Ý kiến trao đổi về bài “Bàn về vụ chia tài sản sau ly hôn không khả thi trong thực tiễn thi hành án dân sự”

19/07/2011
Sau khi đọc bài “Bàn về vụ chia tài sản sau ly hôn không khả thi trong thực tiễn thi hành án dân sự”. Tôi thấy, đây là một trong những khó khăn mà công tác thi hành án dân sự gặp phải không ít. Nhằm góp phần tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho vụ việc mà bài viết đã nêu, cũng như những vụ việc tương tự. Tôi xin có một vài ý kiến trao đổi, rất mong nhận được sự góp ý của mọi người để công tác thi hành án dân sự của chúng ta ngày càng tốt hơn.


Tóm tắt bài đã đăng:

Tại bản án số 04/HNGN-PT ngày 14/01/2011của TAND tỉnh P xét xử cho ly hôn và tuyên:

“… Giao cho anh Nguyễn Văn C quản lý, sử dụng căn nhà cấp 3 và đất tại TP H có giá trị 1 tỉ đồng  và có trách nhiệm thối lại cho chị  Nguyễn Thị  V ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng. Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu…”

Ngày 30/02/2011 chị Nguyễn Thị V, gửi đơn đến cơ quan thi hành án thành phố H để yêu cầu như bản án phúc thẩm đã tuyên. Cơ quan thi hành án TP H, thụ lý đơn của chị V và ra quyết định thi hành án với nội dung yêu cầu: “Buộc Anh Nguyễn Văn C cấp dưỡng nuôi con, mỗi tháng 1 triệu đồng và thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị V…”

Việc xác minh thực tế tại địa phương cho thấy ông C, đang công tác tại công ty B, thu nhập lương hàng tháng khoảng 6 triệu đồng và chỉ có duy nhất một tài sản là căn nhà cấp 3 và đất tại TP H  mà bản án phúc thẩm đã tuyên, ngoài ra không còn tài sản, thu nhập nào khác. Qua làm việc với các bên đương sự thì ông C cho biết không có khả năng trả số tiền 500 triệu đồng cho chị V, còn chị V thì yêu cầu kê biên, xử lý căn nhà để trả tiền cho chị.

Các quan điểm để giải quyết vụ việc trên:

Quan điểm thứ nhất: Trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho chị V theo Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (LTHADS). Vì cho rằng, ngôi nhà theo bản án phúc thẩm đã khẳng định là tài sản của cháu T, khi cháu T đủ 18 tuổi. Do đó, không thể kê biên, xử lý để thi hành án. Còn khoản thu nhập hàng tháng chỉ đủ đảm bảo cho khoản thi hành cấp dưỡng nuôi con mà thôi.

Quan điểm thứ hai: Tiến hành kê biên, xử lý căn nhà để trả tiền cho chị V, số tiền còn lại sẽ gửi tiết kiệm đến khi cháu T đủ 18 tuổi thì giao lại cho T. Nếu chị V lập biên bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề khiếu nại về sau của cháu T.

Quan điểm thứ ba: Nên kiến nghị lên cấp Giám đốc thẩm để xem xét lại vụ việc chia tài sản sau khi ly hôn này. Vì theo quan điểm này cho rằng, bản án phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện không phù hợp ở chỗ là “anh C có trách nhiệm giao cả căn nhà và đất cho cháu T khi cháu T đủ 18 tuổi”. Như vậy, ngôi nhà đó đã xác định rõ ràng thuộc quyền sở hữu của cháu T, không còn là tài sản chung để phân chia đảm bảo cho nguyên tắc quyền và nghĩa vụ (một bên được nhận tài sản và có nghĩa vụ thối lại giá trị chênh lệch cho bên kia).

Ý kiến trao đổi:

Trước hết, bản thân tôi rất chia sẻ với tác giải bài viết trên về công việc thi hành án dân sự. Quả thực, trong thực tiễn công tác có không ít trường hợp cơ quan thi hành án và chấp hành viên phải đau đầu khi gặp những bản án, quyết định tuyên mà không thể nào thi hành được trên thực tế và hậu quả là người được thi hành án phải chịu thiệt thòi; chấp hành viên tốn thời gian, công sức mà còn phải ôm hồ sơ để chịu tiếng oan là “án tồn”. Vụ việc đã nêu quả thực là một ví dụ sinh động cho thực trạng trên.

Trở lại tình huống mà tác giả đã nêu, tôi muốn góp thêm một quan điểm khác để chúng ta cùng trao đổi, tạo ra một cái nhìn đa chiều, khách quan hơn về một vụ việc cụ thể. Tôi cho rằng ba quan điểm đã nêu, quan điểm nào cũng có cái lý của nó. Tuy nhiên, nó vẫn chưa có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật.

Điều đầu tiên, tôi hoàn toàn đồng ý với điểm chung mà cả ba quan điểm đều đề cập đến, đó là về cách hiểu bản án đối với khoản “…Khi cháu T đủ 18 tuổi, anh Nguyễn Văn C có trách nhiệm giao lại nhà và đất nói trên cho cháu T toàn quyền sở hữu” có nghĩa là bản án đã xác định tài sản trên thuộc quyền sở hữu của cháu T và hiện tại anh C là người được quyền quản lý, sử dụng. Còn điểm khác nhau trong ba quan điểm trên đó là cách giải quyết trả lại đơn yêu cầu thi hành án, kê biên, xử lý tài sản hay kiến nghị giám đốc thẩm. Đây là những cách thức có thể được sử dụng để giải quyết cùng một vụ việc trên nên đã tạo ra sự khác nhau giữa các quan điểm. Đối với những cách thức giải quyết này, thì tôi không đồng tình, vì những lý do sau:

Thứ nhất, đối với việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho chị V như quan điểm thứ nhất theo tôi là rất khó thực hiện, vì khi làm đơn yêu cầu thi hành án chị V chỉ làm một đơn yêu cầu cho cả hai khoản (khoản cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng một triệu đồng và khoản trả cho chị ½ giá trị tài sản) do đó căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 58 ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho mỗi đơn yêu cầu thi hành án. Trên thực tế, cơ quan thi hành án TP H đã thụ lý đơn của chị V và ra quyết định thi hành án với nội dung yêu cầu: “Buộc Anh Nguyễn Văn C cấp dưỡng nuôi con, mỗi tháng 1triệu đồng và thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị V…”. Do đó, khi xác minh anh C không có tài sản nào khác, ngoài khoản thu nhập mỗi tháng sáu triệu đồng. Như vậy, số tiền này có thể được khấu trừ để thi hành án, ít nhất là để thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con, nên đối với khoản này thì không có cơ sở để trả đơn. Còn việc cơ quan thi hành án có thể trả lại một phần đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản “thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng” còn giữ lại khoản “cấp dưỡng nuôi con, mỗi tháng 1triệu đồng” để thi hành hay không? Tôi cho rằng, đây là vấn đề chưa được pháp luật quy định, nên chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết. Vì vậy, việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo Điều 51 LTHADS như quan điểm thứ nhất nêu ra là không phù hợp.

Thứ hai, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, nếu anh C, chị V thỏa thuận được với nhau về việc xử lý ngôi nhà và chị V lập biên bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề khiếu nại về sau của cháu T, theo quan điểm thứ hai. Cách giải quyết này xem ra có thể bảo vệ được quyền lợi của chị V, nhưng nó lại không đúng pháp luật, vì theo quyết định của bản án thì tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của anh C. Do đó, anh C và chị V không có quyền gì để thỏa thuận với nhau về việc xử lý tài sản trên cả, mặc dù trước đây nó là tài sản chung của hai vợ chồng. Nhưng khi có bản án phúc thẩm thì nó đã trở thành tài sản thuộc sở hữu của cháu T, anh C chỉ có quyền quản lý, sử dụng cho đến khi cháu T được 18 tuổi. Còn việc “chị V cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề khiếu nại về sau của cháu T” điều này thì hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Vì một người không thể tự mình đứng ra cam kết trước pháp luật việc thực hiện hay không thực hiện một quyền thuộc về người khác. Từ những lý do trên cho thấy cơ quan thi hành án không cơ sở để tiến hành kê biên, xử lý căn nhà để trả tiền cho chị V.

