Thực trạng công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính năm 2023 và một số đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

30/01/2024


Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã giao Bộ Tư pháp: “…theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính”. Các văn bản quy phạm pháp luật này là cơ sở pháp lý để Bộ Tư pháp giúp Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu một số nội dung của thực trạng công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính năm 2023 và một số đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
I. Tình hình triển khai và kết quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính năm 2023
1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023[1], ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội[2] và ý kiến chỉ đạo về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC[3], Bộ Tư pháp đã: (1) Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật TTHC trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND (Quyết định số 2512/QĐ-BTP ngày 22/12/2022); (2) ban hành Kế hoạch triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC năm 2023 (Quyết định số 167/QĐ-BTP ngày 13/02/2023); (3) có các văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4] đề nghị tiếp tục quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg cũng như tổ chức thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành xong mà người phải thi hành án là cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là các bản án đã kéo dài nhiều năm hoặc đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án; đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc đề nghị chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan để tìm giải pháp tổ chức thi hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý; kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ THAHC theo đúng quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, để có cơ sở tham mưu, báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2723/BTP-TCTHADS ngày 30/6/2023 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện định kỳ thống kê, báo cáo kết quả công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC theo Đề cương báo cáo và các Biểu mẫu thống kê. Ngoài ra, trong quá trình tham mưu quản lý nhà nước về THAHC, Bộ Tư pháp đã có văn các bản phúc đáp, trao đổi đối với một số UBND tỉnh liên quan đến công tác THAHC trên địa bàn[5]... Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS có văn bản đề nghị đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, tổ chức, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong, trong đó có 56 bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành từ năm 2021 trở về trước, qua đó, góp phần nâng cao kết quả THAHC, kịp thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[6]. Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục yêu cầu Tổng cục THADS chỉ đạo các cơ quan THADS: (1) thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao[7]; (2) tăng cường tham mưu giúp UBND trong công tác THAHC[8]; (3) hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi THAHC[9].
Đối với các bộ, ngành và địa phương đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm việc chấp hành nghiêm pháp luật TTHC và THAHC. Đối với các bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Văn phòng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện thực hiện đăng tải công khai các Quyết định buộc THAHC theo đúng quy định của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí bám sát định hướng, tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền nhằm tạo nhận thức thống nhất, đầy đủ về các quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg. Bộ Nội vụ thông qua hoạt động kiểm tra công vụ, đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong hoạt động công vụ tại các địa phương, qua đó góp phần giảm thiểu những sai phạm trong hoạt động công vụ làm phát sinh khiếu kiện của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước…Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức chức quán triệt, phổ biến các quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức trong công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC. Ở địa phương, UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản quán triệt, chỉ đạo việc chấp hành nghiêm pháp luật TTHC và THAHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm chỉ đạo sát sao và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật TTHC và THAHC với việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC năm 2023 trên địa bàn, thành lập các Tổ công tác tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND trong việc tham gia tố tụng, tham mưu chỉ đạo công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC hoặc thành lập các Đoàn kiểm tra về công tác THAHC trên địa bàn nhằm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật…[10]. Đặc biệt, quá tình triển khai thực hiện, một số địa phương đã ban hành chỉ thị hoặc nghị quyết của cấp ủy Đảng về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác THAHC[11].
2. Công tác hoàn thiện thể chế
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ[12] về việc giao Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2996/BTP-TCTHADS và Công văn số 2997/BTP-TCTHADS ngày 14/7/2023 gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị tổng kết và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo kết quả tổng kết của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 23/BC-BTP ngày 12/01/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC và Báo cáo số 24/BC-BTP ngày 12/01/2024 báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 thuộc trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Đồng thời, theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về việc rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015[13], Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng kết[14], tiến hành tổng hợp, xây dựng và có Báo cáo số 362/BC-BTP ngày 10/11/2023 về việc rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp gửi Tòa án nhân dân tối cao.
Bên cạnh đó, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê năm 2021 được ban hành, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, quy định chỉ tiêu về THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đồng thời, Bộ Tư pháp đang tập trung hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê THADS, THAHC, trong đó có nội dung về thống kê THAHC và theo dõi THAHC.
