Tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự

04/03/2008

Chấp hành viên là một trong các chức danh thi hành án dân sự được Đảng và Nhà nước giao trọng trách trực tiếp thi hành những bản án, quyết định dân sự theo quy định của pháp luật. Bản án, quyết định của các cơ quan tố tụng có được thực thi trên thực tế hay không, chân lý cuối cùng có được khẳng định trong thực tiễn hay không phụ thuộc phần lớn vào kết quả hoạt động của các cơ quan, cán bộ công chức làm công tác thi hành án, trong đó đặc biệt là hoạt động của Chấp hành viên. Vì vậy, mà công tác bổ nhiệm Chấp hành viên có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, đóng góp một phần mang tính chất quyết định vào hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua.



Việc bổ nhiệm Chấp hành viên hiện nay chủ yếu được thực hiện trên cơ sở các văn bản pháp luật sau đây: Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 quy định về khái niệm Chấp hành viên (Điều 12); tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên (Điều 13); nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên (Điều 14), v.v... Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của Chấp hành viên; những việc Chấp hành viên không được làm; thủ tục, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên; Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên; căn cứ để miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên; bổ nhiệm lại Chấp hành viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt; điều động, biệt phái Chấp hành viên; lương, phụ cấp, thẻ, phù hiệu và trang phục của Chấp hành viên, v.v... Quyết định số 1145/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành dân sự. Thông tư số 06/2005/TT-BTP ngày 24/6/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về quy trình thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên, v.v...

Ngoài ra, trong qúa trình bổ nhiệm Chấp hành viên các vấn đề liên quan đến phụ cấp Chấp hành viên lại áp dụng Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên và công chứng viên còn quy định về chuyển xếp lương, ngạch, bậc, hệ số lương của Chấp hành viên khi bổ nhiệm mới, cách chức, miễn nhiệm Chấp hành viên lại áp dụng theo quy định tại Nghị định số 204/2005/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; ngoài ra, còn phải xem xét về mặt lý lịch nhân thân của người được đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên theo Quy định số 75/QĐ-TW ngày 25/4/2000 của Bộ Chính trị và chưa bị kết án (kể cả trường hợp đã được xoá án tích).

Dưới đây là các quy định về tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự:

1. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Chấp hành viên

Chấp hành viên là người được nhà nước giao trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định dân sự theo quy định của pháp luật. Chấp hành viên được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ năm năm. Việc bổ nhiệm Chấp hành viên bao gồm bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới.

Việc bổ nhiệm lại Chấp hành viên được thực hiện đối với những Chấp hành viên đã được bổ nhiệm trước đây theo Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 và đã năm năm làm Chấp hành viên trở lên. Việc bổ nhiệm mới Chấp hành viên được thực hiện đối với những người đang ở các chức danh chuyên môn khác như Chuyên viên pháp lý và được bổ nhiệm lần đầu làm Chấp hành viên giữ mã ngạch 03.017 đối với Chấp hành viên cấp tỉnh và 03.018 đối với Chấp hành viên cấp huyện.

1.1. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm mới làm Chấp hành viên 

- Tiêu chuẩn chung đối với Chấp hành viên cấp tỉnh và Chấp hành viên cấp huyện đều phải là công dân Việt Nam, trung thành với tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, đã được đào tạo về nghiệp vụ thi hành án, có đủ thời gian làm công tác pháp luật theo quy định, có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Tiêu chuẩn về thời gian công tác pháp luật và năng lực làm Chấp hành viên:

Đối với Chấp hành viên cấp huyện: người có đủ tiêu chuẩn chung nêu trên, có thời gian làm công tác pháp luật từ bốn năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

Đối với Chấp hành viên cấp tỉnh: người có đủ tiêu chuẩn chung nêu trên và đã làm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện từ năm năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của cơ qun thi hành án, người có đủ tiêu chuẩn chung nêu trên và đã có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên, có năng lực thi hành những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

- Xác định tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt:

Trường hợp thứ nhất, do điều động cán bộ, công chức từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án thì khi xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên không nhất thiết đòi hỏi phải có tiêu chuẩn có chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án nhưng phải có đủ các tiêu chuẩn khác của Chấp hành viên theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự. Trường hợp tiếp nhận từ cơ quan khác sang cơ quan thi hành án để bổ nhiệm Chấp hành viên thì phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi đưa ra Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên (kèm theo báo cáo là lý lịch trích ngang; các văn bằng chứng chỉ; ý kiến nhận xét của Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác về quá trình công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, ý thức kỉ luật, kinh nghiệm thực tiễn về công tác thi hành án và một số nội dung khác có liên quan).

Trường hợp thứ hai, đối với trường hợp đã làm Chấp hành viên của thi hành án dân sự cấp huyện nhưng chưa đủ thời gian là năm năm, nếu có thời gian làm công tác pháp luật từ mười năm trở lên (kể cả thời gian làm Chấp hành viên) và có các tiêu chuẩn khác theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự thì vẫn có thể được xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên của thi hành án dân sự cấp tỉnh.

Trường hợp thứ ba, đối với những địa phương quá khó khăn về nguồn cán bộ (như miền núi, vùng sâu, vùng xa…), trong khi chờ có hướng dẫn cụ thể nếu xét thấy có người có đủ các tiêu chuẩn khác (như trình độ cử nhân luật, có đủ thời gian làm công tác pháp luật theo quy định,…) nhưng thiếu chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ Chấp hành viên thì có thể cho nợ tiêu chuẩn này nhưng phải bảo đảm trả nợ ngay trong năm tiếp theo.

1.2. Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm lại Chấp hành viên

Việc bổ nhiệm lại Chấp hành viên được thực hiện đối với những Chấp hành viên đã được bổ nhiệm trước ngày 01/7/2004 và đã làm Chấp hành viên từ năm năm trở lên.

Để được xem xét bổ nhiệm lại Chấp hành viên, cần có các tiêu chuẩn sau:

Một là, có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự như có tư cách đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có đủ thời gian làm công tác pháp luật,…. nhưng không nhất thiết đòi hỏi phải có tiêu chuẩn chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ thi hành án.

Hai là, về khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Để được xem xét bổ nhiệm lại Chấp hành viên thi hành án dân sự thì Chấp hành viên đó phải đạt được một tỉ lệ nhất định về việc và về tiền trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Trong đó tỉ lệ về việc được tính bằng tỉ lệ giữa tổng số vụ việc đã được thi hành xong hoàn toàn trên tổng số vụ việc có điều kiện thi hành và tỉ lệ về tiền được tính bằng tỉ lệ giữa tổng số tiền đã thu được trên tổng số tiền phải thu trong số có điều kiện thi hành.

Áp dụng tiêu chuẩn bổ nhiệm lại Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt:

Trường hợp thứ nhất, việc bổ nhiệm lại Chấp hành viên được thực hiện kể từ ngày Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên trong trường hợp vì lý do khách quan mà sau ngày Nghị định số 50/2005/NĐ-CP có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét để bổ nhiệm lại thì Chấp hành viên tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi có quyết định mới của cơ quan có thẩm quyền nhưng tối đa là đến ngày 30/6/2005. Kể từ ngày 01/7/2005, nếu các trường hợp nêu trên không được xem xét để bổ nhiệm lại theo quy định mới thì phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác, trừ trường hợp thật sự đặc biệt mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xem xét để làm thủ tục bổ nhiệm lại và không phải do lỗi của Chấp hành viên thì người đó vẫn tiếp tục được làm nhiệm vụ cũ nhưng phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cụ thể, Trưởng thi hành án có trách nhiệm rà soát tất cả Chấp hành viên thuộc diện phải bổ nhiệm lại theo quy định để trình Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, đảm bảo đến hết ngày 31/12/2005 phải thực hiện xong việc bổ nhiệm lại Chấp hành viên. Trong quá trình rà soát tất cả Chấp hành viên thuộc diện bổ nhiệm lại (trừ trường hợp không còn đủ thời hạn để bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ theo quy định của pháp luật) đều phải được đưa ra báo cáo trước Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét. Những trường hợp chấp hành viên thuộc diện bổ nhiệm lại theo quy định của Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ, nếu vì lý do khách quan mà chưa thực hiện xong việc xem xét tuyển chọn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại thì các Chấp hành viên này vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên cho đến hết ngày 31/12/2005. Kể từ ngày 01/01/2006, những trường hợp Chấp hành viên thuộc diện phải bổ nhiệm lại nhưng không được tuyển chọn, bổ nhiệm lại sẽ phải chuyển sang làm nhiệm vụ khác.

Trường hợp thứ hai, các trường hợp tuy đã được bổ nhiệm lại Chấp hành viên từ năm năm trở lên, nhưng không còn đủ tuổi để bổ nhiệm lại thêm một nhiệm kỳ nữa, nếu vẫn còn sức khỏe và đủ các tiêu chuẩn của chức danh đang đảm nhiệm thì không phải xem xét bổ nhiệm lại mà tiếp tục giữ nguyên chức danh cũ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Trường hợp thứ ba, đối với các trường hợp khi xem xét bổ nhiệm lại mà chưa có trình độ cử nhân luật, không có vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức hoặc không có các lý do đặc biệt như quá yếu về nghiệp vụ thì vẫn xem xét để tuyển chọn bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên nhưng trong nhiệm kỳ mới phải học tập để có trình độ cử nhân luật. Kể từ nhiệm kỳ tiếp theo những Chấp hành viên này nếu không có trình độ cử nhân luật thì coi là không đủ tiêu chuẩn và không được xem xét để tuyển chọn và bổ nhiệm lại chức danh chấp hành  viên.

Trường hợp thứ tư, đối với những trường hợp trong hai năm cuối nhiệm kỳ, nếu tỉ lệ thi hành về việc và về tiền thấp thì người đề nghị tái bổ nhiệm phải giải trình rõ lý do và hướng khắc phục. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm lại có vi phạm kỷ luật trong hai năm cuối của nhiệm kỳ vừa qua thì phải giải trình rõ lý do kỷ luật, mức độ và hình thức kỷ luật (trong hồ sơ phải sao gửi cả quyết định kỷ luật). Đối với trường hợp có ý kiến khác nhau của thành viên Hội đồng tuyển chọn thì trong biên bản gửi về Bộ cũng phải nêu đầy đủ các ý kiến đó. Tất cả các trường hợp này đều phải được xem xét một cách kỹ lưỡng tổng hợp các tiêu chuẩn trên cơ sở pháp luật và có tính đến các yếu tố đặc thù khác của ngành như là những đơn vị thi hành án dân sự thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có khó khăn về nguồn cán bộ để bổ nhiệm Chấp hành viên trong khi số lượng án phải thi hành nhiều, phức tạp, v.v...

2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm Chấp hành viên

Việc bổ nhiệm chấp hành viên (bao gồm bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới Chấp hành viên) được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 50/2005/NĐ-CP và Thông tư 06/2005/TT-BTP có thể được chia làm hai giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Địa phương chuẩn bị nhân sự đề nghị Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên họp xem xét được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Cơ quan thi hành án dân sự địa phương có trách nhiệm báo cáo Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh về nhu cầu và dự kiến người để bổ nhiệm Chấp hành viên của đơn vị mình.

Bước 2: Trên cơ sở nhu cầu và đề nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, lập danh sách trích ngang những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Bước 3: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, lấy ý kiến về người được giới thiệu tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

Bước 4: Xem xét, đề nghị nhân sự tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên.

