Nghiên cứu, đề xuất nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác thi hành án dân sự sau khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023 có hiệu lực thi hành

27/10/2023


Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, trong đó đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng nhằm phát triển giao dịch điện tử như: bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp luật có quy định khác; Phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình để thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn so với các phương thức giao dịch khác; Áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện phát triển giao dịch điện tử; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.  Những chính sách đó đã góp phần khắc phục, khơi thông điểm nghẽn và tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi số trong rất nhiều lĩnh vực trong xã hội, trong đó, phải kể tới công tác thi hành án dân sự.
Trước tiên, có thể đánh giá điểm mới của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi thông qua một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã có một quy định quan trọng, đặc biệt bởi một luật nhưng giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số. Đó là quy định tại khoản 3 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh: “3. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.” và quy định giao dịch điện tử có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Như vậy, dù không có quy định giao dịch được thực hiện bằng giao dịch điện tử hoặc không có quy định một giao dịch không được thực hiện bằng giao dịch điện tử thì đều được áp dụng quy định của Luật giao dịch điển tử.
Thứ hai, do phạm vi điều chỉnh được mở rộng và giá trị của giao dịch điện tử là tương đương so với giao dịch truyền thống nên khi áp dụng sẽ góp phần rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện, tối ưu hóa hiệu quả giao dịch, dù là giao dịch dân sự thông thường hay các giao dịch có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước; việc thực hiện giao dịch điện tử toàn phần cũng khắc phục được tình trạng phức tạp, mất thời gian của việc thực hiện song song 02 hình thức giao dịch truyền thống và giao dịch điện tử, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong tương lai. Quy định về chuyển đổi giữa giấy và điện tử thông suốt, không rào cản; Dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào Luật đóng vai trò tạo niềm tin thúc đẩy giao dịch điện tử; Chứng thư điện tử lần đầu tiên đưa vào Luật để đại diện chung cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận... giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.
Thứ ba, các giao dịch thường được thể hiện dưới dạng hợp đồng, việc quy định về hợp đồng điện tử cũng là một trong những bước nhảy vọt, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi thực hiện trên thực tế. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 thì đối với hợp đồng điện tử thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong chức năng quản lý của mình, Bộ Tư pháp có thể ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hợp đồng điện tử trong công tác hành chính –tư pháp nói chung, công tác thi hành án dân sự nói riêng.
Thứ tư, quy định của Luật Giao dịch điện tử có vai trò đẩy mạnh hiệu quả của các nền tảng số quốc gia, là công cụ quan trọng để các Bộ, ngành tích hợp, sử dụng, khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực thẩm quyền.
Thứ năm, để thực hiện triển khai có hiệu quả các giao dịch điện tử, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, quy định của Luật Giao dịch điện tử đã quy định việc cơ quan Nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách Nhà nước hàng năm (kinh phí sự nghiệp) để thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sừ dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hạ tầng thông tin.
Thứ sáu, việc bổ sung thêm quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu là một trong những điểm mới phải kể đến, nhất là trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện các thủ tục hành chính, bởi hiện nay, phần lớn vẫn đang thực hiện dưới dạng các văn bản giấy. Khi có quy định này, sẽ góp phần rất lớn trong cải thiện tốc độ, hiệu quả thực hiện các thủ tục hành chính cũng như công tác quản lý trong cơ quan nhà nước.
Thứ bảy, Luật đã bổ sung các quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử từ đó mở rộng phạm vi, đảm bảo giá trị của các hợp đồng điện tử, chứng thư điện tử trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những điểm mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã cơ bản góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật cho các hoạt động giao dịch trên không gian mạng, mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội; khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành,…Trong công tác thi hành án dân sự cũng không ngoại lệ, dưới đây, trong phạm vi bài viết, tác giả xin đưa ra một vài nội dung có thể cân nhắc nghiên cứu, đề xuất để áp dụng những điểm mới của Luật Giao dịch điện tử 2023 trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
1. Nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu trong trình tự, thủ tục thi hành án dân sự
- Khái niệm, hình thức của “Thông điệp dữ liệu”: Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử thì “Thông điệp dữ liệu” là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật. Thông điệp dữ liệu được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy.
- Giá trị pháp lý của “thông điệp dữ liệu”: Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Theo đó:
+ Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản: Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu. Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực.
+ Thông điệp dữ liệu được sử dụng và có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: (1) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Thông tin trong thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi thông tin đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu; (2) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.
+ Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng. Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác.
- Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu:
+ Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: (1) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; (2) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; (3) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; (4) Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.
+ Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây: (1) Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu; (2) Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu; (3) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi; (4) Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.
Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan và phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết quy định về việc chuyển đổi hình thức nêu trên.
Trong công tác thi hành án dân sự, có rất nhiều văn bản về thi hành án kéo dài xuyên suốt quá trình tổ chức thi hành án từ giai đoạn tiếp nhận bản án, thụ lý, ra quyết định thi hành, tổ chức thi hành án đến kết thúc hồ sơ thi hành án. Theo quy định tại Điều 39 Luật Thi hành án dân sự thì các Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức: thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu. Như vậy, có thể thấy, pháp luật thi hành án dân sự không quy định việc thực hiện thông báo theo các hình thức thông qua các phương tiện điện tử như hộp thư điện tử, email,… và dưới dạng “thông điệp điện tử”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2023 thì trường hợp pháp luật THADS chưa có quy định thì có thể áp dụng quy định của Luật Giao dịch điện tử. Do đó, cần cân nhắc việc chuyển đổi các văn bản dưới hình thức văn bản giấy thành các “thông điệp dữ liệu” và thực hiện thông báo cho đương sự thông qua các phương tiện điện tử. Để thực hiện, cần nghiên cứu các điều kiện để đảm bảo giá trị pháp lý của “thông điệp dữ liệu” so với văn bản giấy, cụ thể:
+ (1) Đầu tư trang thiết bị, hệ thống các phần mềm hỗ trợ thực hiện chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu điện tử, kinh phí sử dụng nhân lực thực hiện việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang “thông điệp dữ liệu”;
+ (2) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng công cụ xác định ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.
+ (3) Hiện nay, việc ký số mới chỉ áp dụng cho Lãnh đạo cơ quan THADS đối với một số loại văn bản nhất định. Trong khi đó, phần lớn các văn bản về thi hành án đều do Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc ký và có con dấu xác nhận của cơ quan THADS. Do đó, để đáp ứng điều kiện chuyển đối từ văn bản giấy sang “thông điệp dữ liệu” cần nghiên cứu cơ chế chữ ký số cho đội ngũ Chấp hành viên, công chức cơ quan THADS thực hiện việc ban hành các văn bản giấy chuyển đổi.
+ (4) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Chấp hành viên, công chức, người lao động cơ quan THADS nghiệp vụ liên quan đến việc chuyển đổi văn bản giấy sang “thông điệp dữ liệu”; việc sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện thông báo cho đương sự các văn bản về thi hành án; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đương sự đề nghị nhận thông báo các văn bản về thi hành án theo hình thức các “thông điệp dữ liệu” thông qua các phương tiện điển tử như email, hộp thư điện tử, fax, … để góp phần giảm thiểu chi phí, công sức thực hiện cũng như rút ngắn thời gian thực hiện.
2. Thúc đẩy thực hiện các “giao dịch điện tử” của cơ quan thi hành án dân sự
Bên cạnh các văn bản về thi hành án, trong quá trình tổ chức thi hành, cơ quan thi hành án dân sự, mà chủ yếu do Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc đại diện thực hiện thường thực hiện các giao dịch với các tổ chức thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án thông qua các hợp đồng dịch vụ (Hợp đồng thẩm định giá tài sản, Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thi hành án). Các loại hợp đồng này hiện nay đều được ký kết theo phương thức truyền thống. Sau khi Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2024), cần nghiên cứu cơ chế, cách thức để cơ quant hi hành án dân sự thực hiện giao dịch trên theo phương thức “giao dịch điện tử”, ký “hợp đồng điện tử” với các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Để thực hiện, theo tác giả, cần:
+ (1) Hiện nay, Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc là người đại diện cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ký kết các hợp đồng nêu trên, tuy nhiên, để ký kết hợp đồng điện tử, Chấp hành viên cần được xác nhận chữ ký số và tiến hành thực hiện ký kết. Chữ ký số ở đây được coi là “chữ ký số chuyên dùng công vụ”. Đó là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ. Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023.
+ (2) Về hình thức, nội dung hợp đồng điện tử, theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Giao dịch điện tử thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Do vậy, cần đề xuất Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tư pháp trong việc ban hành Hợp đồng điện tử về thẩm định giá tải sản; Bộ Tư pháp xây dựng, phát hành Hợp đồng điện tử về bán đấu giá tài sản trong công tác thi hành án dân sự.
+ (3) Để thực hiện, cần xây dựng, hoàn thiện một hệ thống cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự một cách toàn diện, đầy đủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, trong thời gian tới, cần quan tâm đầu tư nguồn nhân lực thực hiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống thông tin; ban hành và công bố công khai quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu đối với cơ sở dữ liệu thuộc thẩm quyền quản lý; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu để thực hiện các giao dịch điện tử giữa cơ quan thi hành án dân sự với các tổ chức, cá nhân và với cơ quan nhà nước khác nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn khác,…
Như vậy, sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực, việc áp dụng chuyển đổi văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu cũng như thực hiện giao dịch điện tử trong công tác thi hành án dân sự sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự. Chuyển đổi số thành công đồng nghĩa với tạo chuyển biến đột phá về chất lượng, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, bảo đảm tính tuân thủ pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, nhất là trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, thực hiện các giao dịch điện tử là nội dung rất mới đòi hỏi cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp thì mới thực hiện thành công, hiệu quả trong thời gian tới./.