Chuyên đề tìm hiểu các quy định của pháp luật Thi hành án dân sự - Phần mở đầu

04/07/2011
Luật Thi hành án dân sự ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng đối với các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, nó cũng nâng cao vị thế của cơ quan thi hành án xứng tầm với nhiệm vụ và yêu cầu chung của ngành Tư pháp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên không phải trong mọi tình huống, lúc nào việc thực hiện nhiệm vụ cũng được suôn sẻ mà không gặp phải những vướng mắc, bất cập nhất định. Đó là còn chưa kể đến tâm lý e ngại của Chấp hành viên, không dám mạnh dạn áp dụng những quy định có tính mới mẻ dẫn đến hoạt động thi hành án dân sự còn hạn chế cả ở về số lượng và chất lượng.


Thực tiễn kể từ khi Luật Thi hành án dân sự ra đời cho thấy các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương đều có những chuyển biến tích cực về tỷ lệ giải quyết án, chất lượng giải quyết cũng được nâng lên. Hạn chế được thấp nhất các đơn thư, khiếu nại hoặc kháng nghị liên quan đến hoạt động của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự. Đây là điểm rất đáng khích lệ và tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó cũng còn những trường hợp Chấp hành viên chủ quan, non kém về nghiệp vụ dẫn đến những việc cưỡng chế gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, có địa phương còn xảy ra những hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản liên quan đến việc làm của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án.

Chủ trương chung của Ngành trong giai đoạn hiện nay là nâng cao tỷ lệ giải quyết án về việc và giá trị, kiên quyết và chú trọng giảm án tồn đọng là một chủ trương đúng đắn, bằng Quyết định số 48/QĐ-BTP, ngày 19/01/2011, Bộ Tư pháp cũng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Theo đó với 4 tiêu chí cần đạt được cụ thể: Thi hành xong về việc, thi hành xong về giá trị, giảm án chuyển của năm trước về việc và giá trị. Có thể nói rằng nhiệm vụ hiện nay của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương mà cụ thể là nhiệm vụ của các Chấp hành viên là hết sức nặng nề, để hoàn thành tốt 4 chỉ tiêu được giao đòi hỏi Chấp hành viên là người trực tiếp tổ chức thi hành án trước hết phải nắm vững nghiệp vụ, xây dựng kỹ năng làm việc 1 cách bài bản, khoa học và hiệu quả, sau đó cũng phải tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và mạnh dạn áp dụng các quy định mới của pháp luật. Vì đôi khi, chính các quy định mới lại là chìa khoá để tạo ra những bước chuyển biến, đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Bản thân cũng là 1 công chức trong ngành Thi hành án dân sự, với mong muốn góp sức mình vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị và của toàn Ngành, tôi xin phân tích một số quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ thi hành án giúp các Chấp hành viên có cách nhìn trực diện và nắm rõ hơn bản chất các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là các quy định có tính mới mẻ để từ đó áp dụng đúng và đầy đủ, tránh được các vấn đề phát sinh như khiếu nại, tố cáo hoặc kháng nghị liên quan đến hoạt động thi hành án. Làm tốt điều này sẽ tránh tình trạng án tồn đọng kéo dài và tăng giá trị giải quyết án trên 4 tiêu chí được giao vì chỉ có nắm vững và hiểu rõ các quy định thì Chấp hành viên mới có kế hoạch cụ thể để giải quyết một việc thi hành án cụ thể.

Xuất phát từ mục đích và nội dung của bài viết, tôi xin trình bày làm nhiều phần khác nhau trên cơ sở phân tích các điều luật có liên quan để giúp người đọc có thể thâu tóm được trọng tâm nội dung của từng phần.

Mời các đồng nghiệp cùng những độc giả quan tâm theo dõi đón đọc.

Mọi thắc mắc và góp ý xin phản hồi về địa chỉ email:

tunglt.hdg@moj.gov.vn

Xin chân thành cảm ơn! 

Lương Thanh Tùng