Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công lý là giá trị văn hóa tích cực

25/07/2024
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.”
- Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa ngày 24/11/2021.


Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được trực tiếp nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện là vào dịp Xuân Quý Mão 2023, ngày 10/1/2023 khi Ông đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, nơi tôi công tác trước đây. Cho đến hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được bầu không khí ấm áp, gần gũi, chân tình đó. Ông nói nhiều về tình cảm với mảnh đất, con người Thái Nguyên, nơi Ông có thời gian dài gắn bó tuổi ấu thơ và khi là sinh viên Đại học Tổng hợp. Ông nói hết sức giản dị: Tôi có duyên với Thái Nguyên từ ngày xưa, được hít thở không khí, được đồng bào ở đây nuôi dưỡng và không khí ấy đã nhiễm vào người tôi.
Là một công chức làm trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, thực thi công lý, tôi cũng đã dành nhiều thời gian nghiền ngẫm các tác phẩm của Ông, đặc biệt là quan điểm và những kiến giải của Ông về nhà nước pháp quyền XHCN và bảo vệ công lý trong bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn Ông giữ các chức vụ Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư.
Có thể nói, trong lịch sử phát triển của Nhà nước cách mạng nhân dân, quan niệm về công lý đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ năm 1945, với tư cách là một giá trị “chính trị-tư pháp”, phản ánh bản chất ưu việt của chế độ mới và mang tính chất định hướng phát triển sâu sắc cho nền tư pháp Việt Nam. Ngày 19/9/1945, ngay chỉ sau hơn hai tuần thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trên Báo Cứu quốc số 46, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân”, Người nhắc nhở: “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý...”.
Từ năm 1986, cùng với chính sách nhất quán về đổi mới kinh tế và quyết tâm chính trị dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội, công lý cùng những giá trị thiên chức của mình đã được ghi nhận trở lại, từng bước chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu, thiêng liêng và trở thành một nội dung căn bản tại các văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng hàng đầu như Cương lĩnh, Nghị quyết - văn kiện thể hiện đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hay Hiến pháp - đạo luật cơ bản, văn kiện thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của mỗi Nhà nước và chế độ. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, mỗi cá nhân đều có quyền được sống trong môi trường xã hội ổn định và hợp tác. Trong đó, công lý là một giá trị căn bản, phổ quát, với niềm tin mãnh liệt về một trật tự xã hội ổn định, hợp tác trên nền tảng của lương tri, lẽ phải, lẽ công bằng. 
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo vô cùng sâu sắc, mang nhiều dáng dấp của một nhà tư tưởng, hoạch định chính sách khi đưa các vấn đề pháp lý phức tạp trở lại bối cảnh văn hoá cuộc sống thường nhật, hàng ngày, nhất là khi Ông kiến giải những đóng góp của công lý trong một cuộc sống có văn minh, có văn hoá.
Ông định nghĩa về văn hoá, khi đã nói về văn hoá là nói đến những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá, lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá,…). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.
Ông cũng nhấn mạnh, cần chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội ("Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"; "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; "Kính lão đắc thọ"; "Kính già, già để tuổi cho"; "Anh em như thể chân tay"; "Kính trên nhường dưới"; "Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người"; "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Thật thà là cha quỷ quái"; "Tôn sư trọng đạo"; "Lời chào cao hơn mâm cỗ"; "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng"; giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "Chân quê" (bài thơ của Nguyễn Bính năm 1936); giữ lấy tình nghĩa thủy chung son sắt (bài thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu năm 1954)...
 Thấm thía lời dạy của Ông, một xã hội có văn hoá, đầu tiên và trước hết, phải là một xã hội trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội, mỗi cán bộ bảo vệ pháp luật, thực thi công lý cảm nhận được sâu sắc hơn ý nghĩa thầm lặng của công việc khó khăn, vất vả của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày hôm nay./.
                                                       TS. Nguyễn Xuân Tùng,  Cục trưởng Cục THADS TP. Đà Nẵng