Đóng góp sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008

12/03/2012
Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Sau khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành, ngày 29/12/2008 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2425/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành hơn 20 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự. Luật thi hành án dân sự năm 2008 ban hành trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, bổ sung những vấn đề thực tiễn và dự liệu những vấn đề phát sinh để kịp thời điều chỉnh, áp dụng. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai thực hiện, Luật thi hành án dân sự đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay.


Thứ nhất, việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.

Khoản 1 Điều 34 Luật Thi hành án dân sự 2008 chỉ quy định 3 trường hợp cơ quan thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên trên thực tế, có trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và đã được cơ quan Thi hành án dân sự thông báo yêu cầu bổ sung, nhưng người được thi hành án không bổ sung hoặc đã bổ sung nhưng vẫn không đầy đủ các nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 31 Luật thi hành án dân sự hoặc trong trường hợp người phải thi hành án không cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và không yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện của người phải thi hành án. Trong trường hợp này, đơn yêu cầu thi hành án của đương sự cũng không được chấp nhận. Vì vậy, tại Khoản 1 Điều 34 cần bổ sung thêm các căn cứ này để việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự có căn cứ pháp lý.

Thứ hai, việc chủ động ra quyết định thi hành án

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần bản án, quyết định về trả lại tiền, tài sản cho đương sự; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các khoản thu của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, “lệ phí” cũng là một khoản thu cho ngân sách nhà nước giống như “án phí” nhưng lại không là đối tượng của việc ra quyết định thi hành án chủ động. Trên thực tế, một số cơ quan thi hành án dân sự vẫn ra quyết định thi hành án chủ động đối với khoản lệ phí nhưng các quyết định này là không có căn cứ pháp lý nếu không muốn nói là bất hợp pháp. Vì vậy, cần bổ sung Khoản 1 Điều 36 khoản “lệ phí” để đảm bảo thi hành án được các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Thứ ba, việc thu phí xác minh điều kiện thi hành án

Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có thể yêu cầu Chấp hành viên xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và Khoản 2 Điều 73 quy định người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án là chi phí xác minh theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 của Luật này, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục, mức thu chi phí xác minh nên các cơ quan Thi hành án dân sự chưa có căn cứ để thu tiền của đương sự. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi và căn cứ pháp lý vững chắc cho các đương sự và cho chính các cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, cũng tại Điều 44, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên là 10 ngày. Khoảng thời gian này là quá ngắn, đặc biệt là trong trường hợp phức tạp, đương sự có nhiều tài sản cần phải xác minh hoặc các tài sản có nhiều đồng chủ sở hữu... Vì vậy, đa số các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đều có kiến nghị tăng thời hạn xác minh điều kiện thi hành án lên 20 ngày để việc xác minh được thuận lợi và chính xác hơn.

Thứ tư, thanh toán giá trị tài sản

Điều 59 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên nhận được tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án”. Nếu thi hành đúng theo tinh thần của điều luật thì đồng nghĩa với việc Chấp hành viên đã làm thay đổi nội dung của Bản án của Toà án. Đây là điều không được phép trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - nơi mà việc Toà án ra bản án, quyết định nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, điều luật này nên được sửa đổi theo hướng: nếu đương sự thỏa thuận được về tỷ lệ được chia thì Chấp hành viên thi hành theo thỏa thuận. Nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được thì Chấp hành viên không tổ chức định giá tài sản mà thực hiện theo đúng nội dung bản án, nên được nhận tài sản được nhận tài sản, bên được nhận tiền được nhận tiền và lãi suất chậm thi hành án theo quyết định của bản án. Đương sự có quyền khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác về việc yêu cầu thanh toán phần giá trị chênh lệch của tài sản tại thời điểm thi hành án. Quy định như vậy sẽ đảm bảo mọi bản án của Toà án đều được thi hành nghiêm chỉnh.

Thứ năm, việc thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Về việc quy định biện pháp đảm bảo về tạm giữ tài sản, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản theo Điều 68, Điều 69 Luật Thi hành án dân sự đều trong thời hạn 15 ngày: 15 ngày kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dựng biện pháp cưỡng chế hoặc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ; 15 ngày kể từ ngày ra quyết đinh tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sử dụng, sở hữu, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tái sản. Thực tế việc xác định chủ sở hữu tài sản không dễ dàng, phụ thuộc vào tiến độ phản hồi của các cơ quan có chức năng quản lý tài sản. Việc quy định thời hạn 15 ngày Chấp hành viên phải ra quyết định xử lý là rất khó khăn. Nhiều trường hợp hết 15 ngày vẫn chưa xác định được chủ sở hữu tài sản thì Chấp hành viên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản được. Điều này cũng mâu thuẫn với quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, bởi vì Điều 74 cho phép đồng sở hữu chung có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày. Như vậy, nếu áp dụng Điều 69 đồng thời cũng áp dụng Điều 74, khi chưa hết thời hạn đồng sở hữu được quyền khởi kiện phân chia tài sản chung (30 ngày) thì đã phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng (vì hết 15 ngày), lúc này đương sự tẩu tán tài sản thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cần sửa đổi Điều 69 theo hướng tăng thời hạn được quy định tại Điều 68 và Điều 69 Luật Thi hành án dân sự lên 30 ngày.

Trên đây là một vài ý kiến về những nội dung cần sửa đổi hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự 2008 để các độc giả cùng nhau trao đổi.

Hoàng Thu Thủy (TCTHADS)