Sau khi Tòa án nhân dân tối cao có kết quả tổng kết Luật TTHC năm 2015, Bộ Tư pháp sẽ căn cứ kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và kết quả rà soát, tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC năm 2015 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan hoàn thiện thể chế pháp luật về TTHC và THAHC; đồng thời, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nhằm nâng cao hiệu quả công tác THAHC, đáp ứng hơn nữa yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về THAHC.
3. Công tác kiểm tra
Nhằm đánh giá tình hình chấp hành pháp luật TTHC và công tác THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật về TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành[15], xây dựng Kế hoạch kiểm tra[16], tổ chức kiểm tra[17] và ban hành Kết luận kiểm tra về việc chấp hành pháp luật tố TTHC và THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Đắk Lắk[18]. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh khẩn trương thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực trên địa bàn quản lý. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Tổ công tác để tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp trong công tác THAHC trên địa bàn[19]. Trong năm 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ đối với việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp và công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Quyết định số 2053/QĐ-BTP ngày 21/8/2023 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và ban hành Kế hoạch số 3800/KH-BTP ngày 21/8/2023 về việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và công tác THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
4. Kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính
4.1. Kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2023, có 2.505 trường hợp, người đại diện hoặc người được ủy quyền tham gia phiên đối thoại; có 2.232 trường hợp, người đại diện hoặc người được ủy quyền tham gia phiên tòa. Số vụ việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án đúng thời hạn là 2.921 trường hợp. Kết quả trên cho thấy, phần lớn UBND các cấp đã chấp hành nghiêm túc việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và có một số UBND đã chấp hành tương đối đầy đủ việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án. Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng có trường hợp, người đại diện hoặc người được ủy quyền chấp hành chưa nghiêm việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
Nguyên nhân dẫn tới việc không tham gia đầy đủ các phiên đối thoại, phiên tòa hoặc cung cấp không đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án là do gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật TTHC năm 2015 như: (1) Việc thực hiện quy định khoản 3 Điều 60 Luật TTHC năm 2015 về người đại diện tham gia vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, nguyên nhân là do mỗi vụ án hành chính thường kéo dài và người bị kiện phải tham gia nhiều giai đoạn từ phiên họp giao nộp cung cấp chứng cứ, đối thoại, xác minh và các phiên xét xử. Nhiều trường hợp, người đứng đầu cơ quan bị kiện đã tham gia phiên tòa theo đúng quy định ngay từ lần triệu tập đầu tiên, nhưng thường các phiên tòa lại bị hoãn, dẫn đến người đứng đầu hoặc của cấp phó (khi được ủy quyền) khó khăn trong việc chủ động sắp xếp công việc để tham gia phiên tòa, trong khi người đứng đầu với trách nhiệm quản lý, điều hành, khối lượng công việc phải chỉ đạo giải quyết là rất lớn; (2) Thời hạn yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 93, khoản 1 Điều 128 Luật TTHC năm 2015 là tương đối ngắn (15 ngày, 10 ngày), trong khi quá trình ban hành QĐHC, thực hiện HVHC trước đó, ngoài cơ quan chủ trì tham mưu, thường có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, hồ sơ, tài liệu thường do cơ quan chuyên môn thuộc UBND quản lý nên cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn phối hợp rà soát, báo cáo, tham mưu Lãnh đạo UBND cung cấp tài liệu, có ý kiến giải trình với Tòa án. Do đó, việc quy định thời hạn nêu trên gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu chuẩn bị, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu vụ việc theo yêu cầu của Tòa án.
4.2. Kết quả thi hành án hành chính
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2023, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án, quyết định (trong đó, kỳ trước chuyển sang là 563 bản án, phát sinh trong kỳ báo cáo là 812 bản án), tăng 453 bản án so với cùng kỳ năm 2022. Số bản án, quyết định Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC là 571 bản án. Kết quả thi hành: đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỷ lệ 42,3%. Quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi THAHC, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án (bao gồm 1.375 bản án Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện và 13 quyết định buộc thi hành án đối với công dân). Kết quả, trong năm 2023, các cơ quan THADS đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc.
Có thể thấy rằng, thông qua công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn tích cực của Bộ Tư pháp cũng như của hệ thống THADS và hoạt động kiểm tra liên ngành trung ương, kết quả THAHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bản án hành chính, trong đó có những bản án kéo dài nhiều năm thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND các cấp chưa được thi hành dứt điểm; có bản án quá trình tổ chức thi hành phát sinh khó khăn, vướng mắc nhưng một số địa phương chưa chủ động, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền. Điều này cho thấy người đứng đầu UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa dành sự quan tâm đúng mức, thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm được giao đối với công tác THAHC theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
5. Đánh giá chung
5.1. Kết quả đạt được
Trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự triển khai tích cực của Bộ Tư pháp cũng như của Hệ thống THADS, tình hình chấp hành pháp luật về TTHC và THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến, thể hiện ở các khía cạnh như: (1) công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về TTHC và THAHC tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện, nhất là các quy định về TTHC, THAHC và theo dõi THAHC qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; (2) Công tác chỉ đạo triển khai việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC được thực hiện nghiêm túc, kịp thời từ trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ở địa phương, người đứng đầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quan tâm và trực tiếp chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp dưới thực hiện nghiêm việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; (3) Công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các địa phương còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành xong, có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài; (4) Các cơ quan THADS đã triển khai thực hiện tương đối đầy đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC và trách nhiệm giúp UBND cùng cấp trong công tác quản lý về THAHC; (5) Công tác thống kê, báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật TTHC và kết quả THAHC ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về công tác thi hành án theo quy định; (6) Kết quả THAHC thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước tăng so với cùng kỳ năm trước với 582 bản án, quyết định đã được thi hành xong (tăng 153 bản án, quyết định).
5.2. Tồn tại, hạn chế
- Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án. Một số vụ việc quá trình tổ chức thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc có nguyên nhân liên quan đến việc các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trước Tòa án theo quy định của Luật TTHC năm 2015.
- Vẫn còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, trong đó, có một số bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có không ít bản án đã tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.
- Mặc dù còn nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong, Tòa án đã ra quyết định buộc THAHC, Viện kiểm sát đã kiến nghị việc THAHC, cơ quan THADS đã có các văn bản đôn đốc, kiến nghị xem xét trách nhiệm, tuy nhiên, theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có trường hợp nào người phải thi hành án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xem xét, xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
6. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
a) Nguyên nhân chủ quan
- Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan và UBND, Chủ tịch UBND các cấp đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hành chính chấp hành các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC, nhưng việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC ở một số địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
- Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, nhiều địa phương chưa có phương án để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt có những bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng một số địa phương chưa tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền.
b) Nguyên nhân khách quan
- Việc tham gia tố tụng của Chủ tịch UBND hoặc người được Chủ tịch UBND ủy quyền theo quy định tại Điều 60 của Luật TTHC năm 2015 chưa được thực hiện nghiêm túc, lý do một phần do khối lượng công việc quản lý nhà nước tại một số địa phương rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc ủy quyền và sắp xếp công việc để tham gia tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
- Các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa thi hành xong hầu hết liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đã có nhiều biến động; trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ; công tác thống kê, kiểm kê, lập và quản lý hồ sơ địa chính, xử lý vi phạm về đất đai còn có những tồn tại, hạn chế. Các vụ án hành chính Tòa án đưa ra xét xử thường có nội dung phức tạp, tại các buổi đối thoại hoặc phiên tòa, người bị kiện và người khởi kiện không thể hòa giải, đối thoại thành do nhiều nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, từ đó dẫn đến quá trình tổ chức thi hành các bản án thuộc các vụ việc này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
II. Một số đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trong thời gian tới
Trên cơ sở những kết quả đạt được, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC năm 2023, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả các quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Bộ Tư pháp cần xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu trong công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trong thời gian tới như sau:
1. Phương hướng, nhiệm vụ
1. Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về THAHC và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, trong đó, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC năm 2024 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
2. Trên cơ sở tổng hợp kết quả tổng kết tình hình thi hành Luật TTHC năm 2015, kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và kết quả tổng kết thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành.
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, giải trình và cung cấp hồ sơ, chứng cứ theo quy định của Luật TTHC năm 2015; chỉ đạo, tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành, nhất là những bản án hành chính đã kéo dài nhiều năm.
4. Bộ Tư pháp chỉ đạo Hệ thống THADS theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kiến nghị xử lý trách nhiệm người phải thi hành án chậm thi hành, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án, quyết định của Tòa án.
5. Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống kê và báo cáo đầy đủ và kịp thời tình hình và kết quả chấp hành pháp luật TTHC và THAHC theo đúng quy định của Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 2723/BTP-TCTHADS ngày 30/6/2023.
2. Giải pháp
1. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương hạn chế tối đa những sai sót trong việc ban hành các QĐHC và thực hiện HVHC làm phát sinh khiếu kiện hành chính; quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật TTHC; chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành; chỉ đạo kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhất là Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trên địa bàn.
3. Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và quản lý nhà nước về THAHC, trong đó phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật TTHC, THAHC và nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về TTHC và THAHC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là các bộ, ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc từ Trung ương đến địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TTHC và THAHC.
4. Tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TTHC và THAHC, tập trung tại các địa phương có số lượng vụ việc khiếu kiện, vụ việc THAHC lớn, phức tạp, kéo dài nhằm xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đối với các trường hợp chậm hoặc không chấp hành án hành chính sẽ kiến nghị làm rõ nguyên nhân và xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
5. Chỉ đạo Hệ thống THADS thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo dõi THAHC; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện theo dõi thi hành án hành chính; xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác THAHC; nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về THAHC.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật TTHC và THAHC trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các nội dung cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành QĐHC, thực hiện HVHC tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện như đất đai, xây dựng, bồi thường, tái định cư…; chủ động việc kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành QĐHC, thực hiện HVHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về TTHC, nhất là quy định về đối thoại, hòa giải, tham gia phiên tòa, cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án.
2. Chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành nghiêm túc và dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, khắc phục ngay tình trạng tồn đọng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong chấp hành pháp luật TTHC và THAHC; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có vi phạm do để chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg.
3. Chỉ đạo đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật TTHC và kết quả THAHC ở bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, bảo đảm nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời.
                                                                   Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3.
 

[1] Nghị quyết đặt ra yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án hành chính.
[2] Công văn số 6996/VPCP-V.I ngày 17/10/2022 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh
[3] Công văn số 1234/VPCP-V.I ngày 28/02/2023 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
[4] Công văn số 371/BTP-TCTHADS ngày 08/2/2023, Công văn số 1034/BTP-TCTHADS ngày 23/3/2023 của Bộ Tư pháp.
[5] Công văn số 5277/BTP-TCTHADS ngày 29/12/2022 phúc đáp Công văn số 3498/UBND-NCKSTTHC ngày 18/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Công văn số 1951/BTP-TCTHADS ngày 17/5/2023 của Bộ Tư pháp về việc tổ chức thi hành các vụ việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế; Công văn số 2411/BTP-TCTHADS ngày 13/6/2023 của Bộ Tư pháp về việc phối hợp đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội giải thích bản án hành chính theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Kạn.
[6] Công văn số 2658/TCTHADS-NV3 ngày 24/7/2023 của Tổng cục THADS.
[7] Theo Quyết định số 1395/QĐ-TCTHADS ngày 14/12/2022 của Tổng cục THADS về việc giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC cho các cơ quan THADS địa phương năm 2023, cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung theo dõi do Tòa án chuyển giao.
[8] Công văn số 2659/TCTHADS-NV3 ngày 24/7/2023 của Tổng cục THADS.
[9] Công văn số 431/TCTHADS-NV3 ngày 17/02/2023 và Công văn số 795/TCTHADS-NV3 ngày 17/03/2023 của Tổng cục THADS…
[10] UBND: tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Điện Biên, tỉnh Bắc Kạn…
[11] UBND: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Long An, tỉnh Yên Bái…
[12] Công văn số 6996/VPCP-V.I ngày 17/10/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
[13] Quyết định số 240/QĐ-TANDTC ngày 07/7/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc ban hành Kế hoạch rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
[14] Quyết định số 1450/QĐ-BTP ngày 01/8/2023 ban  hành Kế hoạch rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
[15] Quyết định số 1887/QĐ-BTP ngày 21/9/2022 của Bộ Tư pháp.
[16] Kế hoạch số 3516/KH-BTP ngày 21/9/2022 của Bộ Tư pháp.
[17] Trong các ngày 15, 16 và 17 tháng 11 năm 2022.
[18] Kết luận số 499/BTP-ĐKTLN ngày 17/2/2023 (tại tỉnh Đắk Lắk) và Kết luận số 500/BTP-ĐKTLN ngày 17/2/2023 (tại tỉnh Thanh Hóa) của Bộ Tư pháp.
[19] Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 04/01/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk.