Bàn về một số vướng mắc liên quan đến khoản tiền đặt trước quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP)

18/09/2023


Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản là khâu kế tiếp theo của quá trình kê biên, xử lý tài sản để thi hành án dân sự. Nếu thẩm định giá là việc làm nhằm đánh giá giá trị của tài sản đã kê biên (bao gồm cả tài sản của người phải thi hành án và tài sản của người thứ ba), làm cơ sở xác định giá khởi điểm để bán đấu giá thì hoạt động bán đấu giá là bước trực tiếp nhằm thu được tiền để thực hiện các bước tiếp theo để thi hành án (giao tài sản, chi trả tiền cho người được thi hành án), đây là một trong những bước phổ biến, quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Hiện nay, các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản thi hành án cơ bản đã được hoàn thiện, từng bước góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến công tác này hiện còn phát sinh vướng mắc, bất cập, trước mắt cần được các cấp, các ngành thống nhất, hướng dẫn áp dụng trên hệ thống và về lâu dài, cần được sửa đổi, hoàn thiện. Việc xử lý khoản tiền đặt trước quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) là một trong những vướng mắc cần được nghiên cứu tìm ra giải pháp hoàn thiện.
Theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản thì người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới năm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Quy định về tiền đặt trước tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã rất rõ, tuy nhiên, pháp luật thi hành án dân sự về tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước còn có vướng mắc, cụ thể:
1. Vướng mắc về việc xử lý tiền đặt trước trong trường hợp người mua trúng đấu giá từ chối mua tài sản hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản nào (quy định tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP)
Tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.”.
Tại khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định: “Khoản tiền đặt trước mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua sau khi phiên đấu giá kết thúc hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau đây:
a) Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước;
b) Ứng chi phí bồi thường Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước;
c) Bảo đảm tài chính để thi hành án;
d) Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan thi hành án dân sự gặp vướng mắc trong việc xử lý khoản tiền nêu trên, cụ thể:
- Vướng mắc thứ nhất: số tiền đặt trước sau khi trừ đi chi phí đấu giá tài sản được dùng để thanh toán các khoản “lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác” trong vụ việc đã phát sinh khoản tiền đặt trước hay có thể dùng để thanh toán các khoản trên trong vụ việc khác do cùng cơ quan thi hành án dân sự đó tổ chức thi hành.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy:
+ Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc và thuộc về người có tài sản bán đấu giá nếu người mua từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng. Theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định người có tài sản bán đấu giá là cơ quan thi hành án dân sự.
+ Thứ hai, tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định khoản tiền đặt trước trong trường hợp này “thuộc Ngân sách Nhà nước”. Số tiền này được Kế toán nghiệp vụ của cơ quan thi hành án dân sự có vụ việc chuyển vào tài khoản của Kế toán ngân sách của đơn vị đó mở tại Kho bạc Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo quy định tại Thông tư số 200/2016/TT-BTC. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 11, khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC thì sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp, khoản tiền này được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị và được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau đây: (i) Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước; (ii) Ứng chi phí bồi thường Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm và bồi thường Nhà nước; (iii) Bảo đảm tài chính để thi hành án; (iv) Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khoản tiền đặt trước quy định tại đoạn 1 khoản 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác không chỉ của vụ việc đã phát sinh khoản tiền đặt trước mà còn dùng để thanh toán cho các vụ việc khác do cùng cơ quan thi hành án dân sự đó tổ chức thi hành.
- Vướng mắc thứ hai: tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định khoản tiền đặt trước sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán “lãi suất chậm thi hành án, ....”. Trong khi đó, tại khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định khoản nêu trên là “Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước”. Trên thực tế khi áp dụng, đã có cơ quan thi hành án dân sự áp dụng đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62 để thanh toán lãi suất chậm thi hành án của vụ việc đó mặc dù vụ việc chưa hoặc không liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước.
