Một số vấn đề khó khăn, vướng mắc khi xử lý cổ phiếu để thi hành án

02/11/2023


Cổ phiếu là một loại tài sản có tính thanh khoản cao trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý để thi hành án, loại tài sản này lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều vụ việc thi hành án vẫn chưa giải quyết dứt điểm được do chưa thể xử lý được cổ phiếu mà trong bản án, quyết định Tòa án đã tuyên có tài sản thi hành án là cổ phiếu. Những khó khăn, vướng mắc khi xử lý loại tài sản này một phần nguyên nhân là do pháp luật về thi hành án dân sự còn thiếu các hướng dẫn rõ ràng và thiếu sự tương thích giữa các ngành luật.
1. Quy định về xử lý cổ phiếu để thi hành án
- Pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay không có quy định riêng về việc xử lý cổ phiếu để thi hành án mà chỉ có quy định về thu giữ, xử lý giấy tờ có giá để thi hành án. Tuy nhiên, rà soát các quy định pháp luật hiện tại, không có quy định nào xác định “cổ phiếu là giấy tờ có giá”, do vậy mà việc xác định cổ phiếu có phải là giấy tờ có giá hay không vẫn đang có những quan điểm cách hiểu khác nhau. Trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, quy định: “Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”. Tuy nhiên, hai Nghị định này hiện nay đã được thay thế bởi Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP này đã không còn đưa ra khái niệm về giấy tờ có giá (bao gồm cổ phiếu) như trước đây.
- Rà soát các quy định pháp luật có liên quan có một số quy định như sau:
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 105 khoản 1) quy định về Tài sản: 1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”;
+ Điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp) năm 2020 quy định “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”. Khoản 1 Điều 121 Luật doanh nghiệp năm 2020 giải thích về cổ phiếu như sau: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
+ Luật Chứng khoán 2019  quy định: “Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ” (Điều 1 khoản 1 điểm a);
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
+ Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
+ Thông tư 16/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 11 năm 2022 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại khoản 1 Điều 3 quy định: Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác. Giấy tờ có giá bao gồm: giấy tờ có giá loại ghi sổ (dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử) và giấy tờ có giá loại chứng chỉ”.
+ Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Ngân hàng nhà nước quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối tượng điều chỉnh của Thông tư này quy định việc phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi; phát hành, chào bán trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để huy động vốn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Đối tượng phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (sau đây gọi là giấy tờ có giá) theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.       
Từ các quy định pháp luật nêu trên có thể hiểu cổ phiếu không phải là giấy tờ có giá, xuất phát từ bản chất, khái niệm giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá; trong khi khái niệm của cổ phiếu lại là xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
2. Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành án đối với cổ phiếu
- Khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án
Cổ phiếu là loại tài sản đặc thù do công ty cổ phần phát hành, tồn tại dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó (Điều 121 Luật doanh nghiệp 2020). Chính vì vậy, việc xác minh đối với loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn.
Để có căn cứ, cơ sở xử lý cổ phiếu của người phải thi hành án thì Chấp hành viên cần phải xác minh được các thông tin như: tổ chức phát hành cổ phiếu, mã cổ phiếu, số lượng cổ phiếu mà người phải thi hành án đang nắm giữ, loại cổ phiếu (cổ phiếu ưu đãi có được đầy đủ thông tin về việc sở hữu cổ phần của người phải thi hành án hoặc tiếp cận được sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần thì Chấp hành viên mới có thể biết được đầy đủ các thông tin liên quan đến điều kiện thi hành án, cổ phiếu cần xác minh phục vụ cho việc thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế việc này rất khó, vì thông tin về cổ đông không phải là cổ đông sáng lập hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Công ty không phải thông báo hoặc đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật, phục vụ nhu cầu quản lý. Trong trường hợp ngay cả khi đã xác minh rõ về việc sở hữu cổ phần/cổ phiếu tại công ty cổ phần thì Luật Doanh nghiệp 2020 cũng chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của Công ty khi quản lý, lưu giữ thông tin phải cung cấp thông tin cho Chấp hành viên.
Đối với những công ty cổ phần đại chúng có cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì việc xác minh cũng gặp khó khăn do việc giao dịch, chuyển nhượng cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch được thực hiện trên Hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán vận hành theo phương thức khớp lệnh, việc mua bán diễn ra và hoàn tất rất nhanh chóng, thậm chí trong từng giây.
- Khó khăn trong thủ tục phong tỏa tài khoản chứng khoán, xử lý cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán để thi hành án:
+  Theo pháp luật về chứng khoán hiện nay, khi thực hiện hoạt động đầu tư, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán (Điều 15 Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính, Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính). Đồng thời, pháp luật chứng khoán quy định Công ty chứng khoán không được nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
+ Cũng theo quy định pháp luật chứng khoán thì việc thực hiện giao dịch bán/chuyển quyền sở hữu chứng khoán trên tài khoản của nhà đầu tư bao gồm Chủ tài khoản (là nhà đầu tư), người được chủ tài khoản ủy quyền giao dịch hoặc theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền (Tòa án, cơ quan thi hành án). Do vậy, để thực hiện theo phương thức giao dịch qua hệ thống của sở giao dịch chứng khoán cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ đối tượng phải thi hành án sang cơ quan thi hành án. Sau đó, cơ quan thi hành án thực hiện bán cổ phiếu căn cứ vào tình hình thực tế tại ngày giao dịch. Cơ quan thi hành án không thể ra quyết định “thu giữ” chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán như những loại tài sản hữu hình vì nó tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
- Khó khăn vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng quy định Luật thi hành án dân sự và Luật doanh nghiệp liên quan đến “phần vốn góp” tại doanh nghiệp của người phải thi hành án:
Điều 92 Luật thi hành án dân sự quy định về Kê biên vốn góp: “1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án”.
Tuy nhiên, khoản 27 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa “phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.
Quy định của Luật doanh nghiệp nêu trên khi nói đến “phần vốn góp” là chỉ bao gồm tài sản của tổ chức, cá nhân đã góp hoặc cam kết góp vào công ty TNHH, công ty hợp danh mà không bao gồm loại hình công ty cổ phần. Điều này có thể gây bất cập, khó khăn, vướng mắc khi Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó.
- Khó khăn trong việc bán cổ phiếu để thi hành án
+ Hiện nay việc bán tài sản là giấy tờ có giá để thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, tại điều luật này cũng chỉ quy định rất chung chung “Việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật” và các quy định pháp luật (như đã nêu ở trên) cho thấy không thể xác định cổ phiếu là một loại giấy tờ có giá do không có quy định việc xử lý cổ phiếu như là một loại tài sản là “giấy tờ có giá” của Luật thi hành án dân sự và hiện cũng không có hướng dẫn cụ thể nên việc bán cổ phiếu để thi hành án hiện nay làm cho Chấp hành viên, cơ quan thi hành án chưa thống nhất trong quá trình áp dụng.
+ Hiện nay, việc thẩm định giá cổ phiếu, xác định giá khởi điểm làm cơ sở bán cổ phiếu cũng tồn tại nhiều khó khăn bất cập. Thực tiễn cho thấy việc xác định giá cổ phiếu khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với thẩm định giá trị các loại tài sản khác. Đối với cổ phiếu đã giao dịch trên thị trường chứng khoán thì giá thị trường của cổ phiếu biến động, thay đổi liên tục, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Đối với cổ phần/cổ phiếu khác chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì khoản 14 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định “Giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần là giá giao dịch trên thị trường tại thời điểm liền kề trước đó, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định”. Việc xác định giá trị tài sản là cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp này cũng vô cùng khó khăn, nhất là khi xác định giá giao dịch trên thị trường, giá thỏa thuận giữa người bán và người mua hoặc giá do một tổ chức thẩm định giá xác định có sự khác nhau, hoặc cổ phần có giá trị âm hoặc phải thẩm định giá, phải thẩm định lại giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở xác định giá cổ phiếu.
+ Luật thi hành án dân sự hiện không có quy định cụ thể về thời điểm chốt giá cũng như giá khởi điểm để bán.
(i) Đối với giá cổ phiếu đã niêm yết, giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán thì giá biến động từng phiên, từng thời điểm hoặc có thể bị ảnh hưởng của tình hình kinh tế, thị trường theo từng ngày với biên độ giao động giá trị rất lớn. Do vậy, việc xác định thời điểm nào thực hiện việc bán (đặt lệnh bán) để hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như tránh rủi ro khiếu nại của người phải thi hành án (nếu họ cho rằng cổ phiếu bị bán vào thời điểm giá thị trường/phiên giao dịch không thuận lợi cũng là một vấn đề đặt ra.
(ii) Đối với bán đấu giá cổ phiếu, cổ phần chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì việc bán cổ phiếu cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế pháp lý khi chưa có quy định về việc đấu giá cổ phiếu, cổ phần để thi hành án. Cụ thể: Luật thi hành án dân sự hiện nay không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời điểm thực hiện việc đấu giá tài sản là cổ phiếu, cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp chưa lên sàn giao dịch chứng khoán. Luật đấu giá hiện nay cũng không quy định về việc đấu giá đối với cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá hiện nay chỉ quy định “việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán” và  pháp luật chứng khoán xác định giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán trên cơ sở khớp lệnh; đồng thời điểm g khoản 1 Điều 46 Luật Chứng khoán chỉ quy định một trong các quyền của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là “cung cấp dịch vụ đấu giá, đấu thầu” và việc cung cấp dịch vụ này dựa trên các quy định pháp luật có liên quan[1].
Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán cổ phần, cổ phiếu để thi hành án còn phụ thuộc rất nhiều vào các quy định pháp luật khác có liên quan như: nếu là cổ phần theo Luật doanh nghiệp thì phải xác định các vấn đề có liên quan như giá trị doanh nghiệp, cổ phần đó là cổ phần phổ thông hay cổ phần ưu đãi do hiện Luật doanh nghiệp không có ngoại trừ việc bán theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan thi hành án. Do vậy, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự thiếu về cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán cổ phiếu, cổ phần để thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án là cổ đông của công ty cổ phần mà cổ phiếu chưa phát hành ra thị trường chứng khoán. Trên thực tế hiện nay các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên khi xử lý, bán cổ phiếu của người phải thi hành án thì thường phải trao đổi với các cơ quan chuyên môn có liên quan để thống nhất đưa ra hướng xử lý cho từng vụ việc cụ thể mà chưa có sự thống nhất, hướng dẫn chung.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
- Bổ sung quy định tại Luật thi hành án dân sự về việc xử lý đối với tài sản phải thi hành án là theo hướng:
+ Đối với cổ phiếu đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán: cơ quan thi hành án dân sự thực hiện bán trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá nằm trong biên độ giá giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện giao dịch theo pháp luật chứng khoán.
+ Bổ sung quy định về xác định khoảng thời gian hoặc ngày xử lý tài sản là cổ phiếu đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán.
+ Quy định rõ Cơ quan thi hành án dân sự không phải thực hiện thủ tục thẩm định giá khi bán chứng khoán theo phương thức này.
- Đối với chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán:
+ Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế, thẩm định giá và bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
+ Bổ sung quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án (như biện pháp phong tỏa) khi xử lý; yêu cầu tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thực hiện việc bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
- Bổ sung quy định về kê biên, thẩm định, bán đấu giá phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu để phù hợp nếu những tài sản này không tồn tại dưới hình thức hữu hình (dữ liệu điện tử, bút toán ghi sổ).
- Bổ sung quy định rõ thời hạn, thời gian thực hiện thủ tục thi hành án từ lúc thụ lý thi hành án, xác minh, kê biên, tổ chức cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản, thanh toán tiền, tránh việc biến động về giá trị tài sản thi hành án là vốn góp, cổ phần, cổ phiếu (ví dụ việc công bố thông tin bán đấu giá cũng có thể làm giá chứng khoán trên Sở Giao dịch chứng khoán biến động lớn (đối với cổ phiếu đang giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán; hoặc việc kéo dài thời hạn xử lý có thể dẫn đến việc tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức khác nhau như cổ đông chuyển giao tài sản của doanh nghiệp sang chủ thể khác hoặc tuyên bố phá sản (đối với cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp chưa niêm yết).
- Bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp xác minh, thu hồi tài sản của người phải thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp, trái phiếu và các loại chứng khoán khác khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án hoặc Chấp hành viên.
 

[1] Như: (1) quy định pháp luật về chào bán cổ phiếu để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm  giữ 100% VĐL đầu tư tại doanh nghiệp khác; (2) quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng do UBCKNN chấp thuận theo pháp luật chứng khoán