I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành
Trước thực trạng lượng án TDNH ngày càng tăng nhanh, nhất là về giá trị, với sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục và sự nỗ lực của toàn hệ thống các cơ quan THADS, công tác thi hành án TDNH năm 2023 đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:
- Tại Tổng cục THADS: Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong những năm gần đây, xác định thi hành án TDNH là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả hệ thống, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch công tác năm 2023 của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH với nội dung bám sát các nhiệm vụ lớn, trọng tâm trong năm công tác
[1]; tập trung rà soát, theo dõi, kiểm tra các vụ việc có điều kiện thi hành, giá trị từ 20 tỷ trở lên 03 năm chưa thi hành xong đối với 34 tỉnh thành phố
[2] và thực hiện linh hoạt mở rộng loại việc có điều kiện thi hành và trên 1 năm chưa thi hành xong đối với các tỉnh, thành phố có các vụ việc giá trị nhỏ; thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước, các TCTD hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thi hành án TDNH, kiểm tra, chỉ đạo tại một số địa phương có lượng việc và tiền phải thi hành án lớn, trong đó tập trung các nội dung theo phản ánh của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và một số Ngân hàng như GpBank, VAMC, Eximbank…
- Tại các cơ quan THADS địa phương: Đã chủ động kiện toàn và ban hành Kế hoạch công tác của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; một số đơn vị đã chủ động đề ra các giải pháp để đẩy nhanh việc tổ chức thi hành như: Tham mưu Ban chỉ đạo THADS chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, tổ chức đối thoại giữa Lãnh đạo với Chấp hành viên; ký kết quy chế phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương, thành lập tổ liên ngành (Tòa án, Viện kiểm sát, THA) để đôn đốc xử lý nợ xấu; tổ chức hội nghị, tọa đàm, yêu cầu báo cáo tiến độ từng vụ việc để nắm bắt, kịp thời chỉ đạo
[3].
2. Về hoàn thiện thể chế liên quan đến án TDNH
Nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về công tác THADS nói chung và công tác thi hành án TDNH nói riêng trong năm qua luôn được Tổng cục THADS quan tâm, chỉ đạo cụ thể:
- Tham mưu lập đề nghị xây dựng Luật THADS (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung hướng đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án TDNH
[4].
- Tham mưu Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028” theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 13/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ
[5].
- Tham gia góp ý, thẩm định hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hanh án TDNH như thứ tự thanh toán tiền thi hành án, khoản vay đặc biệt
[6].
- Tham mưu góp ý đối với dự thảo Nghị quyết tiếp tục duy trì thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42/2017/QH14); triển khai thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14
[7].
3. Công tác phối hợp
Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS với các đơn vị Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, Ngân hàng Nhà nước và các TCTD liên quan đến hoạt động thi hành án TDNH trong năm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể:
- Các đơn vị thuộc Bộ: Tham mưu ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “
Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”
[8]; tham gia góp ý, cho ý kiến đối với các dự thảo Luật, Nghị định, đề án, báo cáo văn bản có liên quan đến công tác thi hành án TDNH
[9]; cung cấp thông tin liên quan đến Ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á
[10].
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tổng cục thường xuyên trao đổi, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thống nhất quan điểm giải quyết những vấn đề pháp luật quy định chưa rõ, đặc biệt là các vụ việc cụ thể phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến án TDNH
[11].
- Các đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục phối hợp có hiệu quả Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP trong công tác THADS; phối hợp hoàn thiện thể chế; xây dựng góp ý báo cáo, kế hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án TDNH.
- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các TCTD/VAMC: Phối hợp rà soát, tổng hợp các vụ việc phát sinh vướng mắc kịp thời có giải pháp tháo gỡ
[12].
4. Kết quả thi hành án
Năm 2023, công tác thi hành án liên quan đến án TDNH đã đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch công tác của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH, cụ thể:
4.1. Kết quả thi hành án TDNH (từ ngày 01/10/2022 đến 30/9/2023)
Hệ thống các cơ quan THADS tổ chức thi hành án liên quan đến 76 TCTD, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, trong đó: 02 Ngân hàng chính sách; 02 Ngân hàng hợp tác xã; 03 Ngân hàng Thương mại nhà nước; 34 Ngân hàng TMCP; 05 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 04 Ngân hàng Liên doanh; 15 Công ty Tài chính; 11 Công ty cho thuê tài chính, số liệu cụ thể như sau:
- Về việc: Tổng số việc phải thi hành án là 39.710 việc
(chiếm 4,81% so với tổng số việc phải thi hành của toàn hệ thống[13]), tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 2.652 việc
. Trong đó, số có điều kiện là 23.046việc (
chiếm 58,03%), đã thi hành xong là 4.963 việc (đạt
21,54).
- Về tiền: Tổng số tiền phải thi hành án là 153.681 tỷ 889 triệu 060 nghìn đồng
(chiếm 40,11% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành của toàn hệ thống[14]), tăng 16.370 tỷ 589 triệu 313 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số có điều kiện là 88.212 tỷ 227 triệu 295 nghìn đồng (chiếm 57,39%), đã thi hành xong số tiền là 21.264 tỷ 978 triệu 924 nghìn đồng (
đạt 24,11%).
4.2. Công tác theo dõi, chỉ đạo giải quyết án có điều kiện thi hành, trên 20 tỷ 03 năm chưa thi hành xong
Tổng cục tiếp tục chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc thi hành án TDNH có điều kiện thi hành, đặc biệt là các loại việc có điều kiện trên 20 tỷ 3 năm chưa thi hành xong, kết quả cụ thể:
- Tổng số phải thi hành là 155 việc, tương ứng 15.467 tỷ 291 triệu 229 nghìn đồng (chiếm 0,42% về việc và 11,26% về tiền so với án TDNH toàn quốc
[15]), thuộc 34 tỉnh/thành phố
[16]. Trong đó: Số có điều kiện là 139 việc, tương ứng với 10.762 tỷ 410 triệu 950 nghìn đồng; số việc chưa có điều kiện là 16 việc tương ứng với số tiền 4.704 tỷ 880 triệu 279 nghìn đồng
[17].
- Đã thi hành xong: 03 việc, thu được 2.033 tỷ 405 triệu 205 nghìn đồng (đạt 1,94% về việc, 18,89% về tiền trên số có điều kiện thi hành).
- Trong số đó: Án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo: 07/155việc
[18], tương ứng 5.374 tỷ 843 triệu 251 nghìn đồng
- Đang thi hành chuyển kỳ sau: 152 việc, tương ứng 13.445 tỷ 494 triệu 303 nghìn đồng.
4.3. Công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ
Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến TDNH, Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương đẩy mạnh hoạt động tự kiểm tra để phát huy tối đa vai trò của Tổ xử lý nợ xấu tại các cơ quan THADS. Trong năm 2023, Tổng cục đã linh hoạt các hình thức kiểm tra, chỉ đạo giải quyết án TDNH tại 13 tỉnh, thành phố
[19]. Ngoài ra, Tổng cục cũng kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan THADS, trả lời kiến nghị phản ánh của các TCTD đối với khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc cụ thể.
II. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ
1. Ưu điểm
- Công tác kiểm tra, đôn đốc án TDNH luôn được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đặc biệt là những địa bàn có lượng án lớn, có nhiều vụ việc phức tạp.
- Công tác phối hợp giữa Tổng cục THADS với các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan và các TCTD/VAMC được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả
[20].
- Các cơ quan THADS, đặc biệt là Thủ trưởng đơn vị và Chấp hành viên đã có chuyển biến và nhận thức rõ hơn đối với tầm quan trọng của công tác thi hành án TDNH, từ đó đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn.
- Ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức trong việc thu hồi nợ xấu cũng được cải thiện và có chuyển biến tích cực.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tổng cục THADS nhận thấy công tác thi hành án TDNH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Số lượng việc thi hành án TDNH ngày càng tăng cả về số lượng và giá trị, kết quả thi hành án TDNH năm 2023 tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Số lượng việc tiền chuyển kỳ sau còn nhiều, giá trị lớn
[21].
- Công tác phối hợp có nơi có lúc chưa hiệu quả, vẫn còn tình trạng phản ánh của các cơ quan THADS về việc các TCTD chưa tích cực phối hợp trong xác minh, truy tìm tài sản là động sản, chậm giải chấp tài sản; phản ánh của các TCTD về việc một số cơ quan THADS vẫn chậm tổ chức thi hành án, chậm kê biên tài sản bảo đảm.
2.2. Nguyên nhân
2.2.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của án TDNH, phân công nhiệm vụ chưa phù hợp; chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết, báo cáo khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án
[22].
- Một bộ phận Chấp hành viên của một số cơ quan THADS chưa tích cực trong việc tổ chức thi hành án, vẫn còn tình trạng chậm tổ chức thi hành án, chậm kê biên, xử lý tài sản đảm bảo; chưa kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh để được chỉ đạo giải quyết. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức thi hành án của Chấp hành viên chưa đồng đều, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ chính xác, nhiều vụ việc bị khiếu nại tố cáo, thanh tra, kiểm tra nên bị kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
- Có nơi, có lúc công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS trong việc ủy thác thi hành án, ủy thác xử lý tài sản chưa chặt chẽ, hiệu quả.
[23]
2.2.2. Nguyên nhân khách quan
- Thị trường bất động sản có nhiều biến động, trầm lắng dẫn đến việc thu hút khách hàng mua tài sản là bất động sản có chiều hướng giảm mạnh, nhất là tâm lý e ngại mua tài sản thi hành án vì thủ tục nhiều, việc nhận tài sản phức tạp.
- Hệ lụy của Đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 và diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng nhiều đến kết quả THADS.
- Số lượng việc cho vay tín chấp không có tài sản bảo đảm ngày càng tăng
[24].
- Đặc tính của các tài sản bảo đảm cũng gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc giải quyết như tranh chấp, tài sản không kê biên được
[25], tài sản bán nhiều lần không có người mua
[26]; nghĩa vụ bảo đảm lớn nhưng tài sản bảo đảm có giá trị tài sản thực tế thấp
[27]
- Quy định của pháp luật có liên quan vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành và không còn phù hợp với thực tiễn
[28].
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ KIẾN NGHỊ
1. Phương hướng nhiệm vụ
Để phát huy ưu điểm, kết quả đã đạt được trong năm 2023 và tiếp tục hoàn thành, vượt chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm 2024, Tổng cục THADS đề ra một số phương hướng nhiệm vụ như sau:
1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác THADS nói chung và thi hành án TDNH nói riêng, đặc biệt là đối với các loại việc có điều kiện thi hành án. Có hình thức xem xét trách nhiệm củacác cá nhân, đơn vị thực hiện không đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ trong công tác này.
- Đôn đốc, chỉ đạo cơ quan THADS, Chấp hành viên tập trung rà soát kỹ những vụ việc còn tồn đọng, lên kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan THADS.
- Tập trung chỉ đạo, bám sát tình hình đối với các địa bàn trọng điểm có dự liệu về lượng án TDNH tăng mạnh (
nhất là về giá trị) và phức tạp, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…
[29].
1.2. Về hoàn thiện thể chế
- Tập trung nghiên cứu, đề xuất chính sách đề nghị sửa Luật THADS theo lộ trình, trong đó có nhiều định hướng sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến án TDNH
[30].
- Tham mưu sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (chú trọng việc sửa đổi các nội dung liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm như cổ phần, cổ phiếu).
- Tiếp tục tham gia góp ý, chỉnh lý dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), trong đó chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hanh án TDNH như thứ tự thanh toán tiền thi hành án, khoản vay đặc biệt, triển khai trong toàn hệ thống khi Luật được ban hành.
- Tham gia phối hợp tích cực trong việc góp ý xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan trong Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi bổ sung); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “
Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 07/QĐ-BTP ngày 04/1/2023 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg.
1.3. Công tác phối hợp
- Các đơn vị thuộc Bộ: Phối hợp thường xuyên, kịp thời trong công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến án TDNH; thực hiện một số nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong các đề án tái cơ cấu, nghị quyết xử lý nợ xấu; góp ý báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ...
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao: Trao đổi, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thống nhất quan điểm giải quyết những vấn đề pháp luật quy định còn vướng mắc, đặc biệt là các vụ việc cụ thể liên quan đến án TDNH. Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc đề xuất giải pháp giải quyết các vụ việc án tuyên không rõ khó thi hành.
- Các đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục phối hợp có hiệu quả Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP trong công tác THADS; phối hợp hoàn thiện thể chế; xây dựng góp ý báo cáo, kế hoạch và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án TDNH.
- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các TCTD/VAMC: Phối hợp rà soát, tổng hợp các vụ việc phát sinh vướng mắc kịp thời có giải pháp tháo gỡ, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại để có biện pháp đẩy nhanh công tác thu hồi nợ xấu trong hoạt động THADS.
1.4. Đối với các cơ quan THADS địa phương
- Các cơ quan THADS địa phương tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra chỉ đạo quyết liệt giải quyết án TDNH; tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm giữa Lãnh đạo, Chấp hành viên, TCTD và tranh thủ sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan tại địa phương để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Chủ động rà soát, kiểm tra để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, khắc phục ngay các sai sót, vi phạm (nếu có), hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài ảnh hưởng đến kết quả thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án.
- Phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các TCTD trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phát huy tối đa vai trò của Tổ xử lý nợ xấu tại địa phương.
2. Một số kiến nghị
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên, Tổng cục kiến nghị một số nội dung như sau:
- Đối với Lãnh đạo Bộ Tư pháp: Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ tham mưu, chủ trì và phối hợp hiệu quả trong việc xây dựng, góp ý hoàn thiện thể chế liên quan đến án TDNH như: Luật Đấu giá tài sản; Luật TCTD sửa đổi, Luật Công chứng, Luật Đất đai và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án. Quan tâm chỉ đạo Tổng cục THADS trong việc hoàn thiện đề nghị sửa Luật THADS, sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP theo lộ trình; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để có biện pháp chỉ đạo giải quyết các vụ việc án tuyên không rõ khó thi hành.
- Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục THADS trong công tác thu hồi nợ xấu của các TCTD/VAMC; chỉ đạo các TCTD thực hiện chặt chẽ hoạt động cho vay, phối hợp tích cực với cơ quan THADS; xem xét có cơ chế miễn giảm lãi chậm thi hành án đối với các khoản vay theo chính sách của Nhà nước (Nghị định 67/2014/NĐ-CP), GPBank; chỉ đạo các TCTD/VAMC khi cử đại diện theo ủy quyền tham gia công tác THADS cần cử đại diện có thẩm quyền quyết định hoặc nội dung ủy quyền phải rõ ràng phạm vi ủy quyền để thuận tiện khi thực hiện trình tự, thủ tục THADS.
- Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tiếp tục quan tâm, phối hợp với Tổng cục THADS trong việc hướng dẫn chung và hướng dẫn tháo gỡ đối với từng vụ việc cụ thể phát sinh khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm sát công tác THADS về các bản án TDNH đối với cơ quan THADS, Chấp hành viên.