Thứ ba, nên kiến nghị lên cấp Giám đốc thẩm để xem xét lại vụ việc chia tài sản sau khi ly hôn này (quan điểm thứ ba), vì cho rằng bản án phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện không phù hợp, ở chỗ “anh C có trách nhiệm giao cả căn nhà và đất cho cháu T khi cháu T đủ 18 tuổi”. Như vậy, ngôi nhà đó đã xác định rõ ràng thuộc quyền sở hữu của cháu T, không còn là tài sản chung để phân chia. Bản thân tôi cũng cho rằng đây là quan điểm mà không ít người nghĩ tới. Bởi lẽ, xét trên góc độ thực tế nếu bản án được xem xét lại và tuyên một cách khả thi hơn sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền, lợi ích hợp pháp của chị V. Hơn nữa, sẽ giúp cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án bản án đạt hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, xét về cơ sở pháp lý thì khó có khả năng để giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trên. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (Điều 283). Do đó, căn cứ để xem xét kháng nghị mà quan điểm thứ ba nêu ra “ghi nhận sự tự nguyện không phù hợp” rất khó có thể được chấp nhận. Khi xem xét một cách khách quan nội dung tự nguyện, thỏa thuận giữa anh C và chị V mà bản án phúc thẩm đã ghi nhận, không có cơ sở cho thấy sự trái pháp luật hay không phù hợp với đạo đức xã hội. Bởi vì, nội dung tự nguyện có thể được hiểu như sau: về con chung anh C và chị V đồng ý để chị V trực tiếp nuôi dưỡng cháu T, anh C sẽ cấp dưỡng nuôi con cho chị C mỗi tháng một triệu đồng; về tài sản, hai người có một căn nhà trị giá một tỷ đồng và thỏa thuận chia đôi mỗi người nhận ½ giá trị tài sản. Tuy nhiên, anh C tự nguyện không nhận ½ giá trị tài sản trên mà sẽ để lại cho con, đồng thời anh cũng tự nguyện thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị C, đổi lại anh sẽ quản lý sử dụng căn nhà cho đến khi cháu T đủ 18 tuổi thì sẽ giao lại tài sản cho cháu T toàn quyền sở hữu. Như vậy, rõ ràng chúng ta thấy nội dung thỏa thuận trên là hoàn toàn hợp tình, hợp lý và anh C trong trường hợp này còn có vẽ như là “một người hào phóng”, không nghĩ đến lợi ích của mình. Với nội dung thỏa thuận trên thì Tòa cấp phúc thẩm đã ghi nhận sự tự nguyện của các bên là phù hợp, không trái pháp luật. Vụ việc chỉ trở nên phức tạp khi chuyển qua giai đoạn thi hành án, khi mà kết quả xác minh cho thấy anh C không có khả năng thi hành án và cũng không có tài sản gì ngoài khoản thu nhập từ nơi làm việc. Do đó, khoản thối lại ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị C có thể nói là không thể thi hành được, và người chịu thiệt thòi nhất trong vụ này là chị C. Mặc dù vậy cơ quan thi hành án cũng không thể làm gì được và cũng không thể yêu cầu Tòa án giải thích thêm về bản án hay đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, vì thỏa thuận của các bên là hợp pháp còn việc anh C có khả năng thi hành án, trả tiền cho chị C hay không, và trả bằng cách nào thì không thuộc nghĩa vụ chứng minh của Tòa án. Do vậy, chúng ta cũng không thể nói bản án không khả thi là trách nhiệm của Tòa án, vì đã ghi nhận sự tự nguyện như trên của các bên đương sự.

Từ việc phân tích các cơ sở pháp lý của ba quan điểm trên, tôi cho rằng trong vụ việc này, cơ quan thi hành án không còn cách nào khác là vẫn phải tiếp tục tổ chức thi hành án theo đơn yêu cầu của chị V. Cụ thể, chấp hành viên phải động viên thuyết phục anh C tự nguyện thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con hàng tháng và tìm cách trả dần khoản ½ giá trị căn nhà là 500 triệu đồng cho chị C, đồng thời cũng cần động viên chị V chấp nhận cách trả dần của anh C, vì đây là cách tốt nhất để giảm bớt thiệt thòi cho chị. Trong trường hợp anh C không tự nguyện thi hành án thì áp dụng khoản 2 Điều 71 và Điều 78 LTHADS để thực hiện biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Tuy nhiên, một vấn đề khác đặt ra là chúng ta sẽ trừ vào thu nhập của anh C một khoản tiền vừa đủ để thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con (một triệu đồng/tháng) hay trừ với mức cao nhất là 30% tổng số tiền anh C được nhận hàng tháng, sau đó chia khoản này ra làm hai, một khoản thi hành phần cấp dưỡng nuôi con và số còn lại để trả dần khoản ½ giá trị căn nhà cho chị V?

Thực tế mà nói, cách giải quyết vụ việc như trên là điều chúng ta không hề mong muốn, vì nó làm mất nhiều thời gian, công sức, hơn nữa nó còn làm cho người dân có tâm trạng ức chế, không tin vào sự bảo vệ của pháp luật. Còn về phía cơ quan thi hành án thì phải theo dõi hồ sơ trong một quá trình lâu dài mà hiệu quả thi hành án thì không đạt được.

Theo chúng tôi, để “phòng, tránh” cho những vụ việc tương tự như trên, khi thụ lý hồ sơ đối với những vụ việc ly hôn, chúng ta cần xem xét kỹ bản án xem nội dung án tuyên gồm những khoản, nghĩa vụ nào. Nếu bản án tuyên người phải thi hành án phải thi hành từ hai khoản trở lên như vụ việc đã nêu, thì chúng ta có thể hướng dẫn đương sự làm một đơn yêu cầu thi hành án cho khoản cấp dưỡng nuôi con và một hoặc nhiều đơn cho các nghĩa vụ còn lại. Như vậy, chúng ta sẽ có các hồ sơ, quyết định thi hành án khác nhau. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, tùy vào tình hình thực tế chúng ta có thể có những cách xử lý khác nhau cho mỗi hồ sơ mà vẫn không vi phạm các quy định của pháp luật.

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi về vụ việc, rất mong các anh, chị đồng nghiệp tiếp tục trao đổi để chúng ta có thể tìm ra được cách giải quyết tối ưu nhất cho vụ việc trên cũng như những vụ việc tương tự khác phát sinh trong quá trình công tác. 

Hồ Quân Chính