Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án dân sự

08/05/2012
Ngày 14/11/2008, Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự (viết tắt là Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009, thay thế Pháp lệnh Thi hành án dân sự  năm 2004. Trong thời gian qua, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống pháp luật nói chung và trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự nói riêng, có tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn những quy định gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm hạn chế kết quả thi hành án. Trong số các quy định này, tôi xin đề cập đến quy định, thủ tục thi hành án theo đơn yêu cầu, xác minh điều kiện thi hành án.


 

1. Nội dung quy định, thủ tục:

1.1 Quy định về thủ tục nộp đơn và xử lý đơn yêu cầu thi hành án:

Tại Điều 31, 32, 33, 34 của Luật Thi hành án dân sự và Điều 4, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về thủ tục nộp đơn và xử lý đơn yêu cầu thi hành án như sau:

- Người yêu cầu thi hành án tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án trực tiếp tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền hoặc gửi đơn yêu cầu thi hành án qua đường bưu điện;

- Đơn yêu cầu thi hành án phải có đầy đủ các nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; Tên cơ quan Thi hành án dân sự nơi yêu cầu; Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; Nội dung yêu cầu thi hành án; Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (để có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người thi hành án, người được thi hành án phải tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh hoặc yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án);

- Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo. Trường hợp, đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án trước khi ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu có căn cứ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi văn bản thông báo cho đương sự biết về việc từ chối nhận đơn và nêu rõ lý do.

Cơ quan thi hành án dân sự từ chối đơn yêu cầu thi hành án dân sự trong các trường hợp sau: 

+ Người yêu cầu thi hành án không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung đơn yêu cầu thi hành án không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định;

+ Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;

+ Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.

- Khi đơn yêu cầu thi hành án và các tài liệu kèm theo hợp lệ, cơ quan thi hành án tiến hành vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.

1.2 Quy định về xác minh điều kiện thi hành án

Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh hoặc yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án.

Trường hợp thứ nhất là người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án:

Theo Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định: “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc thi hành án, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại. Việc xác minh lại của Chấp hành viên được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.

Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường”.

Trường hợp thứ hai là người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án:

Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh

Theo Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định: “Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.

Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.”

Về chi phí xác minh được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự và tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP. Theo đó thì “Người được thi hành án có yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải trả các chi phí thực tế, hợp lý cho việc xác minh”.

2. Vướng mắc, khó khăn:

Trong thực tế, khi thực hiện các quy định trên, vướng mắc nhất là việc đảm bảo quy định về đơn yêu cầu thi hành án với các nội dung quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và được cụ thể hóa bằng biểu mẫu “Đơn yêu cầu thi hành án” ban hành kèm theo Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng các loại biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự. Trong đơn yêu cầu thi hành án chủ yếu là không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, ngay cả khi cơ quan Thi hành án dân sự thông báo cho người được thi hành án bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án, nhưng người được thi hành án không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng vẫn không đảm bảo đúng quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.

Để xử lý đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp này, thì pháp luật về thi hành án dân sự chỉ quy định cho cơ quan Thi hành án dân sự được thực hiện một trong hai phương án, như:

Một là, cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý và ra Quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Việc thực hiện quy định này là không có cơ sở pháp lý, vì đơn yêu cầu thi hành án không đảm bảo đúng quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, nên không thể thụ lý và ra quyết định thi hành án;

Hai là, cơ quan Thi hành án dân sự phải gửi văn bản thông báo cho đương sự biết về việc từ chối nhận đơn và nêu rõ lý do theo quy định tại khoản 3, Điều 4, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Việc thực hiện quy định này cũng không có cơ sở, vì tại Điều 34 Luật Thi hành án dân sự quy định về từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án, không quy định cơ quan Thi hành án dân sự từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có các nội dung theo đúng quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, đối với trường hợp này, cơ quan Thi hành án dân sự không thể thụ lý, ra quyết định thi hành án và cũng không thể thông báo từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.

Nhưng thực tế, cơ quan thi hành án đa phần không thụ lý đơn yêu cầu nếu không đảm bảo đủ các nội dung quy định, dẫn đến nhiều bản án, quyết định không thể thi hành án được (án tồn đọng).

Những quy định trên khi áp dụng vào thực tế đã gặp phải sự phản ứng của nhiều người và ngay cả các Chấp hành viên của cơ quan thi hành án cũng có người không đồng tình.

Thứ nhất, việc quy định phải có nội dung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong đơn yêu cầu thi hành án trong một số trường hợp là chưa hợp lý bởi không phải mọi việc yêu cầu thi hành án đều cần đến thông tin tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Ví dụ, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên buộc một người phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc nhất định hoặc trường hợp đối tượng tranh chấp là những tài sản cụ thể thì thông tin tài sản đã được nêu rõ trong bản án, quyết định. Do vậy, việc yêu cầu đương sự cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án trong những trường hợp này là điều không cần thiết.