Theo tác giả, cần áp dụng nguyên tắc của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng điều luật trong trường hợp nêu trên, theo đó, khoản tiền đặt trước nêu trên sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC.
- Vướng mắc thứ ba: hiện chưa có quy định cụ thể về “Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật” tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) và khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC.
Do đó, Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung nêu trên.
2. Vướng mắc về việc xử lý tiền đặt trước trong trường hợp người mua trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản (quy định tại đoạn 2 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP)
Theo quy định tại đoạn 2 khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản.”.
Tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”. Như vậy, số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc và thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Tại khoản 5 Điều 5 Luật đấu giá 2016 thì: “5. Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”.
Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự thì khoản tiền đặt trước của người từ chối mua tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị. Tuy nhiên, Thông tư 200/2016/TT-BTC mới quy định việc sử dụng khoản tiền đặt trước quy định tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP mà chưa có quy định về việc sử dụng khoản tiền tại đoạn 2 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
Nội dung này hiện đang gặp vướng mắc do còn nhiều quan điểm về việc số tiền đặt trước trong trường hợp này có thuộc về ai và được sử dụng như thế nào; số tiền người mua trúng đấu giá nộp thêm sau khi ký hợp đồng mua bán tài sản được xử lý như thế nào.
Về vướng mắc này, tác giả nhận thấy:
Thứ nhất, đối với số tiền đặt trước: pháp luật thi hành án dân sự hiện nay chưa có quy định rõ về việc xử lý đối với khoản tiền đặt trước trong trường hợp người mua trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản. Do đó, cần vận dụng các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật hợp đồng mua bán tài sản để xử lý.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc và thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Tại khoản 5 Điều 5 Luật đấu giá 2016 quy định: “5. Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”. Hiện vẫn còn có quan điểm khác nhau về việc xác định cơ quan thi hành án dân sự có phải là người có tài sản đấu giá hay không? Cụ thể:
+ Quan điểm 1: “người có tài sản bán đấu giá” là chủ sở hữu tài sản (người phải thi hành án) bởi họ là chủ sở hữu tài sản, được nhà nước xác nhận quyền sở hữu tài sản và họ được thực hiện các các quyền đối với tài sản đó như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp,...
+ Quan điểm 02: “người có tài sản bán đấu giá” là cơ quan thi hành án dân sự bởi căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự đưa tài sản ra bán đấu giá là Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành. Mặt khác, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định chủ thể tham gia ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bao gồm Chấp hành viên (đại diện cơ quan thi hành án dân sự) và người mua tài sản bán đấu giá. Việc thực hiện các điều khoản của Hợp đồng sẽ trực tiếp do Chấp hành viên, người mua tài sản thực hiện.
Theo tác giả, đây là tài sản thi hành án đã được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, đưa ra bán đấu giá theo quy định của Luật thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản, do đó, trong trường hợp này, người có quyền đưa tài sản ra đấu giá là cơ quan thi hành án dân sự, như vậy, người có tài sản bán đấu giá là cơ quan thi hành án dân sự.
Mặt khác, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị và được sử dụng theo quy định tại Điều 12 Thông tư 200/2016/TT-BTC.
Do đó, số tiền đặt trước chuyển thành tiền đặt cọc trong trường hợp này sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp thì thuộc về cơ quan thi hành án dân sự, được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị và được sử dụng theo quy định tại Điều 12 Thông tư 200/2016/NĐ-CP.
Tuy nhiên, có một vấn đề vướng mắc khác, tại khoản 8 Điều 39 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định: “Tiền đặt trước quy định tại khoản 6 Điều này thuộc về người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp người có tài sản đấu giá là cơ quan nhà nước thì tiền đặt trước được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản”. Tuy nhiên, trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 5 Điều 27 không thuộc trường hợp người mua trúng đấu giá từ chối mua tài sản được quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật đấu giá tài sản 2016. Như vậy có sự bất cập giữa các quy định pháp luật. Do đó, để đảm bảo tính pháp lý của nhận định nêu trên, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thiết lập các điều khoản hợp đồng cụ thể trong trường hợp này theo hướng: “Trong trường hợp người mua trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá sau khi trừ đi chi phí đấu giá tài sản thuộc về cơ quan thi hành án dân sự và được sử dụng theo quy định pháp luật”.
