Luật Thi hành án dân sự (THADS) qui định: Xác minh điều kiện thi hành án, lợi bất cập hại

08/07/2011
Xác minh điều kiện thi hành án là một thủ tục rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình tổ chức thi hành án, là cơ sở pháp lý để Chấp hành viên đề ra biện pháp thi hành án phù hợp đối với từng vụ việc. Song, khi áp dụng qui định về xác minh điều kiện thi hành án vào thực tiễn đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, dẫn đến góp phần làm tăng thêm án tồn đọng, mà chưa có biện pháp khắc phục.


Khoản 1 Điều 44 Luật THADS qui định: “...Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh”.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự: “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.

Đọc qua những điều luật này, ai cũng hiểu kể từ khi Luật THADS có hiệu lực thi hành, việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, (đối với những vụ việc thi hành theo đơn) thì thuộc nghĩa vụ của người được thi hành án. Họ cho rằng Chấp hành viên (CHV), cơ quan THADS “sướng thật”, việc quan trọng nhất trong quá trình tổ chức thi hành án đã được luật qui định cho đương sự làm, còn CHV, cơ quan THADS chỉ “ngồi chơi xơi nước” chờ kết quả xác minh của đương sự. Nếu đương sự không xác minh được thì có thể yêu cầu CHV xác minh, chi phí xác minh đương sự phải chịu mặc dù họ đã “thuê” (phí thi hành án) cơ quan THADS thi hành.

Bằng ấy qui định, để người được thi hành án “vùng vẫy” xác minh điều kiện thi hành án của người được thi hành án. Xác minh điều kiện thi hành án mang tính pháp lý, là một giai đoạn trong quá trình giải quyết vụ án. Cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện việc xác minh còn gặp rất nhiều khó khăn, cản trở, huống gì người được thi hành án pháp luật chỉ qui định như vậy. Trong khi đó luật chỉ qui định nghĩa vụ xác minh, còn không qui định “thẩm quyền” xác minh cho họ. Lẽ đương nhiên không có thẩm quyền thì không được làm (không được xác minh).

Nghiên cứu các văn bản pháp luật qui định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, ...chưa có một văn bản nào thể hiện nghĩa vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án phải cung cấp thông tin cho người được thi hành án khi họ yêu cầu. Vì thế người được thi hành án chỉ dựa vào các qui định của pháp luật THADS nêu trên thì chưa đủ căn cứ để yêu cầu cung cấp thông tin. Hơn nữa, tài sản, tài khoản, nguồn thu nhập là bí mật thông tin của cá nhân được pháp luật bảo vệ, không thể tùy tiện cung cấp, chỉ được phép cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án, từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án, mà không có cơ sở để xử lý trong những trường hợp này. Thực tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án chưa ai bị xử lý. Nếu bị xử lý thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý, chế tài xử lý ra sao? Chưa có văn bản nào qui định cụ thể.

Với tư cách gì để người được thi hành án đến cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh? Biên bản xác minh được lập theo mẫu nào qui định? Trong biên bản ghi gồm những thành phần nào? Căn cứ vào văn bản nào (giấy giới thiệu, công văn, quyết định thi hành án, bản án,... hay cầm Luật THADS đi theo) để họ đi xác minh? .v.v. hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn giúp người được thi hành án thực hiện nghĩa vụ xác minh của mình.

Đối tượng xác minh là điều kiện thi hành án (tài sản, nguồn thu nhập,...) của người phải thi hành án. Để trở thành người được thi hành án, trước đó (đối với các vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình,...) trong quan hệ dân sự giữa hai bên (người được thi hành án và người phải thi hành án) không thể tự giải quyết được với nhau, mới đưa nhau ra Tòa giải quyết. Phần dân sự trong các vụ án hình sự, trước đó họ đã “choảng” nhau mới đưa ra xét xử. Đương nhiên mâu thuẩn giữa họ không thể dung hòa, vậy, người được thi hành án có dám đến nhà người phải thi hành án để xác minh?

Người được thi hành án đủ các thành phần, trong đó phần nhiều là những người nông dân “chân lấm, tay bùn”, người già yếu, trẻ em, người tàn tật,... sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, vị thế xã hội hết sức khiêm tốn, liệu họ có khả năng thực hiện nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án?

Tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án là rất khó xác định, ví dụ: người phải thi hành án có cùng nơi cư trú với người được thi hành án, nhưng tài sản của người phải thi hành án có ở địa phương khác cách xa hàng trăm cây số hoặc người phải thi hành án làm việc và có nguồn thu nhập ở nơi khác,... Liệu người được thi hành án có khả năng đi xa để xác minh được hay không? So với số tiền được thi hành án có đáng bỏ công sức đi xác minh, chưa tính đến liệu cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi đó có tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình xác minh? Hơn nữa, thực tế thi hành án cho thấy đa số người phải thi hành án họ thường có hành vi tẩu tán tài sản, che dấu nguồn thu nhập, thay đổi chổ ở, tìm mọi cách để chầy ì, trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án.

Người được thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Chúng tôi mới nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, cho thấy người được thi hành án ít có khả năng thực hiện nghĩa vụ xác minh theo qui định của pháp luật.

Để được thi hành án họ phải “cầu cứu” cơ quan THADS xác minh. “Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh” (khoản 1 Điều 44 Luật THADS).

“Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả” (khoản 2 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự).

Như vậy, để yêu cầu cơ quan THADS xác minh, người được thi hành án phải xuất trình “các tài liệu hoặc biên bản làm việc” để chứng minh đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Nếu thiếu, cơ quan THADS không có căn cứ để đáp ứng yêu cầu của người được thi hành án.

Như trên đã phân tích, người được thi hành án đi xác minh đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án yêu cầu cung cấp, nhưng không đủ căn cứ pháp lý nên họ không cung cấp. Vậy, “các tài liệu hoặc biên bản làm việc” lấy đâu ra để chứng minh? Theo luật qui định, nếu thiếu “các tài liệu hoặc biên bản làm việc” để chứng minh, cơ quan THADS không thể đáp ứng yêu cầu của người được thi hành án, lại còn bị mang tiếng gây khó khăn cho đương sự, mà không thể trả đơn yêu cầu thi hành án vì không thuộc một trong các trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 51 Luật THADS. Hậu quả án tồn đọng ngày một tăng, cơ quan THADS “bó tay” không có cách nào giải quyết.

Luật THADS qui định xác minh điều kiện thi hành án như vậy, các nhà làm luật không ngoài mong muốn người dân chia sẻ một phần khó khăn với cơ quan nhà nước trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Nhưng không lường hết những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng điều luật vào thực tiễn, dẫn đến lợi bất cập hại trong tổ chức thi hành án.

Ý Công