Chuyên đề thứ năm: “Trả lại đơn yêu cầu thi hành án”

22/11/2011
Trả lại đơn yều cầu thi hành án là một thủ tục hành chính của Thủ trưởng cơ quan THADS bằng một Quyết định để trả lại đơn yêu cầu thi hành án cùng với toàn bộ các tài liệu kèm theo cho đương sự khi có các căn cứ đã được pháp luật quy định. Việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án không làm thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ của đương sự đã được tuyên trong bản án, quyết định mà nó chỉ làm thay đổi về thời điểm đảm bảo các quyền, nghĩa vụ đó mà thôi. Và theo nghĩa đó, việc trả lại đơn yêu cầu chỉ xảy ra đối với các trường hợp thuộc diện thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án có thể là nghĩa vụ về tiền hoặc nghĩa vụ về tài sản.


Về cơ sở pháp lý, hiện nay việc trả đơn yêu cầu thi hành án chỉ được quy định tại Điều 51 Luật THADS, tuy nhiên khi thực hiện cũng cần phải áp dụng một số quy định khác có liên quan. Trong quá trình phân tích các căn cứ sẽ nêu cụ thể.

Điều 51 Luật THADS quy định:

"1. Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án;

b) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình;

c) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án;

d) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.

2. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành."

Theo quy định nêu trên, có các căn cứ sau đây để Thủ trưởng cơ quan THADS ban hành quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án:

Thứ nhất, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án.

Nằm trong ngay quy định này có thể tách nhỏ làm các căn cứ:

+/ Người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án:

Việc xác định điều kiện thi hành án cũng như thông tin về tài sản của người phải thi hành án có thể thực hiện thông qua công tác xác minh của Chấp hành viên tại các cơ quan, tổ chức hữu quan hoặc thông qua sự cung cấp của người được thi hành án hoặc chính bản thân người phải thi hành án. Việc xác minh phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về thành phần tham gia cũng như nội dung xác minh để đảm bảo nguồn thông tin thu thập được về tình hình tài sản của người phải thi hành án một cách khách quan và chính xác, có như vậy việc ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án mới có thể tránh được việc khiếu nại từ phía người được thi hành án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

+/ Người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án.

Căn cứ này thể hiện rõ, thông qua công tác xác minh đã xác định được người phải thi hành án có tài sản. Và ngay sau khi có được kết quả xác minh, Chấp hành viên cần nhanh chóng ước tính giá trị của tài sản đó, đồng thời căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật THADS để ước tính chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án phải chịu nếu phải xử lý tài sản. Tất cả những việc ước tính nói trên đa phần diễn ra trong đầu của người Chấp hành viên, vì vậy, khi rơi vào trường hợp này, đòi hỏi người Chấp hành viên phải có sự hiểu biết, đầu óc nhanh nhạy, quyết đoán để mạnh dạn xác định được giá trị của tài sản sát thực nhất. Trong quá trình ước tính giá trị sơ bộ, Chấp hành viên cũng có thể tham khảo các cơ quan chuyên môn nếu cần thiết. Sau khi đã có sự ước tính sơ bộ và so sánh, nếu thoả mãn căn cứ thì tham mưu Thủ trưởng đơn vị ban hành quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án theo đúng quy định.

+/ Người phải thi hành án có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án.

Về căn cứ này, sau khi đã xác minh người phải thi hành án có tài sản, Chấp hành viên cần có sự liên hệ đối chiếu ngay xem tài sản đó có thuộc một trong các loại tài sản đã được liệt kê tại Điều 87 Luật THADS hay không, hiện nay trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ có duy nhất Điều 87 quy định các loại tài sản không được kê biên. Tuy nhiên, khi thực hiện, Chấp hành viên cũng cần lưu ý nghiên cứu thêm các quy định tại các văn bản pháp luật khác trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ đối với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất thuộc diện quy hoạch và đã có quyết định thu hồi đất thì cũng không được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật THADS hoặc cũng cần lưu ý một số trường hợp phải ưu tiên áp dụng biện pháp cưỡng chế cụ thể trước khi xử lý tài sản như đối với trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp thì cơ quan thi hành án chỉ kê biên tài sản khác sau khi đã khấu trừ số dư, xử lý vàng, bạc, kim khí quý, đã quý, giấy tờ có giá khác .... theo quy định tại khoản 5 Thông tư liên tịch số 14.

Thứ hai, người phải thi hành án không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình.

Trong thực tiễn, đa số người phải thi hành án tuy không có công việc ổn định nhưng cũng đều có thu nhập, dù là thấp. Vấn đề là xác định thu nhập như thế nào là thấp và chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình thì không phải là việc đơn giản. Bởi trong Luật THADS cũng như văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay không có quy định cụ thể nào. Theo cá nhân tôi, khi xác định mức thu nhập của người phải thi hành án là thấp và chỉ đú đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình, Chấp hành viên có thể vận dụng tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 58:

" ... Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng đối với địa phương nơi họ sinh sống."