Thứ hai, đối với số tiền đương sự nộp thêm: pháp luật thi hành án dân sự chưa có quy định rõ về việc xử lý đối với khoản tiền này do đó, trước mắt, cần hướng dẫn để các bên thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Về lâu dài, cần hoàn thiện quy định pháp luật thi hành án dân sự cụ thể trong trường hợp này.
3. Tình huống nghiên cứu, trao đổi:
- Nội dung tình huống:
Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh N đang tổ chức thi hành Bản án số 15/2019/KDTM-PT ngày 16/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh N có nội dung buộc Công ty A trả cho Ngân hàng B số tiền 38.866.372.212 đồng.
Do Công ty A không tự nguyện thi hành án, nên Chấp hành viên đã cưỡng chế, kê biên, ký hợp đồng thẩm định giá và hợp đồng bán đấu giá tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã kê biên của hộ bà V là bên thứ 3 thế chấp bảo lãnh cho Công ty A và toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, hệ thống điện sản xuất, hệ thống điện thắp sáng phục vụ sản xuất, chế biến mủ cao su của Công ty A. Ngày 13/7/2020 đã tổ chức bán đấu giá thành tài sản. Người mua trúng đấu giá là Công ty C với số tiền 7.060.000.000 đồng, đã nộp tiền đặt trước 1.390.000.000 đồng.
Theo nội dung hợp đồng bán đấu giá tài sản số 32 được Văn phòng Công chứng Đắk Lắk chứng nhận ngày 16/7/2020, thì người mua trúng đấu giá tài sản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đấu giá thành phải có trách nhiệm nộp đủ số tiền trúng đấu giá (sau khi trừ khoản tiền đặt cọc). Đồng thời, tại khoản 4 Điều 9 Hợp đồng quy định về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên và phương thức giải quyết tranh chấp có ghi: “Trường hợp người mua được tài sản đấu giá vi phạm về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận này thì Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá này bị hủy theo quy định của Bộ luật dân sự, số tiền đặt trước của người mua được tài sản đấu giá thuộc về người có tài sản đấu giá.”
          Hết thời hạn nộp tiền mua tài sản theo Hợp đồng mua bán tài sản, ngoài số tiền đặt trước 1.390.000.000 đồng, Công ty C chỉ nộp thêm được số tiền 50.000.000 đồng, còn thiếu 5.620.000.000 đồng (đã trừ số tiền đặt cọc là 1.390.000.000 đồng), đã vi phạm khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng mua bán tài sản. Như vậy, người mua được tài sản bán đấu giá đã không thực hiện đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, do đó, hiện nay, cơ quan THADS đang thực hiện các thủ tục để hủy kết quả bán đấu giá theo quy định.
          Hỏi: Theo Anh Chị, số tiền đặt trước 1.390.000.000 đồng và số tiền nộp thêm 50.000.000 đồng được xử lý như thế nào?
- Giải đáp tình huống:
+ Thứ nhất, đối với khoản tiền đặt trước 1.390.000.000 đồng
Đây là trường hợp các bên đã thực hiện giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nên theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật đấu giá tài sản thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng mua bán tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Do người trúng đấu giá vi phạm điều khoản về thời hạn thanh toán tiền cho nên số tiền 1.390.000.000 đồng thuộc về người có tài sản bán đấu giá là Chi cục THADS huyện M (quy định tại Điều 9 Hợp đồng).
+ Thứ hai, đối với khoản tiền thanh toán thêm 50.000.000 đồng:
Chấp hành viên tổ chức thỏa thuận với người mua trúng đấu giá, tổ chức bán đấu giá về số tiền nộp thêm. Trường hợp không thỏa thuận được thì đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1