Bàn về những khó khăn, vướng mắc thi hành án án dân sự trong trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp ( Hợp nhất, sát nhập, chia, tách, giải thể,...)

13/10/2023


Trong điều kiện chủ động mở cửa và hội nhập, các quan hệ dân sự ngày càng đa dạng, trong đó, số vụ việc tranh chấp kinh tế có biểu hiện ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp dẫn đến số lượng vụ việc cơ quan THADS phải thụ lý ngày một tăng.  Mặt khác, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng và hoàn thiện là nền kinh tế gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới. Việc thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới là vấn đề hết sức cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, trách nhiệm của THADS Việt Nam trong việc thực thi các quyết định, Bản án của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền nhằm “bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật” đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm quyền, lợi ích của đương sự, từ đó, tạo ra sự thông thoáng và tin cậy, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực quốc tế tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Xu hướng đó đã đặt ra những thách thức đối với cơ quan THADS, nhất là đối với loại việc thi hành án kinh doanh, thương mại, trong đó đối tượng đặc biệt là các doanh nghiệp.
Việc phát sinh các tranh chấp trong nền kinh tế thị trường là điều tất yếu nhưng nếu các tranh chấp giữa các doanh nghiệp phát sinh lớn và việc phát sinh nghĩa vụ thi hành án giữa các chủ thể kinh tế này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đất nước. Nghĩa vụ thi hành án dân sự liên quan đến doanh nghiệp có thể là nghĩa vụ thanh toán tiền, nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng, nghĩa vụ trả tài sản, giao hàng hóa hoặc nhận người lao động trở lại làm việc do sa thải trái quy định của pháp luật… Bên cạnh đó, chủ thể trong vụ việc thi hành án cũng rất đa dạng. Có thể là người phải thi hành án và người được thi hành án đều là doanh nghiệp hoặc một trong các bên là doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng có thể là doanh nghiệp trong nước hay là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đặc biệt cũng có thể là doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi loại hình và cần phải thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án như: Hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể và chuyển đổi thành công ty cổ phần. Đây là một loại việc thi hành án đặc biệt mà Luật thi hành án dân sự đã quy định và cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết, tuy là số lượng không nhiều nhưng cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ phân tích, đưa ra những quy định pháp luật liên quan đến việc hợp nhất, sát nhập, chia tách, giải thể doanh nghiệp, quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ nói chung, quy định về thi hành án trong trường hợp doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ nói riêng.
1. Quy định của pháp luật về chuyển giao quyền, nghĩa vụ
1.1. Quy định chung
Chuyển giao quyền, nghĩa vụ được quy định tại Điều 365, Điều 366, Điều 367, Điều 368, Điều 369, Điều 370, Điều 371, Điều 615 BLDS năm 2015. Theo đó, BLDS năm 2015 quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu giữa bên có quyền và bên thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp (i) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín (ii) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền, trường hợp yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tương tự như vậy, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
 1.2. Các quy định của Luật Doanh nghiệp về tổ chức lại doanh nghiệp (chuyển giao quyền và nghĩa vụ)
Theo quy định tại khoản 31, Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.”. Theo đó có 05 hình thức tổ chức lại doanh nghiệp đó là chia, tách, hợp nhập, sáp nhập và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Việc tổ chức lại doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh các quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Đối với từng loại hình thức tổ chức lại doanh nghiệp thì trách nhiệm pháp lý, quyền, nghĩa vụ phát sinh là khác nhau.
- Thứ nhất, về chia công ty, theo quy định tại Điều 194 Luật Doanh nghiệp thì: đối với loại hình này thì Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới. Theo đó, Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty.
- Thứ hai, về tách công ty, tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. Về trách nhiệm pháp lý thì sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.
- Về hợp nhất công ty, Điều 200 Luật Doanh nghiệp quy định: Hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. Trách nhiệm pháp lý của Công ty hợp nhất thì sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.
- Về sáp nhập Công ty, Điều 201 Luật Doanh nghiệp quy định như sau: Một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.
- Về phá sản doanh nghiệp: theo quy định tại khoản 6 Điều 78 Luật Doanh nghiệp thì “Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức mà bị giải thể hoặc phá sản thì người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu trở thành chủ sở hữu hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng…”. Đối với việc thi hành án khi doanh nghiệp phá sản, điểm đ khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự quy định “Trường hợp phá sản thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định về phá sản”
1.3. Quy định chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự đã quy định việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức.
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành
2.1. Khó khăn trong việc thực hiện ra quyết định thi hành án mới
Theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự thì “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây”. Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải ban hành quyết định thi hành án mới tương ứng quyền, nghĩa vụ đã được chuyển giao. Tuy nhiên, theo quy định thì cơ quan Thi hành án dân sự phải ban hành quyết định thi hành án mới trong trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ dẫn đến thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án, có thể dẫn đến nhầm lẫn, thiếu sót (đặc biệt là trong trường hợp phải tính toán các khoản tiền lãi chậm thi hành án). Trong thực tiễn nhiều trường hợp do các tổ chức, doanh nghiệp được chuyển giao quyền, nghĩa vụ chưa hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin về về chuyển giao quyền, nghĩa vụ dẫn đến cơ quan thi hành án chậm hoặc không ban hành quyết định thi hành án mới theo quy định. Việc chậm hoặc không ban hành quyết định thi hành án mới dẫn đến tình trạng cơ quan thi hành án dân sự khi tổ chức thu được tiền, tài sản thì gặp khó khăn trong việc thanh toán, chi trả tiền cho người được thi hành án.
