Một số vấn đề lưu ý đối với các tổ chức tín dụng khi tham gia quá trình tổ chức thi hành án dân sự

28/11/2023


Trong điều kiện chủ động mở cửa và hội nhập, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng và hoàn thiện là nền kinh tế gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới đã làm cho các giao dịch dân sự, kinh tế diễn ra phong phú, đa dạng với số lượng ngày càng nhiều và việc xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Số lượng bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà cơ quan THADS sẽ tiếp nhận tổ chức thi hành ngày một nhiều hơn, đặc biệt là các bản án, quyết định kinh doanh thương mại là một xu hướng tất yếu, tạo ra một áp lực không hề nhỏ và cũng là một thách thức lớn cho cơ quan THADS. Chính vì vậy, trách nhiệm của THADS Việt Nam trong việc thực thi các quyết định, Bản án của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền nhằm “bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật” đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm quyền, lợi ích của đương sự, từ đó, tạo ra sự thông thoáng và tin cậy, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực quốc tế tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Một trong những loại án chiếm tỷ lệ lớn trong án kinh doanh thương mại là án tín dụng ngân hàng, trong đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là chủ thể chính, chủ yếu tham gia quá trình tổ chức thi hành án với vai trò đương sự. Chủ thể này có vai trò quan trọng, quyết định rất nhiều đến hiệu quả tổ chức thi hành án, do đó, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một số lưu ý đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tham gia quá trình tổ chức thi hành án như sau:
1. Về ủy quyền thi hành án
- Theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 7 Luật THADS thì người được thi hành án có quyền “Ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình”. Trường hợp người được thi hành án là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thường lựa chọn hình thức ủy quyền là quyết định ủy quyền tham gia tố tụng. Quyết định ủy quyền của mỗi tổ chức tín dụng, ngân hàng thì có cách thể hiện khác nhau, tuy nhiên về nội dung ủy quyền thì có những điểm chung như sau:
+ Đối tượng nhận ủy quyền là chức danh cụ thể (có thể là người đứng đầu chi nhánh hoặc giám đốc xử lý nợ) tức là tại quyết định ủy quyền thì không ghi cụ thể tên người nhận ủy quyền mà khi phát sinh vụ việc thì người có chức danh được ghi trong quyết định ủy quyền là người đại diện ủy quyền của tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia giải quyết vụ việc.
+ Nội dung công việc ủy quyền bao gồm các công việc chính sau: Ký đơn yêu cầu thi hành án (ký văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ rút lại đơn), ký đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, ký các văn bản có liên quan trong quá trình thi hành án, nhận tiền hoàn tiền tạm ứng án phí đã nộp, nhận tiền, tài sản từ cơ quan thi hành án….
+ Ủy quyền lại: tại các quyết định ủy quyền đều ghi nhận việc ủy quyền lại cho người khác thực hiện thay công việc được ủy quyền.
 + Về sử dụng con dấu: cho phép người được ủy quyền được sử dụng con dấu của đơn vị (Chi nhánh hoặc Phòng giao dịch) trong quá trình giải quyết việc thi hành án.
+ Về thời hạn ủy quyền không quy định thời gian nhất định mà nó kết thúc khi có quyết định khác thay thế.
+ Đây là trường hợp ủy quyền không có thù lao.
Quyết định ủy quyền này chỉ có bên ủy quyền là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng ký tên và đóng dấu mà không có chữ ký của bên được ủy quyền (hành vi pháp lý đơn phương). Khi phát sinh vụ việc thi hành án liên quan, những người có chức danh được nêu trong quyết định ủy sẽ có trách nhiệm thực hiện công việc ủy quyền để tiến hành giải quyết các vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên ủy quyền. Đây là thời điểm bắt đầu phát sinh hiệu lực ủy quyền đối với vụ việc đó và họ trở thành đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dung, ngân hàng trong vụ việc đó. Trường hợp đang thực hiện công việc ủy quyền mà bên được ủy quyền không còn đúng chức danh nêu trong quyết định ủy quyền thì việc ủy quyền được nhiên chấm dứt và họ không được coi là đại diện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Tùy từng nội dung của Quyết định ủy quyền mà việc ủy quyền có hiệu lực từ giai đoạn làm đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi kết thúc việc thi hành án hoặc chỉ ủy quyền từng giai đoạn. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức tín dụng khi thực hiện ủy quyền cho các nhân viên là ủy quyền toàn bộ quá trình thi hành án đối với các vụ việc mà họ được thi hành án. Do đó, trong trường hợp ủy quyền toàn bộ từ khi làm đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi kết thúc việc thi hành án thì chỉ cần nộp văn bản ủy quyền tại thời điểm làm đơn yêu cầu thi hành án, trường hợp có sự thay đổi về người được ủy quyền thì mới phải xuất trình văn bản ủy quyền mới. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ việc nội dung Quyết định ủy quyền của tổ chức tín dụng không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.
+ Ví dụ 1: Bản án dân sự sơ thẩm số 57/2015/DS-ST ngày 09/7/2015 của Tòa án nhân dân huyện H buộc ông P và bà D phải trả Quỹ tín dụng nhân dân M số tiền 2.000.000.000 đồng. Ngày 16/9/2015 ông V – Chủ tịch Hội đồng quản trị Qũy tín dụng M làm giấy ủy quyền cho ông N – Phó giám đốc Quỹ tín dụng M, nội dung: “ông N là người đại diện theo ủy quyền của Quỹ tín dụng M được tham dự trong vụ việc thi hành án của vụ ông P và bà D. Trong phạm vi ủy quyền, ông N được phép thay mặt Quỹ tín dụng M tham dự trong việc thi hành án để làm việc và cung cấp cho Chi cục THADS những chứng cứ liên quan đến vụ án. Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ủy quyền cho đến khi kết thúc vụ án”. Cùng ngày 16/9/2015 ông N đã làm đơn yêu cầu thi hành bản án trên và tổ chức thi hành án. Theo Anh/Chị, cơ quan THADS có thụ lý và ra quyết định thi hành án trong trường hợp này hay không?
Với nội dung ủy quyền nêu trên thì ông N không được ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ thi hành án của người được thi hành án theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 7 Luật THADS. Do đó, cơ quan THADS không thụ lý và ban hành quyết định thi hành án trong trường hợp này.
+ Ví dụ 2: Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ủy quyền cho Ngân hàng X làm đơn yêu cầu thi hành án, nhưng nội dung đơn lại ghi người yêu cầu thi hành án là VAMC và người ký tên lại là đại diện các tổ chức tín dụng. Trường hợp này, cơ quan THADS từ chối thụ lý, ra quyết định thi hành án.
- Một số điểm cần lưu ý:
+ Bộ luật Dân sự năm 2015 không hạn chế một công việc được ủy quyền cho nhiều người hoặc đã ủy quyền cho người khác thực hiện công việc nhưng vẫn ủy quyền tiếp cho người thứ ba thực hiện công việc đó. Vì vậy, trong quá trình giải quyết thi hành án, các tổ chức tín dụng cần lưu ý trong việc ủy quyền đảm bảo thống nhất nội dung, phạm vi ủy quyền cho phù hợp trước khi yêu cầu cơ quan THADS thực hiện, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án được nhất quán, nhanh chóng.
+ Một số trường hợp khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, công chức cơ quan THADS đã yêu cầu người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được thi hành án phải xuất trình quyết định bổ nhiệm vào vị trí đại diện theo pháp luật, yêu cầu người được ủy quyền phải xuất trình quyết định bổ nhiệm vào chức danh được ủy quyền, yêu cầu văn bản ủy quyền (giấy ủy quyền) phải được công chứng hoặc chứng thực …Việc yêu cầu xuất trình quyết định bổ nhiệm vào vị trí đại diện theo pháp luật trên là không phù hợp và gây khó khăn cho các người được ủy quyền. Ví dụ, cá nhân khi được bổ nhiệm vào chức danh Tổng giám đốc (đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng) chỉ được nhận 1 đến 2 bản quyết định bổ nhiệm, trong khi đó các tổ chức tín dụng có hàng trăm đến hàng nghìn vụ việc yêu cầu thi hành án nên không thể xuất trình khi nộp đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp này khi nhận đơn yêu cầu thi hành án thì quyết định ủy quyền (giấy ủy quyền) chỉ cần người ủy quyền ký tên, đóng dấu chức danh là đủ mà không cần phải xuất trình quyết định bổ nhiệm vào chức danh đại diện theo pháp luật.
2. Về nội dung yêu cầu thi hành án
Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) thì cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định tại điểma khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án (trừ một số trường hợp cụ thể quy định tại điểm a,b,c khoản này). Trên thực tế, khi yêu cầu thi hành án, một số tổ chức tín dụng đã đưa nội dung yêu cầu thi hành án không phù hợp dẫn tới bị từ chối thi hành án.
Ví dụ: Đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng Đ đề nghị cơ quan THADS thi hành Bản án số 02/2021/KDTM-PT ngày 28/01/2021 của TAND tỉnh A đối với Công ty X với 02 nội dung: 1. Buộc Công ty X phải thanh toán cho Ngân hàng Đ tổng số tiền nợ là hơn 7,7 tỷ đồng và lãi suất phát sinh kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án,....; 2. Kiến nghị với UBND tỉnh A và các cơ quan các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho Công ty X được khôi phục và tiếp tục thực hiện hoạt động Dự án M. Trong trường hợp này, cơ quan THADS sẽ từ chối thi hành án do nội dung đề nghị thi hành thứ 2 kiến nghị UBND thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với Công ty X, đồng thời, nội dung bản án tuyên là “kiến nghị UBND tỉnh A” không thuộc phạm vi tổ chức thi hành án của cơ quan THADS.
3. Trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong xác minh điều kiện thi hành án
3.1. Trong vai trò là tổ chức cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án
Tại Khoản 6, Điều 7 Điều 44 Luật THADS quy định: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án (như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng…) có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay.
Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLSSTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án quy định bên nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm:
(i) Các thông tin cung cấp phải đảm bảo tính trung thực, chính xác và đúng đối tượng. Trường hợp không thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin thì bên nhận yêu cầu phải có văn bản thông báo nêu rõ lý do cho bên yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu;
(ii) Bảo mật việc cung cấp thông tin và nội dung cung cấp thông tin để ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án của người phải thi hành án và các tổ chức, cá nhân có liên quan;
(iii) Lưu trữ hồ sơ liên quan đến việc cung cấp thông tin, bao gồm: văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, văn bản cung cấp thông tin, tài liệu khác liên quan đến việc cung cấp thông tin.
Thực tế ngân hàng và các tổ chức tín dụng luôn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình theo quy chế của ngành, lấy lý do bảo mật thông tin của khách hàng nên từ chối, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp với Cơ quan Thi hành án. Vì vậy, không ít trường hợp, nhân viên ngân hàng, tín dụng hướng dẫn cho khách hàng là người phải thi hành án chuyển hoặc rút hết tiền trong tài khoản khi biết được chấp hành viên đến xác minh. Do đó, đề nghị các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện, phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện thi hành án để góp phần đưa bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền được tổ chức thi hành trên thực tế.
3.2. Trong vai trò là người được thi hành án
Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Như vậy, người được thi hành án có quyền (mà không phải là trách nhiệm) trong xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS mà trách nhiệm xác minh thuộc về cơ quan thi hành án, mà cụ thể là Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án.
Tuy nhiên, việc xác minh trên thực tế của Chấp hành viên gặp rất nhiều khó khăn do tài sản xác minh ngày càng đa dạng, phức tạp, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia; nhiều tài sản là động sản được đăng ký giao dịch bảo đảm khi xác minh trên thực tế không xác định được vị trí tài sản ở đâu; tài sản bất động sản thế chấp trên thực tế không trùng khớp theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án về vị trí, ranh giới, diện tích….Do đó, với vai trò là đương sự tham gia quá trình tổ chức thi hành án, đề nghị các tổ chức tín dụng cần tích cực trong việc xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS, từ đó bảo vệ lợi ích của chính mình.
4. Một số lưu ý khác
Bên cạnh một số lưu ý trong thực hiện thủ tục chung về THADS nêu trên, qua công tác thi hành án tín dụng ngân hàng trên thực tiễn, đề nghị các tổ chức tín dụng lưu ý một số nội dung sau:
- Thứ nhất, về việc lập hồ sơ cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng: Việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản thấp hơn so với nghĩa vụ bảo đảm), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (đo vẽ, xác định vị trí, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua,...); kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc như: Chấp hành viên phải cho đương sự thỏa thuận việc xử lý diện tích thực tế hoặc diện tích không bị chồng lấn, mới tiến hành kê biên, xử lý tài sản hoặc yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ...Do đó, đề nghị các tổ chức tín dụng cần siết chặt hơn nữa về trình tự, thủ tục ngay từ giai đoạn thẩm định, lập hồ sơ cho vay, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án, thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng.
- Thứ hai, về thanh toán khoản thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm
Vấn đề thanh toán các khoản nợ thuế sử dụng đất (số tiền nợ, số tiền được miễn, giảm), thuế thu nhập cá nhân của người phải thi hành án trong trường hợp bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đang là vấn đề gặp vướng mắc do Cơ quan THADS mặc dù đã xử lý xong tài sản bảo đảm nhưng không thể kết thúc được hồ sơ vì không thể làm thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá do chưa hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân nêu trên.
Mặc dù theo Nghị quyết  42/2017/QH14 đối với trường hợp thi hành án bản án liên quan đến việc xử lý tài sản thế chấp bảo đảm của các tổ chức tín dụng thì khi thực hiện thanh toán tiền thi hành án thì các khoản tiền thuế nêu trên cũng không được ưu tiên thanh toán bởi: Điều 12 Nghị quyết quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm....”; khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng quy định người mua trúng đấu giá không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của người phải thi hành án từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm. Như vậy, số tiền thu được sau khi trừ các chi phí nêu trên được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng trước khi thực hiện các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan THADS.
Do đó, để giải quyết vướng mắc này, đề nghị các tổ chức tín dụng cần cân nhắc xem xét, tạo điều kiện trích nộp khoản tiền nêu trên của người phải thi hành án để thi hành dứt điểm vụ việc.
- Thứ ba, về thẩm quyền bán đấu giá tài sản là quyền khai thác khoáng sản:
Hiện nay, “Quyền khai thác khoáng sản” được các tổ chức tín dụng nhận thế chấp bảo đảm nghĩa vụ, khi có tranh chấp, việc xử lý “quyền khai thác khoáng sản” được tòa án tuyên xử lý để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, tuy nhiên, hiện nay, một số cơ quan địa phương gặp vướng mắc về việc xác định thẩm quyền thực hiện bán đấu giá “quyền khai thác khoáng sản” thuộc cơ quan chức năng (theo Luật Khoáng sản) hay cơ quan THADS.
Vấn đề này đã được Tổng cục THADS tổ chức cuộc họp liên ngành thống nhất (ở một số vụ việc cụ thể): Khi quyền khai thác khoáng sản được các bên đưa vào giao dịch dân sự, phát sinh tranh chấp và được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì trình tự, thủ tục xử lý quyền khai thác khoáng sản phải tuân theo quy định pháp luật THADS, Luật Đấu giá tài sản. Do đó, việc kê biên, xử lý tài sản là quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Cơ quan THADS, xin được thông tin tới các đồng chí biết để yêu cầu trong trường hợp tương tự./.
Phạm Thị Hiền – Vụ NV1