Một số vấn đề về định giá, định giá lại và bán đấu giá tài sản kê biên để thi hành án

13/07/2011
Định giá tài sản là một khâu quan trọng trong quy trình cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản để thi hành án (Thi hành án dân sự). Việc định giá tài sản kê biên nhằm mục đích xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Do vậy, việc định giá này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự. Định giá và bán đấu giá tài sản là một hoạt động thường gắn với biện pháp cưỡng chế thi hành án, vì thế mà hoạt động này cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án và chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật, đảm bảo cho hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã tuyên được thi hành trên thực tế đạt hiệu quả.


Quy định của pháp luật về định giá tài sản kê biên để thi hành án

Định giá tài sản kê biên, bán đấu giá để giải quyết việc thi hành án hiện nay được thực hiện theo quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (LTHADS), cụ thể Điều 98 quy định:

“1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:

a) Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;

b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;

c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

3. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.”

Ngoài ra, tại Điều 15,Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự còn quy định việc xác định giá đối với tài sản kê biên như sau: “1. Chấp hành viên xác định giá đối với tài sản kê biên có giá trị nhỏ là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, sản phẩm cùng loại chưa qua sử dụng có giá bán trên thị trường không quá 2.000.000 đồng (hai triệu đồng); Trường hợp do không ký được hợp đồng dịch vụ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi xác định giá của tài sản kê biên”.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì việc định giá tài sản kê biên để bán đấu giá hiện nay được tiến hành thông qua các hình thức: 

- Các bên đương sự thỏa thuận với nhau ngay khi kê biên tài sản;

- Thông qua tổ chức định giá do các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn hoặc do Chấp hành viên chọn;

- Chấp hành viên xác định giá.

Trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy việc định giá tài sản kê biên thường được thực hiện thông qua tổ chức thẩm định giá, vì một số lý do sau:

Thứ nhất, việc định giá tài sản nếu được thông qua bằng sự thỏa thuận của các bên đương sự sẽ là cách tốt nhất cho việc xử lý tài sản để thi hành án. Một là, không tốn chi phí và thời gian thẩm định giá. Hai là, do các bên tự thỏa thuận nên tránh được khiếu nại về giá tài sản cũng như sẽ thuận lợi hơn khi giao tài sản cho người trúng đấu giá. Tuy nhiên, việc định giá theo hình thức này rất ít khi xảy ra. Bởi lẽ, khi cơ quan thi hành án đã phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, cũng đồng nghĩa với việc các bên đương sự đã không tìm được tiếng nói chung trong việc thi hành án. Vì vậy mà việc các bên ngồi lại với nhau để thỏa thuận về giá tài sản kê biên cũng như việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá là rất khó xảy ra.

Thứ hai, chấp hành viênxác định giá trong trường hợp tài sản có giá trị nhỏ (không quá 2.000.000đ) hoặc trong trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá. Hai trường hợp này cũng ít khi được sử dụng đến,trong trường hợp thứ nhất,chấp hành viên ít khi áp dụngdo hiệu quả việc thi hành án đạt được không cao, giá trị tài sản kê biên mà chấp hành viên có quyền xác định giá quá nhỏ so với giá trị tranh chấp trong tình hình thực tế hiện nay, nên số tiền thu được sau khi bán tài sản có thể không đủ để thanh toán cho các chi phí phát sinh trong quá trình thi hành án. Trường hợp thứ hai, là không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụvới tổ chức thẩm định giá cũng ít khi gặp phải, vì hiện nay các tổ chức thẩm định giá được thành lập ngày càng nhiều, có khả năng đáp ứng hầu hết các yêu cầu về thẩm định giá nói chung của thị trường này chứ không chỉ riêng cho công tác thi hành án.

Xuất phát từ những lý do trên mà hiện nay tài sản kê biên để thi hành án hầu hết đều được định giá thông qua một tổ chức thẩm định giá. Cũng cần nói thêm, việc định giá tài sản kê biên thông qua tổ chức thẩm định giá là điểm mới của LTHADS so với Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Trước đây, việc định giá được thực hiện thông qua hai hình thức. Đó là sự thỏa thuận của các bên đương sự hoặc Cơ quan thi hành án tổ chức định giá tài sản kê biên để bán đấu giá. Theo đó thì việc định giá tài sản kê biên trước đây hầu hết đều do Cơ quan thi hành án tiến hành bằng cách thành lập Hội đồng định giá. Việc định giá bằng cách này có một số hạn chế, như Hội đồng định giá không mang tính chuyên nghiệp, không đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, việc thành lập Hội đồng định giá tương đối khó khăn vì liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức chuyên môn khác. Vì vậy, việc định giá tài sản kê biên được thực hiện thông qua tổ chức thẩm định giá như quy định hiện nay đã khắc phục được những hạn chế trên.

Quy định của pháp luật về định giá lại tài sản:

Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì việc định giá lại tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của LTHADS 2008 dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản (khoản 1 Điều 99);

Thứ hai, đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản (khoản 2 Điều 99);

Thứ ba, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định (Điều 104). Như vậy, nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự có yêu cầu định giá lại thì yêu cầu này được chấp nhận.

Trong ba trường hợp định giá lại theo các quy định trên, có hai trường hợp thuộc về quyền yêu cầu của đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án). Đây là những quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Trước đây, Pháp lệnh Thi hành án dân sự không quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản mà chỉ có quyền khiếu nại về giá trước khi tài sản được bán (khoản 6 Điều 43 của Pháp lệnh). Còn trong trường hợp tài sản kê biên không bán được thì cơ quan thi hành án tổ chức định giá lại theo hướng giảm giá để tiếp tục bán đấu giá.Trong bối cảnh hiện nay,việc có thêm một chủ thể mới có thể được tham gia vào công việc thi hành án đó là tổ chức thẩm định giá. Tổ chức này đã làm thay công việc định giá tài sản kê biên vốn trước đây được giao cho cơ quan thi hành án,thì việc mở rộng quyền của đương sự đối với việc định giá lại tài sản là một yêu cầu khách quan. Mục đích của quy định quyền yêu cầu định giá lại của đương sự có thể được giải thích là để nâng cao trách nhiệm, tính khách quan của tổ chức thẩm định giá, tránh tình trạng một trong các bên đương sự thông đồng với tổ chức thẩm định giá để “làm giá” tài sản kê biên gây thiệt hại cho bên còn lại. Tuy nhiên, thực tế những quy định mới nàytrong một số trường hợp đã bị đương sự cố tình lợi dụng gây ra không ít khó khăn cho công tác thi hành án.

Những hạn chế trong quy định về định giá tài sản và bán đấu giá tài sảnđể thi hành án

1. Trường hợp không có người đăng ký tham gia đấu giá

Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy đối với những vụ việc mà cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế kê biên, định giá và bán đấu giá tài sản để thi hành án, thời gian thi hành thường phải kéo dài trong nhiều tháng mới có thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thời gian thi hành án phải kéo dài là vì tính chất nghiêm khăc của biện pháp cưỡng chế kê biên, nên khi tác nghiệp chấp hành viên phải thực hiện đầy đủ, chặt chẽ theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định. Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến thời gian thi hành án đó là do tài sản kê biên không bán được. Trong thực tếcho thấy rất nhiều trường hợp tài sản kê biên phải định giá lại hoặc giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Nguyên nhân của thực trạng này là do người mua còn e ngại đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án, vì họ cho rằng khi mua tài sản bán đấu giá thì phải trải qua các thủ tục pháp lý  phức tạp, hơn nữa một số người có tâm lý không muốn liên quan tới cơ quan pháp luật. Chính vì vậy mà một số trường hợp tài sản kê biên được định giá sát với mức giá thị trường, thậm chí là thấp hơn nhiều so với giá thị trường nhưng khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn không có người đăng ký tham gia. Trường hợp này, trước đây theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì chấp hành viên sẽ áp dụng Điều 48 về việc xử lý tài sản kê biên không bán được, tổ chức định giá lại theo hướng giảm giá để tiếp tục bán đấu giá. Cụ thể, Điều 48 quy định:

“Trong trường hợp tài sản kê biên không bán được thì trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày bán đấu giá không thành, cơ quan thi hành án tổ chức định giá lại theo hướng giảm giá để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định”.

Mặc dù, trước đây các quy định pháp luật về thi hành án dân sự và bán đấu giá tài sản không đề cập đến trường hợp tài sản kê biên, bán đấu giá “không có người đăng ký tham gia đấu giá”. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án vẫn có thể áp dụng điều luật trên để xử lý tài sản, vì Điều 48 quy định về việc xử lý tài sản kê biên không bán được, mà khái niệm “tài sản kê biên không bán được” có nội hàm rộng. Do đó, trường hợp “không có người đăng ký tham gia đấu giá” cũng được hiểu là tài tài sản kê biên không bán được. Còn cụm từ “kể từ ngày bán đấu giá không thành” trong điều luật trên có thể được giải thích đó chỉ làmốc thời gian dựa vào ngày mà tổ chức bán đấu giá tài sản dự định tổ chức cuộc bán đấu giá để tính thời hạn “mười ngày làm việc”. Mặc dù, cách giải thích điều luật như trên vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Nhưng việc áp dụng nó vào trường hợp không có người đăng ký tham gia đấu giá để định giá lại là hợp lý và điều luật trên được xem là căn cứ pháp lý cần thiết để chấp hành viên tiến hành định giá lại tài sản.

Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự không còn quy định “xử lý tài sản kê biên không bán được” mà được sửa đổi thành “xử lý tài sản bán đấu giá không thành”. Tại Điều 104 quy định về xử lý tài sản bán đấu giá không thành như sau: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định”. So sánh điều luật này và Điều 48 của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, thì rõ ràng phạm vi, đối tượng điều chỉnh đã bị thu hẹp về trường hợp “tài sản bán đấu giá không thành”. Mà theo giải thích tại Điều 2 Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá, thì “Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định này”. Do đó, khi nói đến “bán đấu giá không thành” tức là tài sản đã trải qua cuộc bán đấu giá được tổ chức trên thực tế theo trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản được quy định tại Điều 34. Hơn nữa, trong Nghị định trên còn nêu rõ việc bán đấu giá không thành, gồm có ba trường hợp sau:

- Tại cuộc bán đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua được tài sản thì cuộc bán đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trong trường hợp không có người trả giá tiếp thì cuộc bán đấu giá coi như không thành (khoản 1 Điều 38);

- Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua... Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành (khoản 1 Điều 39);

- Trong trường hợp người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành (khoản 2 Điều 39).

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về bán đấu giá tài sản vẫn chưa có một quy định nào đề cập đến trường hợp “không có người đăng ký tham gia đấu giá”. Do vậy, trong quá trình giải quyết việc thi hành án khi gặp trường hợp trên chấp hành viên không còn cách nào khác là vẫn phải áp dụng Điều 104 về việc xử lý tài sản bán đấu giá không thành để giải quyết. Theo chúng tôi, việc áp dụng theo tinh thần của điều luật là phù hợp, vì mặc dù luật không quy định tình huống này, nhưng hậu quả của nó cũng giống như trường hợp bán đấu giá không thành, vấn đề mấu chốt vẫn là giá của tài sản chưa hợp lý, chưa được người mua chấp nhận, nên việc định giá lại hay ra quyết định giảm giá là cần thiết. Tuy nhiên, trường hợp không có người đăng ký tham gia đấu giákhông thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 104,nên điều luật này không phải là một căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý tài sản. Vì vậy, việc chấp hành viên căn cứ điều luật trên để xử lý tài sản kê biên, bán đấu giá chỉ có thể được xem là cách “áp dụng pháp luật tương tự”, đây là một điểm hạn chế cần phải tháo gỡ.

Để khắc phục thực trạng trên, chúng tôi thiết nghĩ các nhà làm luật cần sớm bổ sung trường hợp “không có người đăng ký tham gia đấu giá”sau khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vào các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và bán đấu giá tài sản nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan thi hành án cũng như tổ chức bán đấu giá tài sản giải quyết trường hợp trên một cách rõ ràng, đúng pháp luật.

2. Quyền yêu cầu định giá lại tài sản của đương sự

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản trong hai trường hợp sau:Trường hợp thứ nhất, trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản (khoản 2 Điều 98). Trường hợp thứ hai, trong thời hạn mười ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành (Điều 104).

