Đại diện theo ủy quyền và thẩm quyền, thủ tục ủy quyền trong thi hành án dân sự

10/01/2013
Theo quy định tại khoản 3, Điều 139 Bộ luật dân sự năm 2005 thì ủy quyền là một trong hai dạng xác lập quan hệ đại diện (dạng còn lại là đại diện theo pháp luật). Từ khái niệm “đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện” (khoản 1, Điều 139 Bộ Luật dân sự), có thể hiểu rằng ủy quyền là việc một người giao cho người khác sử dụng một số quyền mà pháp luật đã trao cho mình.


Về hình thức của ủy quyền, theo khoản 2, Điều 142 Bộ Luật dân sự thì“Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản”. Trong thực tiễn có thể thấy nhiều hình thức ủy quyền được xác lập mà không cần phải bằng văn bản, có thể bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu như không có sự ủy quyền nào thể hiện bằng lời nói, hành vi được thừa nhận để có giá trị chứng minh trong việc các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Do đó, quan hệ ủy quyền thường xuyên vẫn được xác lập bằng văn bản bởi hai hình thức là Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền.

Có thể hiểu, Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện ủy quyền do chủ thể ủy quyền bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền.

Khác với Giấy ủy quyền, Hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 581 Bộ Luật dân sự năm 2005, cụ thể như sau: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Giấy ủy quyền lâu nay chỉ được thừa nhận mà chưa có quy định cụ thể. Xét về hình thức nó là một loại “giấy tờ” “văn bản”; về bản chất nó là một giao dịch dân sự. Bởi vì, theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật dân sự thì“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Việc lập Giấy ủy quyền thể hiện đầy đủ đặc tính của giao dịch dân sự.

Hiện nay trình tự thủ tục của các giao dịch về ủy quyền, pháp luật quy định chưa cụ thể do vậy trong các giao dịch dân sự việc ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người ủy quyền, các địa phương thực hiện không thống nhất. Đối với hoạt động thi hành án dân sự các giao dịch về ủy quyền cũng thường xuyên được các đương sự thực hiện. Trên thực tế, khi tiếp nhận các văn bản về ủy quyền của các đương sự, mỗi cơ quan Thi hành án, mỗi chấp hành viên, công chức thi hành án có những nhận thức và cách thực hiện khác nhau. Để hoạt động thi hành án đạt hiệu quả đúng pháp luật, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự nói chung, pháp luật luật thi hành án dân sự nói riêng. Trong công tác thi hành án dân sự, việc một người ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, hoặc nghĩa vụ của mình về thi hành án diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, khi nào thì lập giấy ủy quyền và khi nào cần phải lập hợp đồng ủy quyền; thẩm quyền chứng thực Giấy ủy quyền, công chứng Hợp đồng ủy quyền không phải đương sự nào cũng nhận thức đúng để thực hiện và ngay cả các chấp hành viên, công chức cơ quan Thi hành án dân sự cũng rất lúng túng trong việc tiếp nhận các văn bản ủy quyền của đương sự. Dưới đây là một trong những khó khăn đối với hoạt động thi hành án liên quan đến các giao dịch về ủy quyền.

Trường hợp người phải thi hành án vì các lý do khách quan không thể tự mình thực hiện các nghĩa vụ về thi hành án, ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện nghĩa vụ thi hành án, đa số người phải thi hành án lập Giấy ủy quyền và xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường. Có quan điểm cho rằng người phải thi hành án chỉ cần lập Giấy ủy quyền có chữ ký của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, chấp hành viên, cơ quan Thi hành án phải chấp nhận Giấy ủy quyền đó. Quan điểm khác cho rằng hiện nay việc chứng thực Giấy ủy quyền, không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, do vậy Giấy ủy quyền được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận mà đương sự cung cấp không đủ căn cứ pháp lý để phát sinh hiệu lực. Nghị định 79 quy định rõ Ủy ban nhân dân cấp huyện chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Ngoài ra, Nghị định 75 còn quy định thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện chứng thực các hợp đồng, giao dịch và chứng thực giấy uỷ quyền là một trong những quy định riêng về công chứng, chứng thực một số hợp đồng giao dịch (Điều 48 Nghị định 75). Nghị định 75 cũng không nói rõ những văn bản, giấy tờ nào bắt buộc phải chứng thực theo hình thức ủy quyền, văn bản nào chứng thực theo hình thức chứng thực chữ ký.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Tại điểm c, khoản 1, Điều 1 của Nghị định 136 quy định trong trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên, anh, chị, em ruột hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại. Người được ủy quyền chỉ thực hiện việc khiếu nại theo đúng nội dung được ủy quyền. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ủy quyền cư trú.

Một số bản án, quyết định hình sự của Tòa án tuyên trả lại tiền, tài sản đối với các bị cáo, nhưng bị cáo đang phải chấp hành án tại trại giam không thể tự mình đến nhận tiền, tài sản do vậy ủy quyền cho người khác đến nhận tiền, tài sản tại cơ quan Thi hành án. Phạm nhân không thể đến Ủy ban nhân dân xã, phường hoặc Phòng công chứng để thực hiện công chứng, chứng thực việc ủy quyền. Phạm nhân chỉ lập Giấy ủy quyền và xin xác nhận của Trại giam về việc ủy quyền của mình để nhận lại tài sản. Một số cơ quan Thi hành án dân sự không chấp nhận văn bản ủy quyền của đương sự, tuy vậy nhiều cơ quan Thi hành án dân sự đối với việc trả lại một số tài sản có giá trị nhỏ, hoặc giấy tờ tùy thân, vì tránh việc thi hành án tồn đọng kéo dài vẫn chấp nhận văn bản ủy quyền. Trái lại, có chấp hành viên nhận thức rằng Giấy ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương do vậy hình thức văn bản ủy quyền chỉ cần chữ ký của bên ủy quyền và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng thực vào văn bản ủy quyền là phát sinh hiệu lực vì vậy chấp nhận việc ủy quyền của đương sự. Tại nhiều địa phương khi đương sự đến Ủy ban nhân dân xã phường để làm thủ tục ủy quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối xác nhận văn bản ủy quyền của đương sự, vì cho rằng Ủy ban nhân dân xã không có thẩm quyền xác nhận Giấy ủy quyền, song cũng có địa phương Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn tiến hành xác nhận Giấy ủy quyền lý do tại điểm b, khoản 2 Điều 5 Nghị định 79 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt (Chỉ chứng thực chữ ký, không quan tâm đến nội dung văn bản). Trong khi đó, Luật công chứng có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 quy định “Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.

Đồng thời, căn cứ các văn bản nêu trên và Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP Công văn số 1939/BTP ngày 18/6/2009 của Bộ Tư pháp.Do đó, có thể hiểu các tổ chức hành nghề công chức có thẩm quyền công chứng Giấy ủy quyền bởi vì đó là một giao dịch dân sự.

Từ thực tế các quy định của pháp luật về trình tự, thẩm quyền công chứng, chứng thực đối với các giao dịch ủy quyền chưa cụ thể, còn chồng chéo dẫn tới các cơ quan Thi hành án mỗi địa phương thực hiện một khác, các đương sự và người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến việc ủy quyền trong hoạt động thi hành án dân sự.

Trần Ngọc Bản

Cục THADS tỉnh Điện Biên