Bàn về cơ chế bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động Thi hành án hành chính tại cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay

10/10/2023


Quan niệm công vụ được thể hiện trong Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019): “Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức…”, và cán bộ, công chức được hiểu là những người hoạt động trong các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị là Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước, nói đến công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội. Trách nhiệm công vụ là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của cán bộ, công chức. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bất kỳ nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm công vụ.
Hoạt động Thi hành án hành chính cũng là một trong những nội dung của hoạt động công vụ. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập tới một khía cạnh rất nhỏ liên quan tới cơ chế bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động Thi hành án hành chính đó là: cơ chế bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động Thi hành án hành chính tại cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay.
1. Đặc điểm, tính chất đặc thù
 1.1. Định nghĩa về Thi hành án hành chính: Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định: “Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính” .
1.2. Đặc điểm, tính chất đặc thù của Thi hành án hành chính
Bên cạnh những đặc điểm cơ bản của hoạt động thi hành án nói chung, thi hành án hành chính có một số đặc thù mà cơ bản nhất là việc cơ quan Thi hành án dân sự không giữ vai trò tổ chức thi hành án; người phải thi hành án phần lớn là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Khác với thi hành án dân sự, thi hành án hình sự - pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án (cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án hình sự) – Thi hành án hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án. 
Theo pháp luật về Thi hành án hành chính, cơ quan Thi hành án dân sự tham gia hoạt động công vụ về Thi hành án hành chính với những nhiệm vụ như sau: (1) Theo dõi việc Thi hành án hành chính; (2) Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thi hành án; (3) Xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; (4) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác Thi hành án hành chính theo quy định. Nghĩa là, vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự trong thi hành án hành chính là nhằm thúc đẩy người phải thi hành án hành chính thi hành án, đồng thời nắm bắt thông tin về tình hình, kết quả thi hành phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, công dân nhận thức chưa đúng về vai trò của cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính, cho rằng cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành án hành chính tương tự thi hành án dân sự; bức xúc với cơ quan Thi hành án dân sự khi bản án hành chính chậm thi hành hoặc không được thi hành dẫn tới khiếu nại, tố cáo, thậm chí gây áp lực bằng dư luận, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan Thi hành án dân sự.
Trong vụ án hành chính, người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Theo đó, người phải thi hành án hành chính phần lớn là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Đặc điểm này có thể khiến cho một số công chức cơ quan Thi hành án dân sự do nhận thức chưa đúng về nhiệm vụ được giao mà có tâm lý nể nang, ngại va chạm khi mà hệ thống Thi hành án dân sự là hệ thống cơ quan thuộc Trung ương đặt tại địa phương, chịu sự lãnh đạo về công tác Đảng ở địa phương và có các quan hệ phối hợp, phụ thuộc khác với cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động Thi hành án dân sự. Tâm lý đó có thể dẫn tới nguy cơ thực hiện chưa đúng, chưa đủ so với yêu cầu của pháp luật, phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện không đúng quy trình theo dõi thi hành án hành chính. Ở chiều ngược lại, cũng không tránh khỏi tình trạng người phải thi hành án là cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước nhận thức chưa đúng về trách nhiệm phải thi hành án, chưa dành sự tôn trọng đúng mức đối với hoạt động công vụ của cơ quan Thi hành án dân sự trong thi hành án hành chính dẫn tới nguy cơ “trù dập”, gây khó khăn cho các hoạt động phối hợp công tác khác.
2. Thực trạng xây dựng và tổ chức thực hiện quy định nhằm bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động Thi hành án hành chính tại cơ quan Thi hành án dân sự hiện nay
Đối với hoạt động thực thi công vụ trong Thi hành án hành chính, như đã phân tích, tính chất phức tạp cùng nguy cơ bị xâm phạm về sự ổn định của tổ chức, về quyền lợi chính trị, quyền lợi vật chất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác đối với cơ quan Thi hành án dân sự và công chức Thi hành án dân sự trong hoạt động Thi hành án hành chính không quá lớn nhưng vẫn có khả năng tồn tại. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với công chức, cơ quan Thi hành án dân sự trước những nguy cơ đó là xây dựng một hệ thống quy định có liên quan bảo đảm hợp lý, rõ ràng để mỗi một hành động của công chức và cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính đều được bảo vệ bằng căn cứ pháp lý.
Hiện nay, Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục Thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã quy định tương đối rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính nói chung và quy trình theo dõi thi hành án hành chính nói riêng, là cơ sở để cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện công vụ được giao trong thi hành án hành chính. Đồng thời với ban hành quy định, để công tác theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự đi vào nền nếp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện, tham mưu thực hiện các hoạt động cụ thể như:
(i) Ban hành Quy trình theo dõi thi hành án hành chính áp dụng trong hệ thống Thi hành án dân sự[1];
(ii) Ban hành Quy chế đăng tải công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính[2];
(iii) Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thi hành án dân sự được giao nhiệm vụ theo dõi thi hành án hành chính, bảo đảm các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện thống nhất và có hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính;
(iv) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa chỉ tiêu về thi hành án hành chính là một trong những chỉ tiêu thống kê Quốc gia;
(v) Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch về hướng dẫn phối hợp thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính [3];
(vi) Có văn bản hướng dẫn việc báo cáo, thống kê về công tác thi hành án hành chính nhằm đưa công tác này đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý;
(vii) Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trên phạm vi cả nước;
(viii) Kiểm tra liên ngành về Thi hành án hành chính tại Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
(ix) Rà soát tình hình thi hành án hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính;
 (x) Báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các bản án hành chính có hiệu lực thuộc trách nhiệm thi hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa được thi hành xong...
