Hiệu quả của biện pháp cưỡng chế "Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án": Tùy thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội ?

31/07/2009

Công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan tổ chức. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác cũng phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự.



Công tác thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan tổ chức. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác cũng phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự.

“ Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ” là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án. Điều 78 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

" Điều 78: Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Thu nhập của người phải thi hành án bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a, Theo thỏa thuận của các đương sự:

b. Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c. Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phả

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này ".

Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực thi hành kể từ  ngày 01 tháng 7 năm 2009 nhưng trong thực tế việc thực hiện biện pháp cưỡng chế “ Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ” vẫn còn gặp khó khăn do chưa có sự phối hợp thống nhất của cơ quan Bảo hiểm xã hội!  Một số cơ quan Bảo hiểm xã hội ( cấp huyện ) chưa thực hiện việc khấu trừ thu nhập của Chấp hành viên do chưa được tập huấn các nội dung của Luật Thi hành án dân sự, mặt khác Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Thực tiễn việc áp dụng biện pháp cưỡng chế " Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án " theo Điều 40 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004:

Thực tiễn thi hành án dân sự thời gian qua cho thấy cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế “ Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ”  theo quy định tại Điều 40 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 mà nguyên nhân là do các cơ quan Bảo hiểm xã hội không thực hiện việc chuyển tiền lương hưu, trợ cấp của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án theo quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Do vậy, không ít hồ sơ thi hành án tồn đọng, không thi hành được mặc dù người phải thi hành án có tiền lương hưu, tiền trợ cấp hàng tháng tại Bảo hiểm xã hội? Dẫn đến người dân giảm lòng tin vào cơ quan thi hành án dân sự, cho rằng cơ quan thi hành án dân sự chưa làm hết trách nhiệm trong việc thi hành án, gây nhiều bức xúc trong xã hội ( vì phần lớn các trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế “ Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ” là để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con ).

Lý do nào mà Bảo hiểm xã hội không thực hiện việc khấu trừ thu nhập của cơ quan thi hành án dân sự theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004?

Các cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng: Mặc dù khoản 3 Điều 40 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án  ( trong đó có Bảo hiểm xã hội ) trong việc thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án theo Quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Đó là: " Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày khấu trừ thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân nói trên có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan Thi hành án số tiền đó để chi trả cho người được thi hành án ". Nhưng vì Pháp lệnh chưa quy định trách nhiệm cụ thể của Bảo hiểm xã hội, mặt khác về mặt hiệu lực pháp lý thì Pháp lệnh Thi hành án dân sự có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật Bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, khoản 3 Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006 quy định rõ: Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm “ thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn ” cho người lao động. Do vậy, các cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến thu nhập của người phải thi hành án mà không thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

Quy định của Luật Thi hành án dân sự về trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội trong thi hành án dân sự.

          Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đã dành hẳn một chương ( chương VIII ) gồm 15 điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự. Trong đó, trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội trong thi hành án dân sự đã được quy định cụ thể tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự.

          Theo quy định tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự thì Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:

          " 1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội  theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

          2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án.

          3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo yêu cầu của Luật này. "

          Như vậy, những căn cứ mà trước đây cơ quan Bảo hiểm xã hội đưa ra để không thực hiện quyết định cưỡng chế “ Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án ” của cơ quan thi hành án dân sự đã không còn. Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008 ( có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 ) quy định: " Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau ". So với Luật Bảo hiểm xã hội thì Luật Thi hành án dân sự được ban hành sau nên Bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật Thi hành án dân sự về việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án.

Qua bài viết này, chúng tôi cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, sớm ban hành văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các cấp tích cực phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự, thực hiện đúng trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Thi hành án dân sự để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, giảm lượng án tồn đọng. Bên cạnh đó, Hội đồng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp ( nhất là cấp huyện, cấp xã ) cần thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự một cách kịp thời, sâu rộng và có hiệu quả. Có như vậy, Luật Thi hành án dân sự mới thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác thi hành án dân sự./.

 Trần Văn An - Thi hành án dân sự huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình