Một số hạn chế, vướng mắc về việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 nhìn từ công tác thi hành án dân sự

29/09/2023


Bồi thường nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Từ sự ra đời của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Nhằm tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước số 10/2017/QH14 (Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017). Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã khắc phục những hạn chế còn tồn tại của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, xác định rõ hơn nữa trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại,...góp phần nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong thực thi công vụ, tạo thuận lợi cho việc giải quyết bồi thường, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại.
Đặc thù công tác thi hành án dân sự có tính chất phức tạp, thường xuyên va chạm với các lợi ích về tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức, do đó, quá trình thi hành công vụ của công chức thi hành án dễ dẫn tới các khiếu nại, tố cáo và nguy cơ phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước. Thực tiễn cho thấy sau khi hệ thống pháp luật về bồi thường nhà nước được hoàn thiện, công tác giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự đã từng bước đi vào nền nếp. Các cơ quan thi hành án dân sự đã kịp thời thụ lý, xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo bản án, quyết định của Tòa án; một số vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm đến nay đã được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua công tác giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự cho thấy vẫn còn một số điểm bất cập, tồn tại, hạn chế trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, cần được nghiên cứu và sớm sửa đổi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết bồi thường nhà nước trong thời gian sắp tới.
 1. Những điểm mới của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự
So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có rất nhiều điểm mới cơ bản có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự như:
(1) Bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước;
(2) Mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
(3) Quy định cụ thể hơn văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
(4) Bổ sung nhiều loại thiệt hại được bồi thường, lượng hóa một số loại thiệt hại được bồi thường;
(5) Quy định cụ thể hơn cơ quan giải quyết bồi thường;
(6) Sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường;
(7) Sửa đổi thủ tục chi trả bồi thường;
(8) Tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ, sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về mức hoàn trả, trình tự, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả.
+ Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, các hành vi không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước khi có lỗi cố ý của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã bỏ quy định về "lỗi cố ý” đối với trường hợp không ra quyết định về thi hành án hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án. Thay vào đó Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tập trung nhấn mạnh tính trái pháp luật trong hành vi thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Sự thay đổi về phạm vi trách nhiệm bồi thường nêu trên khắc phục được vướng mắc thường gặp trong thực tiễn thời gian qua vì hầu hết các văn bản làm căn cứ để yêu cầu bồi thường chỉ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà không xác định rõ lỗi của người thi hành công vụ trong thực hiện hành vi đó. Tuy nhiên, do phạm vi trách nhiệm bồi thường được mở rộng nên nguy cơ phát sinh phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan thi hành án dân sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 sẽ cao hơn so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
+ Về xác định thiệt hại được bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã bổ sung thêm các khoản phải bồi thường và các loại thiệt hại được bồi thường, cụ thể:
- Khoản thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 23) với nhiều loại thiệt hại như: tài sản đã bị phát mại, bị mất; tài sản bị hư hỏng; thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản; các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực; phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
- Khoản thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được lượng hóa cụ thể tùy theo đối tượng là cá nhân hay tổ chức.
- Chi phí hợp lý khác như thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại (điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 28).
Việc bổ sung thêm các khoản được bồi thường nói trên bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, tuy nhiên, số tiền ngân sách nhà nước phải bỏ ra để chi trả bồi thường có nguy cơ tăng cao hơn trước. Điều này đồng nghĩa với việc trách nhiệm đặt ra đối với công chức, cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước nói chung và công chức, cơ quan thi hành án dân sự nói riêng trong thực thi công vụ sẽ lớn hơn.
+ Việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án
So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường của người yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã được mở rộng. Cụ thể: Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền. Trong khi đó, theo Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, người yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường ngay sau khi nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành.
Bên cạnh đó, theo Điều 55 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Tòa án có giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.
+ Về cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường
Thủ tục cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã có sự thay đổi cơ bản so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 khi bỏ đi quy định: “trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên” (khoản 1 Điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009). Theo đó, sau khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường, Cục và Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm giải quyết bồi thường gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến Bộ Tài chính mà không gửi qua Tổng cục Thi hành án dân sự thẩm định trước khi trình cơ quan tài chính có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí bồi thường nhà nước.
+  Những nội dung khác
- Quy định từ Điều 64 đến Điều 72 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, trong đó, theo quy định tại Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, mức hoàn trả được quy định theo hướng tăng lên so với quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009. Quy định này đặt ra nhằm tăng tính chịu trách nhiệm của người công vụ có lỗi gây thiệt hại khiến nhà nước phải bồi thường.
- Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, khi gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại phải gửi các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình (khoản 3 Điều 16). Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường theo hướng tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường là thành phần hồ sơ không bắt buộc. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự trong xác minh thiệt hại làm căn cứ bồi thường được đề cao.
- Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi toàn diện quy định về thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, trong đó bổ sung quy định các trường hợp không thụ lý hồ sơ.
- Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 sửa đổi toàn diện quy định về xác minh thiệt hại so với Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009, theo đó, trong trường hợp vụ việc phức tạp, cơ quan giải quyết bồi thường có thể đề nghị đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan tài chính có thẩm quyền tham gia vào việc xác minh thiệt hại.
2. Hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Thứ nhất, công tác thi hành án dân sự là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, trong khi phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 lại rất rộng, bao trùm toàn bộ các hành vi công vụ trong hoạt động thi hành án dân sự (từ việc ra hoặc không ra các quyết định thi hành án dân sự trái pháp luật đến quá trình tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành các quyết định thi hành án trái pháp luật) đều có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.
Cụ thể: theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm các trường hợp: 1. Ra hoặc không ra một trong các quyết định sau đây trái pháp luật:
a) Thi hành án;
b) Hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án;
c) Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;
d) Cưỡng chế thi hành án;
đ) Hoãn thi hành án;
e) Tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án;
g) Tiếp tục thi hành án;
2. Tổ chức thi hành hoặc không tổ chức thi hành một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này trái pháp luật”.
Như vậy, trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự có các hành vi ra hoặc không ra các quyết định về thi hành án trái pháp luật; tổ chức hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án trái pháp luật mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì đều thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Với việc quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường rộng đã tăng nguy cơ phát sinh phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan thi hành án dân sự.
Thứ hai, một số quy định của pháp luật bồi thường chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan dẫn đến trong quá trình giải quyết bồi thường nhà nước còn có nhiều quan điểm chưa thống nhất phương án, gây khó khăn trong việc lập hồ sơ, cấp kinh phí bồi thường nhà nước.
Ví dụ: Trường hợp Tòa án khi giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tuyên phần lãi suất chậm trả đối với số tiền nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại (số tiền này thực tế không được cơ quan tài chính cấp kinh phí để chi trả cho người bị thiệt hại), hoặc đối với trường hợp thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường nhà nước, cụ thể: tại khoản 1 Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền”. Theo đó, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí đến Bộ Tài chính, tuy nhiên, tại điều 29 và 32 Luật Ngân sách nhà nước quy định: các Bộ chịu trách nhiệm về những sai phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luậtđơn vị dự toán ngân sách tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao... chi đúng chế độ, chính sách, đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Trong thực tiễn, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Tư pháp, cụ thể là Tổng cục Thi hành án dân sự tiến hành thẩm định, chịu trách nhiệm đối với hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường nhà nước của cơ quan thi hành án dân sự địa phương trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Thứ ba, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa có quy định cụ thể đối với một số trường hợp có thể kết thúc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, dẫn đến việc kéo dài vụ việc, cụ thể:
(1) Chưa có quy định về việc đình chỉ giải quyết bồi thường trong trường hợp người yêu cầu rút đơn kể từ giai đoạn cơ quan giải quyết bồi thường xác minh thiệt hại. Cụ thể: theo quy định tại Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định: 1. Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định đình chỉ giải quyết bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có một trong các căn cứ sau đây:
a) Người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại;
b) Người bị thiệt hại chết mà không có người thừa kế; tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại mà không có tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ;
c) Hết thời hạn tạm đình chỉ mà người yêu cầu bồi thường không đề nghị tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này hoặc có đề nghị tiếp tục giải quyết yêu cầu bồi thường nhưng có một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 50 của Luật này;
d) Có quyết định hủy quyết định giải quyết bồi thường trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này;
đ) Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biên bản về việc không nhận quyết định giải quyết bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này mà người yêu cầu bồi thường không nhận quyết định giải quyết bồi thường...”.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị hại, nhiều trường hợp sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã tiến hành xác minh thiệt hại, thương lượng,...thì người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường, do không có căn cứ nên cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan giải quyết bồi thường không thể đình chỉ, kết thúc giải quyết đối với vụ việc.
(2) Chưa có quy định về thủ tục cụ thể đối với việc kết thúc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp thương lượng không thành và thời hạn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường đã hết.
Ví dụ: Trên cơ sở yêu cầu giải quyết bồi thường của người bị thiệt hại, Cục Thi hành án dân sự A là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường đã tiến hành thụ lý hồ sơ, xác minh thiệt hại và tiến hành thương lượng với người yêu cầu bồi thường. Quá trình thương lượng không thành nhưng người yêu cầu bồi thường không thực hiện quyền khởi kiện của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (trong thời hạn 15 ngày kể từ ngàycó biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường). Hết thời hạn 15 ngày, người yêu cầu không tiến hành khởi kiện tại Tòa án, tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự A không có căn cứ để kết thúc giải quyết yêu cầu bồi thường, dẫn đến tồn đọng, kéo dài đối với vụ việc.       
(3) Chưa có quy định về việc kết thúc giải quyết bồi thường nhà nước khi người có lỗi chủ động khắc phục hậu quả sau khi bản án hoặc quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: Bản án của Tòa án tuyên chấp hành viên Chi cục A phải bồi thường cho ông B số tiền 35 triệu đồng. Ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, chấp hành viên đã chủ động nộp số tiền 35 triệu đồng để thực hiện việc bồi thường cho ông B theo nội dung bản án tuyên. Tuy nhiên, đối với trường hợp này chưa có căn cứ theo quy định của pháp luật để xác định vụ việc đã kết thúc giải quyết bồi thường nhà nước.
Thứ , một số vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự có lỗi một phần thuộc các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, cưỡng chế, xác minh, bán đấu giá tài sản, tuy nhiên khi xét xử tại Tòa án trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thuộc về cơ quan thi hành án dân sự, chưa có sự phân định rõ trách nhiệm phải bồi thường tương xứng với lỗi của từng chủ thể có liên quan.
Ví dụ: Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của ông A để đảm bảo thi hành án căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A được Ủy ban nhân dân huyện B cấp. Tuy nhiên, sau khi bán đấu giá thành cho bà C thì cơ quan thi hành án dân sự không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá do diện tích đất thực địa có sai lệch, chồng lấn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đấy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện B cấp cho ông A cũng bị Tòa án tuyên hủy. Tuy nhiên, quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường của bà C, Tòa án đã xác định lỗi hoàn toàn thuộc về chấp hành viên, do đó, chấp hành viên phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bà C.
Thứ năm, theo quy định tại Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại phải gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đến cơ quan tài chính có thẩm quyền”. Tuy nhiên, thực tế hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường cần chuyển qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn thẩm định lại, do đó, thời hạn 02 ngày là chưa đảm bảo tiến độ thực hiện trên thực tế.
Thứ sáu, tại khoản 7 Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: “Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự quy định tại điều 21 của Luật này bao gồm:...7. Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này”, khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định:Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường”.
Như vậy, phạm vi xác định văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự rất rộng, gây nhiều cách hiểu, nhiều quan điểm xác định khác nhau, không thống nhất giữa các cơ quan, ban, ngành, do đó cần quy định cụ thể hơn đối với nội dung này.
Thứ bảy, theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017:“1. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong các trường hợp sau đây....”. Theo đó, đối với các vụ việc người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết khi chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường sẽ không được cấp kinh phí theo quy trình bồi thường nhà nước mà áp dụng quy trình bảo đảm tài chính trong thi hành án dân sự, dẫn đến việc kéo dài thời gian, trình tự giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại.
3. Một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017
Đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước 2017 trong ngành thi hành án dân sự thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường, nhất là các vụ việc bức xúc, kéo dài trong nhiều năm; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường của các cơ quan thi hành án dân sự. Phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu các cơ quan thi hành án dân sự, đặc biệt là những địa phương có vụ việc giải quyết bồi thường  còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết bồi thường nhà nước để có biện pháp chỉ đạo kịp thời các vụ việc đã phát sinh, tránh tình trạng kéo dài, làm tăng số tiền phải bồi thường nhà nước.
Thứ ba, tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế sai sót, vi phạm trong công tác thi hành án để giảm các vụ việc phải bồi thường nhà nước.
Đề xuất một số nội dung để hoàn thiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thời gian tới.
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS quá rộng, bao trùm toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án nhưng một số vụ việc bồi thường nhà nước phát sinh trong lĩnh vực thi hành án dân sự có lỗi một phần thuộc các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc kê biên, cưỡng chế, xác minh, bán đấu giá tài sản,...như đã phân tích ở phần trên. Do đó, cần có quy định cụ thể để phân định trách nhiệm bồi thường của các cơ quan tương xứng với lỗi của từng chủ thể có liên quan.
Thứ hai, một số quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường của pháp luật về bồi thường nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể, chưa phù hợp dẫn đến việc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường gặp khó khăn trong việc thực hiện. Hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường nhà nước tại các cơ quan thi hành án dân sự hầu hết đều thuộc thẩm quyền cấp kinh phí của Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, tuy nhiên, thực tế hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường cần chuyển qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn thẩm định lại dẫn đến thời gian kéo dài, còn có sự mâu thuẫn trong quy định xác định cơ quan thẩm định hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường nhà nước giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, đề xuất sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 theo hướng bổ sung trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên, để cơ quan cấp trên chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hồ sơ xin cấp kinh phí bồi thường nhà nước trước khi chuyển cơ quan tài chính thẩm định.
Thứ ba, bổ sung quy định kết thúc giải quyết vụ việc bồi thường trong trường hợp người có lỗi chủ động khắc phục hậu quả sau khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc bồi thường của Tòa án có hiệu lực pháp luật và kết thúc giải quyết vụ việc trong trường hợp thương lượng không thành, đã hết thời hạn khởi kiện tại Tòa án nhưng người yêu cầu bồi thường không khởi kiện.
Thứ tư, theo quy định tại Điều 62 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước  năm 2017, thời hạn gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí là 02 ngày làm việc kể từ khi quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn 02 ngày để lập và gửi hồ sơ là chưa đảm bảo để cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thu thập, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí bồi thường. Do đó, đề xuất sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 theo hướng tăng thời hạn gửi hồ sơ đề nghị cấp kinh phí.
Thứ năm, bổ sung quy định đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết yêu cầu bồi thường khi chưa có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, theo hướng thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Mai Phương, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS