Trao đổi việc xét miễn, giảm theo khoản 2, khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008

25/07/2011
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành ra đời, đã đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần quan trọng trong việc làm giảm đáng kể lượng án chưa có điều kiện thi hành tồn tại lâu nay. Tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng văn bản pháp luật vào thực tiễn thi hành.


Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong việc áp dụng các điều, khoản về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước trong trường hợp người phải thi hành án không tài sản, bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống không rõ địa chỉ.

Đơn cử  như vụ án “đánh bạc” tại Bản án số 02/2000/ HSPT ngày 15/2/2000 của TAND tỉnh T xét xử về phần dân sự: “Buộc các ông Đặng Tuấn, Nguyễn Anh, Trần Văn Cường, phải nộp mỗi người 15.000.000đ nộp sung quỹ nhà nước và 50.000đ án phí HSST, 50.000 đ án phí HSPT”. Sau khi  án có hiệu lực, chuyển sang cơ quan thi hành án, thụ lý thi hành và tiến hành xác minh thì những đối tượng phải thi hành án không có cha, mẹ, không có tài sản, thu nhập để thi hành án và đang chấp hành án phạt tù. Cho nên, cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn theo quy định pháp luật, và thường kỳ lại tiến hành xác minh thì những đối tượng này, sau khi chấp hành án phạt tù xong bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống không rõ địa chỉ. Thế là cơ quan thi hành án lại tiếp tục hoãn theo quy định tại Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, cho đến nay vụ việc vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm. Bỡi vì, tại  khoản 2, khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, quy định:

“…Khoản 2 quy định: Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi hết thời hạn sau đây:

a. 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng;

b.10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng.

Khoản 3 quy định: Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước mà không có tài sản để thi hành án thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây:

a. 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

b.10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng...”

Đối chiếu theo quy định tại khoản 1, Điều 26 Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, thì người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức có giá ngạch thì được xét miễn, giảm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 Luật Thi hành án dâm sự.

Như vậy, đối tượng phải thi hành án nêu trên, không có tài sản, thu nhập và bỏ địa phương đi nơi khác sinh sống không rõ địa chỉ, thì cơ quan thi hành án cũng không có cách nào để liên hệ hoặc vận động, thuyết phục, thu được một phần khoản thu nộp ngân sách cho những đối tượng đó, để có đủ điều kiện xét miễn, giảm theo khoản 2 và khoản 3 được. Thế thì những vụ việc như thế này, vẫn phải tồn đọng mãi không có hướng xử lý? Hiện nay, số vụ việc này chiếm một tỉ lệ không lớn trong số lượng án chưa có điều kiện thi hành, nhưng vẫn còn tồn động chưa có quy định giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp, ngay từ giai đoạn xét xử, Toà án đã xác định rõ trong bản án, quyết định là thuộc đối tượng sống lang thang không rõ địa chỉ... thì cơ quan thi hành án và địa phương không xác định được họ đang ở đâu? nên không thể tiến hành xác minh theo định kỳ và cũng không thể thu được khoản tiền ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành theo quy định để đủ điều kiện xét miễn, giảm mà chỉ xử lý hoãn thi hành án theo quy định điểm a, khoản 1, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự mà thôi.

Để có cơ sở giải quyết đứt điểm một số vướng mắc trong vấn đề xét miễn giảm theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 61 Luật Thi hành án dân sự cho những đối tượng phải thi hành án không tài sản, thu nhập và không rõ địa chỉ… Chúng tôi rất mong, sớm ban hành văn bản pháp luật để hướng dẫn thủ tục, điều kiện được xét miễn, giảm thi hành khoản thu nộp Ngân sách nhà nước cho những đối tượng nêu trên, là nhằm mục đích muốn góp phần nâng cao hơn hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự và sự hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự./.

Lê Lanh