Mặc dù vận dụng quy định trên cũng chưa hoàn toàn được chính xác, nhưng theo tôi là còn có cơ sở, theo đó Chấp hành viên cần bám sát vào quy định về chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng giai đoạn đối với từng địa phương, đồng thời cũng cần tham khảo thêm mức thu nhập bình quân đầu người tại địa phương nơi họ sinh sống cũng như xem xét đến trách nhiệm cấp dưỡng, nuôi dưỡng người khác của người phải thi hành án và đặc điểm hoàn cảnh gia đình... để xác định rằng với mức thu nhập như vậy, người phải thi hành án và gia đình họ chỉ đủ để đảm bảo các chi phí sinh hoạt như ăn, uống, chữa bệnh tối thiểu mà không có tích luỹ. Có như vậy mới thực hiện được việc trả lại đơn yêu cầu mà hạn chế được khiếu nại từ phía người được thi hành án.

Thứ ba, tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án.

Trước tiên, cần tìm hiểu thêm quy định tại Điều 104 Luật THADS quy định về việc xử lý tài sản bán đấu giá không thành:

" ... Trường hợp giá đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án."

Theo quy định này, thì tài sản sẽ được trả lại cho người phải thi hành án và Chấp hành viên sẽ tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế khác hoặc đối với tài sản khác của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là tài sản đã kê biên mà lại không bán được, có nghĩa là sau khi trả lại tài sản không bán được mà người được thi hành án cũng không nhận để trừ vào tiền thi hành án, người phải thi hành án không còn tài sản nào khác thì xác định là có căn cứ để trả đơn yêu cầu thi hành theo điểm c khoản 1 Điều 51 Luật THADS.

Thứ tư, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.

Các căn cứ nói trên áp dụng vào việc trả đơn yêu cầu khi nghĩa vụ thi hành án là nghĩa vụ về tiền. Riêng căn cứ này áp dụng trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu mà nghĩa vụ thi hành án là nghĩa vụ về tài sản, cụ thể là nghĩa vụ trả vật đặc định. Đối với loại nghĩa vụ trả vật đặc định, Luật THADS cũng đã dành Điều 114 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện. Trong đó có quy định cách giải quyết khi mà vật đặc định phải trả không còn hoặc bị hư hỏng, cụ thể điểm c khoản 1 Điều 114 quy định:

" ... Trường hợp vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thoả thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành án theo thoả thuận.

Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được."

Quay trở lại căn cứ để ra quyết định trả đơn yêu cầu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 51 có thể thấy rằng rất phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 114 mà không có bất kỳ xung đột nào.

Có thể thấy rằng, xuất phát từ tính chất khác nhau của nghĩa vụ mà hệ quả pháp lý của việc trả đơn yêu cầu thi hành án cũng có sự khác nhau. Nếu như theo các quy định của điểm a, b, c khoản 1 Điều 51 thì sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trở lại theo quy định tại khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 30 Luật THADS. Tức là trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định.

Đối với trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 51 thì đương sự lại có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc bị hư hỏng theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật THADS. Có nghĩa là ở đây sẽ xảy ra việc chuyển hoá từ nghĩa vụ phải trả vật thành nghĩa vụ thanh toán giá trị của vật đó sau khi có bản án, quyết định.

Về trình tự, thủ tục cụ thể thực hiện việc trả đơn yêu cầu thi hành án, hiện nay Luật THADS cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định, nhưng thông thường các cơ quan thi hành án vẫn thực hiện theo quy trình là khi xác định có căn cứ trả đơn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ ban hành quyết định trả lại đơn yêu cầu, sau đó gửi trả lại người được thi hành án đơn yêu cầu thi hành án, Bản án, quyết định và kèm theo quyết định trả lại đơn yêu cầu. Đến đây, việc thi hành án khép lại và hồ sơ được đưa vào lưu trữ theo quy định. Tuy nhiên, cần hiểu rằng về bản chất thì quyền và nghĩa vụ của các đương sự theo bản án, quyết định chưa được bảo đảm triệt để và vai trò của cơ quan THADS cũng như Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định sẽ lại tiếp tục phát sinh khi người được thi hành án có đơn yêu cầu trở lại và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của pháp luật.

Nói tóm lại, việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án tuy không làm mất đi quyền lợi, nghĩa vụ của các bên đương sự đã được xác định trong bản án, quyết định nhưng hệ quả nó lại làm chậm quá trình đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án và xét đến cùng thì cũng có ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của người được thi hành án. Do đó, việc trả lại đơn cần phải được thực hiện một cách thật khách quan, đúng căn cứ mà pháp luật quy định. Một lần nữa khẳng định vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác xác minh điều kiện thi hành án xuyên suốt trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định. Có xác minh một cách trung thực, khách quan thì mới có thể thực hiện việc trả đơn yêu cầu thi hành án một cách có chất lượng và đúng pháp luật. Từ đó hạn chế được các vấn đề về khiếu nại, tố cáo có liên quan./.

Lương Thanh Tùng