Kiểm tra thi hành án dân sự với việc giải quyết việc thi hành án tồn

19/02/2008

Thi hành án dân sự là hoạt động quan trọng nhằm đưa bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay của Toà án hoặc Trọng tài thi hành trong thực tế, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.



Do đó, việc tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay và các quyết định khác có hiệu lực thi hành có một ý nghĩa đặc biệt trong thực tiễn. Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp toàn quốc tháng 1 năm 2008 cho thấy thấy, tính đến ngày 30/9/2007 số án còn tồn chưa được giải quyết trong toàn quốc còn khoảng 48.04%. Để giải quyết số lượng việc tồn này, Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều biện pháp. Tuy nhiên, các biện pháp này phải được xử lý một cách đồng bộ và quyết liệt mới hy vọng trong thời gian ngắn có thể kéo giảm số lượng việc tồn xuống mức tối thiểu. Nhưng để xử lý đồng bộ mọi vấn đề, thì trước tiên cần phải nắm chắc được tình trạng số lượng vụ việc tồn, từ đó mới có kế hoạch áp dụng biện pháp nào trước, biện pháp nào sao, "mức độ, liều lượng" các biện pháp được sử dụng và sự kết hợp giữa chúng như thế nào cho có hiệu quả, tránh được sự không tập trung và lãng phí là điều cần được đặt ra. Để thực hiện được việc này, đòi hỏi từng Chấp hành viên, từng cơ quan Thi hành án dân sự, phải chủ động, tích cực trong việc rà soát, phân loại và thống kê đối với từng loại án, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra trong thi hành án dân sự, nhất là kiểm tra việc rà soát, phân loại và thống kê thi hành án để đảm bảo mọi công việc được thực hiện nghiêm túc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề trong kiểm tra với việc giải quyết việc thi hành án tồn.

Khác với công tác thanh tra và kiểm sát, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra viên, Kiểm sát viên được quy định cụ thể trong Luật thanh tra, Luật tổ chức Viện kiểm sát và các văn bản hướng dẫn thi hành, kiểm tra thi hành án dân sự không được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Kiểm tra thi hành án dân sự được quy định như là một trong những chức năng của các cơ quan quản lý, và coi kiểm tra là một mặt của quản lý, quản lý gắn với kiểm tra. Do đó, hoạt động kiểm tra thường do các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao.

Trong thi hành án dân sự hoạt động kiểm tra thi hành án dân sự được các cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhằm đánh giá kết quả tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay của Toà án hoặc các quyết định khác theo quy định của pháp luật. Chủ thể của việc kiểm tra là Cục Thi hành án dân sự, Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện.

Trong quá trình kiểm tra Cục Thi hành án dân sự kiểm tra hoạt động thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án dân sự cấp tỉnh kiểm tra hoạt động thi hành án của Thi hành án dân sự cấp huyện và Chấp hành viên; Thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện kiểm tra đối với hoạt động của các Chấp hành viên thuộc sự quản lý của đơn vị. Ngoài ra, trong thực tế hoạt động kiểm tra thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã tiến hành thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các đơn vị thi hành án để giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự trên cùng địa bàn tỉnh và việc áp dụng pháp luật về thi hành án và các văn bản pháp luật có liên quan để tổ chức thi hành án.

Phạm vi kiểm tra được tiến hành rộng đối với toàn bộ hoạt động thi hành án dân sự nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định được thi hành một cách  kịp thời, đúng pháp luật, nâng cao kết quả thi hành án, làm giảm số việc tồn trong kỳ báo cáo. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, tuỳ thuộc vào việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị và kết quả thi hành án của từng địa phương ở các thời điểm khác nhau, việc kiểm tra được tiến hành một cách thường xuyên, định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề...

Nhìn chung trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, đã tích cực, chủ động thực hiện việc kiểm tra nhằm đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên tích cực tổ chức thi hành án nhằm làm giảm lượng việc thi hành án tồn đọng trong các kỳ báo cáo. Hàng năm, Cục Thi hành án dân sự và Thi hành án dân sự cấp tỉnh đều có kế hoạch kiểm tra đối với hoạt động thi hành án dân sự. Thông qua công tác kiểm tra thi hành án dân sự đã kịp thời phát hiện ra những yếu kém trong hoạt động thi hành án, từ đó có biện pháp uốn nắn kịp thời. Đồng thời, cũng thông qua công tác kiểm tra thi hành án dân sự, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự cũng đã phát hiện ra những thiếu sót, bất cập trong các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, từ đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời bãi bỏ sửa đổi, ban hành nhiều quy định mới phù hợp thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự, nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thi hành án dân sự.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra thi hành án dân sự trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế sau:

Việc kiểm tra còn chưa được thực hiện một cách thường xuyên. Thi hành án dân sự là một lĩnh vực hết sức phức tạp, hoạt động thi hành án dân sự trực tiếp tác động đến tài sản hoặc một số quyền nhân thân của người phải thi hành án, nên việc thi hành án hết sức nhạy cảm, cả về kinh tế lẫn tinh thần, dễ phát sinh các tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành án. Mặt khác, pháp luật về thi hành án còn có nhiều điểm còn chưa điều chỉnh hết các quan hệ thực tế phát sinh trong thực tế, nên việc áp dụng pháp luật trong nhiều trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, dễ tạo kẽ hở cho các bên đương sự lợi dụng. Do đó, hoạt động kiểm tra thi hành án phải được tiến hành một cách thường xuyên, nhưng trên thực tế, hoạt động kiểm tra trong thời gian qua ở một số nơi thường diễn ra một cách hình thức, mang tính chất chiếu lệ, mang lại ít hiệu quả thiết thực.

Chưa tiến hành kiểm tra sâu việc mức độ hoàn thành hiện nhiệm vụ của từng cơ quan thi hành án, từng Chấp hành viên. Phần lớn các cuộc kiểm tra chỉ tập trung vào các vấn đề cụ thể như các hoạt động nghiệp vụ, tổ chức hoặc tài chính, mà chưa có nhiều cuộc kiểm tra chuyên sâu về thực hiện nhiệm vụ, hay nói cách khác là kiểm tra về số lượng việc được giao, số lượng việc hoàn thành. Mặt khác, do việc kiểm tra chỉ quan tâm đến một số lĩnh vực cụ thể, nên việc chưa phát huy hết tác dụng trong việc điều hành và quản lý hoạt động thi hành án dân sự;

Chưa xác định  kiểm tra là một mặt của hoạt động chỉ đạo, điều hành trong thi hành án dân sự. Theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên là người được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành án, mặc dù Chấp hành viên chỉ tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi hành bản án, quyết định mình được phân công, nhưng hoạt động của Chấp hành viên cũng không nằm ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phân công, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên. Nếu quá trình Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ, xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ, thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có quyền sử dụng các biện pháp về hành chính, tổ chức, tài chính để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên  và của các đơn vị thi hành án thuộc quyền quản lý của mình. Để làm được điều này, đòi hỏi Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự phải nắm chắc được khối lượng việc và trạng thái thực hiện công việc của các Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự thuộc quyền quản lý của mình, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp để nâng cao kết quả thi hành án. Nhưng trên thực tế cho thấy, hiện tại vẫn còn nhiều nơi, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự do không coi trọng công tác kiểm tra, nên không nắm vững được khối lượng công việc, trạng thái công việc của Chấp hành viên và các đơn vị thuộc quyền quản lý, nên sự chỉ đạo điều hành chưa kịp thời và hiệu quả chưa cao, dẫn tới kết quả thi hành án không cao.

Chưa coi trọng việc tự kiểm tra. Một số cơ quan Thi hành án và cá nhân Chấp hành viên chưa coi trọng khâu tự kiểm tra. Trong thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự, hoạt động kiểm tra thường chỉ được thực hiện khi các cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện kiểm tra đối với cơ quan cấp dưới, mà việc tự kiểm tra trong nội bộ mỗi cơ quan Thi hành án hoặc các Chấp hành viên còn diễn ra ít, chưa đồng đều, nhất là việc kiểm tra, rà soát, phân loại, thống kê thi hành án. Thậm chí, có lúc, có nơi và có nhiều Chấp hành viên còn coi việc rà soát, phân loại và thống kê thi hành án không phải là nhiệm vụ của Chấp hành viên và chiếm mất nhiều thời gian của Chấp hành viên. Do đó, có một số nơi quan Thi hành án không thể kiểm soát được khối lượng công việc và trạng thái không việc mình đang đảm nhiệm, nên không có kế hoạch cụ thể cho việc giải quyết án tồn đọng trong kỳ...

Để có thể khắc phục những hạn chế trong kiểm tra thi hành án dân sự, từ đó phát huy hiệu quả của hoạt động kiểm tra trong việc quản lý, điều hành hoạt động thi hành án dân sự, thúc đẩy việc nâng cao kết quả thi hành án, giảm việc tồn cần thực hiện một số biện pháp sau:

Nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan Thi hành án dân sự về tầm quan trọng của công tác kiểm tra thi hành án dân sự. Các cơ quản lý thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự cần phải coi hoạt động kiểm tra là một trong những công cụ của quản lý, điều hành là một mặt của hoạt động quản lý. Đã có quản lý thì dứt khoát phải có kiểm tra, kiểm tra nhằm đôn đốc thúc đẩy Chấp hành viên và các cơ quan Thi hành án thực hiện nhiệm vụ của mình một cách kịp thời nhằm nâng cao kết quả thi hành án. Đồng thời, qua kiểm tra để phát hiện những sai sót, của Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án, tìm ra những điểm còn chưa hợp lý, không phù hợp thực tiễn trong các quyết định của cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, từ đó kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thi hành án dân sự, nhằm giúp Chấp hành viên thi hành triệt để bản án, quyết định được giao, làm giảm án tồn đọng trong các kỳ báo cáo.

Tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động kiểm tra thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự, Thi thành án dân sự cấp tỉnh cần tăng cường việc chỉ đạo, giám sát hoạt động kiểm tra của các cơ quan thi hành án dân sự.

Tăng cường việc tự kiểm tra của các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên. Để đảm bảo cho việc thực hiện một cách tốt nhất nhiệm vụ được giao là tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Toà án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật, từng Chấp hành viên, từng cơ quan Thi hành án dân sự phải thường xuyên tự kiểm tra, rà soát số lượng việc được giao, phân loại, thống kê việc thi hành án án theo các tiêu chí được quy định, từ đó đề ra biện pháp giải quyết thích hợp đối với từng loại việc, từng giai đoạn khác nhau nhằm nâng cao kết quả của hoạt động thi hành án, làm giảm án tồn phải chuyển sang kỳ sau. Trong những trường hợp cần thiết, bản thân các cơ quan Thi hành án có thể tự kiểm tra bằng cách tiến hành các đợt kiểm tra chéo giữa các Chấp hành viên trong đơn vị, để tạo ra cơ chế kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động thi hành án, tránh sự khép kín trong từng cá, không phát hiện được những việc tồn đọng để đưa ra giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.

Xây dựng và ban hành quy chế về kiểm tra thi hành án dân sự. Hiện tại Hoạt động thi hành án dân sự chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh đầy đủ, toàn diện về hoạt động kiểm tra thi hành án dân sự. Do đó, để đảm bảo cho hoạt động kiểm tra thi hành án dân sự nói chung và kiểm tra kết quả việc thi hành án nói riêng đi vào nền nếp, cần phải xây dựng và ban hành Quy chế về kiểm tra thi hành án dân sự, quy định rõ chế độ kiểm tra, phạm vi kiểm tra, phương pháp kiểm tra, thời hạn kiểm tra, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra và của thành viên Đoàn kiểm tra...

Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Chấp hành viên. Để nâng cao kết quả thi hành án, giảm thiểu án tồn đọng, thì hoạt động của Chấp hành viên là trung tâm và hạt nhân của hoạt động thi hành án. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan Thi hành án dân sự và của toàn ngành hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả thi hành án của Chấp hành viên. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa có hệ thống chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ cho Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án, mà chỉ có các chỉ tiêu thi đua cho các cơ quan Thi hành án dân sự. Do vậy, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường kiểm tra thống kê thi hành án dân sự. Thống kê thi hành án dân sự sự thực chất là quá trình rà soát, phân loại việc thi hành án và kiểm tra việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của Chấp hành viên trong quá trình xử lý việc thi hành án để thống kê vào các chỉ tiêu phù hợp, từ đó xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Chấp hành viên và từng cơ quan Thi hành án dân sự. Nhưng trong thực tế, công tác kiểm tra thống kê thi hành án dân sự chưa thực sự được coi trọng. Việc kiểm tra thống kê mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra thông qua tổng hợp số liệu trên các báo cáo thống kê, mà chưa đi sâu và kiểm tra về phương pháp thống kê, phương pháp phân loại việc, xác định việc thi hành án và việc áp dụng các chỉ tiêu thống kê. Do đó, trong nhiều trường hợp báo cáo thống kê thi hành án dân sự chưa phản ảnh hết thực tế mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng Chấp hành viên và từng cơ quan Thi hành án dân sự.

Hoàng Thế Anh