Nghiên cứu, đề xuất giải quyết một số vướng mắc khó khăn khi xử lý tài sản để thi hành án liên quan đến một số loại hợp đồng dân sự

28/11/2023


Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra một số vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản để thi hành án liên quan đến một số hợp đồng dân sự như sau:
1. Thi hành bản án có nội dung tuyên “Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng”
Tình huống thực tiễn: Bản án số XXX/2017/DS-ST ngày 19/7/2017 có nội dung: Buộc chị C phải trả cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam (Agribank) số tiền 699.770.143 đồng. Tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản bên thứ 3 số 35 ngày 23/3/2009 đã ký giữa Agribank – chi nhánh M, bên thế chấp: bà X và ông K, bên được vay vốn chị C để đảm bảo thi hành án trong trường hợp chị C không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho Agribank. Tài sản thế chấp gồm giá trị quyền sử dụng đất diện tích 182,2m2 theo GCNQSDĐ số XXX do UBND huyện Đ cấp ngày 25/11/2003 cấp cho hộ bà X và tài sản gắn liền với đất là nhà mái bằng, công trình phụ tại khu BB. Quá trình tổ chức thi hành án, chị C không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bà X và ông T không tự nguyện giao tài sản thế chấp cho cơ quan THADS xử lý theo quy định. Ngày 26/11/2018, Chấp hành viên đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS cưỡng chế kê biên tài sản nêu trên. Cơ quan THADS chưa tổ chức cưỡng chế tài sản vì khi tổ chức thi hành bản án có nội dung nêu trên, trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng thì cơ quan THADS có được cưỡng chế, xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp hay không? Việc thi hành nội dung trên đang có 02 quan điểm:
+ Quan điểm 1: Bản án chỉ tuyên tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo thi hành án mà không tuyên xử lý tài sản thế chấp để bảo đảm thi hành án thì cơ quan THADS chưa đủ căn cứ để tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp. Trường hợp này, cần hướng dẫn người được thi hành án khởi kiện yêu cầu Tòa án xử lý tài sản thế chấp.
+ Quan điểm 2: Mục đích ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp bên vay vốn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ. Như vậy, trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ với Ngân hàng, cơ quan THADS có đầy đủ căn cứ để kê biên, xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp tài sản.
Phương án đề xuất:
Theo tác giả, Bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS có trách nhiệm phải tổ chức thi hành, theo đó, trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho Ngân hàng thì cơ quan THADS xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án. Tuy nhiên, do nội dung bản án không tuyên “xử lý tài sản thế chấp” mà chỉ tuyên “duy trì hợp đồng thế chấp” nên cơ quan THADS cần có văn bản đề nghị Tòa án giải thích rõ về nội dung bản án tuyên để làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cơ quan TAND các cấp thống nhất về cách tuyên nội dung bản án để cơ quan THADS có cơ sở tổ chức thi hành đối với các vụ việc tương tự.
2. Thi hành bản án tuyên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc tuyên buộc hai bên cùng thực hiện một nghĩa vụ
 Thực tế có nhiều bản án tuyên buộc các bên phải thực hiện các nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc các bên cùng phải thực hiện một công việc nhất định. Đối với các trường hợp này, án tuyên đã có hiệu lực pháp luật, về nguyên tắc, cơ quan THADS phải thi hành theo yêu cầu của người được thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành trên thực tế là rất khó khăn, thậm chí không thể thi hành được do nội dung hợp đồng phải do chính các bên thực hiện, việc thực hiện nghĩa vụ của bên này là điều kiện để bên còn lại thực hiện nghĩa vụ của mình (bên này giao vật thì bên kia sẽ thanh toán tiền); hoặc công việc phải do các bên cùng thực hiện thì mới hoàn thành, nếu chỉ một bên sẽ không thể thực hiện được (cùng đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ, tài liệu, thực hiện thủ tục thành lập Công ty). Các công việc này phải do chính các bên thực hiện, và khi phát sinh các tranh chấp về các nội dung của hợp đồng nếu không thỏa thuận được thì các bên phải tự lựa chọn cơ chế để giải quyết mà không bên thứ ba nào có thể thực hiện thay.
Phương án đề xuất:
Để giải quyết vướng mắc này, về lâu dài khi hoàn thiện thể chế pháp luật cần quy định rõ cơ chế thi hành những bản án, quyết định loại này theo hướng các bên phải tự chịu trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích của mình theo bản án, quyết định Tòa án đã tuyên. Trước mắt, để bản án tuyên có thể thi hành được trên thực tế, đề nghị Tòa án khi xét xử, bên cạnh việc khẳng định giá trị pháp lý của hợp đồng hoặc khẳng định trách nhiệm của các bên trong việc cùng thực hiện nghĩa vụ cần tuyên cụ thể trách nhiệm phải tự mình thực hiện nghĩa vụ của các bên, xác định rõ thứ tự thực hiện nghĩa vụ của các bên.
Tình huống thực tiễn: Bản án dân sự phúc thẩm số XXX/2017/DS-PT có nội dung: “Buộc UBND xã T, huyện Y tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán 02 cây sưa số 02/HĐMB ngày 10/02/2015 theo các điều khoản thỏa thuận trong Hợp đồng giữa UBND xã T, huyện Y, tỉnh V với Công ty TNHH S. Thời điểm thực hiện hợp đồng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.”. Trên cơ sở đơn yêu cầu thi hành án của Công ty TNHH S, ngày 22/5/2017, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Y ban hành Quyết định thi hành án số xxx/QĐ-CCTHA. Quá trình tổ chức thi hành vụ việc có nhiều khó khăn, 26 hộ dân địa phương không đồng tình ủng hộ việc chặt cây nên UBND xã T không thực hiện được theo Hợp đồng mua bán đã ký kết giữa các bên. Ngày 12/6/2018, Cục trưởng Cục THADS tỉnh X ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với UBND xã T số tiền là 6.000.000 đồng về hành vi không thực hiện công việc phải làm theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Thi hành án dân sự. Tiếp đến, ngày 13/9/2018, Chấp hành viên ban hành Quyết định số yyy/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định đối với UBND xã T. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tổ chức cưỡng chế đối với hành vi không tiếp tục thực hiện hợp đồng nên việc cưỡng chế chưa được thực hiện. 
Trong vụ việc này, có thể thấy, Bản án số XXX/2017/DS-PT đang có hiệu lực pháp luật. Do vậy, cơ quan THADS ra quyết định và tổ chức thi hành vụ việc là có cơ sở pháp luật. Theo quyết định của Bản án thì buộc UBND xã T, huyện Y, tỉnh V tiếp tục Hợp đồng mua bán 02 cây sưa số 02/HĐMB ngày 10/02/2015 theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng giữa UBND xã T với Công ty TNHH S… nên trách nhiệm của UBND xã T là phải thực hiện theo Hợp đồng. Cơ quan THADS không thể thực hiện thay. Hơn nữa, trong trường hợp các bên thực hiện hợp đồng là UBND xã T và Công ty TNHH S chưa thực hiện đúng nội dung hợp đồng thì cơ quan THADS không có cơ sở để tổ chức cưỡng chế thi hành vụ việc. Do đó, các bên phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Để giải quyết, đề nghị thủ trưởng cơ quan THADS tổ chức cho các bên tiếp tục thỏa thuận để thực hiện trách nhiệm theo Hợp đồng. Đồng thời, trong quá trình tổ chức vụ việc, cơ quan THADS cần phối hợp cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại Bản án theo pháp luật về tố tụng. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu hủy Hợp đồng số 02/HĐMB.
3. Thi hành bản án tuyên công nhận hợp đồng tín dụng khi giải quyết tranh chấp về các hợp đồng loại này
 Xem xét, thẩm định tại chỗ là một trong các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ mà Tòa án có thể tiến hành được quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và quy định cụ thể tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp khi xét xử, Tòa án chưa xem xét, thẩm định, xác minh thực tế đối với tài sản bảo đảm trên thực tế mà hầu như chỉ căn cứ vào hợp đồng tín dụng và các giấy tờ có liên quan, nhất là đối với tài sản là quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất...). Có nơi, Tòa án đã tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng không so sánh số liệu đo đạc địa chính do cơ quan có thẩm quyền quản lý cung cấp dẫn đến số liệu thẩm định không đúng với số liệu đo đạc thực tế nên không thể thi hành án; hoặc thẩm định không chi tiết không phản ánh đầy đủ thực trạng đất đang được sử dụng nên dẫn đến tình trạng đất giao cho một bên nhưng tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của một hoặc của nhiều người khác (nhưng chưa được xem xét, giải quyết) nên bản án không thể thi hành được; hoặc việc thẩm định gắn liền với chia tách thửa đất nhưng không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn dẫn đến khi bản án có hiệu lực nhưng cơ quan THADS không thể thi hành được do việc chia tách thửa đất không đảm bảo điều kiện pháp luật quy định. Điều này khiến cơ quan Thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án: mất nhiều thời gian để phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, làm rõ, chỉnh lý hồ sơ liên quan đến tài sản; tổ chức thỏa thuận với các bên đương sự để giải quyết...; có vụ việc dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Phương án đề xuất:
Để tránh các vụ việc phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, đề nghị cơ quan Tòa án các cấp khi giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tín dụng cần chú trọng việc thẩm định, xác minh thực tế, nhất là đối với tài sản là quyền sử dụng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án về sau này, đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định trên thực tế.