Thông qua những hành động tích cực đó, hiểu biết của người dân và các cơ quan có liên quan về thi hành án hành chính nói chung ngày càng được nâng cao; nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính ngày càng rõ nét; sự tôn trọng đối với hoạt động thực thi công vụ của cơ quan Thi hành án dân sự được cải thiện; những tồn tại, hạn chế của cơ quan Thi hành án dân sự trong theo dõi thi hành án hành chính được phát hiện, chỉ ra và chấn chỉnh; những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời. Những điều này đã ít nhiều tạo ra giá trị phòng ngừa, góp phần bảo vệ cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quy định pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, có thể dẫn tới nguy cơ sai phạm cho người thi hành công vụ. Như:
+ Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Khó khăn, vướng mắc đối với cơ quan Thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ này đó là không xác định được thời điểm người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án để ra văn bản thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án, vì có trường hợp khi cơ quan Thi hành án dân sự nhận được bản án, quyết định của Tòa án thì người phải thi hành án đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định của Luật hoặc đã thi hành xong bản án.
+ Quy định về thời hạn cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức làm việc với người phải thi hành án (03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc Thi hành án hành chính) tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là không khả thi để Chấp hành viên chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tổ chức buổi làm việc với người phải thi hành án một cách hiệu quả.
3. Giải pháp
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, dân trí, trình độ pháp luật của người dân không ngừng được nâng lên, quyền dân chủ ngày càng được mở rộng và bảo đảm bằng các chính sách, pháp luật của nhà nước, theo đó xu hướng người dân lựa chọn cơ chế khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước tại Tòa án cũng ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc trọng trách công vụ trong hoạt động thi hành án hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ngày một tăng lên. Từ những phân tích về nguy cơ đối với cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động thi hành án hành chính và thực trạng cơ chế bảo vệ hiện nay, có thể xác định một số mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế bảo vệ cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động công vụ thi hành án hành chính như sau:
a)  Mục tiêu
- Thay đổi nhận thức của công chức, cơ quan Thi hành án dân sự và các cá nhân, tổ chức trong xã hội về thi hành án hành chính nói chung và hoạt động theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng;
- Hoàn thiện các quy định pháp luật về thi hành án hành chính nói chung và theo dõi thi hành án hành chính nói riêng.
b) Nhiệm vụ và giải pháp chính hướng tới thay đổi nhận thức về hoạt động thi hành án hành chính
- Đối với cơ quan Thi hành án dân sự:
+ Trước hết, Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự cần nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác thi hành án hành chính và theo dõi thi hành án hành chính, trên cơ sở đó nghiên cứu, nắm vững và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính;
+ Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao chất lượng hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ về công tác theo dõi thi hành án hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Chấp hành viên, tạo sự thống nhất chung trong việc áp dụng pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính tại các cơ quan Thi hành án dân sự trong cả nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác theo dõi thi hành án hành chính.
+ Tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi Thi hành án hành chính tại các cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là tại các địa phương có số lượng lớn án hành chính phải thi hành, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi thi hành án hành chính ở các địa phương được kiểm tra nói riêng và cả nước nói chung.
- Đối với tổ chức, cá nhân khác trong xã hội:
Đối với các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật tố tụng hành chính 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Việc tuyên truyền cần phải bám sát và căn cứ vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương, tập trung tuyên truyền, phổ biến tại các địa bàn có số lượng án hành chính lớn, kéo dài, nơi nhận thức của người dân còn hạn chế về pháp luật Thi hành án hành chính, theo dõi Thi hành án hành chính. Đa dạng các hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến; phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh phát hành các số chuyên đề và các bài tin trên các số tập san, ấn phẩm, tuyên truyền qua Đài truyền hình, Đài tiếng nói hoặc lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng…
c) Nhiệm vụ và giải pháp về hoàn thiện thể chế:
Hoàn thiện pháp luật về theo dõi thi hành án hành chính không tách rời và cần bắt đầu từ hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính. Theo đó, pháp luật thi hành án hành chính cần tăng cường hơn nữa các biện pháp có tính “cưỡng chế” trong Thi hành án hành chính; tăng cường và mở rộng thẩm quyền của Tòa án, Uỷ ban nhân dân trong công tác thi hành án hành chính; phân định rõ trình tự, thủ tục thi hành giữa bản án, quyết định Tòa án tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện và bản án, quyết định Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục thi hành đối với bản án, quyết định tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện; bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân, công dân; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phải tiến hành song song với hoàn thiện pháp luật về quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực. Về lâu dài cần xem xét, nghiên cứu xây dựng Luật Thi hành án hành chính nhằm điều chỉnh toàn diện các vấn đề cơ bản của hoạt động thi hành án hành chính.
Trên cơ sở hoàn thiện pháp luật về Thi hành án hành chính cần xem xét, hoàn thiện pháp luật về theo dõi Thi hành án hành chính, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền, phạm vi, nội dung, trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính... Có như vậy, công tác theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự mới được thuận lợi, góp phần bảo đảm việc theo dõi Thi hành hành hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự được thực hiện đúng và có hiệu quả trên thực tế./.
Phạm Văn Tâm - Vụ Nghiệp vụ 3
 

[1] Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS  ngày 16/10/2018 của Tổng cục Thi hành án dân sự ban hành quy trình theo dõi THAHC áp dụng trong hệ thống thi hành án dân sự
[2] Quyết định số 1249/QĐ-TCTHADS ngày 27/12/2017 của Tổng cục THADS về quy chế đăng tải công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính
[3] Thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT- BTP-VKSNDTC- TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp,  Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự