Chuyên đề thứ tư: Uỷ thác thi hành án

10/11/2011
Uỷ thác thi hành án dân sự là hoạt động của Thủ trưởng cơ quan thi hành án bằng một Quyết định để chuyển hồ sơ vụ việc thi hành án thuộc thẩm quyền của mình cho một cơ quan thi hành án khác có điều kiện để tổ chức thi hành. Nếu phân tích sâu hơn cần phải thấy rằng việc uỷ thác thi hành án là trách nhiệm của cơ quan thi hành án nơi có thẩm quyền nhưng không có điều kiện để tổ chức thi hành mà phải chuyển hồ vụ việc cho cơ quan thi hành án khác có điều kiện tổ chức thi hành vụ việc. Thế nào là có điều kiện tổ chức thi hành cần phải theo đúng các quy định của pháp luật sẽ được phân tích ở dưới đây.


Về cơ sở pháp lý, hiện nay việc uỷ thác thi hành án được quy định tại các Điều 55, 56, 57 Luật Thi hành án dân sự và Điều 22 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ đối với uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài ra, uỷ thác còn được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 23/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đối với uỷ thác liên quan đến thu phí thi hành án.

Việc uỷ thác thi hành án về trình tự, thủ tục chỉ cần ban hành Quyết định uỷ thác và chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện tổ chức thi hành. Tuy nhiên, để việc uỷ thác thực sự có hiệu quả và đúng với ý nghĩa của nó là để thuận lợi hơn trong việc tổ chức thi hành án, nhằm làm giảm chi phí từ ngân sách Nhà nước cũng như chi phí do đương sự phải chịu thì cũng cần phải nắm và hiểu rõ bản chất của các quy định có liên quan. Để thuận tiện cho các đồng chí, đồng nghiệp trong việc theo dõi, tôi xin phân tích tất cả các quy định của pháp luật hiện nay có liên quan đến việc uỷ thác thi hành án dân sự, trong đó có nêu một số bất cập và vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, rất mong các đồng chí, đồng nghiệp có ý kiến tham gia đóng góp để việc thực hiện có hiệu quả hơn.

1. Quy định tại Điều 55 Luật THADS:

Điều 55 Luật THADS quy định:

"1. Thủ trưởng cơ quan THADS phải uỷ thác thi hành án cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

2. Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan THADS uỷ thác thi hành án từng phần cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.

Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan THADS ủy thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó.

Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan THADS uỷ thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan THADS thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

3. Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc uỷ thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ uỷ thác."

Quy định trên được hiểu rằng việc uỷ thác là trách nhiệm của cơ quan THADS có thẩm quyền, trong thời hạn nhất định kể từ ngày xác định có căn cứ phải ra quyết định uỷ thác và chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện tổ chức thi hành án để tổ chức thi hành.

Khi thực hiện việc uỷ thác cần xác định rõ các căn cứ sau đây:

Thứ nhất, uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản.

Việc xác định người phải thi hành án có tài sản ở địa phương nào được thực hiện thông qua công tác xác minh điều kiện thi hành án và để việc uỷ thác được chính xác thì công tác xác minh cũng phải đúng và đầy đủ.

Thứ hai, uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án làm việc.

Thông thường, nơi làm việc của người phải thi hành án cũng là nơi chi trả thu nhập cho họ, chính vì vậy Luật THADS quy định như vậy để thuận tiện hơn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người phải thi hành án trong trường hợp họ không tự nguyện thi hành án. Khi xác minh nơi làm việc cần chú ý xác định rõ hình thức làm việc của họ như thế nào (Công chức hay làm việc theo hợp đồng dài hạn, ngắn hạn ....). Việc làm rõ những vấn đề trên đảm bảo việc uỷ thác được chặt chẽ và đúng với mục đích, ý nghĩa của nó.

Thứ ba, uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án cư trú.

Hiện nay, một số cơ quan THADS còn lúng túng trong việc xác định nơi cư trú hoặc xác định không đúng nơi cư trú của người phải thi hành án, dẫn đến việc uỷ thác tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án được uỷ thác.

Khi xác định nơi cư trú của người phải thi hành án, Chấp hành viên cần căn cứ vào quy định tại Luật Cư trú năm 2006. Điều 12 quy định xác định nơi cư trú của công dân như sau:

"1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống."

Ngoài ra, các Điều 13, 14, 15, 16 và Điều 17 của Luật cư trú quy định cách xác định nơi cư trú trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, trước khi thực hiện việc uỷ thác thi hành án, Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ và xác định rõ ràng địa phương nào là nơi cư trú của người phải thi hành án theo quy định của Luật cư trú để tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị ra quyết định uỷ thác đúng đến nơi cần uỷ thác, đảm bảo việc tổ chức thi hành án được thuận lợi.

Thứ tư, uỷ thác đến cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có trụ sở.

Trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì việc uỷ thác có thể thực hiện đến cơ quan THADS nơi có trụ sở của cơ quan, tổ chức đó.

2. Quy định tại Điều 56 Luật THADS:

Trong phạm vi Điều 56 quy định cụ thể về thẩm quyền uỷ thác của các cơ quan THADS. Cần lưu ý, tại điểm a khoản 1 Điều này cũng phải được hiểu vừa là thẩm quyền uỷ thác đi và cũng vừa là thẩm quyền nhận uỷ thác của cơ quan THADS cấp tỉnh.