4. Thi hành bản án liên quan đến xử lý tài sản thế chấp gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm
+ Trường hợp khi tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp của tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm thì ngoài tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm (công trình, nhà xưởng...), “giá trị của quyền sử dụng đất thuê” (còn gọi là giá trị quyền thuê đất) cũng được tính vào giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 1 Điều 175 của Luật đất đai năm 2013 và khoản 5 Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ) và Luật THADS (Điều 110) thì đối với đất thuê trả tiền hàng năm không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai nên cơ quan THADS không được kê biên. Nhưng người được thi hành án lại yêu cầu thi hành theo đúng nội dung bản án thì cơ quan THADS không có đủ cơ sở pháp lý để kê biên, thẩm định giá đối với “giá trị quyền thuê đất” này, khiến cho đương sự (người được thi hành án) sẽ có khiếu nại cho rằng chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
+ Về thi hành đối với “giá trị đầu tư vào đất” và “giá trị lợi thế thương mại”: Một số hợp đồng tín dụng ngoài việc nhận tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm còn xác định “giá trị đầu tư vào đất” và “giá trị lợi thế thương mại” là một phần của tài sản bảo đảm và khi giải quyết tranh chấp Tòa án đã tuyên xử lý tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm và “giá trị đầu tư vào đất”, “giá trị lợi thế thương mại” nhưng trên thực tế, việc kê biên, xử lý, thẩm định giá đối với  phần “giá trị đầu tư vào đất”, “giá trị lợi thế thương mại” trong các bản án này thường gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế rất nhiều việc người tham gia đăng ký mua tài sản đấu giá trên đất thuê trả tiền hàng năm.
Đối với chi phí, giá trị đầu tư vào đất thì tại khoản 53, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2013 quy định: Trường hợp người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đã thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất thì nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp để cho người mua tài sản. Người mua tài sản tự thỏa thuận với bên thế chấp về việc chi trả chi phí đầu tư vào đất còn lại đến thời điểm thu hồi đất. Trường hợp không thỏa thuận được thì các bên có liên quan có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Người mua được tài sản được nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể và phải sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Do đó, nếu theo quy định trên, người mua được tài sản đấu giá trên đất thuê trả tiền hàng năm sẽ phải thỏa thuận với người phải thi hành án về các chi phí đầu tư vào đất; nếu không thỏa thuận được phải khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Trong khi đó, việc thỏa thuận lúc này không khả thi (người phải thi hành án cố tình chống đối); Tòa án giải quyết mất nhiều thời gian; đồng thời, cơ quan THADS phải tổ chức thi hành đối với Bản án sau. Khi hoàn tất các trình tự trên thì người mua được tài sản mới được Nhà nước ra quyết định giao đất để tiếp tục cho thuê. Như vậy, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người mua trúng đấu giá hoặc người mua thấy quá phức tạp, không mua nữa dẫn đến việc thi hành án không giải quyết triệt để, kéo dài.
+ Bên cạnh đó, trên thực tế hiện nay cơ quan THADS cũng gặp phải vướng mắc khi có một số vụ việc bản án tuyên xử lý tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm để bảo đảm thi hành án nhưng tài sản trên đất (công trình, nhà xưởng...) lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên không đủ điều kiện để xử lý theo các quy định tại Điều 175, 189 của Luật Đất đai năm 2013. Điều này khiến cho việc thi hành án gặp khó khăn, bởi vì trong những trường hợp này, việc thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các tài sản trên đất phụ thuộc chủ yếu vào người có tài sản bảo đảm (nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 32, Điều 35 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013). Nhưng nếu họ tự nguyện thực hiện các thủ tục này để có được giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì tài sản đó cũng sẽ bị xử lý để thi hành án, do đó, trên thực tế, họ thường không hợp tác, không thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản, khiến cho việc tổ chức thi hành án thường bị kéo dài.
Phương án đề xuất:
Đề nghị Tòa án nhân dân các cấp khi xét xử đối với các vụ việc có nội dung liên quan đến quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, cần phải tuyên rõ cách thức xử lý cụ thể đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất thuê nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, đồng thời, có cơ chế để xem xét, thực hiện việc thẩm định tại chỗ, định giá đối với “giá trị quyền thuê đất, giá trị khoản chi phí đầu tư vào đất, giá trị lợi thế thương mại” của thửa đất thuê trả tiền hàng năm để bảo đảm phù hợp, sát thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự (thửa đất có vị trí thuận lợi, có khả năng sinh lời cao, có hệ số sử dụng đất cao thì phải có giá trị hơn những vị trí đất có khả năng sinh lời thấp, không có vị trí thuận lợi).
5. Thi hành án xử lý tài sản thế chấp là dự án đầu tư
Hiện nay, một số bản án tuyên kê biên, xử lý tài sản theo Hợp đồng thế chấp là dự án đầu tư để đảm bảo thi hành án. Trên thực tế, đa số các chủ đầu tư dự án thế chấp tái sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (do thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm). Khi dự án chấm dứt hoạt động và đất thuê thuộc diện cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất do chậm tiến độ (theo điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai) hoặc do hết thời hạn sử dụng đất mà không được gia hạn (theo điểm d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai) thì việc xử tài sản thế chấp như thế nào đang là nội dung vướng mắc nhiều cơ quan THADS đang gặp phải. Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64, Điều 82 Luật Đất đai năm 2013; khoản 4 Điều 18a Nghị định số 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (bổ sung tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017) thì khi Nhà nước thu hồi đất thuê trả tiền hàng năm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15b Nghị định 43/2014/NĐ-CP và điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 thì chủ đầu tư dự án sẽ không được bồi thường tài sản gắn liền với đất và không được trả lại tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) và giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất thu hồi. Sau khi thu hồi đất, chủ đầu tư được tháo dỡ tài sản gắn liền với đất đã đầu tư trên đất. Vì vậy, việc kê biên, phát mãi tài sản là khó khả thi, người mua được tài sản không được nhà nước cho thuê lại đất để thực hiện dự án và bắt buộc phải tháo dỡ, trả lại đất cho Nhà nước. Việc bán tài sản trong trường hợp này không thuận lợi và thậm chí không có người mua vì rõ ràng tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng thì không thể sử dụng được nếu không gắn liền với dự án đang thực hiện.
Phương án đề xuất:
Về nguyên tắc, bản án có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành. Xét về pháp luật dân sự, tài sản gắn liền đất thuê là tài sản đảm bảo được thế chấp cho các tổ chức tín dụng theo đúng quy định pháp luật, quyền lợi của các ngân hàng nhận thế chấp cần được pháp luật bảo vệ. Tại khoản 2 Điều 326 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “2. Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đát trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (bổ sung theo khoản 53 Điều 1 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định về việc xử lý quyền sử dụng đất khi xử lý tài sản bảo đảm gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm để thu hồi nợ được quy định: “a)Trường hợp người sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm đã thế chấp, đã bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai 2003 nếu không thực hiện được nghĩa vụ với bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh thì Nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp, bên nhận bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất thuê hàng năm để cho người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm thuê đất, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác....; b) Người mua tài sản, người nhận chính tài sản bảo đảm được Nhà nước cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể và phải sử dụng đất đúng mục đích đã xác định...”. Mặt khác, theo quy định của pháp luật THADS, trong trường hợp cơ quan THADS kê biên, bán đấu giá tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm, người mua được tài sản cần đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Đất đai năm 2013, đồng thời, được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại được quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật đất đai năm 2013. Do đó, đối với các trường hợp này, mặc dù đất thuộc diện Nhà nước thu hồi nhưng trên thực tế, bản án đang có hiệu lực pháp luật, để đảm bảo quyền lợi của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, cần đề xuất cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét chưa thu hồi quyền thuê đất đối với Chủ đầu tư dự án để cơ quan THADS xử lý, bán đấu giá tài sản trên đất thuê và tạo điều kiện cho người mua trúng đấu giá đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 189 Luật Đất Đai (có ngành nghề kinh doanh phù hợp thực hiện dự án) được tiếp tục thuê đất trong thời hạn còn lại./.
Phạm Thị Hiền - Vụ NV1