2.1. Khó khăn trong việc thông báo thi hành án
Khi thực hiện các quy định của pháp luật về thông báo thi hành án trong trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ, chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp Chấp hành viên không biết phải thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo cách nào, vì doanh nghiệp được chuyển giao quyền, nghĩa vụ không phối hợp hoặc phối hợp không đầy đủ với cơ quan thi hành án. Việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp làm thay đổi địa chỉ và cả người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi người đại diện theo ủy quyền dẫn đến việc thông báo thi hành án gặp nhiều trở ngại hoặc không thực hiện được việc thông báo trực tiếp, dẫn đến những sai sót, vi phạm trong thi hành án dân sự.
2.3. Khó khăn trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện của doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ
Đây là vấn đề tuy không mới nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 28 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt nam và khoản 1 Điều 51 nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) thì “Cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định thì việc tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Từ quy định trên, trong quá trình tổ chức thi hành án, để đảm bảo người phải thi hành án là các tổ chức, doanh nghiệp, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự có quyền áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật hoặc chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thì việc áp dụng biện pháp này cũng buộc phải thay đổi theo, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện và làm chậm tiến độ giải quyết thi hành án.
2.4. Khó khăn trong việc kê biên, xử lý tài sản
Đối với các doanh nghiệp chuyển giao quyền, nghĩa vụ thì việc kê biên, xử lý tài sản càng khó khăn vì cơ quan thi hành án không dễ để xác định được tài sản của doanh nghiệp, mặc dù theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phải thực hiện việc kê khai tài sản trung thực, tuy nhiên pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động kinh doanh phải chứng minh năng lực tài chính, tài sản của mình.
Việc xác định tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án trong khối tài sản chung với các cá nhân, tổ chức khác cũng là câu chuyện rất phức tạp, nhiều trường hợp không thể bóc tách được đâu là tài sản cá nhân, đâu là tài sản của doanh nghiệp để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.
Phải thi hành án là doanh nghiệp có tài sản là dự án bất động sản chưa xây dựng xong hoặc chưa hoàn thiện để có đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, dẫn đến cơ quan thi hành án không thể thực hiện việc xử lý tài sản để thi hành án.
2.5. Khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp được chuyển giao quyền, nghĩa vụ để thi hành án mà tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án với tư cách là người phải thi hành án thì họ luôn gây cản trở cơ quan thi hành án thực hiện việc thẩm định, định giá tài sản của họ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án vì họ cho rằng nghĩa vụ thi hành án là thuộc doanh nghiệp trước đó chứ không phải nghĩa vụ của họ. Việc nhận thức không đầy đủ về nghĩa vụ phải thực hiện khiến cho nảy sinh mâu thuẫn và xung đột về quyền và lợi ích trong thi hành án giữa người được thi hành án, người phải thi hành án từ đó phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự mà cơ quan thi hành án phải giải quyết.
2.6. Khó khăn trong việc cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá
Tương tự như những khó khăn nêu trên, doanh nghiệp nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ luôn tìm cách chống đối cơ quan thi hành án thực hiện việc giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được tài sản. Mục đích của họ nhằm kéo dài thời gian thi hành án để tiếp tục sử dụng tài sản để sản xuất, kinh doanh hoặc cho thuê nhằm kiếm lợi nhuận.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án trong trường hợp chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp
- Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ hơn về chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp theo hướng:
+ Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với các khoản nợ của doanh nghiệp trước khi tổ chức lại. Cần có cơ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký tài sản, vốn góp là vốn thực định chứ không phải là vốn pháp định để tránh trường hợp tạo ra doanh nghiệp ảo, dẫn đến tình trạng khi thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì không có hoặc có nhưng không đủ tài sản để thi hành án.
+ Trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải có cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp, cần có cơ chế bảo đảm cho doanh nghiệp khi chuẩn bị lâm vào tình trạng phá sản phải có biện pháp bảo đảm thực hiện được nghĩa vụ của mình đối với chủ nợ.
+ Phải có quy định khi doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ phải thực hiện việc thông báo đầy đủ thông tin về việc chuyển giao đó cho cơ quan đăng ký kinh doanh để khi cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án sẽ thuận lợi trong việc xác minh điều kiện thi hành án cũng như thực hiện các quy trình xử lý tài sản.
- Luật Thi hành án dân sự cần lãm rõ hơn việc thực hiện các thủ tục để thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ.
- Các cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần chủ động, thường xuyên phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thi hành án. Trường hợp có cơ sở để thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ thì áp dụng ngay các quy định của pháp luật để thực hiện các thủ tục thi hành án có liên quan./.

Phạm Thị Hiền - Vụ nghiệp vụ 1