Cơ quan THADS khi thực hiện việc uỷ thác cần bám sát và thực hiện đúng quy định tại Điều 56 vì nếu uỷ thác không đúng thẩm quyền sẽ là căn cứ để cơ quan thi hành án nhận uỷ thác gửi trả lại hồ sơ uỷ thác theo quy định tại khoản 2 Điều 57. Điều đó làm cho việc thi hành án bị kéo dài và mục đích, ý nghĩa của việc uỷ thác sẽ không đạt được.

3. Quy định tại Điều 57 Luật THADS:

Điều 57 quy định về trình tự, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thi hành án đã uỷ thác và cơ quan thi hành án nhận uỷ thác. Một vấn đề hiện nay nhiều cơ quan thi hành án hiểu không đúng tinh thần điều luật dẫn đến chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Cụ thể:

Khoản 1 Điều 57 quy định:

" Trước khi ủy thác, cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác...."

Trong thực tiễn thực hiện việc uỷ thác, một số cơ quan thi hành án khi nhận hồ sơ uỷ thác đã không thụ lý và trả lại cơ quan thi hành án đã uỷ thác với lý do trong bản án có nhiều khoản phải thi hành, trong đó có khoản tiêu huỷ tang vật thì chỉ khi nào cơ quan thi hành án thi hành xong khoản tiêu huỷ tang vật mới được uỷ thác khoản còn lại, cách hiểu như vậy là không đúng với quy định.

Theo tinh thần của điều luật trên thì đối với những tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản uỷ thác, thì cơ quan thi hành án mới cần phải xử lý trước khi thực hiện việc uỷ thác. Các tài sản có liên quan đến khoản uỷ thác trong quy định trên là các trường hợp tài sản đã được tuyên kê biên hoặc được tuyên hoàn trả cho đương sự nhưng dùng để đảm bảo thi hành án. Còn đối với khoản tiêu huỷ tang vật không có liên quan đến các khoản phải thi hành khác. Do đó cơ quan THADS có thể thực hiện ngay việc uỷ thác mà không cần phải chờ tiêu huỷ tang vật xong. Các cơ quan thi hành án nhận uỷ thác cần lưu ý thực hiện và không được trả lại hồ sơ uỷ thác mà phải tiếp nhận và tổ chức thi hành theo đúng quy định.

4. Quy định tại Điều 22 Nghị định số 58:

Bản thân tên gọi của quy định đã nêu rõ nội dung, theo đó, Điều 22 quy định trình tự, thủ tục thực hiện việc uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

Theo Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời Toà án có thể áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc bao gồm:

" 1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.

10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định."

Tuy nhiên, do đặc thù có tính cấp thiết của các biện pháp này mà Điều 22 Nghị định số 58 chỉ cho phép cơ quan THADS thực hiện việc uỷ thác tổ chức thi hành đối với các biện pháp:

" a) Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;

 b) Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;

d) Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hóa khác."

Cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành đối với tất cả các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án áp dụng, nhưng chỉ được uỷ thác đi nơi khác tổ chức thi hành đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được quy định ở trên.

5. Quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch số 14:

"Trường hợp ủy thác thi hành án liên quan đến thu phí thi hành án, cơ quan ủy thác thi hành án phải ủy thác cả nội dung thu phí thi hành án, trong đó ghi rõ số phí thi hành án đã nộp, số phí thi hành án còn phải thu (nếu có).

Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào số phí thi hành án mà người được thi hành án đã nộp trước đây để tiếp tục thu phí thi hành án và được quản lý, sử dụng tiền phí thu được theo quy định và hướng dẫn tại Thông tư này."

Sở dĩ có quy định này vì khoản 1 Điều 2 Thông tư 14 đã có quy định mức phí thi hành án tối đa được thu trên một vụ việc là không quá 200 triệu đồng. Do đó, việc ghi rõ số phí đã thu, số phí còn phải thu trong quyết định uỷ thác là hoàn toàn có lý để tránh tình trạng cơ quan nhận uỷ thác lại tiếp tục thu dẫn đến vượt quá số phí lẽ ra người được nhận tiền, tài sản chỉ phải nộp hoặc có thể vượt quá mức 200 triệu đồng tính trên một vụ việc.

Nói tóm lại, vấn đề uỷ thác THADS là một trong những quy định nhằm làm giảm bớt chi phí của nhà nước và của đương sự, đồng thời làm tăng hiệu quả của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định bởi vì cơ quan thi hành án nhận uỷ thác là cơ quan có điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn để thi hành vụ việc. Tuy nhiên, vấn đề uỷ thác thi hành án cần phải được hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật mới phát huy được hết vai trò và ý nghĩa của nó. Việc uỷ thác cũng tạo cơ sở cho các cơ quan THADS né tránh, đùn đẩy việc thi hành án cho cơ quan THADS nơi khác ngay khi căn cứ để uỷ thác cũng chưa được xác định rõ ràng. Bản thân tôi với mong muốn các đồng chí, đồng nghiệp của mình có cái nhìn rõ hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến uỷ thác thi hành án để từ đó thực hiện việc uỷ thác một cách chặt chẽ, minh bạch.

Xin chân thành cảm ơn!

Lương Thanh Tùng