Áp dụng thời hiệu giải quyết khiếu nại đối với quyết định “Trả lại đơn yêu cầu thi hành án” của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự.

12/03/2013
Qua mục “nghiên cứu trao đổi” trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự, tác giả Phạm Công Ý có bài “Một số quy định về thời hiệu khiếu nại trong thi hành án dân sự và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng” tác giả còn đưa ra ví dụ cụ thể như sau: “Luật sư là người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án, khiếu nại quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Xác định thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết cho thấy: ngày 06/10/2012 Luật sư nhận được Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số 37/QĐ-CCTHA ngày 24/9/2012 của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Đến ngày 23/10/2012 Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhận đơn khiếu nại của Luật sư là 17 ngày, kể từ ngày Luật sư nhận được Quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án”.


Tác giả cho rằng trong trường hợp này: “Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự bị khiếu nại, thì áp dụng điều luật nào để xác định thời hiệu khiếu nại? Qua nghiên cứu, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào qui định “thời hiệu khiếu nại” đối với quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự. Cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, rất khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, giải quyết đơn khiếu nại của công dân”.

Từ ví dụ trên, cho thấy trong quá trình tác nghiệp giải quyết vụ việc chấp hành viên chỉ mới xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành mà chưa áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án vì là án không có điều kiện thi hành (án chưa có điều kiện giải quyết theo thuật ngữ mới). Ví dụ tác giả đưa ra không chi tiết, nhưng nếu giả sử trường hợp trong quá trình xác minh, vì một nhận định nào đó mà chấp hành viên đã áp dụng một trong những biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự thì sau đó chấp hành viên cũng phải xử lý từng trường hợp cụ thể, phù hợp theo từng biện pháp bảo đảm đã áp dụng, để trả lại đơn yêu cầu thi hành án mà không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế vì ví dụ tác giả đưa ra là án không có điều kiện (án chưa có điều kiện giải quyết) mà nếu đã xử lý xong biện pháp bảo đảm, nhưng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thì xem như không có biện pháp bảo đảm.

Tóm lại, trong ví dụ tác giả nêu trên phải xác định là không có áp dụng biện pháp bảo đảm, không có áp dụng biện pháp cưỡng chế. Từ đó, áp dụng pháp luật để xác định thời hiệu khiếu nại trong trường hợp này là điểm a Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Điểm a Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên như sau: Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó”.

Như vậy, chúng ta phải xác định được đối tượng mà quy phạm này điều chỉnh và điều kiện để áp dụng quy phạm này.

- Về đối tượng điều chỉnh có hai loại:

Thứ nhất: Các quyết định về thi hành án báo gồm: các loại quyết định được ban hành theo Thống tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp trong đó có cả Quyết định  trả lại đơn yêu cầu thi hành án (Mẫu B05-THA).

Thứ hai: Các hành vi về thi hành án bao gồm các hành vi như: không ra quyết định thi hành án hoặc ra chậm, không xác minh điều kiện thi hành án hoặc không thông báo đầy đủ theo quy định của pháp luật…….

- Về điều kiện áp dụng:

Khi xảy ra việc khiếu nại đối với hai đối tượng trên (các quyết định về thi hành án và các hành vi về thi hành án) mà trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thì sẽ áp dụng quy phạm này (điểm a Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự) để giải quyết.

Trở lại ví dụ của tác giả nêu trên: thì đối tượng bị khiếu nại là “Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án” điều kiện áp dụng là trước khi có biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế như tôi đã phân tích ở trên. Vì vậy, theo tôi áp dụng điểm a Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự để xác định thời hiệu giải quyết khiếu nại trường hợp trên là phù hợp.

Vấn đề thứ hai tác giả nêu ra quy định không giống nhau về thời hiệu khiếu nại giữa Luật thi hành án dân sự và Luật khiếu nại năm 2012. Vấn đề này lại liên quan đến nguyên tắc áp dụng pháp luật theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”. Sở dĩ Luật quy định phải áp dụng văn bản được ban hành sau là để đảm bảo quy phạm pháp luật được chọn để áp dụng phù hợp nhất với các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay có những trường hợp hai văn bản cùng quy định về một vấn đề, trong đó một văn bản quy định một cách chung nhất và một văn bản quy định mang tính chất chuyên sâu trong một lĩnh vực quản lý cụ thể nhưng có quy định không giống nhau; chẳng hạn về thời hiệu khiếu nại trong Luật khiếu nại năm 2012 và thời hiệu khiếu nại quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Trong trường hợp này, thông thường nếu phát sinh vấn đề khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì áp dụng những quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này để giải quyết nó sẽ phù hợp hơn với điều kiện quản lý đặc thù của ngành.

Tuy nhiên, vấn đề cần nói thêm là việc áp dụng văn bản chuyên ngành khi giải quyết các công việc cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực thường thuận lợi và mang lại hiệu quả điều chỉnh cao hơn, nếu văn bản chuyên ngành (Luật Thi hành án dân sự) ban hành sau văn bản quy định chung (Luật khiếu nại năm 2012) thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành (Luật Thi hành án dân sự) để áp dụng không có gì trái với Luật, nhưng trong trường hợp thực tiễn hiện nay văn bản chuyên ngành (Luật Thi hành án dân sự năm 2008) được ban hành trước văn bản quy định chung (Luật khiếu nại năm 2012). Vì thế, việc lựa chọn văn bản nào để áp dụng trong trường hợp này là rất khó khăn, rất mong có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền./.

Nguyễn Đức Hiếu

Phòng KTGQKT Cục THADS Hà Tĩnh