nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại Điều 5 Luật Thi hành án dân sự đã tạo thành nhóm hai nguyên tắc định hướng pháp luật thi hành án dân sự. Theo nguyên tắc này, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và được pháp luật bảo vệ trong quá trình thi hành án.
Nguyên tắc cũng phù hợp và thống nhất với các quy định của Hiến pháp liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Hai nguyên tắc nêu trên phù hợp với nhau, thống nhất với nhau và bổ sung cho nhau để tạo thành hệ nguyên tắc mang tính chỉ đạo xuyên suốt các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, trong đó có chế định thỏa thuận thi hành án. Trong chế định thỏa thuận thi hành án thì quy định trung tâm của chế định này là Điều 6 Luật Thi hành án dân sự, theo đó “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận”.
Đối chiếu nội dung của quy định này với các quy định của Bộ luật Dân sự cho thấy quy định trung tâm của chế định thỏa thuận thi hành án rõ ràng đã căn cứ vào nguyên tắc tự do ý chí được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự, theo đó “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Nguyên tắc tự do ý chí của pháp luật dân sự ghi nhận và khẳng định quyền định đoạt của đương sự trong các giao dịch dân sự, thỏa thuận dân sự và quyền này chỉ bị hạn chế khi nội dung thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Nguyên tắc này phù hợp điều chỉnh các giao dịch dân sự, thỏa thuận dân do các bên tự do tự nguyện thỏa thuận, định đoạt trong giai đoạn trước khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trái lại, sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực, đương sự sẽ được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ theo nội dung của bản án, quyết định của tòa án. Tại thời điểm này, quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự sẽ bị giới hạn trong phạm vi nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Pháp luật và các thiết chế nhà nước sẽ bảo đảm đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được hưởng quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ theo bản án, quyết định theo nội dung bản án, quyết định.
Vì vậy, việc chế định thỏa thuận thi hành án công nhận quyền thỏa thuận thi hành án của đương sự trên cơ sở tự do, tự nguyện thỏa thuận và định đoạt miễn sao không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội sẽ không phù hợp và không thể thực hiện được các nguyên tắc cơ bản định hướng pháp luật về thi hành án dân sự đã nêu ở trên.
3. Hướng hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án
- Chế định thỏa thuận thi hành án điều chỉnh mối quan hệ của đương sự trong phạm vi bản án, quyết định và sau khi có quyết định thi hành án.
Nội dung bản án, quyết định xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thông qua việc tổ chức thi hành án cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các bên đương sự được hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung bản án, quyết định. Ngoại trừ một số trường hợp pháp luật quy định cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án, các trường hợp còn lại cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án.
Pháp luật không cần thiết điều chỉnh thỏa thuận thi hành án trước khi có quyết định thi hành án hoặc điều chỉnh thỏa thuận của đương sự nhưng không liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định. Nguyên nhân là, thứ nhất, trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được về nội dung thi hành bản án, quyết định của tòa án trước khi có đơn yêu cầu thi hành án cũng như trước khi có quyết định thi hành án thì kết quả của việc thỏa thuận đó đã được thể hiện trong đơn yêu cầu thi hành án; thứ hai, khi chưa có quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để giải quyết việc thi hành án theo thỏa thuận của đương sự.
- Chế định thỏa thuận thi hành án xác định vai trò không thể thiếu của Chấp hành viên trong việc chủ trì, giám sát thỏa thuận thi hành án
Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự không chỉ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành mà còn yêu cầu Tòa án và cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó. Không những thế, pháp luật còn quy định cơ quan thi hành án trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có trách nhiệm trả lời, thông báo tiến độ, kết quả thi hành án theo yêu cầu của Tòa án[5].
Việc cho phép đương sự tự do thỏa thuận về việc thi hành án, không thông tin về nội dung và kết quả của thỏa thuận cho cơ quan thi hành án dân sự, việc thỏa thuận thi hành án không có sự chủ trì, giám sát của Chấp hành viên không những không bảo đảm cho cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thư ba, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thậm chí có trường hợp làm “vô hiệu hóa” hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.
- Chế định thỏa thuận thi hành án phải đồng thời phù hợp nguyên tắc bảo đảm hiệu lực, hiệu quả bản án, quyết định và nguyên tắc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tạo điều kiện cho đương sự được hưởng quyền lợi hợp pháp phù hợp với nội dung bản án, quyết định và yêu cầu đương sự thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận trong bản án, quyết định theo đúng quy định pháp luật. Pháp luật ghi nhận, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án nhưng cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo trình tự, thủ tục pháp lý chặt chẽ, tránh việc “tùy ý” thỏa thuận ảnh hưởng đến hiệu lực của bản án, quyết định.
Các đương sự được quyền nêu nguyện vọng, đưa ra giải pháp để giải quyết việc thi hành án. Căn cứ nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên có trách nhiệm ghi nhận, xem xét, quyết định chấp nhận hay từ chối giải pháp mà đương sự đưa ra, kể cả giải pháp về thỏa thuận thi hành án.
Tại Hội nghị lần thứ sáu ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí là một trong những nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết. Chính vì vậy, việc hoàn thiện chế định thỏa thuận thi hành án vào thời điểm này là rất kịp thời, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí mà còn góp phần bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thạc sỹ Lại Thế Anh,
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình
 

[1] Điều 5 Luật Thi hành án dân sự
[2] Khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự
[3] Được liệt kê tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự
[4] Khoản 1 Điều  19 Bộ luật Tố tụng dân sự
[5] Khoản 2, 3 Điều 19 Bộ luật Tố tụng dân sự