Bước 5: Lập hồ sơ của nhũng người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự mà có đơn thư khiếu nại, tố cáo phản ánh về những vi phạm pháp luật hoặc biểu hiện lệch lạc trong đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội ở nơi cư trú của người đang được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên  mà theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo cần phải xác minh làm rõ thì Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp xem xét và cử người cùng với Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh tiến hành xác minh (nếu người cần xác minh là Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh thì Giám đốc Sở Tư pháp trực tiếp chỉ đạo tiến hành xác minh) và báo cáo kết quả để Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét.

Sau khi lập xong hồ sơ, Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét, quyết định triệu tập phiên họp của Hội đồng. Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên thực hiện việc tuyển chọn Chấp hành viên theo Quy chế làm việc của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 1145/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và theo quy định của pháp luật.

Căn cứ kết quả phiên họp của Hội đồng, Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm dự thảo trình Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nếu được Chủ tịch Hội đồng uỷ quyền) ký đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định. Trưởng thi hành án dân sự có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên (kèm theo hồ sơ chính mỗi người một bộ và biên bản phiên họp của Hội đồng) về Cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét quyết định.

Gai đoạn 2: Quy trình Cục Thi hành án dân sự chuẩn bị trình Lãnh đạo Bộ xét duyệt bổ nhiệm Chấp hành viên. Giai đoạn này có thể được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Sau khi nhận được hồ sơ và tờ trình, công văn đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên của địa phương gửi lên, Phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm chuẩn bị trình Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự xem xét. Việc chuẩn bị này bao gồm các công việc như nghiên cứu, kiểm tra từng hồ sơ đề nghị trình bổ nhiệm của địa phương sau đó chuẩn bị Danh sách trích ngang, Quyết định bổ nhiệm và Báo cáo trình lãnh đạo Cục xem xét. Trong quá trình kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ bổ nhiệm các vấn đề cần chú ý đến như sự phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức công văn, tờ trình, các tài liệu, văn bằng chứng chỉ có trong hồ sơ; tiêu chuẩn về bằng cấp và chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thi hành án; thời gian công tác pháp luật; tỷ lệ về việc và về tiền trong hai năm cuối nhiệm kỳ; phẩm chất đạo đức của những người được đề nghị bổ nhiệm; có hay không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; tính khách quan, vô tư trong quá trình chuẩn bị nhân sự trình bổ nhiệm ở địa phương, v.v…

Sau khi xem xét và có ý kiến của Lãnh đạo Cục về các trường hợp đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên, Lãnh đạo Cục sẽ trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Bước 2: Lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì cùng với Lãnh đạo Cục và Phòng Tổ chức cán bộ tổ chức họp để xem xét việc bổ nhiệm Chấp hành viên đối với từng trường hợp cụ thể. Việc quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên đối với từng trường hợp cụ thể sẽ được xem xét trên cơ sở đối chiếu với các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên và tình trạng thực tế về nhân sự của từng cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Việc vận dụng tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật được tiến hành trên nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, công bằng và đặc thù của từng cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước như miền núi, vùng sâu, vùng xa; những nơi có nhiều việc, án lớn, phức tạp hoặc những nơi khó khăn về nguồn tuyển dụng và thiếu nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên, v.v...

Với những quy trình và thủ tục bổ nhiệm chặt chẽ như vậy sẽ đảm bảo những người được xem xét bổ nhiệm Chấp hành viên phải đáp ứng được yêu cầu vừa có đủ phẩm chất đạo đức vừa có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng trong lĩnh vực thi hành án.

Bước 3: Sau khi Lãnh đạo Bộ đã duyệt những trường hợp được bổ nhiệm, Cục Thi hành án dân sự sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ tổ chức phát hành các Quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên đồng thời lưu Quyết định vào hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên tại Cục Thi hành án dân sự./.

Nguyễn Văn Nghĩa