Trường hợp thứ nhất, quyền này được thực hiện sau khi kê biên, định giá tài sản cho đến trước khi thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Khi đương sự thực hiện quyền yêu cầu này, pháp luật thi hành án dân sự đã không có một quy định nào buộc đương sự phải nêu ra lý do làm căn cứ cho yêu cầu của mình. Điều này sẽ dẫn đến sự tùy tiện hoặc cố tình lợi dụng quyền yêu cầu định giá lại để kéo dài thời gian thi hành án một cách “hợp pháp” gây khó khăn cho công tác thi hành án. Hơn nữa, theo quy định trên thì việc định giá tài sản dù được thực hiện bằng hình thức nào, kể cả việc định giá do các bên tự thỏa thuận ngay tại thời điểm kê biên cũng có thể bị người phải thi hành án hoặc người được thi hành án yêu cầu định giá lại, điều này rõ ràng là không hợp lý, vì lẽ, các bên có quyền tự phá vỡ các thỏa thuận của chính mình và có thể sẽ gây thiệt hại cho phía còn lại mà không bị một ràng buộc nào về mặt pháp lý.

Trường hợp thứ hai, đương sự có thể thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản trong thời hạn mười ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành. Trường hợp này chỉ khác trường hợp thứ nhất về thời điểm và thời hạn thực hiện quyền yêu cầu, còn về nội dung cũng giống như trường hợp thứ nhất. Nghĩa là, người yêu cầu định giá lại vẫn không phải chịu một sự ràng buộc nào khi thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu đương sự không thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản, thì họ vẫn có thể thực hiện quyền này sau khi chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản thì “Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá lại thì trình tự, thủ tục bán đấu giá lại được tiến hành như đối với việc bán đấu giá tài sản lần đầu”.Do đó, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại theo căn cứ ở trường hợp thứ nhất. Như vậy, rõ ràng quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của đương sự được LTHADS quy định rất thoáng. Điều này làm cho quá trình định giá, bán đấu giá và định giá lại dường như không có điểm dừng, trừ trường hợp đương sự không yêu cầu định giá lại hoặc tài sản được bán đấu giá thành.

Trong thực tế, việc yêu cầu định giá lại tài sản thường phát sinh từ phía người phải thi hành án và họ thực hiện quyền này vì các lý do cơ bản sau: Thứ nhất, họ cho rằng giá tài sản đã định thấp hơn giá trị thực, giá thị trường của nó, gây thiệt hại cho họ.Thứ hai, họ yêu cầu định giá lại vì muốn kéo dài thời gian phải thi hành nghĩa vụ trả tiền. Với lý do thứ nhất, thì đây là một yêu cầu hợp lý để bảo đảm quyền lợi của người phải thi hành án. Còn trong trường hợp thứ hai, rõ ràng đây là một yêu cầu không chính đáng, vì mục đích của họ chỉ là làm cản trở việc thi hành án, gây thiệt hại cho người được thi hành án, làm cho quá trình giải quyết việc thi hành án kéo dài và phức tạp hơn.

Trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Tòa án là một trách nhiệm pháp lý của các cá nhân và tổ chức có liên quan được Hiến pháp năm 1992 quy địnhtại Điều 136 như sau: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Để đảm bảo bản án, quyết định dân sự của Tòa án được chấp hành, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện, cơ quan thi hành án phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành án, đây cũng chính là cách làm cho hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế. Một trong những biện pháp cưỡng chế đó là kê biên tài sản của người phải thi hành án. Về mặt lý luận có thể nói, khi cơ quan thi hành án dân sự sử dụng quyền lực Nhà nước đểtiến hành kê biên một tài sản của người phải thi hành án thì quyền sở hữu của họ đã bị hạn chế, bị tước quyền định đoạt đối với tài sản đó. Tài sản đã bị kê biên phải được xử lý theo quy định của pháp luật và do người có thẩm quyền tiến hành. Do đó, việc quy định quyền yêu cầu định giá lại của đương sự sau khi tài sản đã bị kê biên, định giá là đãtạo điều kiện cho đương sự tham gia vào một phần của việc định đoạt tài sản. Hơn nữa, Luật lại không có những quy định để buộc đương sự khi đưa ra yêu cầu đó phải có những lý do chính đáng làm căn cứ cho yêu cầu của minh. Điều này xem ra không hợp lý, và vô tình đã tạo ra một kẻ hở pháp luật mà người phải thi hành án có thể lợi dụng để làm cho quá trình thi hành án kéo dài và phức tạp hơn. Hậu quả là hiệu lực của bản án, quyết định không được đương sự tôn trọng và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Những quy định hiện hành về quyền yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của đương sự như đã trình bày ở trên, trong thực tế đã không phát huy được mặt tích cực của nó, mà ngược lại đã tạo ra những khó khăn mới cho công tác thi hành án. Hiện nay, ở một số cơ quan thi hành án dân sự có những vụ việc thi hành án liên quan đến kê biên, bán đấu giá tài sản đã phải tiến hành định giá lại đến lần thứ ba, thứ tư theo yêu cầu của đương sự nhưng vẫn chưa bán được tài sản. Điều này cũng dễ hiểu, vì không có sự hạn chế nào đối với quyền yêu cầu định giá lại, nên mức giá định lần sau có thể lại cao hơn mức giá đã định trước đây, vì thế việc bán đấu giá tài sản khó có thể thành công được. Do đó, việc thi hành án trong trường hợp này luôn trong tình trạng “giằng co” giữa cơ quan thi hành án với đương sự (người phải thi hành án) mà chưa có một biện pháp nào để giải quyết triệt để.

