Thông báo về thi hành án - Thực hiện đúng là đủ.

22/05/2013
Thông báo về thi hành án là hoạt động của chấp hành viên, cán bộ và cơ quan Thi hành án nhằm làm cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết được quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định. Đây là một hoạt động diễn ra thường xuyên, bởi lẽ đặc thù của công tác thi hành án dân sự là thường xuyên tác động hoặc sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Do đó, việc thông báo trong thi hành án dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng. Không những nó đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động thi hành án dân sự vốn dĩ đã chứa đựng sự "nhạy cảm" mà còn là cơ sở để áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo…. Nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của hoạt động thông báo thi hành án, bên cạnh đó nắm vững, hiểu rõ cũng như áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thông báo thi hành án sẽ giúp chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự tránh được những vi phạm làm phát sinh khiếu nại, tố cáo khi đương sự, người có quyền lợi liên quan cho rằng mình không nắm được nội dung của các văn bản, giấy tờ do cơ quan Thi hành án dân sự phát hành.


Với mong muốn để các đồng chí, đồng nghiệp hiểu một cách hệ thống và dễ dàng hơn trong việc thực hiện thông báo thi hành án, đảm bảo việc thông báo đúng quy định của pháp luật. Tôi xin phân tích một số quy định mang tính cơ bản của pháp luật hiện nay về trình tự, thủ tục thông báo mang tính trực quan nhất, bởi hiện nay một số chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự còn chưa thực sự hiểu rõ về điều kiện áp dụng các hình thức thông báo, thậm chí còn có tâm lý áp dụng các hình thức thông báo thi hành án "thừa còn hơn thiếu". Chính đôi khi vì vậy làm phát sinh khiếu nại của công dân và khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ đánh giá chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự còn chưa thực sự vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Về cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục thực hiện việc thông báo các Quyết định, văn bản về thi hành án được quy định tại các Điều 39, 40, 41, 42 và Điều 43 Luật Thi hành án dân sự; Điều 7 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định 58); Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (Sau đây gọi tắt là Thông tư 14).

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ xin hệ thống, phân tích các hình thức và trình tự thực hiện việc thông báo đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân. Về mặt thời hạn, người thực hiện thông báo cũng như thủ tục thông báo đối với cơ quan, tổ chức đã được quy định tương đối chi tiết và cụ thể, xin không đi sâu ở đây.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự:

"…3. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết công khai;

c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…."

Như vậy, việc thông báo về thi hành án chỉ được thực hiện dưới các hình thức sau đây:

1. Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Điều 40 Luật Thi hành án dân sự quy định:

" 1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.

2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.

Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.

Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo."

Phân tích quy định nêu trên thấy rằng việc giao văn bản thông báo (quyết định hoặc các văn bản về thi hành án) cho đối tượng được thông báo là cá nhân có thể xảy ra một trong những tình huống:

+ Người được nhận thông báo có mặt.

Trong trường hợp người được nhận thông báo có mặt lại có thể diễn ra theo 2 hướng:

- Thứ nhất, đối tượng được thông báo nhận văn bản thông báo của cơ quan Thi hành án. Trong tình huống này, chấp hành viên hoặc cán bộ thực hiện thông báo cần lập biên bản, yêu cầu họ ký nhận hoặc điểm chỉ vào biên bản. Đến đây, việc thông báo được coi là hoàn tất và hợp lệ, đối với trường hợp này thường không có vướng mắc gì xảy ra..     

- Thứ hai, đối tượng được thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận văn bản thông báo.

Thực tế hiện nay rất nhiều chấp hành viên có suy nghĩ rằng đương sự không nhận thì coi như không thông báo trực tiếp được. Điều này là hoàn toàn sai. Trong tình huống này, áp dụng Khoản 6 Điều 3 Thông tư 14 sẽ giải quyết được triệt để vấn đề. Cụ thể, khoản 6 Điều 3 Thông tư 14 quy định:

"… Nếu người được nhận thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận thông báo thì người thông báo lập biên bản về việc từ chối và nêu rõ lý do có xác nhận của người làm chứng. Người được thông báo được coi là đã được thông báo hợp lệ...".

Như vậy, sau khi tuân thủ đầy đủ thủ tục như quy định, việc thông báo cũng đã được coi là hợp lệ và không cần phải áp dụng bất kỳ hình thức thông báo nào khác.

+ Người được nhận thông báo vắng mặt.

