Phân biệt giữa "bồi thường" và "bồi dưỡng" để thu phí thi hành án cho đúng

02/12/2011
Bản án số 16/2011/HSST, ngày 02/8/2011 của Toà án nhân dân huyện B xét xử đối với bị cáo Phạm Đình T về tội "dâm ô đối với trẻ em". Tại phần quyết định của bản án có tuyên về trách nhiệm dân sự:
"Buộc bị cáo Phạm Đình T phải bồi thường cho cháu Vũ Quỳnh N tổn thất về tinh thần, danh dự, nhân phẩm số tiền là 10 tháng lương tối thiểu chung (mỗi tháng 830.000 đồng), số tiền là 830.000 đồng x 10 tháng = 8.300.000 đồng. Số tiền này được trừ trong tổng số tiền 10.000.000 đồng bị cáo đã tự nguyện nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện B trong quá trình điều tra. Số tiền còn lại là 1.700.000 đồng, chấp nhận sự tự nguyện của bị cáo Phạm Đình T bồi dưỡng sức khoẻ, danh dự cho cháu Vũ Quỳnh N. Bà Vũ Thị L là mẹ đẻ (người đại diện hợp pháp của bị hại) nhận thay cho cháu".


Ngày 13/9/2011, bà Vũ Thị L có đơn yêu cầu thi hành án và đề nghị được nhận số tiền 10.000.000 đồng. Căn cứ vào đơn yêu cầu và nội dung bản án, ngày 19/9/2011, thủ trưởng cơ quan đã ban hành quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành. Sau khi được phân công, Chấp hành viên đã làm thủ tục rút số tiền 10.000.000 đồng từ tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án và chi trả cho bà Vũ Thị L, sau đó đề xuất đưa hồ sơ vào lưu trữ theo quy định. Trong quá trình thẩm tra hồ sơ, Thẩm tra viên thấy rằng hồ sơ này chưa thể kết thúc, vì lý do sau đây:

Theo nội dung quyết định của bản án, có thể nhận thấy rõ ràng trong số tiền 10.000.000 đ do bị cáo Phạm Đình T tự nguyện nộp, về bản chất bao gồm 2 loại:

1. Số tiền 10 tháng lương tối thiểu chung là 8.300.000 đồng là tiền mà bị cáo Phạm Đình T có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Vũ Quỳnh N để bù đắp lại những tổn thất về tinh thần, danh dự, nhân phẩm của N do hành vi phạm tội của Phạm Đình T gây ra. Số tiền này được tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế và hợp lý mà gia đình cháu N đã bỏ ra như chi phí khám, điều trị tâm lý..., đồng thời căn cứ đúng quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự. Toà án nhân dân huyện B khi quyết định mức bồi thường bằng 10 tháng lương tối thiểu chung là hoàn toàn có cơ sở và đúng quy định của pháp luật.

2. Số tiền 1.700.000 đồng là tiền mà bị cáo Phạm Đình T tự nguyện bồi dưỡng cho cháu Vũ Quỳnh N ngoài số tiền bị cáo T bị buộc phải chịu là 8.300.000 đồng.

Dù biết rằng, hành vi phạm tội của Phạm Đình T đã gây ra thiệt hại, tổn thất về tinh thần, tâm lý cho cháu Vũ Quỳnh N là có thực, và để định lượng thiệt hại này là không thể. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là không quá 10 tháng lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định. Và bị cáo Phạm Đình T cũng đã phải chịu mức cao nhất. Như vậy, có thể hiểu rằng, phải chịu số tiền 8.300.000 đồng (tương đương 10 tháng lương tối thiểu chung) là Phạm Đình T đã hoàn thành xong trách nhiệm về dân sự đối với hành vi phạm tội do mình gây ra. Đối với số tiền 1.700.000 đồng nếu bị cáo Phạm Đình T không tự nguyện bồi dưỡng cho cháu N thì Toà án sẽ phải tuyên để trả lại cho bị cáo.

Như vậy, cơ quan thi hành án khi chi trả số tiền 10.000.000 đồng cho cháu Vũ Quỳnh N (do và Vũ Thị L là đại diện hợp pháp), cần phải thu phí thi hành án trên số tiền 1.700.000 đồng. Bởi theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định về những trường hợp không phải chịu phí thi hành án:

" Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:

1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động;

2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận;

3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi;

4. Số tiền hoặc giá trị tài sản theo các đơn yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương tối thiểu chung do nhà nước quy định;

5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội.".

Theo quy định trên, cụ thể là ở khoản 1 áp dụng trong trường hợp cụ thể này có thể thấy ngay rằng, đối với số tiền 8.300.000 đồng, cơ quan thi hành án không tiến hành thu phí thi hành án là hoàn toàn đúng. Nhưng đối với số tiền 1.700.000 đồng là tiền bồi dưỡng thêm cho cháu N ngoài số tiền bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần, danh dự, nhân phẩm cho cháu H mà cơ quan thi hành án không thu phí là không đúng quy định.

Ở đây, cần phải hiểu và phân biệt rõ hai cụm từ "bồi thường" và "bồi dưỡng". Nhà nước quy định không được thu phí đối với tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm là hoàn toàn có cơ sở vì nó đúng với bản chất và mục đích của khoản tiền này là bù đắp lại những tổn thất đã xảy ra. Còn đối với khoản tiền bồi dưỡng nó chỉ là khoản "tăng thêm" cho đối tượng được hưởng mà thôi, chính vì lý do đó mà trong các trường hợp không phải chịu phí thi hành án không có khoản "bồi dưỡng".

Như vậy, qua các phân tích trên, cơ quan thi hành án dân sự huyện B không thu phí thi hành án trên số tiền 1.700.000 đồng là chưa đúng với quy định. Điều này tuy rằng gây thất thoát cho Ngân sách một khoản tiền phí không lớn, nhưng khi thực hiện các Chấp hành viên và cơ quan thi hành án cũng cần phải tuân thủ triệt để, từ những việc như vậy sẽ dần dần nâng cao chất lượng hoạt động thi hành án dân sự hiện nay./.

Lương Thanh Tùng