Để khắc phục những hạn chếtrong quy định về quyền yêu cầu định giá lại của đương sự, theo chúng tôi pháp luật thi hành án dân sự cần phải bổ sung thêm những quy định sau:

Thứ nhất, trong trường hợp các bên đã thỏa thuận được về giá tài sản kê biên, thì cần quy định không bên nào được quyền yêu cầu định giá lại tài sản.Quy định như vậy mới tạo cho đương sự ý thức tôn trọng các thỏa thuận của chính họ đưa ra, cũng như ý thức chấp hành pháp luật nói chung.

Thứ hai, cần có quy định buộc đương sự phải nêu ra được các lý do chính đáng khi yêu cầu định giá lại tài sản. Ví dụ,khi người phải thi hành án cho rằng giá tài sản đã định là thấp và gây thiệt hại cho họ, thì họ phải có căn cứ chứng minh giá đã định là thấp hơn giá thị trường và mức thấp hơn là bao nhiêu phần trăm. Cũng tương tự như vậy, khi họ cho rằng việc định giá tài sản là không khách quan, thì họ cũng phải đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho việc định giá đó là không khách quan. Đồng thời quy định những lý do mà đương sự đưa ra phải được cơ quan thi hành án xem xét, nếu có cơ sở thì mới chấp nhận yêu cầu của đương sự. Những quy định này mới chính là chìa khóa để tháo gỡ thế “giằng co” giữa cơ quan thi hành án với đương sự trong việc định giá và bán đấu giá tài sản để thi hành án, nhằm hạn chế tối đa việc đương sự lợi dụng quyền yêu cầu định giá lại tài sản để gây khó khăn, cản trở công tác thi hành án.

Thứ ba, cần bổ sung thêm quy định về việc chọn tổ chức thẩm định giá tài sản trong trường hợp yêu cầu định giá lại của đương sự được chấp nhận, vì hiện nay mặc dù Luật Thi hành án dân sự quy định cho đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể việc chọn tổ chức thẩm định giá tài sản trong trường hợp này được tiến hành như thế nào và do ai chọn tổ chức thẩm định giá. Theo chúng tôi, để việc định giá tài sản được khách quan, tránh trường hợp một trong các bên đương sự thông đồng với tổ chức thẩm định giá, vì thế nên áp dụng lại quy định tại Điều 98. Nghĩa là, các bên đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về việc chọn tổ chức thẩm định giá, nếu các bên không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tự lựa chọn tổ chức thẩm định giá để ký hợp đồng dịch vụ.

Thi hành án dân sự là một công việc đầy khó khăn và phức tạp, khi thực hiện nhiệm vụ của mình cơ quan thi hành án cũng như chấp hành viên luôn phải tác động trực tiếp đến lợi ích vật chất, đến đời sống của người phải thi hành án. Vì vậy, rất nhiều trường hợp người phải thi hành án cố tình chống đối, chây ì không tự nguyện thi hành án. Việc cơ quan thi hành án thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên,bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp nghiêm khắc để đảm bảo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, đồng thời cũng là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Do đó, yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nói chung, quy định về định giá và bán đấu giá tài sản nói riêng là một yêu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng để ra các quyết định chính xác, hợp tình, hợp lý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói riêng và việc bảo đảm cho một một trật tự pháp luật của Nhà nước nói chung.

Hồ Quân Chính