Để thuận tiện cho các cơ quan Thi hành án dân sự và đảm bảo nội dung thông báo vẫn có thể đến với đối tượng được thông báo. Khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án dân sự cho phép thực hiện việc thông báo thông qua người thứ ba, tuy nhiên việc thông báo qua người khác để được coi là hợp lệ cần đảm bảo một số điều kiện bắt buộc như sau:

- Người nhận thay thông báo phải là người thân thích của người được thông báo, cụ thể phải là vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của người được thông báo và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

- Người nhận thay thông báo phải có cùng nơi cư trú với người được thông báo. Quy định này nhằm đảm bảo văn bản thông báo thuận tiện và có cơ hội đến với người được thông báo cao hơn. Cần lưu ý, việc xác định như thế nào là "có cùng nơi cư trú" phải căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật cư trú.

Sau khi đã xác định có đầy đủ các điều kiện như đã nêu ở trên, việc thông báo có thể được thực hiện thông qua người khác. Tuy nhiên, việc thông báo trong trường hợp người được thông báo vắng mặt có thể xảy ra theo 2 hướng:

Thứ nhất: Người được thông báo có người thân thích đủ điều kiện phân tích ở trên và người đó đồng ý nhận thay văn bản thông báo cho người được thông báo. Trong trường hợp này, người thực hiện thông báo cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục và gắn trách nhiệm của người nhận thay theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Thông tư 14. Việc thông báo đến đây cũng được coi là hợp lệ.

Thứ hai; người được thông báo không có người thân thích có đủ điều kiện để nhận thay hoặc có nhưng người thân thích đó từ chối nhận thay văn bản thông báo mà không xác định được thời điểm người được thông báo trở về. Cần lưu ý, trong trường hợp này, người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc thông báo trực tiếp để thực hiện hình thức thông báo tiếp theo chứ không được coi là đã thông báo hợp lệ như đối với trường hợp bản thân người được thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận văn bản thông báo.

Trong các hình thức thông báo thì thông báo trực tiếp là hình thức đầu tiên đạt được hiệu quả thông báo cao nhất. Đồng thời nó cũng là điều kiện để có thể áp dụng các hình thức thông báo khác. Do đó, trước khi áp dụng hình thức thông báo khác, chấp hành viên cần phải đảm bảo việc thông báo trực tiếp đã được thực hiện nhưng không có kết quả. Từ những phân tích trên có thể tóm lược lại việc thông báo trực tiếp được coi là hợp lệ trong những trường hợp sau:

* Người được thông báo trực tiếp nhận văn bản thông báo.

* Người được thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận văn bản thông báo và người thông báo đã thực hiện việc lập biên bản, ghi rõ lý do có xác nhận của người chứng kiến.

* Người được thông báo vắng mặt không rõ thời điểm trở về nhưng có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự và cùng cư trú nhận thay văn bản thông báo.

Những trường hợp còn lại như người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận và cũng không rõ thời điểm trở về của người được thông báo. Nếu rơi vào một trong các trường hợp này, người thực hiện thông báo cần lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo trực tiếp và chỉ khi đó mới áp dụng hình thức thông báo tiếp theo là niêm yết công khai.

2. Niêm yết công khai.

Về cơ sở pháp lý, Điều 42 Luật Thi hành án dân sự quy định:

" 1. Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết.

2. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo;

b) Lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến.

3. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ."

Theo quy định thì điều kiện và cũng là các trường hợp áp dụng hình thức thông báo niêm yết công khai bao gồm:

+ Khi không rõ địa chỉ của người được thông báo.

Đôi khi nhiều chấp hành viên còn nhầm lẫn giữa các thuật ngữ "không rõ địa chỉ" với "không rõ thời điểm trở về". Trong thực tế, có thể coi là "không rõ địa chỉ" trong một số trường hợp điển hình như đương sự đã từng cư trú tại 1 địa phương nhất định, sau đó đã làm thủ tục chuyển hộ khẩu đi một địa phương khác hoặc cũng có thể tự bỏ đi khỏi địa phương mà đến thời điểm xác minh không có bất kỳ thông tin nào về nơi đương sự đang tạm trú hoặc thường trú, đương sự cũng rất ít hoặc chưa từng quay trở lại địa phương, và địa phương không còn quản lý nhân khẩu đối với họ nữa. Hay nói cách khác, điều quan trọng nhất để xác định là "không rõ địa chỉ" chính là không xác định được nơi đang cư trú và tuần suất họ có mặt tại nơi cư trú cuối cùng là rất thấp. Khi tiến hành xác minh, chấp hành viên cần hết sức lưu ý  làm rõ vấn đề này để có đủ cơ sở áp dụng hình thức niêm yết công khai văn bản thông báo về thi hành án.

+ Khi không thực hiện được việc thông báo trực tiếp.

Như đã phân tích ở trên, khi rơi vào các trường hợp như người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận thay văn bản thông báo và cũng không rõ thời điểm trở về của người được thông báo thì khi đó, người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc thông báo trực tiếp, sau đó hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện việc niêm yết công khai.

Về thủ tục thực hiện việc niêm yết đã được quy định rõ tại Điều 42 Luật Thi hành án dân sự, Khoản 7 Điều 3 Thông tư số 14, khi thực hiện cần đảm bảo đầy đủ về thành phần, địa điểm và ghi rõ thời hạn niêm yết theo đúng quy định.

+ Khi pháp luật có quy định.

Điều này được hiểu là ngoài các trường hợp nêu trên, nếu pháp luật có quy định cần phải thực hiện việc niêm yết công khai thì việc thông báo cho dù đã thực hiện đầy đủ, hợp lệ bằng hình thức thông báo trực tiếp thì vẫn còn phải thực hiện thêm việc niêm yết công khai. Ví dụ trong trường hợp bán đấu giá tài sản, trình tự, thủ tục niêm yết là bắt buộc và phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP,ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đây là hình thức thông báo cuối cùng, có tính chất rộng rãi nhất, cũng là hình thức thông báo mà hiện nay nhiều chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dễ hiểu và thực hiện sai nhất. Xin phân tích cụ thể như sau:

Điều kiện áp dụng hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng:

+ Chỉ khi pháp luật có quy định.

Được hiểu là khi nào pháp luật quy định bắt buộc phải thực hiện thì mới được thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm các trường hợp:

- Thông báo về bán đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 17:

" 2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới ba mươi triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu."

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xác minh trước khi đình chỉ thi hành án theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 14:

" 2. Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ lợi ích của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án."

+ Khi đương sự có yêu cầu.

Ở đây, cần có cách hiểu đúng rằng khi đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án) và thậm chí kể cả người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được thông báo qua phương tiện thông tin đại chúng mà họ mới chính là đối tượng được thông báo thì khi đó cơ quan Thi hành án mới được thực hiện thông báo bằng hình thức này. Thực tế hiện nay, một số chấp hành viên và cơ quan Thi hành án vẫn thực hiện trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan Thi hành án thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các quyết định, văn bản để người phải thi hành án nắm được. Điều này là hoàn toàn trái quy định của Điều luật đã quy định ở trên và hoàn toàn có thể xảy ra khiếu nại của người phải thi hành án với lý do cơ quan Thi hành án thông báo không đúng hình thức, gây ảnh hưởng đến uy tín của họ.

Cũng cần lưu ý, khi thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo yêu cầu của người được nhận thông báo, chấp hành viên cần lưu được văn bản yêu cầu cũng như văn bản thể hiện kết quả thông báo để làm cơ sở.

Sau khi đã xác định có đủ cơ sở để áp dụng, tức là thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì chỉ khi đó mới được thực hiện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi đó, thủ tục thông báo sẽ được thực hiện theo Khoản 2, 3 Điều 43 Luật Thi hành án dân sự.

Nếu chỉ phân tích độc lập quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự, rất dễ hiểu lầm Khoản 2 chính là điều kiện áp dụng hình thức thông báo này. Chính vì vậy mà hiện nay, bên cạnh một số thông báo có đủ điều kiện thực hiện như đã phân tích ở trên, phần lớn các cơ quan Thi hành án dân sự đều thực hiện việc thông báo trên báo Trung ương (báo Pháp luật Việt Nam) với mục đích để đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nắm được quyền, nghĩa vụ của mình mà không xem xét đến điều kiện áp dụng. Xét về mục đích thì việc thông báo như vậy là hoàn toàn có thể chấp nhận được, tuy nhiên vì không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng nên nếu đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khiếu nại thì rõ ràng việc thông báo đó là không đúng pháp luật và thậm chí có thể phát sinh việc bồi thường thiệt hại vì ảnh hưởng đến uy tín của người được thông báo.

Nhìn chung, trong suốt quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định, việc thông báo về thi hành án diễn ra không chỉ duy nhất một lần mà có thể phải thực hiện thường xuyên, điều này ảnh hưởng lớn đến việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nắm được quyền, nghĩa vụ của mình hay không để thực hiện. Điều đó cũng quyết định đến hiệu quả của hoạt động thi hành án, cũng là một yếu tố đánh giá chất lượng hoạt động thi hành án dân sự. Vì vậy, việc nhận thức, áp dụng đúng, đủ các quy định của pháp luật về thông báo thi hành án là rất quan trọng và cần thiết. Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án không thể vì tâm lý "thừa còn hơn thiếu" mà gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là những phân tích mang tính trực quan, để các đồng chí, đồng nghiệp có cách nhìn, cách hiểu đúng hơn các quy định của pháp luật liên quan đến thông báo về thi hành án. Trong nhận thức cũng như lý luận còn hạn chế, rất mong nhận được ý kiến phản hồi, trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.

Lương Thanh Tùng