Một số vấn đề chung về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và đánh giá nhân sự

09/09/2024


1. Tuyển dụng nhân sự
Tuyển dụng được hiểu là việc đưa nhân lực mới vào tổ chức qua một quy trình tuyển dụng cụ thể. Việc tuyển dụng nhận lực vào các cơ quan nhà nước phải tuân theo các quy định pháp luật, trước hết là Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn hai luật này.
Đối với công chức, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức xác định các điều kiện chung của các ứng cử viên đăng ký dự tuyển công chức bao gồm:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ 18 tuổi trở lên;
c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Không cư trú tại Việt Nam;
b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Đối với viên chức, Điều 22 Luật Viên chức 2010 quy định điều kiện đăng ký dự tuyển bao gồm:
a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;
a) Có đơn đăng ký dự tuyển;
b) Có lý lịch rõ ràng;
c) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
d) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
đ) Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
Việc tuyển dụng nhân sự vào bộ máy hành chính nhà nước hiện nay thường được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu là thi tuyển và xét tuyển, trong đó hình thức thi tuyển thường dụng áp dụng chủ yếu cho đội ngũ công chức. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
a) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây:
a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Cán bộ, công chức cấp xã;
c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
d) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;
đ) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Các trường hợp trên được xem xét tiếp nhận vào làm công chức nếu không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d còn phải có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận.
Đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, có thể tổ chức tuyển dụng theo hình thức thi hoặc xét tuyển.
2. Sử dụng nhân lực
Sau khi tuyển dụng, nhân lực sẽ được bố trí vào các vị trí cụ thể trong bộ máy để làm việc. Hoạt động sử dụng gắn liền hữu cơ với hai hoạt động khác của quản lý nguồn nhân lực là hoạt động phát triển nguồn nhân lực (chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng) và đánh giá nhân lực. Việc phân công cần tuân thủ nguyên tắc chủ yếu là “đúng người, đúng việc”, có nghĩa là công việc được phân công phải phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, đúng vị trí việc làm của người đảm nhận công việc đó. Bên cạnh đó, khi phân công công việc cần gắn liền với thẩm quyền và trách nhiệm, đảm bảo chuyên môn hoá, không cứng nhắc và có khả năng thay thế.
Đối với cán bộ, công chức, việc phân công công việc bên cạnh các nguyên tắc chung cần bố trí công việc cho cán bộ, công chức phù hợp với ngạch, bậc mà cán bộ, công chức đó đang đảm nhận.
Việc sử dụng nhân lực trong bộ máy nhà nước gắn liền với việc bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với họ. Thông thường, nhân viên nhà nước không thể thỏa thuận về mức lương với nhà nước mà được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ khác theo một hệ thống các quy định định sẵn và làm việc suốt đời. Đặc điểm này chi phối tính chất hoạt động của bộ máy và khiến cho nhà nước trở thành điểm thu hút đối với nhân sự từ thị trường lao động. Tuy nhiên, hệ thống cứng nhắc đó cũng làm giảm nhu cầu tự phát triển của mỗi cán bộ, công chức.
3. Đào tạo và bồi dưỡng
Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng nhất định để giúp họ nhận thức và thực hiện công việc hoặc nhằm thay đổi thái độ, hành vi của họ đối với một vấn đề xã hội.
Đào tạo và bồi dưỡng là hai hoạt động đều có mục tiêu chung là nâng cao năng lực hoạt động cho con người nhưng có những mục tiêu cụ thể và do đó, cách thức tiến hành cụ thể, không giống nhau: trong khi đào tạo được hiểu là quá trình cung cấp tri thức, kỹ năng cơ bản, hoàn chỉnh một cách có hệ thống, làm thay đổi rõ rệt trình độ đạt được mức độ cụ thể nào đó cho người được đào tạo, tức là hướng tới cung cấp cho người học những tri thức kỹ năng mới, để từ đó đạt được hiệu quả công việc cao hơn, thì bồi dưỡng là hoạt động cung cấp, bổ sung tri thức, kỹ năng nhằm hoàn chỉnh một bước hoặc nâng cao một mặt nào đó trình độ cho người được bồi dưỡng, tức là cung cấp các kiến thức và kỹ năng bổ trợ trên nền của các kiến thức cơ sở đã được đào tạo.
Đào tạo, bồi dưỡng CBCC là một công việc phức tạp và tốn kém, do đó cần phải bảo đảm các nguyên tắc và có nội dung thích hợp để thực hiện một cách tiết kiệm, tránh lãng phí, hình thức, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng.
Khi xem xét hoạt động đào tạo, bồi dưỡng không chỉ xem xét ở kết quả đào tạo mà cần xem xét ở các nội dung liên quan khác như: hình thức đào tạo, bồi dưỡng; nội dung đào tạo, bồi dưỡng; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá của người học về phương pháp giảng dạy của giảng viên, về cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình,...
4. Đánh giá cán bộ, công chức
Đánh giá không chỉ là cơ sở để ban hành các quyết định nhân sự như thưởng công xứng đáng cho các cá nhân xuất sắc vì những cố gắng của họ trong công việc, đồng thời tìm ra những nhân viên yếu kém, thiếu năng lực hay chưa thực sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được phân công mà còn là dịp để các nhân viên kiểm điểm bản thân và tối ưu hóa quy trình hoạt động của mình để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Nguyễn Thị Thìn, Vụ TCCB
Công tác đánh giá cán bộ, công chức, chính vì vậy, được coi là cơ sở của hoạt động quản lý cán bộ, công chức. Đánh giá cán bộ, công chức nhằm mục đích làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chứ. Qua đó mới có thể góp phần tích cực vào việc tiếp tục cải cách chế độ công vụ./.