Thứ hai, để có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì người được thi hành án phải tự mình hoặc ủy quyền cho người khác hoặc yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.

Trường hợp, người được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án thì gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, để người được thi hành án xác minh được điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ là việc làm không phải dễ, vì phần lớn người được thi hành án (nhất là đối với việc thi hành án về phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án hình sự) chủ yếu là những người nông dân, người già yếu, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người có trình độ văn hóa thấp, thậm chí không biết chữ... sự hiểu biết pháp luật của họ còn hạn chế, khả năng thực hiện nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án rất hạn chế. Trong khi đó, tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án là rất khó xác định. Hơn nữa, thực tế thi hành án cho thấy đa số người phải thi hành án họ thường có hành vi tẩu tán tài sản, che dấu nguồn thu nhập, thay đổi chổ ở, tìm mọi cách để chầy ì, trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án... Đồng thời, tài sản, tài khoản, nguồn thu nhập là bí mật thông tin của cá nhân được pháp luật bảo vệ, không thể tùy tiện cung cấp, chỉ được phép cung cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án thường từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án, mà không có cơ sở để xử lý, nếu bị xử lý thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý, chế tài xử lý ra sao. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này.

Thứ hai, pháp luật về thi hành án dân sự cũng chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục; thành phần tham gia; nội dung, biểu mẫu, biên bản xác minh…do người được thi hành án xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Đồng thời, trong nhiều trường hợp, nội dung xác minh của người được thi hành án không rõ ràng, mang tính chiếu lệ, đối phó nên hầu hết các trường hợp Chấp hành viên đều phải tiến hành xác minh lại, gây mất thời gian, lãng phí công sức, tiền bạc cho các bên.

Trường hợp, người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án. Việc thực hiện quy định này cũng có khó khăn, vướng mắc:

Đó là sự thiếu phối hợp của các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin như: không cung cấp kết quả xác minh mà không có văn bản trả lời và nêu rõ lý do, không ký nhận văn bản yêu cầu cung cấp kết quả xác minh của người được thi hành án… Vì vậy, người được thi hành án không có cơ sở để yêu cầu chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự  tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

3. Đề xuất:

Từ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định, thủ tục nộp đơn yêu cầu, xử lý đơn yêu cầu thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án nêu trên, tôi đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

* Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành:

- Sửa điểm đ, khoản 1, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và biểu mẫu “Đơn yêu cầu thi hành án” ban hành kèm theo Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp theo hướng quy định “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người thi hành án (nếu có)”, tức là nội dung điền phần này chỉ dành cho trường hợp việc yêu cầu thi hành án liên quan đến tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và người được thi hành án đã biết thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án; còn đối với trường hợp việc yêu cầu thi hành án không cần đến thông tin tài sản, điều kiện thi hành án (như đã nói ở trên) hoặc đã có đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án thì không phải điền thông tin này trong đơn.               

Theo đó, cần quy định cụ thể những trường hợp cần thiết phải có kết quả xác minh của đương sự kèm theo đơn yêu cầu thi hành án và những trường hợp không bắt buộc phải có kết quả xác minh cũng như thông tin kèm theo và cần bổ sung chú thích rõ ràng cho người điền đơn yêu cầu.

- Bổ sung quy định cơ quan Thi hành án từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án tại Điều 34 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và đã được cơ quan Thi hành án dâ sự thông báo yêu cầu bổ sung, nhưng người được thi hành án không bổ sung hoặc đã bổ sung nhưng vẫn không đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự.

- Quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia, nội dung, phạm vi xác minh, biểu mẫu, biên bản xác minh… trong cả hai trường hợp người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án và trường hợp Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án. Để việc xác minh được tiến hành thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009, theo hướng người được thi hành án có quyền yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án mà không phải cung cấp các văn bản như quy định tại Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009; coi đây như một dịch vụ công về cung cấp thông tin. Theo đó, để có những thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án (trong trường hợp cần có mà người được thi hành án không biết) thì người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải trả một chi phí hợp lý cho việc có những thông tin.

* Xây dựng các văn bản mới:

Để tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án dân sự, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện; đồng thời phải quy định chế tài hành chính (bổ sung Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp) và chế tài về hình sự đối với các cơ quan, ban ngành hữu quan và cá nhân có thẩm quyền khi không phối hợp, thực hiện những yêu cầu của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên, người được thi hành án trong việc tổ chức thi hành án (trong đó có vấn đề xác minh điều kiện thi hành án).

N.T.My