Các chủ thể tham gia quan hệ thi hành án trong các diện thi hành án cũng khác nhau. Đối với thi hành án chủ động thì các chủ thể bao gồm Nhà nước và người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Còn trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, các chủ thể chủ yếu bao gồm cá nhân, cơ quan tổ chức mà không xuất hiện Nhà nước với vai trò là một trong các bên đương sự.
Dù là thuộc diện thi hành án chủ động hay theo đơn yêu cầu thì về mặt trình tự, thủ tục cũng phải tuân theo các quy định chung, đối với mỗi diện thi hành án thì Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện cho phù hợp. Trong thực tiễn thấy rằng việc quy định như vậy cơ bản là thuận lợi và dễ thực hiện. Bên cạnh đó vẫn còn một số điểm mà Luật THADS và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng mà nếu áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ vướng phải nhiều vấn đề. Tôi xin nêu một vấn đề mà cá nhân tôi cho rằng còn thiếu sót trong cơ chế, dẫn đến khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự. Cụ thể:
Vấn đề uỷ thác thi hành án đã được quy định khá là chi tiết tại các Điều 55, 56, 57 Luật THADS, Điều 22 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ đối với uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngoài ra, uỷ thác còn được quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 23/9/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đối với uỷ thác liên quan đến thu phí thi hành án. Về thẩm quyền thi hành án đã được quy định tại Điều 35 Luật THADS và việc nhận đơn yêu cầu thi hành án của cơ quan thi hành án có thẩm quyền cũng đã được quy định rõ tại các Điều 30, 31, 32, 33, 34 Luật THADS. Vấn đề nảy sinh là khi người được thi hành án đã thực hiện đầy đủ các điều kiện để nhận đơn yêu cầu, cơ quan Thi hành án cũng đã tiếp nhận đơn và ra quyết định thi hành án theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức thi hành, Chấp hành viên xác minh thấy rằng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành tại địa bàn nơi đang tổ chức thi hành vụ việc mà lại có điều kiện như là cư trú, có tài sản .... ở nơi khác. Trong trường hợp này, theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật THADS thì cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành phải uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, có tài sản .... để tổ chức thi hành vụ việc. Các quy định nói trên mang tính thủ tục chung, nếu áp dụng trong trường hợp thi hành án chủ động thì không bàn đến trong phạm vi bài viết này. Vấn đề tôi muốn đưa ra trao đổi ở đây là thực hiện việc uỷ thác trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu như thế nào. Để tiện cho việc phân tích, sau đây gọi cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định uỷ thác là cơ quan thi hành án A, cơ quan thi hành án dân sự nhận uỷ thác là cơ quan thi hành án B.
Khi nhận được uỷ thác, có thể xảy ra các tình huống:
Thứ nhất, cơ quan thi hành án A không gửi đơn yêu cầu xác minh kèm theo hồ sơ uỷ thác mà chỉ bao gồm đơn yêu cầu thi hành án (không cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án). Khi đó, cơ quan thi hành án B có thụ lý để ra quyết định thi hành án hay không? Nếu không thụ lý thì có được trả lại hồ sơ uỷ thác hay không?
Thứ hai, cơ quan thi hành án A có gửi kèm theo hồ sơ uỷ thác là đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, nội dung đơn đề nghị này lại là đề nghị cơ quan thi hành án A tiến hành xác minh. Vậy, cơ quan thi hành án B có căn cứ đơn đề nghị này để tiến hành xác minh hay không?
Cá nhân tôi có quan điểm như sau:
Vấn đề thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật THADS:
"Cơ quan thi hành án dân sự nhận uỷ thác không được trả lại quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã uỷ thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định uỷ thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận uỷ thác, nội dung thi hành án."
Trong trường hợp này, không có sự sai sót về thẩm quyền cũng như nội dung uỷ thác mà chỉ là thiếu nội dung đề nghị xác minh. Do đó, buộc cơ quan thi hành án B vẫn phải thụ lý và ra quyết định thi hành án theo đúng quy định. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án B cần vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 58 để yêu cầu người được thi hành án bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án hoặc làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án B xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Sau khi có đầy đủ các điều kiện thì mới ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành. Đến đây cũng phát sinh vấn đề là nếu sau khi yêu cầu mà người được thi hành án vẫn không có đơn yêu cầu xác minh thì xử lý thế nào?
Vấn đề thứ hai, cơ quan thi hành án B nhận hồ sơ uỷ thác bao gồm cả đơn đề nghị xác minh, nhưng nội dung đơn lại là đề nghị cơ quan thi hành án A tiến hành xác minh chứ không phải là đề nghị cơ quan thi hành án B. Như vậy, đến khi tính chi phí xác minh để thu của người được thi hành án có ý kiến cho rằng người được thi hành án không yêu cầu cơ quan thi hành án B xác minh nên cơ quan thi hành án B không được phép thu khoản chi phí này.
Nói tóm lại, nếu vận dụng tất quả các quy định của pháp luật về việc uỷ thác thi hành án thì cũng khó có thể giải quyết thoả đáng vấn đề đã nêu ở trên.
Để tạm thời tháo gỡ vướng mắc nêu trên, tôi xin đưa ra hướng giải quyết như sau:
Ngay sau khi ban hành quyết định uỷ thác, cơ quan thi hành án A cần yêu cầu người được thi hành án làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án B xác minh điều kiện (kèm theo đó là các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc người được thi hành án hoặc người được uỷ quyền đã tiến hành xác minh nhưng không có kết quả) thi hành án của người phải thi hành án và gửi kèm theo hồ sơ uỷ thác cho cơ quan thi hành án B. Như vậy, sau khi nhận được uỷ thác, cơ quan thi hành án B hoàn toàn có đủ điều kiện để thụ lý và ra quyết định thi hành án mà không gặp phải bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào.
Lương Thanh Tùng